Chỉ thị số 31/2008/CT-UBND ngày 24/12/2008 Về tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa tỉnh Tiền Giang
- Số hiệu văn bản: 31/2008/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Tiền Giang
- Ngày ban hành: 24-12-2008
- Ngày có hiệu lực: 03-01-2009
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 16-05-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3785 ngày (10 năm 4 tháng 15 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 16-05-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/2008/CT-UBND | Mỹ Tho, ngày 24 tháng 12 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã được các cấp chính quyền và các ngành phối hợp thực hiện và đã đạt được một số kết quả nhất định. Các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong tỉnh đã có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật và từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và cho xuất khẩu, nhất là từ khi Việt Nam tham gia vào tổ chức Thương mại Thế giới. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bất cập, chưa kịp thời với diễn biến sôi động của thị trường; việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm có lúc chưa chặt chẽ; một số hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn sản xuất, lưu thông, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, chưa kịp thời phát hiện và xử lý.
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm ban hành ngày 21/11/2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008. Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh, đáp ứng tốt cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa của tỉnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang chỉ thị thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công; các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện những nội dung như sau:
1. Thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể tỉnh; các cơ quan truyền thông thông tin của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công tăng cường tuyên truyền, quán triệt các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa đến cán bộ, công chức và toàn thể người dân trên địa bàn tỉnh biết và chấp hành, ủy ban nhân dân các cấp; các ngành chức năng tỉnh tăng cường công tác quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong ngành, lĩnh vực phụ trách, kịp thời phát hiện và xử lý kiên quyết các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, lưu thông, tiêu thụ các loại sản phẩm, hàng hoá kém chất lượng, hàng gian, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ vào Kế hoạch thực hiện các hoạt động trong Thập niên chất lượng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2006 - 2010, các sở, ngành liên quan có kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện từng năm, định kỳ hàng năm báo cáo đánh giá kết quả thực hiện gửi Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Căn cứ vào Chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2006 - 2010, các sở, ngành liên quan xem xét, lựa chọn các sản phẩm, hàng hóa trong ngành, lĩnh vực phụ trách để xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Sở Khoa học và Công nghệ:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa đến các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh biết để thực hiện; vận động doanh nghiệp áp dụng, thực hiện các yêu cầu để đủ điều kiện tham gia, được chứng nhận Giải thưởng chất lượng Việt Nam. Đồng thời, chủ trì tổ chức đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp tiêu biểu, đề xuất Hội đồng chung tuyển trao Giải thưởng chất lượng Việt Nam.
- Tăng cường theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình quản lý chất lượng, sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh để tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; căn cứ thực tiễn để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương về cơ chế, chính sách thúc đẩy, hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
- Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới; áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến cho sản phẩm, hàng hóa; các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị tham gia các hoạt động khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm, hàng hoá của tỉnh.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực được phân công.
3. Sở Y tế:
- Tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với thực phẩm, dược phẩm theo quy định tại Khoản 2, Điều 70 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
- Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh thực phẩm tham gia và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm như: HACCP, ISO 22000...
- Phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan trong triển khai, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với thức ăn chế biến dạng công nghiệp, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thức ăn bày bán ven đường phố...
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chế phẩm sinh học dùng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; chất lượng các công trình thủy lợi, đê điều;
- Vận động các doanh nghiệp, đơn vị, các trang trại, hợp tác xã sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc cung cấp nguyên liệu chế biến thực phẩm tham gia và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm như: HACCP, GAP, SQF, ISO 22000...
- Tăng cường công tác kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên tàu cá, các cảng cá, các cơ sở thu mua nguyên liệu thuỷ sản theo qui định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm dịch động vật, thú y, kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu, nitrát, kháng sinh... trên các sản phẩm nông sản, thuỷ sản nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, cho công nghiệp chế biến.
5. Sở Giao thông vận tải:
- Chịu trách nhiệm quản lý và tăng cường công tác quản lý đối với phương tiện giao thông cơ giới và các thiết bị liên quan đến an toàn cho người và phương tiện giao thông vận tải; phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công vận tải chuyên dùng, công trình hạ tầng giao thông.
- Tăng cường công tác kiểm tra an toàn các phương tiện giao thông đúng theo quy định pháp luật.
6. Sở Công Thương:
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu lưu thông trên thị trường; các sản phẩm trong quá trình sử dụng có khả năng gây mất an toàn như: hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, trang thiết bị khai thác mỏ, dầu khí, trừ các thiết bị, phương tiện thăm dò, khai thác trên biển;
- Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, các thông tin có liên quan về công tác quản lý chất lượng, hàng hóa trong ngành công thương;
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan: tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện hàng kém chất lượng, hàng giả, chống gian lận thương mại; hướng dẫn các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
7. Sở Xây dựng:
- Phối hợp với ngành liên quan tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, chống hàng gian, hàng giả các mặt hàng vật liệu xây dựng sản xuất, lưu thông trên địa bàn tỉnh;
- Tổ chức hướng dẫn cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp tư vấn xây dựng, doanh nghiệp xây dựng các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Thường xuyên kiểm tra, tăng cường giám sát chất lượng các công trình xây dựng trong tỉnh.
8. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan trọng việc hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng các công nghệ sản xuất mới, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến... để nâng cao chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm hàng hoá của tỉnh gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
9. Công an tỉnh
Chủ trì và phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện hàng kém chất lượng, hàng gian, hàng giả, xử lý các vi phạm đúng theo quy định pháp luật.
10. Sở Tài chính
Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách hàng năm, phối hợp với các sở, ngành liên quan bố trí kinh phí về áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới, các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm, hàng hoá của tỉnh để phục vụ cho kế hoạch hoạt động Thập niên chất lượng trên địa bàn tỉnh.
11. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh, đề nghị Báo Ấp Bắc:
- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các sở, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, chủ trương về chất lượng sản phẩm, hàng hóa bằng nhiều lĩnh thức, nội dung phù hợp để các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân trong tỉnh thông suốt thực hiện.
- Công khai đưa tin các loại sản phẩm, hàng hoá giả, kém chất lượng đã bị phát hiện, xử lý trên địa bàn tỉnh; các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
12. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:
- Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh trong việc tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn phụ trách; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa đến các doanh nghiệp trên địa bàn;
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn cùng cấp tăng cường thực hiện kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền; đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành chức năng tỉnh tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.
13. Các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh
Chủ động tăng cường nhân lực, tài chính để phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, các công cụ, giải pháp về nâng cao năng suất chất lượng trong sản xuất và kinh doanh, thực hành sản xuất sạch hơn,... nhằm nâng cao nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm, hàng hoá trên thị trường trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Tham gia phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc đấu tranh, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Giao Sở Khoa học và Công nghệ đôn đốc, theo dõi việc thực hiện Chỉ thị này. Các sở, ngành được phân công quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công định kỳ 6 tháng, hàng năm có báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |