cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 22/2008/CT-UBND ngày 12/12/2008 Về chấn chỉnh công tác quyết toán, tất toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 22/2008/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Ngày ban hành: 12-12-2008
  • Ngày có hiệu lực: 22-12-2008
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-12-2018
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3655 ngày (10 năm 5 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 25-12-2018
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 25-12-2018, Chỉ thị số 22/2008/CT-UBND ngày 12/12/2008 Về chấn chỉnh công tác quyết toán, tất toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 2933/QĐ-UBND ngày 25/12/2018 Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành hết hiệu lực thi hành toàn bộ và danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực một phần đến hết ngày 15/12/2018”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN VIỆT NAM
TỈNH BÌNH PHƯỚC
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2008/CT-UBND

Đồng xoài, ngày 12 tháng 12 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC QUYẾT TOÁN, TẤT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN HOÀN THÀNH THUỘC NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm tra quyết toán, tất toán theo đúng thời gian quy định. Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án (viết tắt là Ban QLDA) được thành lập nhưng đa số năng lực trình độ chuyên môn còn hạn chế (thường không đúng chuyên môn), không thường xuyên được tập huấn nên không cập nhật kịp thời các văn bản liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Nhiều chủ đầu tư ít quan tâm đến khâu quyết toán, tất toán công trình nên gây khó khăn trong công tác theo dõi, bố trí vốn dẫn đến tình trạng số vốn rất lớn chưa được xử lý tất toán tại Kho bạc Nhà nước.

Để đẩy nhanh tiến độ thẩm tra quyết toán, tất toán các công trình, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã và các chủ đầu tư thực hiện các nội dung sau:

1. Các công trình đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết toán nhưng chủ đầu tư, Ban QLDA chưa liên hệ với Kho bạc Nhà nước tất toán:

Các chủ đầu tư liên hệ với Kho bạc Nhà nước để tất toán công trình chậm nhất là ngày 31/01/2009. Nếu quá thời hạn này mà chủ đầu tư chưa hoặc không thực hiện tất toán thì Kho bạc Nhà nước thông báo cho cơ quan Tài chính tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Các công trình đã nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng và chủ đầu tư đã gửi hồ sơ quyết toán sang cơ quan Tài chính nhưng chưa đủ thủ tục:

Các chủ đầu tư bổ sung đầy đủ thủ tục chậm nhất là ngày 31/01/2009. Nếu quá thời hạn này mà chủ đầu tư chưa hoặc không thực hiện bổ sung thủ tục thì cơ quan Tài chính tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Các công trình mà đơn vị thi công không hợp tác với chủ đầu tư quyết toán khối lượng A-B:

Chấp thuận cho chủ đầu tư căn cứ vào hồ sơ nghiệm thu thanh toán khối lượng từng đợt làm cơ sở lập hồ sơ quyết toán.

4. Các công trình Kho bạc Nhà nước chưa tất toán:

Giao Kho bạc Nhà nước tiến hành tất toán như sau:

a) Các công trình, hạng mục công trình đã quyết toán:

- Trường hợp số vốn được quyết toán lớn hơn số vốn đã thanh toán: Kho bạc Nhà nước tất toán số vốn đã thanh toán;

- Trường hợp số vốn được quyết toán nhỏ hơn số vốn đã thanh toán: Kho bạc Nhà nước đôn đốc các chủ đầu tư nộp vào ngân sách nhà nước số tiền chênh lệch đó. Sau 06 tháng kể từ khi Kho bạc Nhà nước yêu cầu mà chủ đầu tư chưa nộp ngân sách nhà nước thì Kho bạc Nhà nước tất toán số vốn theo quyết toán được duyệt, phần chênh lệch do thanh toán cao hơn quyết toán được chuyển vào tài khoản phải thu để theo dõi xử lý. Đồng thời, Kho bạc Nhà nước báo cáo cơ quan Tài chính danh mục các dự án mà chủ đầu tư chưa nộp vào ngân sách nhà nước để cơ quan Tài chính xem xét từng trường hợp cụ thể, tham mưu cấp có thẩm quyền xử phạt các chủ đầu tư theo quy định hiện hành.

b) Các công trình, hạng mục công trình chưa quyết toán:

- Kho bạc Nhà nước tổng hợp lại và báo cáo cơ quan Tài chính;

- Các chủ đầu tư, Ban QLDA trình cơ quan Tài chính thẩm tra phê duyệt. Sau ngày 31/01/2009 mà chủ đầu tư, Ban QLDA chưa thực hiện thì cơ quan Tài chính tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

c) Các công trình hoàn thành từ năm 2003 trở về trước mà các chủ đầu tư, Ban QLDA không còn tồn tại thì chấp thuận cho tất toán theo giá trị thanh toán.

d) Khi tất toán công trình giao Kho bạc Nhà nước rà soát giảm trừ các dự án mà cơ quan Thanh tra, cơ quan Kiểm toán đã đề nghị xuất toán.

5. Điều chỉnh biến động giá, máy thi công, nhân công:

Các chủ đầu tư, Ban QLDA lập dự toán bổ sung phần chênh lệch giá do biến động giá, điều chỉnh chi phí nhân công và máy thi công theo quy định để có cơ sở giải ngân vốn và lập báo cáo quyết toán các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng đúng thời gian quy định. Mọi chậm trễ thì chủ đầu tư, Ban QLDA hoàn toàn chịu trách nhiệm và bị xử lý phạt hành chính, xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

6. Bố trí vốn:

Giao cơ quan Kế hoạch và cơ quan Tài chính xem xét trình cấp có thẩm quyền bố trí vốn kịp thời cho các công trình được thẩm tra quyết toán hàng năm nhưng chưa được bố trí kế hoạch vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tất toán các công trình.

7. Xử lý phát sinh:

Khi xảy ra các phát sinh, vướng mắc quá khả năng xử lý hay không nắm rỏ thì chủ đầu tư báo cáo với cơ quan có thẩm quyền hay các cơ quan có liên quan để có biện pháp xử lý, tháo gỡ đúng quy định. Tránh tình trạng tự ý thực hiện đến khi thẩm tra quyết toán không đúng thủ tục hay không quyết toán được gây thiệt hại cho đơn vị thi công, kéo dài thời gian quyết toán.

8. Xử phạt:

a) Công trình nghiệm thu hoàn thành kể từ ngày 01/01/2009 trở về sau mà chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, nhà thầu tư vấn có hành vi vi phạm, tùy từng trường hợp giao cơ quan Tài chính tham mưu cấp có thẩm quyền xử phạt theo Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà và các Nghị định khác có liên quan.

b) Bên cạnh xử phạt với các hình thức như trên, các đơn vị vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp chế tài khác như sau:

- Chủ đầu tư vi phạm: Giao đơn vị khác làm chủ đầu tư; thông báo trên thông tin đại chúng, xem xét không khen thưởng cuối năm.

- Nhà thầu xây dựng, nhà thầu tư vấn vi phạm: Thông báo trên thông tin đại chúng, không cho thực hiện các công việc xây dựng, tư vấn trên địa bàn tỉnh khi có hành vi vi phạm từ 03 lần trở lên.

- Các cơ quan có liên quan: Không xét khen thưởng cuối năm.

- Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm: Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả bị xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời không xét khen thưởng cuối năm.

9. Tổ chức thực hiện:

a) Các chủ đầu tư, cơ quan có liên quan nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ và đúng thời gian qui định.

b) Giao Sở Tài chính theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện công tác quyết toán, tất toán vốn đầu tư.

c) Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây của UBND tỉnh có nội dung trái với nội dung của Chỉ thị này đều bị bãi bỏ./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu