Chỉ thị số 14/2008/CT-UBND ngày 28/05/2008 Về tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo, đồ chơi nguy hiểm bị cấm trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- Số hiệu văn bản: 14/2008/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Ngày ban hành: 28-05-2008
- Ngày có hiệu lực: 07-06-2008
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 22-01-2020
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4246 ngày (11 năm 7 tháng 21 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 22-01-2020
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2008/CT-UBND | Vinh, ngày 28 tháng 5 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ, PHÁO, ĐỒ CHƠI NGUY HIỂM BỊ CẤM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
Tiếp tục thực hiện Nghị định số 47/1996/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT); Chỉ thị số 406 CT /TTg ngày 08 tháng 8 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo; Chỉ thị số 27/2005/CT-UBND ngày 29 tháng 7 năm 2005 của UBND tỉnh về việc mở cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Trong những năm qua, các cấp, các ngành chức năng đã tích cực phối hợp với lực lượng công an, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp VK, VLN, CCHT, pháo, đồ chơi nguy hiểm đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, từng bước đưa công tác quản lý VK, VLN, CCHT, pháo, đồ chơi nguy hiểm đi vào nề nếp, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân và tác hại của việc sử dụng VK, VLN, CCHT, pháo, đồ chơi nguy hiểm trái phép, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy vậy, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này còn nhiều sơ hở, thiếu sót cần được chấn chỉnh kịp thời; nhất là trong thời gian gần đây tình hình sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT, pháo, đồ chơi nguy hiểm bị cấm có xu hướng diễn biến phức tạp. Tình trạng buôn bán, sử dụng vật liệu nổ để đánh bắt thuỷ, hải sản, khai thác khoáng sản; buôn bán, đốt pháo nổ trái phép xảy ra ở nhiều địa phương như: thành phố Vinh, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Đô Lương, Quế Phong, Quỳ Hợp, Yên Thành, Con Cuông, Tương Dương, thị xã Cửa Lò, đặc biệt đã xảy ra tình trạng một số đối tượng tàng trữ, sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT để gây án giết người, cướp tài sản, giải quyết mâu thuẫn, trả thù cá nhân, chống người thi hành công vụ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý VK, VLN, CCHT, pháo, đồ chơi nguy hiểm bị cấm, ngăn chặn tình trạng sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
1. Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng về hậu quả, tác hại và những quy định của pháp luật về công tác quản lý VK, VLN, CCHT, pháo, đồ chơi nguy hiểm bị cấm. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, lực lượng vũ trang (kể cả đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh), kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý VK, VLN, CCHT.
2. Tổ chức ký cam kết cho nhân dân trong việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về công tác quản lý VK, VLN, CCHT, pháo, đồ chơi nguy hiểm bị cấm. Phát động phong trào toàn dân tự giác chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, tố giác những hành vi tàng trữ, buôn bán, sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT, pháo, đồ chơi nguy hiểm bị cấm còn trôi nổi trái phép ngoài xã hội và số VK, VLN, CCHT đã được trang bị nay không có nhu cầu sử dụng hoặc không đúng đối tượng được trang bị theo quy định thì phải giao nộp lại cho cơ quan chức năng.
3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An và các cơ quan thông tin đại chúng đóng trên địa bàn bằng nhiều hình thức tăng thời lượng tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp VK, VLN, CCHT, pháo, đồ chơi nguy hiểm bị cấm. Nêu gương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này, nhằm động viên mọi người tích cực tham gia cuộc vận động, đồng thời công khai đưa tin, hình ảnh của các đối tượng vi phạm pháp luật về công tác quản lý VK, VLN, CCHT.
4. Các ngành Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, Tài nguyên Môi trường, Kiểm lâm, Công thương, Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản… tăng cường các biện pháp thực hiện có hiệu quả công tác quản lý VK, VLN, CCHT, pháo nổ, kích điện, chất độc dùng để đánh bắt thủy, hải sản, nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh.
5. Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị tập trung chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác quản lý VK, VLN, CCHT, pháo, đồ chơi nguy hiểm bị cấm. Nếu địa phương nào để xảy ra đốt pháo thì Chủ tịch UBND phải kiểm điểm trách nhiệm.
6. Giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành chức năng theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này. Định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo. /.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |