Quyết định số 18/2009/QĐ-UBND ngày 03/03/2009 Về Quy định tổ chức và hoạt động của Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Hà do tỉnh Kon Tum ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 18/2009/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Kon Tum
- Ngày ban hành: 03-03-2009
- Ngày có hiệu lực: 13-03-2009
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 16-04-2015
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2225 ngày (6 năm 1 tháng 5 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 16-04-2015
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2009/QĐ-UBND | Kon Tum, ngày 03 tháng 03 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG BAN QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ ĐẮK HÀ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 265/TTr-SNV ngày 24 tháng 02 năm 2009),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định về tổ chức và hoạt động của Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Hà và Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Hà chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ ĐẮK HÀ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2009/QĐ-UBND, ngày 03 tháng 3 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh).
Chương I
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 1. Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Hà (sau đây gọi tắt là Ban quản lý) là đơn vị sự nghiệp có thu, chịu sự quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ban quản lý có chức năng quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng; trồng và chăm sóc rừng trồng, rừng phòng hộ; khoanh nuôi phục hồi rừng; nuôi dưỡng làm giàu rừng, cải tạo rừng; khai thác gỗ và lâm sản trong rừng phòng hộ; khoán rừng và đất lâm nghiệp; dịch vụ giống cây trồng theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Ban quản lý có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định. Trụ sở của Ban quản lý đóng tại huyện Đắk Hà, tỉnh KonTum.
Điều 3. Lâm phần của Ban quản lý gồm 13 tiểu khu: 312, 313, 314, 315, 316, 317, 318, 319, 322, 323, 326, 330 thuộc xã Đăk PXy và tiểu khu 344 thuộc xã Đăk Ui huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum với tổng diện tích 16.026,2 ha (trong đó: diện tích đất có rừng là 14.687,3 ha; diện tích đất chưa có rừng: 1.338,9 ha).
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý thực hiện theo quy định tại Điều 62 của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004; Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng và các văn bản khác có liên quan.
Chương II
TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ BIÊN CHẾ
Điều 5. Tổ chức bộ máy của Ban.
1. Trưởng ban, Phó Trưởng ban.
Trưởng ban, Phó Trưởng ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm.
2. Cơ cấu bộ máy gồm có 02 Phòng:
a, Phòng Tổ chức - Hành chính.
b, Phòng Nghiệp vụ.
Phòng có Trưởng phòng và Phó trưởng phòng do Trưởng ban bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm theo quy định về phân cấp, uỷ quyền công tác tổ chức - cán bộ hiện hành.
Điều 6. Biên chế, kinh phí hoạt động của Ban.
Biên chế, kinh phí hoạt động của Ban quản lý do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định trên cơ sở khối lượng công việc được giao.
Điều 7. Trưởng ban là thủ trưởng cơ quan chịu trách nhiệm cá nhân trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của đơn vị. Trưởng Ban có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
1. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 4, trong Quy định này đảm bảo kịp thời và đạt hiệu quả.
2. Quản lý, sử dụng và chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, lao động, tài chính, tài sản, vật tư, tài liệu,... của đơn vị theo đúng thẩm quyền.
3. Thực hiện tốt chính sách chăm lo đời sống vật chất và tinh thần; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ, công chức, lao động của đơn vị.
4. Là chủ tài khoản của đơn vị.
5. Chỉ đạo các Phòng chuyên môn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
6. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định, chính sách của Nhà nước về lĩnh vực được giao theo đúng thẩm quyền quy định. Ban hành các văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về các hoạt động trong phạm vi nhiệm vụ theo quy định và thẩm quyền được giao.
7. Ủy quyền cho Phó Trưởng ban giải quyết các công việc của đơn vị khi Trưởng ban vắng mặt.
Điều 8. Phó Trưởng Ban.
1. Giúp Trưởng ban, chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về toàn bộ nội dung công việc thuộc lĩnh vực được Trưởng ban phân công hoặc uỷ quyền; tham gia ý kiến với Trưởng ban về công việc chung của đơn vị.
2. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khi Trưởng ban đi vắng uỷ quyền.
3. Được chủ tài khoản uỷ quyền đăng ký chữ ký tại Kho bạc Nhà nước.
Chương III
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 9. Chế độ làm việc.
1. Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác: Trên cơ sở đường lối, chỉ thị, nghị quyết và chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; chương trình công tác Ủy ban nhân dân tỉnh trong từng thời kỳ, Ban quản lý tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch công tác từng thời kỳ làm cơ sở cho quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
2. Thời hạn giải quyết công việc:
a, Những công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý, nếu pháp luật đã quy định thời hạn giải quyết, thì phải giải quyết xong trong thời hạn đó; nếu pháp luật không quy định thời hạn giải quyết, thì trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ Trưởng Ban (hoặc Phó Trưởng ban phụ trách lĩnh vực được phân công, hoặc được ủy quyền) phải giải quyết xong và trả lời cho đương sự. Trường hợp chưa giải quyết hoặc không giải quyết được phải có văn bản trả lời để tổ chức, cá nhân biết rõ lý do.
b, Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban có văn bản trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Nếu công việc liên quan đến nhiều ngành, Trưởng ban phải chủ trì và trao đổi thống nhất bằng văn bản với các ngành trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
3. Chế độ soạn thảo, trình ký và ban hành văn bản: Việc soạn thảo văn bản phải thực hiện đúng theo quy trình, thể thức văn bản. Nội dung văn bản phải rõ ràng, cụ thể và không trái với quy định của pháp luật. Ban hành văn bản phải đến đúng đối tượng thi hành trong văn bản. Văn bản chỉ được ban hành sau khi đã kiểm tra và văn thư đã vào sổ theo dõi.
a, Đối với văn bản thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh: Trưởng ban phải thực hiện đảm bảo các thủ tục theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Nếu công việc liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp thì Trưởng ban phải chủ trì và trao đổi thống nhất bằng văn bản trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
b, Đối với văn bản thuộc thẩm quyền của Trưởng ban: Việc ký và ban hành văn bản do Trưởng ban chịu trách nhiệm về nội dung và thể thức văn bản. Phó Trưởng ban khi được Trưởng ban uỷ quyền ký và ban hành các văn bản phải chịu trách nhiệm về nội dung và hình thức văn bản trước Trưởng ban.
4. Chế độ thông tin báo cáo:
a, Hàng tháng, quý, 6 tháng, năm, Trưởng ban thực hiện báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ với Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn theo đúng thời gian quy định.
b, Khi đi công tác ngoài tỉnh, Trưởng ban phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trước 03 ngày, trường hợp đột xuất thì phải báo cáo ngay trước khi đi công tác để Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến.
c, Khi có vấn đề đột xuất nảy sinh vượt quá thẩm quyền, Trưởng ban có trách nhiệm báo cáo ngay với cấp có thẩm quyền để xem xét, chỉ đạo và xử lý kịp thời.
5. Công tác lưu trữ: Việc lưu trữ phải tiến hành thường xuyên, kịp thời và đúng chế độ quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 10. Mối quan hệ công tác.
1. Với Uỷ ban nhân dân tỉnh: Chịu sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
2. Với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Chịu sự chỉ đạo, quản lý về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
3. Với cơ quan Kiểm lâm: Ban quản lý phối hợp với cơ quan Kiểm lâm địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng đối với khu rừng phòng hộ được giao.
4. Với các ngành liên quan và chính quyền địa phương: Phối hợp để giải quyết công việc liên quan đến nhiệm vụ quản lý và bảo vệ trong khu rừng được giao quản lý.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Trưởng ban căn cứ vào Quy định này để bố trí biên chế, quy định nhiệm vụ cụ thể và lề lối làm việc giữa các Phòng chuyên môn nghiệp vụ.
Điều 12. Trưởng ban có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện Quy định. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) xem xét, quyết định./.