Quyết định số 51/2008/QĐ-UBND ngày 03/09/2008 Ban hành Quy định trách nhiệm đóng góp và chế độ trợ cấp đối với người nghiện ma tuý, người bán dâm trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 51/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Ngày ban hành: 03-09-2008
- Ngày có hiệu lực: 13-09-2008
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-09-2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 366 ngày (1 năm 0 tháng 1 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 14-09-2009
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51/2008/QĐ-UBND | Vinh, ngày 03 tháng 9 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM ĐÓNG GÓP VÀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHIỆN MA TUÝ, NGƯỜI BÁN DÂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh;
Căn cứ Nghị định số 56/2002/NĐ-CP ngày 15/5/2002 của Chính phủ về tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 117/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 01/10/2007 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn về trách nhiệm đóng góp và chế độ trợ cấp đối với người nghiện ma tuý, người bán dâm;
Căn cứ Nghị quyết số 233/2008/NQ-HĐND ngày 23/7/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, khoá XV – Kỳ họp thứ 13 về Trách nhiệm đóng góp và chế độ trợ cấp đối với người nghiện ma tuý, người bán dâm trên địa bàn tỉnh Nghệ An;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 1289/TT-LĐTBXH ngày 22 tháng 8 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trách nhiệm đóng góp và chế độ trợ cấp đối với người nghiện ma tuý, người bán dâm trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 55/2003/QĐ-UB ngày 13/6/2003 của UBND tỉnh về Quy định trách nhiệm đóng góp kinh phí và chế độ trợ cấp đối với người nghiện ma tuý, người mại dâm được đưa vào cơ sở chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
- Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. /.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
TRÁCH NHIỆM ĐÓNG GÓP VÀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHIỆN MA TUÝ, NGƯỜI BÁN DÂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 51/2008/QĐ-UBND ngày 03 tháng 9 năm 2008 của UBND tỉnh Nghệ An)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
1. Người nghiện ma tuý, người bán dâm chữa trị, cai nghiện bắt buộc hoặc tự nguyện tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (sau đây gọi tắt là Trung tâm).
2. Người nghiện ma tuý cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng và gia đình.
3. Người nghiện ma tuý, người bán dâm chưa thành niên bị đưa vào Trung tâm để chữa trị, cai nghiện bắt buộc.
4. Người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi trở lên bị bắt quả tang đang sử dụng trái phép chất ma tuý mà không có nơi cư trú nhất định.
5. Người bán dâm từ đủ 16 tuổi đến 55 tuổi bị bắt quả tang thực hiện hành vi bán dâm hoặc người bán dâm có tính chất thường xuyên mà không có nơi cư trú nhất định.
Điều 2. Các đối tượng tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 1, chữa trị, cai nghiện bắt buộc và tự nguyện tại Trung tâm; chữa trị, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng ngoài khoản được Nhà nước trợ cấp, có trách nhiệm đóng góp các khoản chi phí theo quy định tại Quy định này, trường hợp các đối tượng nêu trên không đủ điều kiện đóng góp thì thân nhân phải có trách nhiệm đóng góp (trừ những trường hợp được miễn, giảm tại Quy định này).
Chương II
TRÁCH NHIỆM ĐÓNG GÓP
Điều 3. Người nghiện ma tuý, người bán dâm bị bắt buộc đưa vào Trung tâm phải đóng tiền ăn 240.000 đồng /tháng, trong thời gian không được trợ cấp tiền ăn.
Điều 4. Người nghiện ma tuý chữa trị, cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm phải đóng góp các khoản sau:
1. Các khoản phải đóng góp một lần của một đối tượng:
a) Tiền mua (02 bộ quần áo đồng phục): 300.000 đồng /người /đợt.
b) Tiền mua đồ dùng sinh hoạt: 200.000 đồng /người /đợt.
c) Tiền thuốc cắt cơn, cấp cứu, phòng, chữa bệnh, chi phí xét nghiệm chất ma tuý: 400.000 đồng /người /đợt.
2. Các khoản phải đóng góp hàng tháng của một đối tượng:
a) Tiền ăn: 450.000 đồng /người /tháng.
b) Tiền vệ sinh, điện nước: 30.000 đồng /người /tháng.
c) Hoạt động văn thể: 15.000 đồng /người /tháng.
3. Các khoản đóng góp nếu bản thân đối tượng có nhu cầu:
Tiền học nghề: 500.000 đồng /người /khoá học ngắn hạn (3 tháng).
Điều 5. Đối với người nghiện ma tuý, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng: người nghiện ma tuý, vợ hoặc chồng của người nghiện ma tuý, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên nghiện ma tuý và gia đình người nghiện ma tuý có trách nhiệm tự túc ăn uống, đồng thời phải đóng góp các khoản chi phí trong thời gian cai nghiện gồm:
1. Tiền thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện 250.000 đồng /đợt/người;
2. Tiền xét nghiệm tìm chất ma tuý trong cơ thể người nghiện (trước và sau cai nghiện) 50.000 đồng /người;
3. Tiền chi phí tổ chức cai nghiện bao gồm:
a) Điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện 100.000 đồng /người /đợt;
b) Theo dõi, quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện 100.000 đồng /đối tượng /tháng;
c) Các hoạt động giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách 50.000 đồng /người /đợt.
d) Dạy nghề ngắn hạn (nếu gia đình và người cai nghiện có nhu cầu) mức tối thiểu 500.000 đồng /người /khoá học 3 tháng.
Chương III
CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP, MỨC TRỢ CẤP.
Điều 6. Người bán dâm, người nghiện ma tuý (kể cả người chưa thành niên) bị bắt buộc đưa vào Trung tâm và người bán dâm, người nghiện ma tuý không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tạm thời tại Trung tâm được trợ cấp các khoản sau:
1. Tiền ăn: 240.000 đồng /người /tháng, thời gian cụ thể như sau:
a) Đối với người nghiện ma tuý là 12 tháng và đối với người bán dâm là 09 tháng.
b) Đối với người nghiện ma tuý, người bán dâm bị nhiễm HIV /AIDS không còn khả năng lao động và người nghiện ma tuý, người bán dâm chưa thành niên được trợ cấp tiền ăn trong thời gian chấp hành quyết định.
c) Riêng đối với người nghiện ma tuý, người bán dâm không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tạm thời (sau đây gọi tắt là người lưu trú tạm thời) tại Trung tâm được trợ cấp tiền ăn mức tối thiểu 8.000 đồng /người /ngày, thời gian tối đa không quá 15 ngày.
2. Tiền điều trị.
a) Đối với người nghiện ma tuý được trợ cấp thuốc hỗ trợ cắt cơn, cấp cứu, chi phí xét nghiệm và thuốc điều trị các bệnh cơ hội khác:
Mức 350.000 đồng /người /lần chấp hành quyết định.
b) Đối với người bán dâm được trợ cấp tiền thuốc điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, thuốc chữa bệnh thông thường, xét nghiệm và các chi phí y tế khác:
Mức 180.000 đồng /người /lần chấp hành quyết định.
c) Trường hợp người bán dâm đồng thời là người nghiện ma tuý thì được trợ cấp tiền thuốc điều trị và thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện:
Mức 450.000 đồng /người /lần chấp hành quyết định.
d) Trong thời gian chấp hành quyết định hoặc lưu trú tạm thời tại Trung tâm, nếu người nghiện ma tuý, người bán dâm bị thương do tai nạn lao động được sơ cứu, cấp cứu kịp thời cho đến khi ổn định thương tật. Trường hợp bị ốm nặng hoặc bị mắc bệnh hiểm nghèo vượt quá khả năng chữa trị của Trung tâm phải chuyển đến bệnh viện của Nhà nước điều trị thì chi phí điều trị trong thời gian nằm viện do bản thân hoặc gia đình người đó tự trả, những người thuộc diện gia đình chính sách, người có công với cách mạng hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận thì được xét hỗ trợ 50% hoặc toàn bộ chi phí điều trị nhưng không quá 1.000.000 đồng /người /lần điều trị. Đối với người nghiện ma tuý, người bán dâm chưa thành niên thì được trợ cấp 100% cho phí điều trị.
3. Tiền mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân: 100.000 đồng /người /lần chấp hành quyết định.
4. Tiền mua sắm các vật dụng hoạt động văn hoá, thể thao: 30.000 đồng /người /lần chấp hành quyết định.
5. Tiền học văn hoá, giáo dục hành vi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BLĐTBXH -BGD%ĐT-BYT ngày 18/01/2006 của Bộ Lao động TB &XH - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Y tế.
6. Tiền học nghề: người bán dâm, người nghiện ma tuý chưa có nghề nếu có nhu cầu học nghề được hỗ trợ kinh phí học nghề 500.000 đồng /người. Kinh phí này chỉ được hỗ trợ cho đối tượng lần đầu vào Trung tâm, không được hỗ trợ cho đối tượng vào Trung tâm từ lần thứ hai trở đi.
7. Tiền vệ sinh phụ nữ: 10.000 đồng /người /tháng.
8. Trợ cấp tiền tàu xe, tiền ăn đường: người bán dâm, người nghiện ma tuý sau khi chấp hành xong quyết định, nếu có hoàn cảnh khó khăn hoặc không có thu nhập từ kết quả lao động tại Trung tâm và địa chỉ nơi cư trú đã được xác định rõ, khi trở về được cấp tiền ăn đường 20.000 đồng /người /ngày, tối đa không quá 05 ngày; trợ cấp tiền tàu xe theo giá phương tiện phổ thông của nhà nước.
9. Trợ cấp tiền mai táng: người bán dâm, người nghiện ma tuý đang chữa trị, cai nghiện chết tại Trung tâm mà không có thân nhân hoặc thân nhân không đến kịp hoặc chết do tai nạn lao động, Trung tâm có trách nhiệm mai táng và được thanh toán chi phí mai táng thực tế phát sinh theo giá cả tại thời điểm thanh toán (mức tối thiểu là 2.000.000 đồng /người). Trường hợp cần trưng cầu giám định pháp y để xác định nguyên nhân chết, Trung tâm được thanh toán chi phí này theo quy định của Nhà nước.
10. Người bán dâm, người nghiện ma tuý thuộc đối tượng tự nguyện hoặc bắt buộc đang chữa trị, cai nghiện tại trung tâm bị nhiễm HIV /AIDS được trợ cấp thêm tiền thuốc chữa bệnh, tiền mua sắm các vật dụng phòng chống lây nhiễm HIV và các khoản chi hỗ trợ khác (trừ tiền ăn, tiền thuốc chữa trị cai nghiện) theo quy định tại Quyết định số 96/2007/QĐ-TTg ngày 28/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, chăm sóc, tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV và phòng chống lây nhiễm HIV tại các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam.
Chương IV
CHẾ ĐỘ MIỄN, GIẢM
Điều 7. Đối với người bán dâm, người nghiện ma tuý là các đối tượng thuộc diện: Thương binh có tỷ lệ thương tật từ 21% trở lên, bệnh binh mất sức lao động từ 41% trở lên; con Liệt sỹ, con thương binh có tỷ lệ thương tật từ 21% trở lên, con bệnh binh mất sức lao động từ 41% trở lên, gia đình có công với cách mạng; người già cô đơn không nơi nương tựa, người lang thang không có nơi cư trú nhất định, bản thân không có điều kiện đóng góp hoặc không xác định được thân nhân hoặc người giám hộ; người thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định; người bị nhiễm HIV /AIDS không còn khả năng lao động. Được xét hỗ trợ, miễn, giảm các khoản sau:
1. Chữa trị, cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm, trong thời gian chấp hành quyết định còn lại mà không được hưởng trợ cấp tiền ăn, được xét hỗ trợ tiền ăn, nhưng với mức tối đa không quá 240.000 đồng /tháng /người.
2. Cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm, cai nghiện tại cộng đồng, gia đình được xét miễn giảm từ 60% - 100% chi phí chữa trị cai nghiện (thuốc cắt cơn, thuốc cấp cứu, thuốc điều trị các bệnh cơ hội) và chi phí cho công tác quản lý cai nghiện.
Điều 8. Thủ tục và hồ sơ xét miễn, giảm:
1. Đối với đối tượng chữa trị, cai nghiện bắt buộc, tự nguyện tại Trung tâm, hồ sơ gồm:
a) Quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện về việc đưa đối tượng vào Trung tâm để cai nghiện, giáo dục và chữa trị (đối với gái bán dâm và người cai nghiện ma tuý bắt buộc);
b) Quyết định của Giám đốc Trung tâm tiếp nhận đối tượng vào cai nghiện tại Trung tâm (đối với người nghiện ma tuý cai nghiện tự nguyện).
c) Bản sao các giấy tờ chứng nhận thuộc diện được miễn, giảm có chứng thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Căn cứ hồ sơ các đối tượng được miễn, giảm Trung tâm có trách nhiệm tổng hợp, trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định.
2. Đối với đối tượng chữa trị, cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng và gia đình, hồ sơ gồm:
a) Quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã về việc cho người nghiện ma tuý được cai nghiện tại cộng đồng và gia đình;
b) Bản sao các giấy tờ chứng nhận thuộc diện được miễn, giảm có chứng thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
UBND cấp xã tổng hợp hồ sơ các đối tượng được miễn, giảm trình UBND cấp huyện xem xét, quyết định và báo cáo về Sở Lao động – Thương binh & Xã hội.
Điều 9. Quản lý sử dụng tiền đóng góp; nguồn kinh phí thực hiện chế độ trợ cấp và chế độ miễn, giảm cho đối tượng.
1. Quản lý, sử dụng tiền đóng góp:
a) Đối với khoản tiền đóng góp của đối tượng chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm theo quy định tại Điều 3, khoản 1, 2, 3 Điều 4, Trung tâm có trách nhiệm tổ chức thu, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán theo đúng chế độ hiện hành của nhà nước;
b) Khoản tiền đóng góp của đối tượng cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng và gia đình theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 5, UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức thu, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán theo đúng chế độ hiện hành của nhà nước;
c) Toàn bộ tiền đóng góp của đối tượng chỉ được sử dụng cho công tác cai nghiện chữa trị và các khoản kinh phí khác phục vụ cho công tác quản lý, giám sát cai nghiện, không sử dụng vào các mục đích khác. Đơn vị phải mở sổ kế toán theo dõi chi tiết tình hình thu nộp, sử dụng và quyết toán theo quy định.
2. Nguồn kinh phí thực hiện chế độ trợ cấp, chế độ miễn, giảm cho đối tượng và cơ chế quản lý, sử dụng:
a) Nguồn kinh phí thực hiện chế độ trợ cấp và chế độ miễn, giảm cho các đối tượng được bố trí từ dự toán chi đảm bảo xã hội của ngân sách địa phương hàng năm và được cân đối cấp ngân sách theo cơ chế phân cấp quản lý hiện hành;
b) Việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí nêu trên được thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 117/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 01 tháng 10 năm 2007 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn về trách nhiệm đóng góp và chế độ trợ cấp đối với người bán dâm, người nghiện ma túy và các văn bản pháp luật của Nhà nước hiện hành.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính lập kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện hàng năm, trình UBND tỉnh quyết định; Định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện tại các địa phương, đơn vị báo cáo UBND tỉnh.
2. Căn cứ vào biến động giá cả của thị trường, kịp thời trình UBND tỉnh điều chỉnh mức đóng góp và chế độ trợ cấp cho phù hợp với thực tế đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chữa trị, cai nghiện cho người nghiện ma túy, ngưòi bán dâm.
3. Đối với các Trung tâm mới thành lập chưa tạo được việc làm để có nguồn thu từ lao động sản xuất nhằm đảm bảo đời sống cho đối tượng, ngoài các khoản thu và được trợ cấp tại Quy định này Sở Lao động – Thương binh và Xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ, và tình hình thực tế của các Trung tâm, tham mưu cho UBND tỉnh để hỗ trợ kinh phí ban đầu cho Trung tâm.
4. Phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn Trung tâm Giáo dục lao động xã hội và các địa phương thực hiện việc lập dự toán chi, quản lý, sử dụng và quyết toán các nguồn kinh phí đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật và có hiệu quả.
Điều 11. Sở Tài chính.
1. Tham mưu cân đối nguồn kinh phí hàng năm để triển khai thực hiện;
2. Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn, kiểm tra việc lập dự toán chi, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí tại các địa phương, đơn vị.
Điều 12. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
1. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện, giúp đỡ cho đối tượng ổn định cuộc sống, chống tái nghiện;
2. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã tiến hành lập hồ sơ đưa đối tượng vào chữa bệnh, cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm và đối tượng cai nghiện tại cộng đồng và gia đình theo Nghị định số 56/2002/NĐ-CP ngày 15/05/2002 và Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/06/2004 của Chính phủ.
Điều 13. Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.
1. Nắm chắc tình hình người nghiện ma túy trên địa bàn quản lý, phân loại, xây dựng kế hoạch cai nghiện hàng năm;
2. Tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho người nghiện ma tuý; lập hồ sơ đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố quyết định đưa đối tượng nghiện ma tuý đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm. Hướng dẫn đối tượng thuộc diện miễn, giảm lập hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, làm cơ sở cho việc cấp kinh phí, thanh quyết toán theo đúng quy định của Nhà nước hiện hành.
Điều 14. Các Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội:
1. Thực hiện tốt công tác chữa trị, cai nghiện, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, đồng thời Trung tâm phải có trách nhiệm tổ chức lao động sản xuất, tạo việc làm cho đối tượng để phục hồi sức khỏe, chức năng lao động và góp phần đảm bảo đời sống;
2. Có trách nhiệm lập dự toán, tổ chức thu, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán nguồn kinh phí theo đúng chế độ hiện hành của Nhà nước. /.