Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 24/04/2009 Ban hành Quy định thực hiện Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 trên địa bàn tỉnh Lai Châu (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 10/2009/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lai Châu
- Ngày ban hành: 24-04-2009
- Ngày có hiệu lực: 04-05-2009
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 22-07-2010
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-07-2015
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2269 ngày (6 năm 2 tháng 19 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-07-2015
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2009/QĐ-UBND | Lai Châu, ngày 24 tháng 4 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND, UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 – 2010;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 01/2008/TTLT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NNPTNT ngày 15/9/2008 của Liên Bộ Uỷ ban Dân tộc, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010;
Căn cứ Thông tư số 12/2009/TT-BNN ngày 06/3/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2006 - 2010;
Căn cứ Quyết định số 3989/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/12/2007; Quyết định số 4013/QĐ-BNN-KHCN ngày 18/12/2007; Quyết định số 3276/QĐ-BNN-KHCN ngày 24/10/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành định mức tạm thời áp dụng cho các chương trình khuyến nông chăn nuôi; chương trình, dự án khuyến nông; chương trình khuyến ngư;
Theo đề nghị của Ban Dân tộc tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế các Quyết định số 06/2007/QĐ-UBND ngày 23/3/2007; số 25/2007/QĐ-UBND ngày 23/11/2007 của UBND tỉnh về việc Ban hành Quy định thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Quyết định số 22/2007/QĐ-UBND ngày 18/10/2007 về ban hành quy định thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2006 - 2010;
Điều 3. Ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và các xã thụ hưởng Chương trình 135 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2006 – 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 24/4 /2009 của UBND tỉnh Lai Châu)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy định này hướng dẫn và cụ thể hoá một số nội dung của Thông tư Liên tịch số 01/2008/TTLT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NNPTNT ngày 15 tháng 9 năm 2008 của Liên Bộ Uỷ ban Dân tộc, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh nhằm đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 – 2010 (sau đây gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn II) đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Điều 2. Quy định trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và các bên tham gia Chương trình 135 giai đoạn II trên địa bàn tỉnh từ năm 2009 - 2010.
Điều 3. Những nội dung không quy định tại văn bản này được thực hiện theo những quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NNPTNT ngày 15 tháng 9 năm 2008 của Liên Bộ Uỷ ban Dân tộc, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 – 2010; và các văn bản quy định khác để thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II.
Điều 4. Đối tượng được thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn II
1. Các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu (sau đây gọi tắt là xã đặc biệt khó khăn) thuộc đối tượng thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn II;
2. Các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II (sau đây gọi tắt là bản đặc biệt khó khăn) thuộc đối tượng thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn II.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Quy định cụ thể để thực hiện các dự án và chính sách thành phần
I. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất
1. Nội dung, định mức và tỷ lệ hỗ trợ
a) Hỗ trợ cho hộ nghèo: Nội dung hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo gồm giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất, công cụ, máy móc, thiết bị sản xuất.
- Mức hỗ trợ không quá 1 triệu đồng/hộ/năm;
- Tỷ lệ hỗ trợ: 100% giá giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất, công cụ, máy móc, thiết bị sản xuất và cước phí vận chuyển đến trung tâm xã.
b) Hỗ trợ cho nhóm hộ:
- Số lượng, tỷ lệ hộ nghèo trong nhóm do Uỷ ban nhân dân xã quyết định, nhưng số lượng hộ tham gia trong nhóm không dưới 5 hộ, tỷ lệ hộ nghèo trong nhóm không dưới 80% tổng số hộ của nhóm.
- Mức hỗ trợ: Tuỳ theo số lượng thành viên tham gia trong nhóm sản xuất, Uỷ ban nhân dân huyện, thị quyết định mức hỗ trợ, nhưng tối đa không quá 3 triệu đồng/hộ/năm.
- Tỷ lệ hỗ trợ: 100% giá giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất, công cụ, máy móc, thiết bị sản xuất, bảo quản sản phẩm thu hoạch và cước phí vận chuyển đến trung tâm xã.
Từ kế hoạch năm 2009, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ điều kiện thực tế để lựa chọn nội dung hỗ trợ phù hợp, trong đó ưu tiên tập trung hỗ trợ các dự án sản xuất theo nhóm hộ, chỉ hỗ trợ cho hộ riêng lẻ khi không thành lập được nhóm hộ hoặc hình thức hỗ trợ trực tiếp cho hộ phù hợp và hiệu quả hơn.
2. Định mức kinh tế - kỹ thuật : Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 3989/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/12/2007; Quyết định số 4013/QĐ-BNN-KHCN ngày 18/12/2007; Quyết định số 3276/QĐ-BNN-KHCN ngày 24/10/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành định mức tạm thời áp dụng cho các chương trình khuyến nông chăn nuôi; chương trình, dự án khuyến nông; chương trình khuyến ngư.
3. Định mức phân bổ vốn: Định mức để các huyện, thị làm căn cứ phân bổ vốn theo xã, thôn bản có cấp độ khó khăn khác nhau theo hai loại (loại I, loại II) đối với Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất như sau:
a) Đối với xã đặc biệt khó khăn:
+ Xã được xếp vào loại I: Mức vốn được cấp tối đa không quá 90% mức vốn Trung ương hỗ trợ bình quân cho 01 xã/năm.
+ Xã được xếp vào loại II: Mức vốn được cấp tối thiểu không dưới 100% mức vốn Trung ương hỗ trợ bình quân cho 01 xã/năm.
b) Đối với bản đặc biệt khó khăn :
+ Bản được xếp vào loại I: Mức vốn được cấp tối đa không quá 90% mức vốn Trung ương hỗ trợ bình quân cho 01 bản/năm.
+ Bản được xếp vào loại II: Mức vốn được cấp tối thiểu không dưới 100% mức vốn Trung ương hỗ trợ bình quân cho 01 bản/năm.
4. Lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch và thanh quyết toán nguồn vốn : Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 12/2009/TT-BNN ngày 06/3/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2006 - 2010;
5. Chi phí quản lý và tổ chức thực hiện dự án: Chi phí quản lý và tổ chức thực hiện dự án (chủ đầu tư và các đơn vị liên quan) bằng 3% tổng giá trị dự án được duyệt.
6. Chủ đầu tư: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thực hiện phân cấp cho cấp xã chịu trách nhiệm làm chủ đầu tư. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp đỡ các xã thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư. Trường hợp xã chưa đủ điều kiện làm chủ đầu tư, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp Uỷ ban nhân dân huyện, thị thực hiện nhiệm vụ của chủ đầu tư, Uỷ ban nhân dân xã cử người tham gia cùng với chủ đầu tư để quản lý dự án.
7. Tổ chức thực hiện
- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh. Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành, cụ thể hoá các cơ chế, chính sách của Trung ương; quản lý, kiểm tra, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các huyện, thị thực hiện tốt chính sách theo quy định của Nhà nước.
- Uỷ ban nhân dân các huyện, thị chịu trách nhiệm toàn diện trước Uỷ ban nhân dân tỉnh về hiệu quả của dự án, giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp Uỷ ban nhân dân huyện, thị thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn.
- Uỷ ban nhân dân các xã chịu trách nhiệm toàn diện trước Uỷ ban nhân dân huyện, thị về hiệu quả của dự án trên địa bàn, tổ chức thực hiện Dự án theo đúng các quy định hiện hành, tuyên truyền vận động và giao cho các tổ chức đoàn thể xã hướng dẫn người dân phát triển sản xuất.
II. Quy định đối với Dự án phát triển cơ sở hạ tầng
1. Phân cấp quản lý
1.1. Cấp quyết định đầu tư là Uỷ ban nhân dân các huyện, thị.
1.2. Chủ đầu tư:
a) Những công trình đầu tư có tính chất sử dụng trên phạm vi liên xã, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị làm chủ đầu tư.
b) Những công trình do một xã quản lý sử dụng do Uỷ ban nhân dân xã làm chủ đầu tư. Trong trường hợp xã có khó khăn trong việc làm chủ đầu tư, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã có trách nhiệm cử cán bộ giúp xã để xã có đủ điều kiện làm chủ đầu tư. Trong trường hợp xã chưa đủ điều kiện làm chủ đầu tư, Uỷ ban nhân dân huyện làm chủ đầu tư, Uỷ ban nhân dân xã cử người tham gia cùng với chủ đầu tư để quản lý dự án và tổ chức tiếp nhận công trình đưa vào sử dụng.
2. Ban quản lý Dự án
a) Đối với các dự án giao cho huyện làm chủ đầu tư thì không phải thành lập Ban quản lý dự án mới, sử dụng Ban quản lý dự án hiện có để thực hiện.
b) Đối với các dự án giao cho xã làm chủ đầu tư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã căn cứ điều kiện thực tế để quyết định thành lập Ban quản lý dự án cấp xã. Ban quản lý dự án cấp xã có tư cách pháp nhân, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước huyện và sử dụng con dấu của xã để giao dịch.
Thành phần Ban quản lý dự án cấp xã gồm:
- Đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân xã làm Trưởng Ban quản lý dự án;
- Các thành viên gồm: Kế toán, cán bộ Uỷ ban nhân dân, cán bộ hợp đồng có chuyên môn, thành viên khác theo nhiệm kỳ (trưởng hoặc phó thôn, bản ...) và những người dân có uy tín trong cộng đồng. Ưu tiên thành viên tham gia Ban quản lý dự án là nữ.
Trong trường hợp không thành lập Ban quản lý dự án cấp xã, Uỷ ban nhân dân các huyện giao cho Ban quản lý dự án huyện giúp xã hiểu hành, tổ chức thực hiện các công trình thuộc phạm vi xã làm chủ đầu tư. Nếu Ban quản lý dự án cấp huyện không thể đảm nhiệm, cho phép chủ đầu tư được thuê các tổ chức tư vấn để điều hành, giám sát công trình.
3. Thực hiện đầu tư xây dựng công trình giao thông: Chương trình 135 giai đoạn II chỉ đầu tư công trình giao thông từ xã đến thôn bản, liên thôn bản.
Công trình giao thông từ xã đến thôn bản, liên thôn bản bao gồm các công trình: cầu, cống, đường giao thông.
a) Đối với công trình cầu: chỉ đầu tư công trình cầu treo dân sinh trên các tuyến đường từ xã đến thôn bản hoặc liên thôn bản, từ thôn bản đến khu vực sản xuất tập trung.
b) Đối với công trình đường giao thông: Chương trình 135 giai đoạn II đầu tư công trình đường giao thông cho xe cơ giới và cống trên tuyến (từ xe máy trở lên) từ trung tâm xã, từ các điểm của trục giao thông chính đến các thôn bản và liên thôn bản.
- Đối với công trình đường giao thông nông thôn: Chủ đầu tư căn cứ tính chất và hiệu quả kinh tế của công trình để quyết định đầu tư cho phù hợp, nhưng kinh phí thuộc Chương trình 135 trong tổng mức đầu tư cho một công trình đường giao thông nông thôn được duyệt không quá 1 tỷ đồng (Chi phí khảo sát thiết kế, lập dự toán thực hiện theo quy định hiện hành).
- Đối với công trình đường giao thông dân sinh nhằm phục vụ người đi bộ, ngựa thồ và xe máy đi lại có nền rộng từ 2m đến 2,5m, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/km. Giao cho phòng Công thương huyện tiến hành khảo sát, tính toán khối lượng lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, dự toán, hướng dẫn kiểm tra và chỉ đạo công tác thi công, nổ mìn phá đá. Chi phí khảo sát, thiết kế và lập dự toán bằng 3,5% tổng giá trị công trình.
+ Chủ đầu tư có trách nhiệm niêm yết thông báo công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, nhà văn hoá thôn, bản, khu đông người qua lại và họp dân để thông báo cụ thể để người dân trong thôn bản, trong xã tham gia thi công công trình.
+ Trường hợp trong xã không có nhóm hoặc tổ đội tham gia thi công công trình, chủ đầu tư lựa chọn một đơn vị thi công là doanh nghiệp.
+ Khi hoàn thành khối lượng, hai bên (A-B) lập biên bản nghiệm thu theo quy định. Chủ đầu tư có trách nhiệm thanh toán trực tiếp cho người đại diện của tổ, nhóm lao động của thôn bản.
+ Thủ tục thanh toán: Đối với gói thầu thực hiện theo hình thức khoán gọn, ngoài các văn bản liên quan khác chủ đầu tư phải lập theo quy định, chủ đầu tư chuyển cho Kho bạc nhà nước huyện một bộ hồ sơ thanh toán vốn, trong đó có hợp đồng, biên bản nghiệm thu hợp đồng hoàn thành, biên bản thanh lý hợp đồng giữa chủ đầu tư với đơn vị tổ, nhóm của thôn bản đã ký thực hiện gói thầu. Nếu trong gói thầu có các vật liệu phải mua của công ty hoặc hộ kinh doanh thì bắt buộc phải có hoá đơn hợp lệ. Trường hợp mua bán trong dân thì phải có giấy biên nhận mua bán của hộ, có xác nhận của trưởng thôn và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã và nằm trong khung giá do Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt là đủ điều kiện thanh toán.
4. Phân bổ vốn hàng năm: Định mức để các huyện, thị làm căn cứ phân bổ vốn theo xã, thôn bản có cấp độ khó khăn theo 2 loại (loại I, loại II) đối với Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như sau:
a) Đối với xã đặc biệt khó khăn:
+ Xã được xếp vào loại I: Mức vốn được cấp tối đa không quá 90% mức vốn Trung ương hỗ trợ bình quân cho 01 xã/năm.
+ Xã được xếp vào loại II: Mức vốn được cấp tối thiểu không dưới 100% mức vốn Trung ương hỗ trợ bình quân cho 01 xã/năm.
b) Đối với bản đặc biệt khó khăn:
+ Bản được xếp vào loại I: Mức vốn được cấp tối đa không quá 90% mức vốn Trung ương hỗ trợ bình quân cho 01 bản/năm.
+ Bản được xếp vào loại II: Mức vốn được cấp tối thiểu không dưới 100% mức vốn Trung ương hỗ trợ bình quân cho 01 bản/năm.
5. Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135 giai đoạn II: thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2008/TT-BXD ngày 02/01/2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 – 2010.
6. Giám sát hoạt động thi công
- Tổ chức giám sát thi công công trình xây dựng: Ngoài các tổ chức giám sát của tư vấn, chủ đầu tư, Ban giám sát xã phải tích cực thực hiện công tác giám sát.
- Chi phí cho Ban giám sát xã được tính bằng 1% của chi phí xây dựng (chưa có thuế giá trị gia tăng) trong chi phí đầu tư xây dựng công trình được duyệt. Phần kinh phí này, chủ đầu tư chỉ đạo các đơn vị tư vấn lập trong tổng dự toán công trình, giao Ban quản lý dự án của chủ đầu tư hướng dẫn nội dung chi cụ thể để Ban giám sát xã lập dự toán trình chủ đầu tư phê duyệt thực hiện, Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm quyết toán nội dung chi phí 1% với chủ đầu tư.
7. Bàn giao, quản lý, khai thác và sử dụng công trình sau đầu tư: Sau khi công trình hoàn thành, chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu và bàn giao công trình cho xã để xã giao cho thôn, bản, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm quản lý, sử dụng và thực hiện duy tu, bảo dưỡng theo quy định. Khi thực hiện bàn giao phải đủ hồ sơ, tài liệu của công trình và có sự chứng kiến của các tổ chức đoàn thể xã.
8. Duy tu, bảo dưỡng công trình: Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 02/2009/QĐ-UBND ngày 02/3/2009 của UBND tỉnh về ban hành quy định thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư trên địa bàn các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2006 – 2010.
III. Dự án đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ và tập huấn nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn bản và cộng đồng
1. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn: Tập trung vào các nội dung đào tạo sau đây:
- Nội dung thứ nhất: Bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ làm chủ đầu tư và nghiệp vụ giám sát cho các thành viên Ban quản lý dự án và Ban giám sát xã.
- Nội dung thứ hai: Tập huấn nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về Chương trình 135 và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn cho đội ngũ cán bộ xã.
- Nội dung thứ ba: Tập huấn nhằm truyền đạt kiến thức khoa học kỹ thuật giúp người dân phát triển sản xuất; kiến thức xây dựng các mô hình sản xuất cho các hộ nông dân.
- Nội dung thứ tư: Trao đổi, học tập kinh nghiệp quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình 135 và cách thức làm ăn của các hộ dân có kinh nghiệm thuộc xã 135 trong và ngoài tỉnh.
2. Tổ chức thực hiện dự án: Tuỳ theo từng nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ giao cho các đơn vị có đủ điều kiện trực tiếp thực hiện.
3. Nội dung và định mức chi thực hiện theo quy định hiện hành.
IV. Chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật
Thực hiện theo Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 06/2007/TT-UBDT ngày 20/9/2007 của Uỷ Ban Dân tộc về việc hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý nâng cao nhận thức về pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Tổ chức bộ máy quản lý từ tỉnh đến xã
1. Cấp tỉnh : Giúp việc cho Uỷ ban nhân dân tỉnh là Ban chỉ đạo Chương trình 135 giai đoạn II. Nhiệm vụ của các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện theo Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình 135 giai đoạn II tỉnh Lai Châu.
2. Cấp huyện : Giao Uỷ ban nhân dân các huyện, thị quyết định thành lập Ban chỉ đạo Chương trình 135 giai đoạn II của huyện và xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo cấp huyện, thị.
3. Cấp xã : Uỷ ban nhân dân xã căn cứ điều kiện thực tế để quyết định thành lập Ban chỉ đạo Chương trình 135 của xã, trong trường hợp không thành lập Ban chỉ đạo Chương trình 135, Uỷ ban nhân dân xã sử dụng Ban chỉ đạo Chương trình xoá đói giảm nghèo và bổ sung nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II.
Điều 7. Chế độ báo cáo
Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 04/2008/QĐ-UBDT ngày 08/8/2008 của Uỷ ban Dân tộc về việc ban hành Quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010.
Điều 8. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc chưa phù hợp đề nghị phản ánh bằng văn bản về Cơ quan thường trực Chương trình 135 của tỉnh để nghiên cứu, tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ sung kịp thời./.