cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 60/2008/QĐ-BGDĐT ngày 05/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Về tổ chức hoạt động văn hóa cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 60/2008/QĐ-BGDĐT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Ngày ban hành: 05-11-2008
  • Ngày có hiệu lực: 07-12-2008
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-01-2018
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3341 ngày (9 năm 1 tháng 26 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 30-01-2018
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 30-01-2018, Quyết định số 60/2008/QĐ-BGDĐT ngày 05/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Về tổ chức hoạt động văn hóa cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định 322/QĐ-BGDĐT năm 2018 về công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo hết hiệu lực năm 2017”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIệt NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 60/2008/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA CHO HỌC SINH, SINH VIÊN TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tổ chức hoạt động văn hóa cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ; (để báo cáo)
- Ban Tuyên giáo TW; (để báo cáo)
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; (để phối hợp)
- Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc CP; (để phối hợp)
- TW Đoàn TNCSHCM; Hội SVVN; (để phối hợp)
- UBND tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Như Điều 3;
- Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo,
Website CP, Website Bộ GD&ĐT;
- Lưu VT, Vụ PC,Vụ CTHSSV.

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Vũ Luận

 

QUY ĐỊNH

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA CHO HỌC SINH, SINH VIÊN TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP

(Ban hành kèm theo Quyết định số 60/2008/QĐ-BGDĐT ngày 5 /11/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Văn bản này quy định việc tổ chức hoạt động văn hóa cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp, bao gồm: nội dung, hình thức tổ chức hoạt động văn hóa; tổ chức thực hiện; trách nhiệm của các cơ quan liên quan; chế độ báo cáo, thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm.

2. Quy định này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp, bao gồm: các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp (sau đây gọi chung là nhà trường).

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong văn bản này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

Văn hoá là những giá trị vật chất, tinh thần do con người tạo ra trong lịch sử. Là đời sống tinh thần của con người.

Văn hoá quần chúng là các hình thức sinh hoạt văn hoá phục vụ quần chúng và do quần chúng đông đảo tham gia.

Hoạt động văn hóa của học sinh, sinh viên là các hình thức sinh hoạt văn hoá quần chúng nhằm nâng cao đời sống tinh thần của học sinh, sinh viên.

Hành vi văn hóa là cách ứng xử của con người, biểu hiện văn minh trong một hoàn cảnh nhất định.

Giao lưu văn hóa là sự gặp gỡ, trao đổi hoạt động văn hoá giữa các cá nhân hoặc các cộng đồng người với nhau.

Điều 3. Mục đích của việc tổ chức hoạt động văn hóa cho học sinh, sinh viên

1. Nhằm góp phần bồi dưỡng nhân cách, giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên; đồng thời hình thành môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường.

2. Tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên phát triển năng lực nhận biết, tham gia sáng tạo và hình thành hành vi văn hóa thẩm mỹ của học sinh, sinh viên.

3. Tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên giải trí, giảm bớt những áp lực trong học tập và nghiên cứu.

Điều 4. Yêu cầu của công tác tổ chức hoạt động văn hóa cho học sinh, sinh viên

Nhận thức được công tác tổ chức hoạt động văn hóa cho học sinh, sinh viên là một bộ phận của giáo dục toàn diện, bảo đảm không ngừng nâng cao thị hiếu thẩm mỹ, trình độ thưởng thức nghệ thuật và khả năng tham gia các hoạt động văn hóa quần chúng của học sinh, sinh viên.

Điều 5. Nguyên tắc tổ chức hoạt động văn hóa cho học sinh, sinh viên

Việc tổ chức hoạt động văn hóa cho học sinh, sinh viên trong các trường phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

1. Phù hợp với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều kiện cụ thể của Việt Nam và lứa tuổi của học sinh, sinh viên; đảm bảo tính giai cấp, tính dân tộc và tính nhân loại trong tổng thể hoạt động văn hóa của trường.

2. Bảo đảm thực hiện hài hoà các chức năng cơ bản của văn hoá.

3. Kết hợp chặt chẽ với các hoạt động khác của trường.

4. Không tổ chức các hoạt động, tuyên truyền nội dung trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không phù hợp với định hướng giáo dục.

5. Tăng cường xã hội hóa các hoạt động văn hóa.

Chương II

NỘI DUNG, HÌNH THỨC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA CHO HỌC SINH, SINH VIÊN

Điều 6. Yêu cầu về hành vi văn hóa đối với học sinh, sinh viên

1. Có thể hiện tinh thần, ý chí vươn lên đưa nước Việt Nam thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu; có năng lực hội nhập trong lĩnh vực chuyên môn.

2. Xử lý hài hòa mối quan hệ cá nhân và tập thể, biết quan tâm đến lợi ích chung; biết giao tiếp, ứng xử trong công việc và trong các mối quan hệ xã hội.

3. Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, tôn trọng pháp luật và truyền thống đạo đức; cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, có ý thức bảo vệ môi trường.

4. Có lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, phát huy được chuyên môn đào tạo khi ra trường; linh hoạt, có năng lực tư duy sáng tạo.

5. Có năng lực hiểu biết các lĩnh vực văn hóa, kiến thức xã hội. Có trình độ thẩm mỹ, biết thưởng thức, nhận biết cái đẹp, phê phán cái xấu; có khả năng tham gia các hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe cho bản thân.

Điều 7. Nội dung các hoạt động văn hóa cho học sinh, sinh viên

1. Giáo dục, ca ngợi truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống cách mạng, tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2. Giáo dục đạo lý làm người, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa, lịch sử,  bản sắc dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại.

3. Phản ánh tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, trách nhiệm của tuổi trẻ học sinh, sinh viên đối với tình bạn, tình yêu, gia đình, thầy giáo, cô giáo, nhà trường và cộng đồng.

4. Ca ngợi những biểu hiện tích cực và phê phán những khuynh hướng tiêu cực trong mối quan hệ giữa con người với con người, với di sản của nhân loại và với môi trường xung quanh.

Điều 8. Các hình thức cơ bản của hoạt động văn hóa cho học sinh, sinh viên

1. Tổ chức phòng đọc, nghiên cứu, tìm hiểu thông qua các hệ thống sách, báo, tạp chí và các phương tiện thông tin, truyền thông khác.

2. Tổ chức các câu lạc bộ cho học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, văn hóa quần chúng, sáng tạo thẩm mỹ như văn học, âm nhạc, hội họa, sân khấu, điện ảnh và các lĩnh vực nghệ thuật khác; Tổ chức biểu diễn văn nghệ, chiếu phim định kỳ cho học sinh, sinh viên.

3. Tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, nhân đạo, tình nguyện, bảo vệ môi trường và các hoạt động khác.

4. Tổ chức cho học sinh, sinh viên nghe báo cáo thời sự, chính trị, xã hội, sinh hoạt tư tưởng chính trị, cập nhật thông tin, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về các lĩnh vực chính trị, xã hội; Giao lưu văn hoá giữa học sinh, sinh viên trong nước, ngoài nước và các tầng lớp khác trong xã hội.

5. Các hoạt động khác.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Kế hoạch hoạt động văn hóa hàng năm

1. Các hoạt động văn hoá cho học sinh, sinh viên phải gắn với những sự kiện trọng đại của đất nước, những sự kiện lịch sử, truyền thống của trường, của địa phương và các hoạt động theo quy định của ngành.

2. Các trường xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động văn hoá cho học sinh, sinh viên theo từng năm học, học kỳ, hoặc theo từng quý nhưng phải đảm bảo có ít nhất có 02 hoạt động được tổ chức trong một học kỳ hoặc ít nhất 01 hoạt động trong một quý.

3. Mỗi học sinh, sinh viên được tham gia ít nhất 04 hoạt động văn hóa trong một năm học do trường tổ chức hoặc phối hợp tổ chức.

Điều 10. Biện pháp thực hiện

1. Hằng năm, các nhà trường căn cứ vào quy định tại văn bản này và điều kiện cụ thể của trường và địa phương để xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức các hoạt động văn hoá cho học sinh, sinh viên từ năm thứ nhất cho đến năm cuối.

2. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý, tổ chức văn hóa, nghệ thuật, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, các tổ chức khác trong trường để xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị.

3. Tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa quần chúng, giao lưu văn hoá, giới thiệu chuyên đề văn hóa, xã hội và nghề nghiệp để học sinh, sinh viên được trực tiếp tham gia.

4. Tổ chức hoạt động văn hoá cho học sinh, sinh viên theo phương pháp giáo dục ngoại khoá, kết hợp lồng ghép trong các môn học liên quan và phù hợp với điều kiện, khả năng, năng khiếu của cá nhân.

5. Chủ động phối hợp với gia đình học sinh, sinh viên và các cơ quan, tổ chức xã hội có liên quan trong quá trình thực hiện Quy định này.

6. Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm chỉ đạo, cụ thể hóa các nội dung của Quy định này thành Quy định của trường để tổ chức thực hiện, kiểm tra và đánh giá kết quả.

Điều 11. Kinh phí

1. Hàng năm, nhà trường dành khoản kinh phí thích hợp để chi cho việc thực hiện các nhiệm vụ của công tác tổ chức hoạt động văn hoá cho học sinh, sinh viên.

2. Kinh phí chi cho việc thực hiện hoạt động văn hoá bao gồm:

a) Nguồn Ngân sách nhà nước theo quy định;

b) Các khoản tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;

c) Các nguồn thu hợp pháp khác của nhà trường (nếu có).

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA GIÁM ĐỐC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO; CHẾ ĐỘ BÁO CÁO; THANH TRA, KIỂM TRA; KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 12. Trách nhiệm của Giám đốc sở giáo dục và đào tạo

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quy định này đối với các trường thuộc phạm vi quản lý.

Điều 13. Chế độ báo cáo

Kết thúc năm học, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan quản lý trực tiếp kết quả tổ chức thực hiện hoạt động văn hóa cho học sinh, sinh viên.

Điều 14. Thanh tra, kiểm tra

Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chủ quản, cơ quản quản lý nhà nước về văn hóa, các trường theo thẩm quyền tổ chức thanh tra, kiểm tra việc tổ chức hoạt động văn hóa cho học sinh, sinh viên.

Điều 15. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Kết quả thực hiện Quy định về tổ chức hoạt động văn hóa cho học sinh, sinh viên là một tiêu chí để xét thi đua, khen thưởng đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo và các nhà trường.

2. Căn cứ kết quả tham gia các hoạt động văn hoá của học sinh, sinh viên, các nhà trường có hình thức khen thưởng kịp thời đối với tập thể và cá nhân học sinh, sinh viên, cán bộ giáo viên có thành tích xuất sắc trong việc tham gia, tổ chức các hoạt động văn hóa.

3. Các tổ chức, cá nhân vi phạm các điều khoản khi thực hiện Quy định này sẽ bị xử lý theo quy định.