cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 10/2009/CT-UBND ngày 13/03/2009 Tăng cường biện pháp phòng cháy và chữa cháy do tỉnh Quảng Nam ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 10/2009/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Ngày ban hành: 13-03-2009
  • Ngày có hiệu lực: 23-03-2009
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 17-05-2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 785 ngày (2 năm 1 tháng 25 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 17-05-2011
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 17-05-2011, Chỉ thị số 10/2009/CT-UBND ngày 13/03/2009 Tăng cường biện pháp phòng cháy và chữa cháy do tỉnh Quảng Nam ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 17/05/2011 Tăng cường chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do tỉnh Quảng Nam ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 10/2009/CT-UBND

Tam Kỳ, ngày 13 tháng 3 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY

Trong những năm qua, công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra được kiềm chế; các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ sở và người dân đã xác định rõ trách nhiệm trong việc phòng cháy, chữa cháy. Phong trào quần chúng tham gia phòng cháy, chữa cháy được đẩy mạnh và trở thành việc làm thường xuyên của toàn dân. Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp đã kịp thời hướng dẫn, kiểm tra các ngành, các đơn vị, cơ sở thực hiện có hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra vẫn còn ở mức cao. Nguyên nhân chủ yếu là do việc quản lý và tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy chưa tốt, còn nhiều bất cập, sơ hở và thiếu sót; nhiều cấp, ngành, đơn vị, cơ sở chưa thật sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác này, ý thức và việc chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công nhân và một bộ phận nhân dân chưa đầy đủ. Đồng thời hiện nay tình hình sản xuất, đốt thả các đèn trời đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ cháy cao nhất là đối với rừng, các kho xăng dầu, khí đốt, nhà cửa làm bằng vật liệu dễ cháy...

Để ngăn chặn và chủ động tốt công tác phòng ngừa, kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra; UBND tỉnh chỉ thị:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng cháy, chữa cháy và không tham gia sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, đốt thả các đèn trời nhằm bảo đảm an toàn xã hội nhất là trong mùa khô; tổ chức các đợt kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và các cơ sở trọng điểm khác có nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ; tổ chức xây dựng, củng cố lực lượng, trang bị phương tiện và phương án phòng cháy, chữa cháy; đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

2. Trên cơ sở phương hướng nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy đến năm 2010 của UBND tỉnh, các địa phương, đơn vị, cơ sở tiếp tục triển khai, đề ra kế hoạch cụ thể để tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy với mục tiêu kiềm chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, không để xảy ra cháy gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.

3. Các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn tỉnh thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, nhất là tại các kho bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, quân trang...; có phương án chữa cháy và xử lý kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra; chủ trì, phối hợp cùng Công an tỉnh xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở của đơn vị mình.

4. Công an tỉnh và UBND các cấp tăng cường chỉ đạo nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy đối với các cấp, các ngành; đặc biệt đối với các khu, cụm công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở bảo quản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và các cơ sở trọng điểm về cháy, nổ khác. Đối với những cơ sở có nhiều vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng cháy, chữa cháy, không an toàn, có nguy cơ cháy cao và khi xảy ra cháy sẽ dẫn đến cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng, đe doạ đến tính mạng nhiều người thì phải có biện pháp xử lý mạnh, hoặc đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động.

5. Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo các vấn đề cấp bách về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; đặc biệt chú ý xác định và cảnh báo sớm các khu rừng có nguy cơ cháy cao; hướng dẫn cho nhân dân các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy khi đốt nương rẫy và các hoạt động trong rừng; xây dựng các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.

6. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân; các cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ; doanh nghiệp được phép kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của pháp luật phải thực hiện nghiêm Nghị định 130/2006/NĐ-CP ngày 05/11/2006 của Chính Phủ về quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Mọi vi phạm trong lĩnh vực này đều phải được phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật. Công an tỉnh, Sở Tài chính tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành của các cơ quan, đơn vị và cá nhân theo quy định.

7. Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, các khu, cụm công nghiệp tập trung triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và hướng dẫn các chủ đầu tư chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy; yêu cầu các Ban quản lý dự án và các đơn vị đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng sớm hoàn thiện các yêu cầu về giao thông, cấp nước đảm bảo cho công tác phòng cháy, chữa cháy; tổ chức các hình thức liên kết, hiệp đồng giữa các cơ sở sản xuất để phối hợp thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và hỗ trợ lực lượng, phương tiện để tham gia cứu chữa khi xảy ra cháy; thường xuyên kiểm tra không để xảy ra tình trạng tự xây dựng, tự cơi nới làm mất khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy. Những trường hợp vi phạm phải kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, yêu cầu tháo dỡ để tạo khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các công trình.

8. Các Sở: Văn hoá Thể thao và du lịch, Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh và Báo Quảng Nam có kế hoạch thường xuyên tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy trên các phương tiện thông tin đại chúng.

9. Để hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy”, 04/10 hàng năm, giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện, thành phố tổ chức các hoạt động hưởng ứng và hội thao kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy.

UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Giao Công an tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, định kỳ báo cáo UBND tỉnh./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Phước Thanh