Quyết định số 57/2008/QĐ-UBND ngày 15/12/2008 Ban hành Quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 57/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Đà Nẵng
- Ngày ban hành: 15-12-2008
- Ngày có hiệu lực: 25-12-2008
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-06-2011
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 891 ngày (2 năm 5 tháng 11 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 04-06-2011
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 57/2008/QĐ-UBND | Đà Nẵng, ngày 15 tháng 12 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP, TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CỦA NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Thông tư số 112/2006/TT-BTC ngày 27 ngày 12 tháng 2006 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 202/2006/NĐ-CP ngày 31/8/2006 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Thông tư số 35/2007/TT-BTC ngày 10 ngày 4 tháng 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước;
Được sự thống nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố tại Công văn số 2413/TTHĐND ngày 14 tháng 7 năm 2008 và theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng tại Tờ trình số 1255/STC-HCSN ngày 16 tháng 9 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2. Giám đốc Sở Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện Quy định nêu tại Điều 1.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Bãi bỏ Quyết định số 2166/QĐ-UBND ngày 13 tháng 3 năm 2008 của UBND thành phố Tạm thời giao quyền quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương quản lý.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện; phường, xã và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP, TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CỦA NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 57/2008/QĐ-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2008 của UBND thành phố Đà Nẵng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước giữa UBND thành phố với UBND quận, huyện, phường, xã; giữa UBND thành phố với sở, ban, ngành và các cơ quan khác thuộc địa phương.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước;
b) Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập) được giao trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
c) Các đối tượng khác liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Điều 2. Những quy định khác
Trình tự, thủ tục thực hiện mua sắm, xử lý tài sản và các quy định khác có liên quan về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước, Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập, Thông tư số 112/2006/TT-BTC ngày 27/12/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập ban hành kèm theo Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 35/2007/TT-BTC ngày 10/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/ 2006 của Chính phủ quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập
1. Tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập là những tài sản Nhà nước giao cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp quản lý, sử dụng để phục vụ hoạt động, gồm: đất khuôn viên trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp; nhà, công trình xây dựng và các tài sản khác gắn liền với đất khuôn viên; phương tiện giao thông vận tải, máy móc, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác quy định của pháp luật là tài sản của Nhà nước.
2. Tài sản nêu tại khoản 1 Điều này được hình thành từ các nguồn:
a) Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, từ các nguồn thu được phép để lại theo quy định;
b) Vốn viện trợ, tài trợ, biếu, tặng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;
c) Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ phúc lợi của đơn vị sự nghiệp công lập;
d) Tài sản đã được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước giao cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng và tài sản tiếp nhận của cơ quan, đơn vị theo quyết định của cấp có thẩm quyền giao.
Điều 4. Đăng ký quyền quản lý, sử dụng tài sản nhà nước
1. Những tài sản nhà nước phải đăng ký quyền quản lý, sử dụng bao gồm:
a) Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp;
b) Xe ô tô các loại;
c) Các loại tài sản khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500.000.000 đồng trở lên/1 đơn vị tài sản.
2. Tổ chức thực hiện đăng ký quyền quản lý, sử dụng tài sản nhà nước: Các tài sản nhà nước nêu tại khoản 1 Điều này tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương quản lý được nhà nước giao trực tiếp quản lý, sử dụng phải đăng ký quyền quản lý, sử dụng tài sản nhà nước với Sở Tài chính.
Trường hợp phát hiện cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không thực hiện đăng ký, Sở Tài chính được phép ngừng cấp kinh phí phục vụ hoạt động của những tài sản phải đăng ký, nhưng không đăng ký; đồng thời thực hiện chế độ xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
3. Đối với những tài sản cố định khác không thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 Điều này thì cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phải lập thẻ tài sản cố định để theo dõi, hạch toán và thực hiện chế độ quản lý tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật.
4. Sở Tài chính hướng dẫn cụ thể nội dung, trình tự, thủ tục đăng ký tài sản theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản
1. Đối với tài sản là nhà, công trình kiến trúc và tài sản khác gắn liền với đất, thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định hiện hành của UBND thành phố và pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.
2. Đối với tài sản là phương tiện giao thông vận tải, máy móc, trang thiết bị làm việc và các động sản khác, thẩm quyền quyết định mua sắm quy định như sau:
a) Chủ tịch UBND thành phố quyết định mua sắm tài sản, gồm:
- Xe ô tô, xe mô tô, tàu thuyền và ca nô (gọi chung phương tiện giao thông vận tải);
- Tài sản là máy móc thiết bị, tài sản vô hình và các tài sản khác (gọi tắt là các tài sản khác) có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên/01 đơn vị tài sản.
b) Giám đốc Sở Tài chính quyết định mua sắm tài sản khác có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng/01 đơn vị tài sản (trừ những tài sản nêu tại khoản 1 và điểm a, khoản 2 Điều này) cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp thành phố.
c) Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể quyết định mua sắm tài sản khác có giá trị dưới 100.000.000 đồng/01 đơn vị tài sản cho cơ quan mình và tài sản có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng/01 đơn vị tài sản cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan mình quản lý (trừ những tài sản nêu tại khoản 1 và điểm a, khoản 2 Điều này).
d) Chủ tịch UBND quận, huyện quyết định mua sắm các loại tài sản cho cấp mình có giá trị dưới 300.000.000 đồng/01 đơn vị tài sản và tài sản có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng/01 đơn vị tài sản cho cấp phường, xã (trừ những tài sản nêu tại khoản 1 và điểm a, khoản 2 Điều này).
đ) Thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể cấp thành phố và thuộc cấp quận, huyện; Chủ tịch UBND phường, xã quyết định mua sắm tài sản có giá trị dưới 20.000.000 đồng/01 đơn vị tài sản (trừ những tài sản nêu tại khoản 1 và điểm a, khoản 2 Điều này).
e) Việc mua sắm trang thiết bị làm việc phải thực hiện trong phạm vi nguồn kinh phí được bố trí, bổ sung (nếu có) và theo tiêu chuẩn, định mức được quy định tại Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Đối với mua sắm tài sản từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, từ nguồn Quỹ phúc lợi, từ nguồn vốn huy động theo chế độ quy định để phục vụ cho các hoạt động sự nghiệp hoặc sản xuất kinh doanh, dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập; thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập phải căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức, nhu cầu cần thiết phục vụ hoạt động, khả năng nguồn kinh phí sử dụng lập dự án hoặc phương án, kế hoạch mua sắm tài sản (trừ những tài sản nêu tại khoản 1 và điểm a, khoản 2 Điều này) báo cáo cơ quan chủ quan xem xét và phê duyệt để quyết định việc mua sắm tài sản cho phù hợp, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả. Việc phê duyệt mua sắm của đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm.
Điều 6. Thẩm quyền quyết định thu hồi, điều chuyển tài sản nhà nước
1. Chủ tịch UBND thành phố: Quyết định thu hồi, điều chuyển đối với những tài sản nhà nước là đất khuôn viên trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp; nhà, công trình xây dựng và các tài sản khác gắn liền với đất khuôn viên; phương tiện giao thông vận tải giữa các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố và thuộc UBND quận, huyện, phường, xã theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính.
2. Giám đốc Sở Tài chính: Quyết định thu hồi, điều chuyển đối với những tài sản nhà nước khác giữa các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và UBND quận, huyện, phường, xã (trừ những tài sản nêu tại khoản 1, Điều này).
3. Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể quyết định thu hồi, điều chuyển đối với những tài sản nhà nước khác giữa các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi cấp mình quản lý (trừ những tài sản nêu tại khoản 1, Điều này và những tài sản được hình thành từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, từ nguồn Quỹ phúc lợi, từ nguồn huy động theo chế độ quy định của các đơn vị sự nghiệp công lập).
4. Chủ tịch UBND quận, huyện: Quyết định thu hồi, điều chuyển đối với những tài sản nhà nước khác giữa các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và UBND phường, xã thuộc phạm vi cấp mình quản lý theo đề nghị của Phòng Tài chính quận, huyện (trừ những tài sản nêu tại khoản 1, Điều này và những tài sản hình thành từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, từ nguồn Quỹ phúc lợi, từ nguồn huy động theo chế độ quy định của các đơn vị sự nghiệp công lập).
Điều 7. Thẩm quyền quyết định bán, chuyển nhượng tài sản
1. Cơ quan quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản theo quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 5 Quy định này quyết định bán, chuyển nhượng tài sản thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm của mình. Riêng nhà, công trình xây dựng phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Chủ tịch UBND thành phố (đối với đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương quản lý).
2. Đối với những tài sản đầu tư từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, từ nguồn Quỹ phúc lợi, từ nguồn vốn huy động theo chế độ quy định để phục vụ cho các hoạt động sự nghiệp hoặc sản xuất kinh doanh, dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập thì Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập có đề xuất phương án bán, chuyển nhượng tài sản báo cáo cơ quan chủ quản xem xét, phê duyệt để quyết định bán, chuyển nhượng tài sản (trừ những tài sản nhà nước nêu tại khoản 1 và điểm a, khoản 2, Điều 5 Quy định này) và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Điều 8. Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản nhà nước
1. Chủ tịch UBND thành phố: Quyết định thanh lý đối với những tài sản nhà nước là đất khuôn viên trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp; nhà, công trình xây dựng và các tài sản khác gắn liền với đất khuôn viên; phương tiện giao thông vận tải giữa các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố và thuộc UBND quận, huyện, phường, xã (trừ những tài sản nêu tại điểm a, điểm b khoản 4, Điều này).
2. Giám đốc Sở Tài chính: Quyết định thanh lý đối với những tài sản nhà nước có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 300.000.000 đồng trở lên/01 đơn vị tài sản tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố quản lý (trừ tài sản nêu tại khoản 1, Điều này).
3. Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể: Quyết định thanh lý đối với những tài sản nhà nước có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 300.000.000 đồng/ 01 đơn vị tài sản tại cơ quan mình và các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban ngành, đoàn thể thành phố quản lý (trừ những tài sản nêu tại khoản 1, Điều này và những tài sản được hình thành từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, từ nguồn Quỹ phúc lợi, từ nguồn huy động theo chế độ quy định của các đơn vị sự nghiệp công lập).
4. Chủ tịch UBND quận, huyện quyết định thanh lý đối với những tài sản nhà nước:
a) Nhà, công trình kiến trúc phải phá dỡ để giải phóng mặt bằng phục vụ thực hiện dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thuộc quận, huyện quản lý.
b) Tàu thuyền, ca nô.
c) Những tài sản khác tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và UBND phường, xã thuộc quận, huyện quản lý (trừ những tài sản nhà nước được hình thành từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, từ nguồn Quỹ phúc lợi, từ nguồn huy động theo chế độ quy định của các đơn vị sự nghiệp công lập).
5. Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập: Quyết định thanh lý đối với những tài sản nhà nước đầu tư từ nguồn Quỹ phát triển sự nghiệp, từ nguồn Quỹ phúc lợi, từ nguồn huy động theo chế độ quy định của các đơn vị sự nghiệp công lập để phục vụ cho các hoạt động sự nghiệp hoặc sản xuất kinh doanh, dịch vụ (trừ những tài sản nêu tại khoản 1 và điểm a, khoản 2, Điều 5 Quy định này).
Điều 9. Thẩm quyền chuyển giao quyền quản lý, sử dụng trụ sở làm việc
Chủ tịch UBND thành phố quyết định việc chuyển giao quyền quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của địa phương cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trung ương quản lý đang trực tiếp quản lý, sử dụng; các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố quản lý và UBND quận, huyện, phường, xã đang trực tiếp quản lý, sử dụng.
Điều 10. Thẩm quyền xác lập quyền sở hữu tài sản của nhà nước
1. Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật bị tịch thu sung quỹ nhà nước:
a) Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt xác lập quyền sở hữu tài sản của nhà nước đối với tài sản là nhà, đất, tài sản gắn liền với đất; xe ô tô, xe mô tô do các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố quyết định sung công quỹ.
b) Giám đốc Sở Tài chính phê duyệt xác lập quyền sở hữu tài sản của nhà nước đối với các tài sản khác còn lại do các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố quyết định sung công quỹ.
c) Đối với tang vật, phương tiện bị tịch thu do vi phạm hành chính, do bị kết án theo pháp luật hình sự và vật chứng vụ án trong tố tụng hình sự thực hiện theo quy định riêng, không thực hiện phân cấp theo điểm a, điểm b khoản 1 Điều này.
2. Đối với tài sản khác:
a) Chủ tịch UBND thành phố: Quyết định xác lập quyền sở hữu của nhà nước đối với tài sản thuộc thành phố quản lý sau đây:
- Biếu, tặng, cho, đóng góp, viện trợ và các hình thức chuyển giao khác theo quy định của pháp luật;
- Tài sản của các dự án nước ngoài do thành phố quản lý, sau khi kết thúc dự án được chuyển giao cho địa phương quản lý theo quy định;
- Tài sản trên địa bàn được xác định là vô chủ hoặc không xác định được chủ sở hữu, tài sản không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có người, nhưng không được hưởng quyền di sản hoặc từ chối quyền hưởng di sản;
b) Chủ tịch UBND quận, huyện: Quyết định xác lập quyền sở hữu của nhà nước đối với tài sản nêu tại điểm a, khoản 2, Điều này thuộc quận, huyện quản lý.
Điều 11. Thẩm quyền quyết định góp vốn tài sản để liên doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp công lập
Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo toàn bộ chi phí và đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí được quyết định dùng tài sản đã đầu tư, mua sắm từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, từ nguồn Quỹ phúc lợi, từ các nguồn vốn huy động để góp vốn liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo kế hoạch, dự toán, dự án liên doanh, liên kết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp, đơn vị sự nghiệp công lập dùng tài sản được mua sắm từ các nguồn vốn nêu tại điểm a, điểm b và điểm d khoản 2, Điều 3 Quy định này và những tài sản được điều chuyển đến theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, đơn vị sự nghiệp công lập phải có phương án cụ thể, được cơ quan chủ quản và cơ quan chuyên môn có liên quan thẩm định, đề xuất và được Chủ tịch UBND thành phố quyết định (Chủ tịch UBND quận, huyện quyết định đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc quận, huyện quản lý).
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Trách nhiệm thi hành
1. Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm:
a) Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo phân cấp tại Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước; sử dụng tài sản nhà nước đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả;
c) Thực hiện kê khai đăng ký, báo cáo tài sản nhà nước theo quy định hiện hành;
d) Công khai tiêu chuẩn, định mức, tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của cơ quan, đơn vị;
đ) Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý của mình theo hướng dẫn của ngành Tài chính. Phản ánh kịp thời những vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất về Sở Tài chính.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị có phản ảnh tập trung về Sở Tài chính thành phố để tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất báo cáo UBND thành phố xem xét, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp.
2. Sở Tài chính có trách nhiệm:
Ngoài trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức, kiểm tra, giám sát việc chấp hành chế độ quản lý sử dụng tài sản nhà nước ở các ngành, các cấp; định kỳ còn phải báo cáo UBND thành phố tình hình thực hiện phân cấp và tình hình quản lý sử dụng tài sản nhà nước trên địa bàn thành phố; kiến nghị xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước./.