cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 108/2008/QĐ-UBND ngày 02/10/2008 Về Quy định quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Bắc Giang (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 108/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Bắc Giang
  • Ngày ban hành: 02-10-2008
  • Ngày có hiệu lực: 12-10-2008
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 09-11-2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 758 ngày (2 năm 28 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 09-11-2010
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 09-11-2010, Quyết định số 108/2008/QĐ-UBND ngày 02/10/2008 Về Quy định quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Bắc Giang (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 180/QĐ-UBND ngày 09/11/2010 Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành từ ngày 01/01/1997 đến ngày 31/12/2009”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 108/2008/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 02 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ KHUYẾN CÔNG TỈNH BẮC GIANG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 36/2005/TTLT-BTC-BCN ngày 16/5/2005 của liên bộ Bộ Tài chính và Bộ Công nghiệp hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công; Thông tư số 03/2005/TT-BCN ngày 23/6/2005 của Bộ Công nghiệp hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 của Chính phủ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 387/TTr-SCT ngày 17/9/2008 về việc đề nghị ban hành Quy định về quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Bắc Giang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Bắc Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 54/2006/QĐ-UBND ngày 15/8/2006 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc ban hành Quy định về quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Bắc Giang.

Điều 3. Giám đốc các Sở, thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương;
- Website Chính phủ;
- TT Tỉnh uỷ, TT HĐND tỉnh;
- Các thành viên UBND tỉnh;
- MTTQ tỉnh và các Đoàn thể ND;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Viện KSND, TAND tỉnh;
- VP UBND tỉnh: LĐVP, các phòng CV;
- Lưu: VT, TPKT, KT, C.báo, TH, TKCT.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Hạnh

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ KHUYẾN CÔNG TỈNH BẮC GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 108/2008/QĐ-UBND ngày 02/10/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định chế độ hình thành, quản lý, sử dụng, nguyên tắc hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí khuyến công và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị đối với hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Bắc Giang.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các đề án thực hiện nội dung quy định tại Điều 6 của Quy định này, triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và do các tổ chức cá nhân sau thực hiện:

1. Các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trừ ở các phường thuộc thành phố (sau đây gọi là cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn), gồm:

a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;

b) Hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã;

c) Hộ kinh doanh cá thể đăng ký kinh doanh theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Các tổ chức hoạt động dịch vụ khuyến công, gồm: Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ, cơ sở đào tạo, đơn vị hoạt động tư vấn.

Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ, quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công

1. Nguyên tắc hỗ trợ:

a) Kinh phí khuyến công hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, nội dung và có hiệu quả kinh tế - xã hội;

b) Mỗi đề án chỉ được hỗ trợ từ một nguồn kinh phí khuyến công, mức hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/đề án .

2. Nguyên tắc quản lý và sử dụng:

a) Các tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí khuyến công phải đúng mục đích, đúng chế độ; thanh quyết toán kinh phí đã sử dụng đúng quy định;

b) Hỗ trợ kinh phí khuyến công được cấp tạm ứng tương ứng với kết quả triển khai các đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thanh quyết toán sau khi hoàn thành, đồng thời chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 4. Điều kiện để đề án được hỗ trợ kinh phí khuyến công

1. Đề án đáp ứng được yêu cầu theo quy định.

2. Chưa được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của Nhà nước.

3. Đơn vị thực hiện đề án chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Nguồn hình thành kinh phí khuyến công

1. Kinh phí khuyến công cấp tỉnh:

a) Từ ngân sách tỉnh, mức cụ thể từng năm do Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh trình Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh quyết định;

b) Hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia cho hoạt động khuyến công của địa phương theo chương trình, kế hoạch và đề án được phê duyệt;

c) Tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

d) Nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí khuyến công cấp huyện, thành phố:

a) Từ ngân sách các huyện, thành phố, mức cụ thể từng năm do UBND huyện, thành phố trình HĐND huyện, thành phố quyết định;

b) Tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Nội dung hoạt động được hỗ trợ kinh phí khuyến công

1. Hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân khởi sự doanh nghiệp, lập dự án đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn, tìm kiếm mặt bằng sản xuất, tuyển dụng, đào tạo lao động, huy động vốn, xin ưu đãi đầu tư và các thủ tục hành chính khác theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương.

2. Hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực quản lý, hợp lý hoá sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

3. Hướng dẫn, tư vấn cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

4. Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề.

5. Hỗ trợ cung cấp thông tin, tiếp thị, tìm kiếm thị trường và đối tác kinh doanh.

6. Tổ chức các hoạt động khảo sát, trao đổi kinh nghiệm; hỗ trợ và tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, tham gia các hiệp hội ngành nghề.

7. Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và thực hiện dịch vụ tư vấn khoa học-công nghệ để hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn.

8. Tuyên truyền cho hoạt động khuyến công trong phạm vi địa phương; xây dựng chương trình, kế hoạch khuyến công địa phương từng giai đoạn và hàng năm; mua sắm thiết bị phục vụ công tác khuyến công.

9. Quản lý, hội nghị, hội thảo, kiểm tra, giám sát, tổng kết, khen thưởng thuộc hoạt động khuyến công và các trường hợp khác theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh.

Điều 7. Mức chi kinh phí khuyến công

1. Mức chi cho nội dung hoạt động thuộc khoản 1, 2, 3, 5 và 6 của Điều 6 Quy định này được quy định như sau:

a) Cơ quan chủ trì là các tổ chức hoạt động dịch vụ khuyến công công lập được hỗ trợ 100% kinh phí theo đề án được duyệt;

b) Các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn thực hiện được hỗ trợ tối đa 50% chi phí.

2. Mức chi hỗ trợ nội dung hoạt động thuộc khoản 4 của Điều 6 Quy định này: tối đa không quá 300.000 đồng/người/tháng và không quá 1.500.000 đồng/người/khoá học nghề.

3. Mức chi hỗ trợ nội dung hoạt động thuộc khoản 7 của Điều 6 Quy định này: hỗ trợ sau đầu tư lãi suất vay ngân hàng hoặc phần chênh lệch giữa lãi suất vay ngân hàng thương mại với lãi suất vay ngân hàng phát triển tại cùng thời điểm vay vốn, tuỳ theo từng đề án.

4. Mức chi nội dung hoạt động thuộc khoản 8 và 9 của Điều 6 Quy định này: được chi đến 10% tổng nguồn kinh phí khuyến công hàng năm.

Điều 8. Phương thức hỗ trợ kinh phí khuyến công

1. Hỗ trợ trong quá trình đầu tư:

a) Chi hỗ trợ trực tiếp kinh phí khuyến công cho đơn vị thực hiện các nội dung hoạt động thuộc khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8 và 9 của Điều 6 Quy định này;

b) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ, gồm có:

- Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí khuyến công;

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

- Đề án khả thi được phê duyệt theo thẩm quyền;

- Các văn bản liên quan đến từng nội dung hoạt động khuyến công theo hướng dẫn của Sở Công Thương.

2. Hỗ trợ sau quá trình đầu tư:

a) Chi hỗ trợ kinh phí khuyến công bằng hình thức hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng sau đầu tư cho các đề án áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến, chuyển giao công nghệ mới thuộc khoản 7 của Điều 6 Quy định này;

b) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ, gồm có:

- Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí khuyến công;

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

- Đề án khả thi được phê duyệt theo thẩm quyền;

- Các văn bản liên quan: hợp đồng chuyển giao công nghệ, mua sắm thiết bị; hợp đồng tín dụng và các chứng từ trả nợ gốc, trả lãi hàng kỳ của chủ đầu tư.

Điều 9. Quy trình lập, xét duyệt và triển khai thực hiện đề án sử dụng kinh phí khuyến công cấp tỉnh

1. UBND huyện, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội tổng hợp nhu cầu thực hiện đề án khuyến công của các đơn vị gửi Sở Công Thương trước ngày 30/6 hàng năm.

2. Sở Công Thương tổng hợp và lập dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch khuyến công cùng với thời điểm lập dự toán ngân sách, gửi về Sở Tài chính trước ngày 15/7 hàng năm.

3. Sau khi có quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước của UBND tỉnh, các đơn vị được lựa chọn lập hồ sơ đề án khuyến công gửi Sở Công Thương; Sở Công Thương phối hợp với Sở Tài chính thẩm định và thống nhất danh mục đề án trình Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng kinh phí khuyến công.

4. Căn cứ quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng kinh phí khuyến công, Sở Công Thương ra quyết định giao kinh phí khuyến công cho các đơn vị tổ chức thực hiện.

5. Đơn vị thực hiện đề án lập báo cáo kết quả thực hiện đề án sau khi thực hiện xong và hoàn chỉnh các thủ tục quyết toán kinh phí khuyến công đã sử dụng với Sở Công Thương.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Công Thương

1. Giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh và trực tiếp quản lý kinh phí khuyến công cấp tỉnh.

2. Hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Quy định này.

3. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ đề án khuyến công; lập kế hoạch sử dụng kinh phí khuyến công trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

4. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội kiểm tra định kỳ, đột xuất việc quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công.

5. Theo dõi, đánh giá và định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh việc thực hiện quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công.

6. Hợp tác với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thu hút các nguồn vốn cho hoạt động khuyến công.

Điều 11. Trách nhiệm của Sở Tài chính

1. Đề xuất bố trí kinh phí khuyến công trong dự toán ngân sách hàng năm trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

2. Phối hợp với Sở Công Thương thẩm định hồ sơ đề án khuyến công, xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí khuyến công trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

3. Phối hợp với Sở Công Thương theo dõi, giám sát, kiểm tra định kỳ, đột xuất với các đơn vị thực hiện đề án khuyến công.

4. Phối hợp kiểm tra quyết toán kinh phí khuyến công hàng năm theo quy định.

Điều 12. Trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố; các tổ chức chính trị - xã hội

1. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn, các tổ chức hoạt động dịch vụ khuyến công trực thuộc lập hồ sơ, thủ tục xin hỗ trợ kinh phí khuyến công.

2. Phối hợp với Sở Công Thương tổ chức thẩm định, xét duyệt các đề án đề nghị hỗ trợ từ kinh phí khuyến công cấp tỉnh.

3. Phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công của các đề án thuộc phạm vi quản lý.

4. Đối với các đề án hỗ trợ từ kinh phí khuyến công cấp huyện, thành phố: Phòng Công Thương (Phòng Kinh tế) xây dựng kế hoạch, thẩm định trình Chủ tịch UBND huyện, thành phố quyết định và tổng hợp báo cáo kết quả với Sở Công Thương.

Điều 13. Trách nhiệm của các đơn vị thực hiện đề án khuyến công

1. Tổ chức triển khai thực hiện đề án khuyến công theo các nội dung đã được phê duyệt, các điều khoản của hợp đồng đã ký kết; sử dụng kinh phí có hiệu quả, tiết kiệm, đúng dự toán và các quy định hiện hành của Nhà nước, của UBND tỉnh.

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện đề án.

3. Quyết toán kinh phí khuyến công đã sử dụng và thanh lý hợp đồng thực hiện đề án khuyến công theo quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Đảm bảo và chịu trách nhiệm toàn diện về mặt pháp lý của hồ sơ đề án, về các thông tin đã cung cấp cho cơ quan quản lý trong việc xây dựng đề án, về báo cáo kết quả thực hiện đề án và quyết toán kinh phí khuyến công.

5. Chịu trách nhiệm lưu giữ hồ sơ, tài liệu về đề án khuyến công theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. Sở Công Thương công khai việc thực hiện Quy định về quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Bắc Giang trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh biết và thực hiện.

2. UBND huyện, thành phố căn cứ quy định này và điều kiện thực tế của địa phương ban hành và thông báo công khai Quy định về quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công huyện, thành phố để các cơ quan, tổ chức cá nhân trên địa bàn biết và thực hiện.

3. Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy định quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công được khen thưởng theo quy định của Nhà nước; nếu vi phạm thì tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Trong quá trình thực hiện Quy định này nếu có vấn đề chưa phù hợp thì các tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.