cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 21/2008/CT-UBND ngày 13/11/2008 Về tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 21/2008/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 13-11-2008
  • Ngày có hiệu lực: 23-11-2008
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 16-05-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2000 ngày (5 năm 5 tháng 25 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 16-05-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 16-05-2014, Chỉ thị số 21/2008/CT-UBND ngày 13/11/2008 Về tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Chỉ thị số 08/2014/CT-UBND ngày 06/05/2014 Tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------

Số: 21/2008/CT-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 11 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trong những năm gần đây, cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh của kinh tế thành phố thì vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân thành phố và sự phát triển bền vững. Nguyên nhân chính là do các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một bộ phận dân cư, cơ quan, tổ chức còn thấp; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ; việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa nghiêm. Ủy ban nhân dân thành phố đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm cải thiện ô nhiễm nguồn nước, xử lý rác thải trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, chất lượng môi trường thành phố vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực, tình hình ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Đồng thời, để tổ chức thực hiện Chương trình hành động số 02-Ctr/TU ngày 03 tháng 01 năm 2006 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và Quyết định số 99/2006/QĐ-UBND ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của Thành ủy trên địa bàn thành phố.

Nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức và cá nhân; tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại Hội nghị chuyên đề về môi trường ngày 07 tháng 10 năm 2008, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các Sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện thực hiện ngay các biện pháp cấp bách nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường như sau:

1. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

1.1. Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, lực lượng Cảnh sát Môi trường, Ủy ban nhân dân các quận - huyện để kiện toàn và tăng cường năng lực tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ cấp thành phố đến quận - huyện; quy định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp và cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng liên quan trong việc theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

1.2. Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở - ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các quận - huyện rà soát các quy định hiện hành để tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành hoặc kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm chế tài nghiêm khắc đủ sức răn đe các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường theo quy định pháp luật.

1.3. Phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố, đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các doanh nghiệp sản xuất phát sinh nhiều nước thải, khí thải. Chủ trì, phối hợp với lực lượng Cảnh sát Môi trường, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp, Ủy ban nhân dân các quận - huyện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

1.4. Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải thường xuyên tại cửa xả của hệ thống xử lý nước thải tập trung các khu chế xuất, khu công nghiệp; tăng cường công tác thẩm định, thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.

1.5. Chủ trì kiểm tra, giám sát việc vận hành các Khu xử lý rác Đa Phước, Phước Hiệp đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật; thường xuyên giám sát việc thu gom, vận chuyển rác về các khu xử lý, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh khu xử lý rác và suốt tuyến thu gom, vận chuyển.

1.6. Chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành liên quan, các đoàn thể, cơ quan báo, đài và Ủy ban nhân dân các quận - huyện tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố.

1.7. Phối hợp với các Sở - ngành liên quan nghiên cứu các cơ chế khuyến khích nhà đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường; đẩy nhanh việc xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải.

1.8. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1706/TTg-KGVX ngày 13 tháng 10 năm 2008, giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành liên quan chủ động phối hợp với các tỉnh lân cận để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường của khu vực; khẩn trương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai khẩn trương xây dựng và thực hiện các dự án thuộc Đề án tổng thể để xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường nghiêm trọng lưu vực sông Đồng Nai, trong đó có sông Thị Vải.

- Phối hợp với các Sở - ngành liên quan cần quan tâm đến việc lồng ghép chặt chẽ, hợp lý và hài hòa các yêu cầu bảo vệ môi trường trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển của thành phố trong thời gian tới.

2. Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp có trách nhiệm:

2.1. Chỉ đạo các Công ty Phát triển hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới thu gom, đấu nối hệ thống thoát nước thải của tất cả các doanh nghiệp để đưa vào vận hành trạm xử lý nước thải tập trung ổn định và đạt tiêu chuẩn môi trường trước ngày 31 tháng 12 năm 2008.

2.2. Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp. Nâng cao vai trò trách nhiệm của các Công ty Phát triển hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp trong việc nắm tình hình và phát hiện doanh nghiệp vi phạm môi trường. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và lực lượng Cảnh sát Môi trường xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm môi trường.

3. Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm:

3.1. Tăng cường công tác kiểm tra việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế, chất thải y tế của các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và lực lượng Cảnh sát Môi trường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm môi trường.

3.2. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân quận - huyện đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý nước thải y tế của các cơ sở y tế trực thuộc thành phố và quận - huyện; triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực xử lý nước thải y tế.

3.3. Tổ chức kiểm tra, kiến nghị với Bộ Y tế và các Bộ - ngành liên quan để có kế hoạch xúc tiến nhanh việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế của các cơ sở y tế trực thuộc Trung ương quản lý theo quy định.

4. Giám đốc Sở Công Thương có trách nhiệm:

Chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận - huyện khẩn trương xây dựng quy chế cụ thể để quản lý các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt là vấn đề chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; trình Ủy ban nhân dân thành phố trong tháng 12 năm 2008.

5. Giám đốc Công an thành phố có trách nhiệm:

5.1. Chỉ đạo Phòng Cảnh sát Môi trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp, Ủy ban nhân dân quận - huyện tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm môi trường.

5.2. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở - ngành liên quan có kế hoạch trang bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị kiểm tra, đo đạc môi trường cho lực lượng Cảnh sát Môi trường. 

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện có trách nhiệm:

6.1. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, lực lượng Cảnh sát Môi trường tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp có tính chất và quy mô tương ứng với đối tượng phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm môi trường theo thẩm quyền.

6.2. Chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn.

7. Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố có trách nhiệm chủ động phối hợp với các Sở - ngành liên quan hoàn thành việc xây dựng Đề án giải quyết tình hình chống ngập nước trên địa bàn thành phố; trước mắt phải có biện pháp nhằm giảm và từng bước xóa một số điểm ngập cục bộ trên địa bàn thành phố, cải thiện vệ sinh môi trường; đẩy nhanh thực hiện các dự án tiêu thoát nước, chống ngập đạt hiệu quả.

8. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Công an thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng quy định xử phạt về vi phạm môi trường đối với điều kiện đặc thù của thành phố trên cơ sở những quy định của pháp luật, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trong tháng 12 năm 2008.

9. Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện chủ động phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố trong quá trình phát triển kinh tế, kiên quyết không vì lợi nhuận trước mắt mà coi nhẹ, buông lỏng công tác bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm phát triển bền vững. Trong quá trình quản lý môi trường theo chức năng, nhiệm vụ, nếu Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các quận - huyện để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý mà không kịp thời phát hiện hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý thì phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân thực hiện nghiêm Chỉ thị này; tổng hợp, đề xuất giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cho Ủy ban nhân dân thành phố./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- Thường trực UBND. TP;
- Ban Thường trực UB MTTQ VN TP;
- Các Ban ĐU Khối Dân-Chính-Đảng;
- Các Sở-ngành thành phố;
- Các Đoàn thể thành phố;
- UBND các quận - huyện;
- Các cơ quan Báo, Đài;
- VPHĐ-UB: CPVP; Phòng CV; TTCB;
- Lưu:VT, (ĐTMT-LHT) H.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Hoàng Quân