Quyết định số 61/2008/QĐ-UBND ngày 30/12/2008 Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài phát thanh và truyền hình thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 61/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hà Nội
- Ngày ban hành: 30-12-2008
- Ngày có hiệu lực: 09-01-2009
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 27-12-2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 352 ngày (0 năm 11 tháng 22 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 27-12-2009
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 61/2008/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12 tháng 6 năm 1999; Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29 tháng 5 năm 2008 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan;
Căn cứ Quyết định 115/HĐBT ngày 01 tháng 9 năm 1984 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về công tác phát thanh, truyền thanh và truyền hình; Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí;
Căn cứ Thông tư số 808/TT-PTTH ngày 07 tháng 12 năm 1984 của Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam hướng dẫn về tổ chức bộ máy phát thanh, truyền thanh, truyền hình các cấp ở địa phương;
Xét đề nghị của Giám đốc – Tổng biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Hà Nội tại Tờ trình số 1201/TTr-PTTH ngày 15 tháng 10 năm 2008 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 753/TTr-SNV ngày 17 tháng 12 năm 2008 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Hà Nội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Hà Nội như sau:
1. Vị trí, chức năng
Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố Hà Nội, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo toàn diện của UBND thành phố Hà Nội, đồng thời, chịu sự quản lý nhà nước về hoạt động báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông; chịu sự chỉ đạo, định hướng tuyên truyền của Thành ủy Hà Nội và Ban Tuyên giáo Trung ương; chịu sự hướng dẫn về nghiệp vụ, kỹ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam.
Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội có chức năng thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của thành phố; quản lý thống nhất về nghiệp vụ và kỹ thuật phát thanh, truyền hình của Đài huyện, quận, thành phố trực thuộc, xã, phường, thị trấn.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn
a) Xây dựng và trình UBND thành phố quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 05 năm, hàng năm và các dự án quan trọng khác của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; tổ chức thực hiện các quyết định, kế hoạch sau khi được phê duyệt;
b) Tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp phát thanh, truyền thanh, truyền hình của thành phố;
c) Xây dựng chương trình và nội dung phát sóng hàng ngày của các kênh phát thanh, truyền hình, báo điện tử, tạp chí truyền hình thành phố trên cơ sở quyết định của UBND thành phố và giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông; thực hiện truyền dẫn, phát sóng các chương trình phát thanh và truyền hình của thành phố trên các tần số đã được cấp phép theo quy định của Luật Báo chí và các quy định pháp luật hiện hành;
d) Định hướng phát triển, chỉ đạo nội dung chương trình truyền hình cáp Hà Nội theo quyết định của thành phố và giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông;
đ) Mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác trong nước và ngoài nước để phát triển sự nghiệp phát thanh, truyền hình Thủ đô theo quy định của pháp luật, sự phân công, phân cấp, ủy quyền của UBND thành phố Hà Nội;
e) Làm tốt nhiệm vụ xã hội hóa để phát huy tiềm năng của xã hội tham gia vào xây dựng sự nghiệp phát thanh và truyền hình;
g) Quản lý trực tiếp hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở vật chất của Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Hà Nội; quản lý và thực hiện các dự án đầu tư mua sắm, xây dựng trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình thuộc thẩm quyền và các dự án được UBND thành phố giao làm chủ đầu tư theo quy định của pháp luật;
h) Hướng dẫn về nghiệp vụ và kỹ thuật, định hướng nội dung tuyên truyền đối với các Đài Truyền thanh quận, huyện, thành phố trực thuộc, xã, phường, thị trấn;
i) Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ về phát thanh, truyền hình nhằm nâng cao hiệu quả công tác; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phát thanh, truyền hình cho đội ngũ cán bộ thuộc quyền quản lý và cán bộ Đài Truyền thanh các quận, huyện, thành phố trực thuộc, xã, phường, thị trấn; giúp các Đài Truyền thanh quận, huyện, thành phố trực thuộc, xã, phường, thị trấn về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phát thanh, truyền thanh cơ sở;
k) Quản lý tổ chức bộ máy và biên chế được giao; thực hiện chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý theo phân cấp của UBND thành phố và theo quy định pháp luật;
l) Giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp, ủy quyền của UBND thành phố Hà Nội;
m) Triển khai thực hiện chương trình cải cách hành chính của Đài theo mục tiêu và chương trình cải cách hành chính của UBND thành phố;
n) Quản lý tài chính, tài sản được giao; tổ chức thực hiện phần ngân sách nhà nước cấp và phần thu được theo quy định của pháp luật;
o) Thực hiện chế độ báo cáo với UBND thành phố, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan của Đảng, Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
p) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về báo chí:
p.1) Thông tin trung thực về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới;
p.2) Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu văn hóa, khoa học, kỹ thuật trong nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần nâng cao kiến thức, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc;
p.3) Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân;
p.4) Phát hiện, biểu dương gương tốt, nhân tố mới; đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác;
p.5) Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội;
q) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của UBND thành phố.
3. Cơ cấu tổ chức
a) Lãnh đạo Đài:
Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội có Giám đốc – Tổng biên tập và các Phó Giám đốc – Phó Tổng biên tập, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật.
Giám đốc – Tổng biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội là người lãnh đạo cao nhất của Đài, chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Đài.
Phó Giám đốc – Phó Tổng biên tập và Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật là người giúp Giám đốc – Tổng biên tập, chịu trách nhiệm trước Giám đốc – Tổng biên tập và trước pháp luật về các nhiệm vụ được phân công; khi Giám đốc – Tổng biên tập vắng mặt, một Phó Giám đốc được Giám đốc – Tổng biên tập ủy nhiệm điều hành các hoạt động của Đài.
Việc bổ nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội do Chủ tịch UBND thành phố quyết định theo tiêu chuẩn chức danh và quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ.
Việc miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách khác đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thực hiện theo quy định của pháp luật.
b) Các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương:
b.1) Văn phòng;
b.2) Ban Tổ chức cán bộ;
b.3) Ban Tài chính;
b.4) Ban Kế hoạch – Dự án;
b.5) Ban Tư liệu;
b.6) Ban Quản lý Phát thanh – truyền thanh cơ sở;
b.7) Ban Biên tập Chương trình truyền hình kênh 1;
b.8) Ban Biên tập Chương trình truyền hình kênh 2;
b.9) Ban Biên tập Chương trình phát thanh;
b.10) Ban Biên tập Thời sự;
b.11) Ban Biên tập Văn hóa – Xã hội;
b.12) Ban Biên tập Thể thao – Giải trí;
b.13) Ban Biên tập Kinh tế;
b.14) Ban Biên tập Xây dựng và quản lý đô thị;
b.15) Ban Biên tập Văn nghệ;
b.16) Ban Biên tập Thiếu nhi;
b.17) Ban Biên tập Hộp thư;
b.18) Ban Biên tập Phim truyện;
b.19) Ban Biên tập Đối ngoại;
b.20) Ban Biên tập Truyền hình cáp;
b.21) Ban Biên tập Tạp chí Truyền hình;
b.22) Ban Biên tập Báo Điện tử;
b.23) Ban Quay phim;
b.24) Ban Kiểm định sản phẩm;
b.25) Ban Kỹ thuật truyền hình;
b.26) Ban Kỹ thuật phát thanh;
b.27) Ban Sản xuất chương trình;
b.28) Ban Truyền dẫn phát sóng kênh 1;
b.29) Ban Truyền dẫn phát sóng kênh 2;
b.30) Ban Kỹ thuật tổng hợp;
b.31) Ban Quảng cáo và dịch vụ truyền hình.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng, các ban chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và trách nhiệm của Trưởng, Phó các phòng, ban chuyên môn do Giám đốc – Tổng biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội quyết định theo quy định của pháp luật.
c. Các trung tâm và công ty trực thuộc:
c.1) Trung tâm Truyền hình cáp;
c.2) Công ty Dịch vụ truyền thanh – truyền hình.
Các trung tâm và công ty trực thuộc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội do UBND thành phố quyết định thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng để giao dịch, hoạt động theo quy định của pháp luật.
4. Biên chế
Biên chế của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội được UBND thành phố phân bổ hàng năm trong tổng số biên chế sự nghiệp của thành phố được Hội đồng nhân dân thành phố quyết định.
Giám đốc – Tổng biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Hà Nội căn cứ vào số biên chế được giao, có trách nhiệm bố trí, sử dụng cán bộ, viên chức phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn ngạch viên chức nhà nước theo quy định hiện hành của pháp luật.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Bãi bỏ các Quyết định trước đây của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và UBND thành phố Hà Nội (cũ) ban hành trái với Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc – Tổng biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố trực thuộc và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |