cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg ngày 27/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ Về chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã thuộc 61 huyện nghèo và chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP

  • Số hiệu văn bản: 70/2009/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 27-04-2009
  • Ngày có hiệu lực: 12-06-2009
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5643 ngày (15 năm 5 tháng 18 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 70/2009/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH LUÂN CHUYỂN, TĂNG CƯỜNG CÁN BỘ CHỦ CHỐT CHO CÁC XÃ THUỘC 61 HUYỆN NGHÈO VÀ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI, KHUYẾN KHÍCH THU HÚT TRÍ THỨC TRẺ, CÁN BỘ CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT VỀ THAM GIA TỔ CÔNG TÁC TẠI CÁC XÃ THUỘC 61 HUYỆN NGHÈO THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 30a/2008/NQ-CP NGÀY 27 THÁNG 12 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quyết định này quy định chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã thuộc 61 huyện nghèo; chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã (trừ thị trấn) thuộc 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP).

Điều 2. Chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ tỉnh, huyện về đảm nhận các chức danh lãnh đạo chủ chốt ở các xã thuộc 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.

1. Đối tượng, nguồn cán bộ và thời hạn luân chuyển, tăng cường

a) Thực hiện việc luân chuyển, tăng cường có thời hạn đối với cán bộ, công chức ở cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện về đảm nhận các chức danh lãnh đạo chủ chốt để tổ chức triển khai thực hiện cơ chế, chính sách ở các xã thuộc 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP;

b) Thời hạn luân chuyển, tăng cường từ 03 đến 05 năm.

2. Tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường

a) Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo; am hiểu hệ thống chính trị cấp xã với những nét đặc thù ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

b) Có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên và kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ; ưu tiên cán bộ, công chức nói, hiểu được tiếng dân tộc và phong tục tập quán của đồng bào tại địa phương; có khả năng tuyên truyền, vận động quần chúng;

c) Có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình công tác;

d) Tuổi đời tối đa không quá 40; đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ được giao;

đ) Trong thời gian 3 năm trước khi luân chuyển, tăng cường luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao và không bị kỷ luật từ khiển trách trở lên.

3. Nhiệm vụ của cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường

Cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường được giao đảm nhận chức danh nào thì phải thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ của chức danh đó; đồng thời cùng với cấp ủy, chính quyền xã tổ chức thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp trên các lĩnh vực cụ thể sau:

a) Tổ chức thực hiện tốt công tác cải cách hành chính ở địa phương và việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức cấp xã bảo đảm chuyên môn, chuyên nghiệp hóa;

b) Tổ chức thực hiện phát triển sản xuất, khai thác thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của nhân dân, làm chuyển biến tích cực kinh tế - xã hội của địa phương;

c) Tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển văn hóa, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số và bảo vệ tài nguyên môi trường;

d) Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phù hợp với tập quán, văn hóa của mỗi vùng dân tộc;

đ) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh – quốc phòng; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; chính sách dân tộc, chính sách tín ngưỡng tôn giáo;

e) Tổ chức công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng, cơ quan nhà nước và các đoàn thể quần chúng;

g) Tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương về nâng cao quyền năng cho phụ nữ, nâng cao bình đẳng giới;

h) Tổ chức thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình, công tác bình đẳng giới và bảo vệ phụ nữ, chống bạo lực gia đình;

i) Tổ chức sơ kết, tổng kết những cơ chế, mô hình tốt để nhân ra diện rộng.

4. Quyền lợi của cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường

a) Được giữ nguyên lương, phụ cấp chức vụ, các quyền lợi khác (nếu có) và biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi. Trường hợp địa bàn đến công tác có phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực, phụ cấp đặc biệt cao hơn thì được hưởng mức phụ cấp cao hơn; cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp ngay sau khi hết thời hạn luân chuyển, tăng cường;

b) Trong thời gian luân chuyển, tăng cường mà hoàn thành nhiệm vụ thì được xét dự thi nâng ngạch; nâng bậc lương trước thời hạn 12 tháng so với thời gian quy định; được ưu tiên xem xét, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo thích hợp khi cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu;

5. Chính sách hỗ trợ, trợ cấp đối với cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường

Ngoài các quyền lợi quy định tại khoản 4 Điều này cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường còn được:

a) Hỗ trợ ban đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung;

b) Trường hợp cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường có gia đình chuyển đi theo thì được trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên đi cùng và được trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung cho một hộ;

c) Trợ cấp thêm hàng tháng bằng 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Trợ cấp này được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;

d) Được thanh toán tiền tàu xe đi và về thăm gia đình khi nghỉ hàng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng được hưởng lương theo quy định.

6. Kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường về xã do ngân sách nhà nước bảo đảm và được tính trong tổng kinh phí thực hiện Đề án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, huyện; cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức trước khi luân chuyển, tăng cường chi trả.

Điều 3. Chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.

Trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật tình nguyện (không quá 30 tuổi) tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 61 huyện nghèo được hưởng các chính sách ưu đãi sau:

1. Người đang hưởng lương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội khác được hưởng các chính sách như cán bộ tỉnh, huyện luân chuyển, tăng cường về xã quy định tại các khoản 4 và 5 Điều 2 Quyết định này.

2. Người không hưởng lương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội khác tình nguyện tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 61 huyện nghèo được hưởng các chính sách ưu đãi, gồm:

a) Trong thời gian tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 61 huyện nghèo:

- Được cơ quan có thẩm quyền ký hợp đồng lao động; mức tiền công hàng tháng tương đương mức lương của cán bộ, công chức xã có cùng trình độ và thâm niên công tác;

- Được hưởng các chế độ phụ cấp như cán bộ, công chức xã trên cùng địa bàn và được hưởng thêm các chính sách thu hút của địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định;

- Được tham gia và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;

- Được trang bị phương tiện làm việc theo quy định như đối với cán bộ, công chức;

- Được hỗ trợ ban đầu như đối với cán bộ tỉnh, huyện luân chuyển, tăng cường về xã;

- Được bố trí chỗ ở và nơi làm việc;

- Được hoãn nghĩa vụ quân sự trong thời gian tham gia tổ công tác;

- Nếu có hành động dũng cảm bảo vệ an ninh quốc gia, tài sản nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân mà bị thương thì được xem xét hưởng chính sách như thương binh, nếu hy sinh thì được xem xét xác nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;

- Được hưởng chế độ nghỉ hàng năm và chế độ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật về lao động;

- Được thanh toán tiền tàu xe đi và về thăm gia đình khi nghỉ hàng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng được hưởng lương theo quy định;

- Được tham gia các hoạt động chính trị - kinh tế - xã hội ở địa phương và dự các lớp bồi dưỡng chính trị khi có yêu cầu.

b) Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở tổ công tác tại các xã thuộc 61 huyện nghèo:

- Được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận “Đã hoàn thành nhiệm vụ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi”, xét tặng Huy hiệu “Thanh niên tình nguyện”;

- Được trợ cấp một lần bằng 3 tháng tiền công trong thời gian công tác tại tổ công tác ở các xã thuộc 61 huyện nghèo;

- Nếu trở về địa phương nơi xuất phát, thì được Ủy ban nhân dân các cấp giúp đỡ tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

- Nếu có nguyện vọng ở lại lâu dài nơi tình nguyện đến công tác, thì được ưu tiên sắp xếp việc làm, tạo điều kiện chỗ ở, phương tiện sản xuất và điều kiện sinh hoạt;

- Nếu có nguyện vọng đưa gia đình đến định cư hoặc xây dựng gia đình và định cư tại các xã thuộc 61 huyện nghèo, thì được hưởng thêm mức hỗ trợ di dân theo quy định hiện hành;

- Được cộng điểm ưu tiên khi thi tuyển vào công chức, viên chức theo quy định của pháp luật;

- Khi được tuyển dụng vào công chức, viên chức nhà nước thì không phải thực hiện chế độ tập sự, thử việc và được bổ nhiệm ngay vào ngạch được tuyển dụng;

- Sau khi bổ nhiệm vào ngạch được nâng lương lần đầu sớm hơn quy định hiện hành 12 tháng;

- Nếu tham gia thi tuyển vào các hệ đào tạo cao đẳng, đại học và sau đại học thì được ưu tiên cộng thêm điểm vào kết quả thi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Kinh phí thực hiện các chế độ của tổ viên tham gia tổ công tác xã do ngân sách nhà nước bảo đảm và được tính trong tổng kinh phí thực hiện Đề án giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Điều 4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện, xã

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định những vị trí lãnh đạo của các xã cần luân chuyển, tăng cường cán bộ, loại cán bộ, thời gian luân chuyển, tăng cường cán bộ bảo đảm đúng đối tượng và tiêu chuẩn cán bộ quy định tại Điều 2 Quyết định này; chỉ đạo Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch luân chuyển, tăng cường, quy chế làm việc đối với cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường cho các xã; quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ công tác với cơ sở, hàng năm có nhận xét, đánh giá cụ thể đối với cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường, thông báo cho cơ quan về tình hình cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị cử đi luân chuyển, tăng cường; tổ chức thực hiện chính sách thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại xã.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc luân chuyển, tăng cường cán bộ, công chức, thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác xã theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quyết định số cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường thuộc biên chế được giao của cơ quan, đơn vị; tập huấn những kiến thức cần thiết đối với cán bộ, công chức, trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về phương pháp làm việc, phương pháp tuyên truyền, vận động quần chúng và đào tạo tiếng dân tộc thiểu số nơi đến luân chuyển, tăng cường.

3. Ủy ban nhân dân xã phối hợp, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường về xã thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Quyết định này; bố trí chỗ ở, nơi làm việc để cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường hoàn thành nhiệm vụ, tạo điều kiện giúp tổ công tác xã thực hiện nhiệm vụ được giao.

Điều 5. Trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương

1. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Quyết định này ở các địa phương và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Tài chính hướng dẫn việc xây dựng dự toán, thanh quyết toán kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách quy định tại Quyết định này và tổng hợp vào tổng kinh phí thực hiện Đề án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, huyện.

3. Đề nghị Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch, tuyên truyền vận động thanh niên, trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật tình nguyện đến các xã thuộc 61 huyện nghèo tham gia tổ công tác để phát triển địa phương.

4. Các Bộ, ngành khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình hướng dẫn và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc luân chuyển, tăng cường cán bộ, công chức xuống các xã thuộc huyện nghèo và hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng kiến thức đối với cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường giúp Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết yêu cầu, nhiệm vụ có liên quan.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 6 năm 2009.

Điều 7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu Văn thư, KGVX (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Sinh Hùng