cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 05/2008/CT-UBND ngày 06/06/2008 Về quy hoạch địa điểm bố trí cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 05/2008/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Ngày ban hành: 06-06-2008
  • Ngày có hiệu lực: 16-06-2008
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 06-09-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2273 ngày (6 năm 2 tháng 23 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 06-09-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 06-09-2014, Chỉ thị số 05/2008/CT-UBND ngày 06/06/2008 Về quy hoạch địa điểm bố trí cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 2165/QĐ-UBND ngày 06/09/2014 Bãi bỏ văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành từ năm 1997 đến năm 2013 không còn phù hợp với pháp luật hiện hành và tình hình thực tế của địa phương”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2008/CT-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 06 tháng 6 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC QUY HOẠCH ĐỊA ĐIỂM BỐ TRÍ CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI MỘT CÁCH ĐỘC LẬP, THƯỜNG XUYÊN KHÔNG PHẢI ĐĂNG KÝ KINH DOANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh có nhiều cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh (sau đây gọi là cá nhân hoạt động thương mại) đang hoạt động mua bán ở các vỉa hè đường bộ, gần cổng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và thường tập trung vào những giờ cao điểm, giờ tan ca của công nhân làm ảnh hưởng đến trật tự giao thông, vệ sinh môi trường và mất cảnh quan đô thị.

Để ổn định và sắp xếp lại trật tự kinh doanh cho cá nhân hoạt động thương mại theo quy hoạch bố trí địa điểm và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, nhằm đảm bảo văn minh thương mại và đáp ứng được công tác quản lý nhà nước theo tinh thần Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ quy định về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh; Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan của tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai thực hiện một số nội dung sau đây:

1. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp và hướng dẫn UBND xã, phường, thị trấn thực hiện:

- Lập danh mục các khu vực, tuyến đường và phần vỉa hè đường bộ trên địa bàn được phép sử dụng tạm thời để thực hiện các hoạt động thương mại, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và không làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Trên cơ sở đó lập quy hoạch địa điểm bố trí sắp xếp cá nhân hoạt động thương mại vào kinh doanh ổn định, đúng nơi quy định được cấp thẩm quyền phê duyệt;

- Trực tiếp quản lý theo dõi các hoạt động thương mại của cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ;

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách và quy định pháp luật liên quan về quản lý cá nhân hoạt động thương mại tới đối tượng trực tiếp kinh doanh và toàn thể nhân dân trên địa bàn. Nghiêm cấm các hoạt động thương mại dịch vụ chiếm dụng trái phép, tự ý xây dựng, lắp đặt cơ sở, thiết bị, dụng cụ thực hiện các hoạt động thương mại và trưng bày hàng hóa ở bất kỳ địa điểm nào trên đường giao thông và nơi công cộng; lối ra vào thoát hiểm hoặc bất kỳ khu vực nào làm cản trở giao thông, gây bất tiện cho cộng đồng và làm mất mỹ quan chung; tại các khu vực, tuyến đường, địa điểm theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ.

2. Sở Công thương chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Thuế, Công an tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã thống nhất quy định cụ thể việc quy hoạch địa điểm bố trí và cho phép cá nhân hoạt động thương mại sử dụng tạm thời các khu vực, tuyến đường và phần vỉa hè đường bộ trên địa bàn để thực hiện các hoạt động thương mại phù hợp với thực tế địa phương nhưng không làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

3. Các Sở, ngành có liên quan của tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã hướng dẫn cụ thể việc thực hiện quản lý nhà nước về các hoạt động thương mại của cá nhân hoạt động thương mại theo quy định của ngành mình, nhằm đảm bảo việc thực hiện quy hoạch bố trí địa điểm cho cá nhân hoạt động thương mại đúng quy định của pháp luật.

4. Sở Công thương có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra việc lập quy hoạch địa điểm bố trí cá nhân hoạt động thương mại và triển khai thực hiện quy hoạch ở các địa phương. Kịp thời xử lý vướng mắc khó khăn và kiến nghị của các địa phương trong quá trình lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch bố trí địa điểm cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh.

5. Thời gian thực hiện việc quy hoạch bố trí địa điểm và sắp xếp lại trật tự mua bán của cá nhân hoạt động thương mại theo tinh thần Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ chậm nhất đến hết quý IV năm 2008.

6. Xử lý nghiêm đối với cá nhân hoạt động thương mại có hành vi vi phạm các quy định về hoạt động thương mại theo đúng quy định của pháp luật.

Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan của tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này. Kết quả thực hiện báo cáo kịp thời về Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Trần Văn Lợi