Chỉ thị số 38/CT-UBND ngày 17/12/2008 Về tăng cường công tác phòng chống đói, rét, dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y động vật và sản phẩm động vật do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 38/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Ngày ban hành: 17-12-2008
- Ngày có hiệu lực: 17-12-2008
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 11-08-2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1333 ngày (3 năm 7 tháng 28 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 11-08-2012
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38 /CT-UBND | Huế, ngày 17 tháng 12 năm 2008 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG ĐÓI, RÉT, DỊCH BỆNH, KIỂM DỊCH, KIỂM SOÁT GIẾT MỔ VÀ KIỂM TRA VỆ SINH THÚ Y ĐỘNG VẬT VÀ SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT
Thời gian qua được sự quan tâm của các cấp, các ngành nên công tác Thú y trên địa bàn đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt đã tổ chức chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống nên dịch cúm gia cầm không tái phát, dịch Lở mồm long móng (LMLM) chỉ xảy ra trong phạm vi hẹp, dịch tai xanh ở lợn xảy ra ở 5 huyện, thành phố Huế và đã được khống chế, dập tắt kịp thời. Tuy nhiên nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm, dịch LMLM gia súc và tai xanh ở lợn đối với tỉnh ta trong thời gian đến vẫn rất cao do mầm bệnh cúm gia cầm vẫn còn tồn tại ở ngoài môi trường, dịch lở mồm long móng đang xảy ra ở 11 huyện của 6 tỉnh miền núi, đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Mặt khác, thời tiết lạnh, độ ẩm cao, thuận lợi cho mầm bệnh phát triển và lây lan, kết hợp việc vận chuyển, mua bán gia cầm, gia súc tăng cao vào thời điểm giáp Tết nguyên đán tạo điều kiện lây lan bệnh.
Để chủ động phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm và ngăn ngừa dịch tái phát, lây lan, bảo vệ phát triển chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nguồn gốc từ động vật cho người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, UBND tỉnh yêu cầu:
1. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp UBND các huyện, thành phố Huế và các ban, ngành liên quan:
a) Tiếp tục thực hiện Công văn số 779/TTg-NN ngày 19/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người, Quyết định số 80/2008/QĐ-BNN ngày 15 tháng 7 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Ban hành Quy định phòng, chống Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS) và các văn bản chỉ đạo khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phòng chống dịch bệnh, đói, rét cho gia súc, gia cầm trong vụ Đông Xuân 2008-2009, Chỉ thị số 29/CT-UBND ngày 29/7/2008 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (bệnh Tai xanh) ở lợn, Công văn số 5231/UBND-NN V/v tăng cường các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch bệnh LMLM ở gia súc.
b) Triển khai các nội dung phòng chống đói, rét cho gia súc: Dự trữ thức ăn cho gia súc như cỏ, cây ngô, rơm, cám, các chất bổ sung khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi ;tu sửa hoặc làm mới nơi nuôi, nhốt gia súc và che chắn chuồng trại đảm bảo chống rét và thường xuyên khô ráo; chuẩn bị vật liệu giữ ấm cho trâu bò như làm áo che thân, trấu, củi khi cần...
c) Tiếp tục củng cố mạng lưới thú y cơ sở, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho lực lượng thú y; phân công cán bộ thú y phối hợp cùng chính quyền cơ sở để giám sát chặt chẽ và báo cáo tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm đến tận thôn, bản, hộ chăn nuôi; phát hiện nhanh và xử lý kịp thời, nhanh chóng bao vây, dập tắt các ổ dịch gia súc, gia cầm, không để lây lan trên diện rộng; tuyệt đối không dấu dịch, không bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh.
d) Tổ chức tiêm phòng, đạt số lượng, chất lượng cao đối với các bệnh truyền nhiễm chủ yếu cho đàn gia súc, gia cầm, chó nuôi; xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tiêm phòng triệt để bệnh cúm gia cầm và LMLM gia súc theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
đ) Tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng trước, trong và sau dịp Tết nguyên đán đối với môi trường, chuồng trại, lò ấp trứng, vùng có nguy cơ cao như ổ dịch cũ, hố chôn gia súc, gia cầm bệnh, các tụ điểm dự trữ, mua bán, giết mổ, các quầy bán, các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm.
e) Phối hợp với Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan, Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm và thủy sản tại Chốt Kiểm dịch trên Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, các đầu mối giao thông và các cơ sở chăn nuôi nhập giống gia súc, gia cầm, thủy sản; ngăn chặn việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới đường bộ, qua các cửa khẩu; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm các qui định kiểm dịch, phòng chống dịch bệnh, tổ chức tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật mang các mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh ở lợn...; tổ chức tốt công tác kiểm dịch tại gốc, công tác kiểm tra lâm sàng gia súc, gia cầm tại các cơ sở giết mổ, mua bán tập trung; thực hiện đúng qui trình giết mổ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ đạo các chủ đầu tư nâng cấp điều kiện vệ sinh thú y ở lò mổ gia súc, gia cầm; khẩn trương qui hoạch, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc ở các địa phương theo Chỉ thị 49/CT-UBND ngày 04/11/2005 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện đúng qui trình kiểm dịch xuất nhập giống gia súc, gia cầm, thủy sản theo quy định ngành thú y.
g) Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật theo Quyết định số 66/2008/QĐ-BNN ngày 26/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Qui định vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; triển khai thực hiện nghiêm Chương trình khống chế và thanh toán bệnh LMLM gia súc giai đoạn 2006-2010.
2. Duy trì họat động thường xuyên của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản các cấp để theo dõi và chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm, thủy sản.
3. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để thanh kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm qui định phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật nhất là trước, trong và sau Tết nguyên đán Kỷ Sữu sắp đến.
4. Sở Y tế chỉ đạo các Trung tâm Y tế các huyện và thành phố Huế, các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, theo dõi, đề phòng bệnh cúm gia cầm lây sang người, có phương án đối phó kịp thời khi có trường hợp nhiễm vi rút cúm A (H5N1); phối hợp với các ngành liên quan tăng cường, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam tại Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế để tổ chức tuyên truyền liên tục bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của nhân dân thực hiện tốt các nội dung trên.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế có kế hoạch triển khai thực hiện. Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Thú y) thường xuyên theo dõi và tổng hợp, báo cáo về UBND tỉnh./.
Nơi nhận: | TM.ỦY BAN NHÂNDÂN |