cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 24/04/2009 Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y trong hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 06/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Ngày ban hành: 24-04-2009
  • Ngày có hiệu lực: 24-04-2009
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 18-08-2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1212 ngày (3 năm 3 tháng 27 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 18-08-2012
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 18-08-2012, Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 24/04/2009 Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y trong hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 08/08/2012 Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành đến ngày 30/6/2012 đã hết hiệu lực pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Việt Trì, ngày 24 tháng 4 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM DỊCH, KIỂM SOÁT GIẾT MỔ VÀ KIỂM TRA VỆ SINH THÚ Y TRONG HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN, BUÔN BÁN, GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM, SẢN PHẨM GIA SÚC, GIA CẦM

Trong những năm qua, công tác tiêm phòng vác xin, khử trùng tiêu độc phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Tuy nhiên, nguồn dịch bệnh luôn tiềm ẩn,

có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào, do: Công tác quản lý Nhà nước về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y hiện nay còn yếu, nhiều hạn chế, một số địa phương buông lỏng quản lý. Ý thức chấp hành các quy định bắt buộc trong công tác phòng chống dịch của người dân chưa cao, như: Vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm (kể cả con giống, con thương phẩm) và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch; các điểm giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm chưa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.

Để đảm bảo thực hiện chặt chẽ các quy định trong công tác phòng chống dịch, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị:

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung Pháp lệnh Thú y, Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ, trong đó quán triệt thực hiện nghiêm túc nội dung về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật.

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng (thú y, quản lý thị trường, công an), UBND các xã, phường, thị trấn, các Ban quản lý chợ tăng cường kiểm tra điều kiện hoạt động và việc chấp hành các quy định về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y động vật của các tổ chức, cá nhân có hoạt động vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn, đặc biệt chú trọng công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tại các đầu mối giao thông vào huyện, các cơ sở, điểm giết mổ và các chợ có hoạt động buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm. Phát hiện và xử lý nghiêm minh các đối tượng thiếu trách nhiệm, trốn tránh hoặc không tuân thủ các quy định. Việc kiểm tra, kiểm soát phải thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả.

- Chỉ đạo rà soát, sắp xếp hợp lý địa điểm kinh doanh, buôn bán gia súc, gia cầm tại các chợ; xây dựng quy hoạch các lò giết mổ động vật tập trung, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y, không gây ô nhiễm môi trường theo quy định.

2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT:

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan, các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền phổ biến các quy định của Nhà nước về công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y động vật để các tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động trong lĩnh vực này nắm được và tuân thủ thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn cho lực lượng cán bộ chỉ đạo, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ thực hiện công tác kiểm dịch.

- Chỉ đạo Chi cục Thú y, 02 trạm kiểm dịch động vật đầu cầu Trung Hà và Việt Trì tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo thanh tra chuyên ngành thú y phối hợp với thanh tra các sở, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và đề xuất biện pháp xử lý đối với các tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

3. Giám đốc Sở Công thương:

- Chỉ đạo chấn chỉnh việc cấp phép hoạt động giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn, nhất thiết chỉ cấp giấy phép kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm cho các đối tượng đã có đủ điều kiện tiêu chuẩn về vệ sinh thú y.

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các sở, ngành của cấp huyện tăng cường công tác kiểm tra điều kiện kinh doanh và việc chấp hành các quy định trong công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật.

4. Giám đốc các sở, ngành khác: Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương để thực hiện các nội dung nêu trên.

Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Đình Vượng