cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 45/2008/QĐ-UBND ngày 18/08/2008 Ban hành Đề án vận tải khách công cộng bằng xe buýt tại thành phố Vinh và vùng phụ cận giai đoạn 2008-2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 45/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Ngày ban hành: 18-08-2008
  • Ngày có hiệu lực: 28-08-2008
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 27-12-2009
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-11-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2624 ngày (7 năm 2 tháng 9 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 04-11-2015
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 04-11-2015, Quyết định số 45/2008/QĐ-UBND ngày 18/08/2008 Ban hành Đề án vận tải khách công cộng bằng xe buýt tại thành phố Vinh và vùng phụ cận giai đoạn 2008-2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 5149/QĐ-UBND ngày 04/11/2015 Xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành từ ngày 31/12/2014 trở về trước đang còn hiệu lực thi hành”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 45/2008/QĐ-UBND

Vinh, ngày 18 tháng 8 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN VẬN TẢI KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT TẠI THÀNH PHỐ VINH VÀ VÙNG PHỤ CẬN GIAI ĐOẠN 2008 - 2015

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 239/2005/QĐ-TTg ngày 30/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ;
Căn cứ Kế hoạch số 317/KH-UBND ngày 12/10/2006 của UBND tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện Quyết định số 239/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính về việc phê duyệt đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 599/TTr.SGTVT-KHTH ngày 19 tháng 5 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Đề án vận tải khách công cộng bằng xe buýt tại thành phố Vinh và vùng phụ cận giai đoạn 2008 - 2015".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và Thủ trưởng các Ban, Ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Đức Phớc

 

ĐỀ ÁN

VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT TẠI THÀNH PHỐ VINH VÀ VÙNG PHỤ CẬN GIAI ĐOẠN 2008 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 45/2008/QĐ-UBND ngày 18 tháng 8 năm 2008 của UBND tỉnh Nghệ An)

ĐẶT VẤN ĐỀ

Thành phố Vinh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Nghệ An và là trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung bộ. Trong năm 2008 thành phố Vinh trở thành Đô thị loại I. Với diện tích 67,5km2, dân số khoảng 300 ngàn người. Vị trí địa lý thuận lợi phía Đông và phía Bắc giáp huyện Nghi Lộc, phía Tây giáp huyện Hưng Nguyên, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chú trọng phát triển công nghiệp và các ngành dịch vụ, hình thành và phát triển nhiều khu công nghiệp mới của thành phố Vinh và vùng phụ cận sẽ dẫn đến tăng nhanh tốc độ đô thị hoá và dân số. Nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng nhưng hệ thống vận tải khách công cộng chưa được đầu tư. Việc đi lại hiện nay chủ yếu sử dụng phương tiện cá nhân như mô tô, xe máy, dễ dẫn đến ùn tắc và gia tăng tai nạn giao thông, tăng ô nhiễm môi trường và lãng phí nhiên liệu ...

Phát triển và hoàn thiện hệ thống vận tải khách công cộng là giải pháp khoa học mà các nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng cho giao thông, nhất là cho giao thông đô thị. Nó phục vụ thuận tiện việc đi lại của nhân dân với chi phí thấp, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, thiết lập văn minh đô thị. Vì vậy, việc xây dựng Đề án phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt cho thành phố Vinh và vùng phụ cận là cần thiết, phù hợp với với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước và của tỉnh Nghệ An.

Phần I:

TÌNH HÌNH HỆ THỐNG GIAO THÔNG VÀ VẬN TẢI KHÁCH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ VINH

A- HỆ THỐNG GIAO THÔNG:

Thành phố Vinh là đầu mối giao thông của khu vực Bắc Miền Trung, có Quốc lộ 1A chạy qua thành phố dài hơn 20Km; có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua với ga Vinh có lưu lượng khách thông qua hơn 2 triệu lượt hành khách/năm; ở phía Bắc thành phố có cảng hàng không Vinh; có tuyến đường tránh Quốc lộ 1A và Quốc lộ 46 nối Cửa Lò với Cửa khẩu Thanh Thuỷ đi qua; ngoài ra còn có mạng lưới giao thông kết nối các vùng, có sông Lam và các tuyến kênh đi qua với hệ thống cảng, bến đường thuỷ thuận lợi. Cụ thể:

1- Hệ thống giao đường bộ thông nội thành:

Thành phố hiện tại có 120 tuyến đường đã được đặt tên với tổng chiều dài 156,8km, bao gồm cả đường đô thị và đường khu dân cư (đường rộng >12m), trong đó mặt đường thảm bêtông nhựa 65km, còn lại là mặt đường đá dăm láng nhựa và các kết cấu khác.

- Đường đô thị:

+ Các trục đường phố chính rộng từ 45 - 56m, phần xe chạy từ 4 - 6 làn xe, gồm các đường: Cao Thắng, Quang Trung, Trường Thi, Lê Lợi, Trần Phú, Lê Duẩn, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Phan Đình Phùng ... Riêng đường Lê-Nin và đường Xô Viết Nghệ Tĩnh rộng 56m, mặt đường có 8 làn xe.

+ Các trục đường phố chính khác rộng từ 30 - 40m, mặt đường gồm 4 làn xe, gồm các đường: Nguyễn Sỹ Sách, Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo, Trường Chinh, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Minh Khai, Lê Hồng Phong...

Kết cấu mặt các trục đường trên phần lớn là bêtông nhựa, hiện tại mạng lưới đường cấp đô thị có mật độ khoảng 2,6km/km2, khoảng cách giữa các đường chính trung bình 1 - 1,2km.

- Đường khu dân cư:

Đối với các đường khu dân cư mặt đường chủ yếu là đá dăm láng nhựa hoặc bêtông ximăng. Nhìn chung, hệ thống giao thông ở các khu dân cư chật hẹp, thiếu đồng bộ về công trình thoát nước, vỉa hè, cây xanh, hào kỹ thuật... Một số khu không đáp ứng được yêu cầu đi lại, dễ xảy ra tại nạn, khó khăn trong công việc chữa cháy, cứu nạn.

- Về hệ thống đèn tín hiệu giao thông:

Các nút giao trọng điểm đã bố trí hệ thống đèn tín hiệu giao thông, gồm 17 vị trí (trong đó 09 vị trí lắp đặt thiết bị mới): Quán Bánh, Ngân hàng (ngã tư ga), Chùa Diệc, ngã tư chợ Vinh, hồ cá Cửa Nam, ngã tư Đại học Vinh, ngã Sáu, ngã tư UBND tỉnh, ngã tư Trạm 07, ngã tư cầu Bưu điện, ngã tư cầu Kênh Bắc mới, ngã tư cầu Kênh Bắc cũ, ngã ba Nguyễn Văn Cừ, khu dân cư Nam Nguyễn Sĩ Sách, ngã tư Lý Thường Kiệt - Trường Chinh, ngã tư Quang Trung - Phan Chu Trinh, ngã tư Phong Định Cảng - Phan Đăng Lưu.

- Về hệ thống bến, bãi đỗ xe:

Hiện tại có Bến xe Vinh nằm trên đường Lê Lợi, Bến xe chợ Vinh nằm trên đường Cao Xuân Huy và Bãi đỗ xe khách sạn Sơn Thuỷ nằm trên đường Ngô Thì Nhậm. Các bến xe đều nằm ở trung tâm thành phố, cơ bản thuận lợi cho hành khách nhưng làm giao thông phức tạp và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an toàn giao thông thành phố.

2- Hệ thống giao thông đường bộ thành phố Vinh với vùng phụ cận:

- Quốc lộ 1A: Đoạn qua thành phố từ Nam Cấm đến cầu Bến Thủy, dài hơn 20km, đoạn đường này đồng thời cũng là đường phố chính của thành phố với các đoạn đường rộng như sau:

+ Đoạn từ Nam Cấm đến Quán Bánh nền đường rộng 12m, mặt đường bêtông nhựa rộng 11m; riêng đoạn qua thị trấn Quán Hành (Km449 - Km451) nền đường rộng 28m, mặt đường bêtông nhựa rộng 2x9,75m, giải phân cách giữa rộng 1,5m, vỉa hè hai bên;

+ Đường Nguyễn Trãi rộng 41m, mặt đường bêtông nhựa rộng 2x9,5m, giải phân cách giữa rộng 2m, nhiều đoạn vỉa hè chưa làm;

+ Đường Mai Hắc Đế, đường Lê Lợi rộng 45m, mặt đường bêtông nhựa rộng 2x9,5m, giải phân cách giữa rộng 2m, nhiều đoạn vỉa hè chưa làm;

+ Đường Quang Trung rộng 56m, mặt đường bêtông nhựa rộng 2x9,5m, giải phân cách giữa rộng 2m, vỉa hè 2x17,5m;

+ Đường Trần Phú rộng 45m, mặt đường bêtông nhựa rộng 14m và 2 đường bên rộng 2x3,5m, ở giữa có giải phân cách cứng; giải phân cách bên rộng 2x3m, vỉa hè 2x9m;

+ Đường Lê Duẩn, đường Nguyễn Du rộng 45m, mặt đường bêtông nhựa rộng 2x11,5m, giải phân cách giữa rộng 2m, vỉa hè 2x10m.

- Đường tránh QL1A: dài 25km, hoàn thành xây dựng đợt 1, nền đường rộng 12m, mặt rộng 11m.

- Quốc lộ 46: từ Cửa Lò đến cửa khẩu Thanh Thuỷ, nối với nước bạn Lào dài 80,75Km, hiện trạng như sau:

+ Đoạn từ cảng Cửa Lò - ngã tư Quán Bánh: Nền đường rộng 16m, mặt đường bêtông nhựa rộng 15m;

+ Đoạn từ ngã tư chợ Vinh - hồ cá Cửa Nam là đường Phan Đình Phùng rộng 45m, mặt đường bêtông nhựa rộng 14m và 2 đường bên rộng 2x3m; giải phân cách bên rộng 2x3m, vỉa hè hai bên;

+ Đoạn từ hồ cá Cửa Nam - Cầu Mượu: Mặt đường bêtông nhựa rộng 2x8.5m, nền đường rộng 19m, giải phân cách giữa rộng 1m;

+ Đoạn từ cầu Mượu - cầu Rộ: Mặt đường bêtông nhựa rộng 11m, nền đường rộng 12m; Riêng đoạn thuộc thị trấn Nam Đàn mặt đường bêtông nhựa rộng 15m, nền đường rộng 18m;

- Đường ven sông Lam (Cửa Hội - Vinh - Nam Đàn): Dự án đang được triển khai thi công, dài 56km, quy mô đường cấp III: nền rộng 11m, mặt rộng 9m. Riêng đoạn qua thành phố Vinh (từ cổng kho xăng dầu Hưng Hoà đến gặp QL1A) nền rộng 42m, mặt rộng 2x11m, giải phân cách giữa rộng 4m, vỉa hè 2x8m và đoạn thuộc thị trấn Nam Đàn quy mô theo quy hoạch thị trấn, nền rộng 15m, mặt rộng 12m. Hiện tại đoạn từ Cửa Hội - Vinh cơ bản đã hoàn chỉnh, đoạn Vinh - Nam Đàn dự kiến cuối năm 2008 hoàn thành.

- Đường trung tâm Vinh - Cửa Lò: Nối từ ga đường sắt cao tốc - ngã ba Quán Bàu - Cửa Lò, dài 18km. Hiện tại đang triển khai thi công đoạn từ ngã ba Quán Bàu đến đường Trương Văn Lĩnh, dài 1,1km quy mô mặt cắt ngang 72m, mặt đường rộng 2x16m, giải phân cách giữa rộng 20m, vỉa hè hai bên rộng 2x10m. Đoạn còn lại chưa có đường.

- Đường Vinh - Cửa Hội (Tỉnh lộ 535): Dài 11km, đoạn qua TP Vinh (đường Lê Viết Thuật) nền rộng 36m, mặt đường rộng 21m; đoạn còn lại nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 6m, thảm nhựa đã lâu, đường chật hẹp.

- Đường 536 (Nam Cấm - Cửa Lò): Dài 7,5km, hiện tại đang được nâng cấp nền rộng 12m, mặt đường BTN rộng 9m, dự kiến năm 2008 hoàn thành.

- Đường 534: Dài 42,5km, quy mô hiện trạng như sau:

+ Đoạn từ QL46 (Km0) đến thị trấn Quán Hành (Km5+500) dài 5,5km nền đường rộng 7,5m, mặt đường đá dăm láng nhựa rộng 5,5m; đoạn từ Km5+500 - Km8 đi trùng QL1A và đường tránh QL1A;

+ Đoạn từ Km8 - Km36 nền đường rộng 6,5m, mặt đường láng nhựa rộng 3.5m; đoạn còn lại mặt đường đá dăm nước rộng 3,5m, nền rộng 6,5m.

- Đường 558: Dài 25km, quy mô hiện trạng như sau:

+ Đoạn từ Km0 (cầu Cửa Tiền) - Km7: Nền đường rộng 6,5m, mặt đường đá dăm láng nhựa rộng 3,5m, đường chật hẹp;

+ Đoạn từ Km7 - Km17 trùng dự án đường ven sông Lam;

+ Đoạn từ Km17 - Km24+600 nền đường rộng 9m, mặt đường đá dăm láng nhựa rộng 8m. Hiện tại đoạn này đang chuẩn bị thảm BTN.

- Đường 8B (cầu Cửa Tiền - Yên Xuân): Dài 8km, một số đoạn là đường đất nhỏ, còn lại các đoạn khác chưa có đường.

- Đường Nguyễn Văn Trỗi: Từ ĐT558 (cầu Mưng) đến chợ Cầu, xã Hưng Trung, Nghi Lộc dài 20km, nền đường rộng 6m, mặt đường rộng 3,5m. Mặt đường một số đoạn là đá dăm thấm nhập nhựa, còn lại là cấp phối.

- Ngoài ra còn có một số tuyến đường khác như: Đường Hưng Hoà - Hưng Lộc - Nghi Đức - Nghi Trường - Nghi Xá, đường Đức - Thiết, ...

3- Đường sắt:

Tuyến chính đường sắt Bắc - Nam đi qua địa phận tỉnh Nghệ An dài 84km chạy song song với QL1A, trong đó đoạn đi qua thành phố Vinh dài gần 6km. Dọc tuyến đường sắt có nhiều đường ngang dân sinh giao cùng mức với đường sắt, chưa có đường gom và hệ thống báo hiệu bảo đảm an toàn chạy tàu. Ga Vinh đã được nâng cấp thành ga loại 1 (năm 2005).

4- Đường không:

Cảng hàng không Vinh có đường băng dài 2400m, rộng 45m, tiếp nhận các loại máy bay hạng trung A320 - A321 và tương đương. Cảng có hệ thống đài chỉ huy rađa thứ cấp, đài tiếp cận VOR/DME và đài K1, K2; có nhà ga rộng 2.000m2, sân đỗ ôtô và sân đỗ máy bay đạt tiêu chuẩn quốc gia. Hiện nay chỉ có 01 tuyến bay nội địa đi TP Hồ Chí Minh với tần suất 2chuyến/ngày; chỉ lên xuống được ban ngày khi thời tiết thuận lợi, đang chuẩn bị xây dựng hệ thống đèn tín hiệu phục vụ bay đêm và thiết bị cất hạ cánh khi thời tiết xấu.

B- HIỆN TRẠNG VẬN TẢI KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT:

Việc phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt tại thành phố Vinh và phụ cận, đã được UBND tỉnh Nghệ An quan tâm chỉ đạo từ năm 1997. UBND tỉnh Nghệ An đã có các văn bản giao cho Công ty cổ phần Xe khách Nghệ An (nay là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Miền Trung) thực hiện tổ chức vận tải khách công cộng bằng xe buýt cho một số tuyến từ thành phố Vinh đi các vùng phụ cận. Cụ thể như sau:

- Tại văn bản số 920/CV-UB ngày 10 tháng 5 năm 1997: Phê duyệt tuyến và điểm đỗ xe buýt cho các tuyến Ga Vinh - Cửa Lò và Ga Vinh - Nam Đàn.

- Tại văn bản số 2865/CV-UB ngày 12 tháng 12 năm 1997 cho mở tuyến xe buýt Vinh - Đô Lương.

- Tại văn bản số 3406/CV.UB-CN ngày 12 tháng 11 năm 1999 cho mở tuyến xe buýt Chợ Vinh - Hoàng Mai và Chợ Vinh - Bến xe Thị xã Hà Tĩnh.

Nhưng do hiệu quả kinh doanh thấp, doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh bù lỗ, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời, nên sau hơn 10 năm hoạt động vận tải khách bằng xe buýt chỉ còn có 02 tuyến Ga Vinh - Cửa Lò, Ga Vinh - Nam Đàn đang được duy trì hoạt động cầm chừng.

Tuyến Ga Vinh - Cửa Lò: Hoạt động từ 05 giờ sáng đến 16h30 phút, tần suất 30 phút/chuyến và hiện chỉ có 02 xe hoạt động.

Tuyến Ga Vinh - Nam Đàn: Hoạt động từ 06 giờ sáng đến 18giờ chiều, tần suất 30 phút/chuyến và có 07 xe hoạt động.

Tuyến xe buýt lân cận Chợ Vinh – thành phố Hà Tĩnh hoạt động được một thời gian ngắn, đến năm 2004 đã ngừng để chuyển sang hoạt động theo tuyến vận tải khách cố định.

Thực trạng vận tải khách bằng xe buýt hiện có những hạn chế và tồn tại chủ yếu sau:

- Về phương tiện: chất lượng phương tiện đưa vào khai thác hầu hết đã cũ hoặc xe chuyển đổi từ chạy tuyến cố định sang xe buýt, không đúng với tiêu chuẩn xe buýt quy định tại Quyết định số 34/2006/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải "Quy định về quản lý vận tải khách công cộng bằng xe buýt".

- Về tần suất và thời gian xuất bến: Tần suất giãn cách giữa 2 chuyến quá dài. Xe xuất bến nhưng hầu như không thực hiện đúng biểu đồ chạy xe, dừng đậu đón khách tuỳ tiện, thường không đón trả khách đúng vị trí điểm đỗ quy định, việc bỏ chuyến thường xuyên xẩy ra, không thực hiện bán vé (vé chặng và vé tháng).

- Trên tuyến xe buýt hiện không có các biển dừng đậu đầy đủ, không có nhà chờ cho khách đi xe.

- Tóm lại khách đi xe chưa có niềm tin khi đi lại bằng xe buýt.

Phần II:

MỤC TIÊU, PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ VẬN TẢI KHÁCH BẰNG XE BUÝT GIAI ĐOẠN 2008 - 2015

1- Các căn cứ xây dựng Đề án:

- Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 24/2/2003 của Ban bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông "Khẩn trương xây dựng thông qua và không ngừng hoàn thiện chiến lược và quy hoạch phát triển giao thông vận tải... Tập trung ưu tiên phát triển vận tải khách công cộng ở các đô thị lớn...".

- Quyết định số 162/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến 2010 và định hướng đến 2020 nêu rõ: "...Hạn chế mức tăng số lượng xe máy bình quân không quá 10%/ năm... Xe máy sử dụng chủ yếu ở các khu vực nông thôn và khu vực không có vận tải xe công cộng... song song với giải pháp hạn chế phát triển xe máy, đẩy mạnh phát triển phương tiện vận tải công cộng...".

- Quyết định số 197/2007/QĐ-TTg ngày 28/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Nghệ An đến năm 2020.

- Quyết định số 239/2005/QĐ-TTg ngày 30/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh trở thành Trung tâm kinh tế, văn hoá vùng Bắc Trung bộ.

- Quyết định số 49/2000/QĐ-TTg ngày 21/4/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2020.

- Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 21/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

- Quyết định 34/2006/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2006 của Bộ giao thông vận tải ban hành "Quy định về quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt".

- Đề án phát triển hạ tầng giao thông Nghệ An giai đoạn 2006-2010.

- Đề án phát triển hạ tầng giao thông thiết yếu cho thành phố Vinh giai đoạn 2007-2020.

- Căn cứ đề án đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2006-2010.

2. Nhu cầu:

Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung bộ. Không gian đô thị Vinh sẽ được mở rộng với diện tích khoảng 250km2: Phía Bắc là đường Nam Cấm, phía Tây là đường tránh Vinh, phía Nam là sông Lam, phía Đông là biển Đông. Dự kiến một số chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội thành phố Vinh đến năm 2015 như sau:

- Tổng GDP: Đạt 6.596,5 tỷ đồng năm 2010 và 11.902 tỷ đồng năm 2015.

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế: Đạt 14% năm 2010 và 12,5% năm 2015.

- Dân số: Đạt khoảng 565.000 người vào năm 2010 và 670.000 người năm 2015 (tăng 3,6% năm).

- Tốc độ đô thị hoá: dự kiến đạt 5% năm 2010 và 4,6% vào năm 2015.

- Thu nhập bình quân đầu người: Đạt 20,1 triệu đồng vào năm 2010 và 34,8 triệu đồng năm 2015.

Vùng phụ cận thành phố Vinh có các khu công nghiệp, đô thị, khu du lịch, dịch vụ và các trung tâm kinh tế xã hội đông dân của địa phương như: Nam Đàn và các Khu di tích Kim Liên, Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong, Mai Hắc đế...; Khu công nghiệp Nam Cấm, Khu kinh tế vùng Đông -Nam; Thị xã du lịch Cửa Lò; Khu du lịch bãi Lữ; Diễn Châu và bãi biển Diễn Thành; Quỳnh Lưu, Hoàng Mai,...

Số lượng phương tiện cá nhân (xe máy) trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 92.500 xe, dự kiến đến năm 2010 sẽ có khoảng 150.000 xe và năm 2015 có khoảng 250.000 xe.

Cùng với tăng trưởng kinh tế, thu nhập và mức sống của người dân được cải thiện, nhu cầu đi lại sẽ tăng lên, sự giao lưu của các vùng đến thành phố Vinh cũng tăng theo. Số lượng chuyến đi bình quân của một người dân thành phố Vinh và vùng phụ cận hiện nay khoảng 0,65 lần/ngày (các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khoảng 2,5 - 3 lần/ ngày).

Với tốc độ đô thị hoá và gia tăng dân số nhanh, dự kiến số lượng chuyến đi bình quân của một người dân sẽ tăng lên 1,1 lần/ngày năm 2010 và 1,5 lần/ngày năm 2015.

Dự kiến số lượng người tham gia giao thông bằng xe buýt năm 2010 đạt 6.000 lượt người/ngày và 10.000 người/ngày vào năm 2015.

Để thành phố Vinh có thể hội đủ các tiêu chí của đô thị loại I vào năm 2010 và trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung bộ; Đồng thời nhằm định hướng cho hệ thống hoạt động vận tải khách công cộng của đô thị; Góp phần thúc đẩy quá trình xúc tiến đầu tư. Việc xây dựng Đề án vận tải khách công cộng của đô thị bằng xe buýt cho thành phố và vùng phụ cận là hết sức cần thiết.

3- Mục tiêu, nhiệm vụ:

- Để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trong thành phố và vùng phụ cận thuận tiện, kịp thời, thông suốt.

- Góp phần hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông.

- Tiết kiệm tài nguyên và giảm ô nhiễm môi trường trong thành phố.

- Tạo nếp sống văn minh đô thị.

- Xây dựng mạng lưới luồng tuyến giao thông hợp lý, phù hợp với quy hoạch đô thị và định hướng phát triển kinh tế xã hội, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân với chi phí phù hợp.

4- Bố trí luồng tuyến giai đoạn 2008 đến 2015:

4.1- Tuyến nội thành:

a- Tuyến số 1:

- Hành trình qua các trục đường chính:

Bến xe Chợ Vinh - Quang Trung - Đinh Công Tráng - Hồ Tùng Mậu - Nguyễn Văn Cừ - Hà Huy Tập - Quán Bàu - Mai Hắc Đế - Lê Lợi - Quang Trung - Bến xe chợ Vinh và ngược lại.

- Dự kiến các chỉ tiêu khai thác:

TT

Các chỉ tiêu khai thác

Đơn vị

Chỉ tiêu

1

Chiều dài tuyến

Km

15

2

Thời gian hoạt động trong ngày

- Chuyến đầu tiên xuất bến

- Chuyến cuối cùng xuất bến

 

Giờ

 

Từ 5h ¸ 19h30

3

Thời gian giãn cách giữa 2 chuyến (tần suất):

- Cao điểm

- Thấp điểm

 

Phút

 

10

20

4

Thời gian 1 chuyến đi từ điểm đầu đến điểm cuối

Phút

40

5

 Dự kiến số lượng xe hoạt động

chiếc

10

b- Tuyến số 2:

- Hành trình qua các trục đường chính:

Bến xe chợ Vinh - Trần Phú - Lê Duẩn - Đại học Vinh - Nguyễn Văn Trỗi - Phong Định Cảng - Nguyễn Phong Sắc - Nguyễn Sỹ Sách - Lê Nin - Sân bay Vinh - Quán Bánh - Nguyễn Trãi - Mai Hắc Đế - Phan Bội Châu - Trường Chinh - Trần Hưng Đạo - Phan Đình Phùng - Bến xe chợ Vinh và ngược lại.

- Dự kiến các chỉ tiêu khai thác:

TT

Các chỉ tiêu khai thác

Đơn vị

Chỉ tiêu

1

Chiều dài tuyến

Km

20

2

Thời gian hoạt động trong ngày

- Chuyến đầu tiên xuất bến

- Chuyến cuối cùng xuất bến

 

Giờ

 

Từ 5h ¸ 19h30

3

Thời gian giãn cách giữa 2 chuyến (Tần suất):

- Cao điểm

- Thấp điểm

 

Phút

 

10

20

4

Thời gian 1 chuyến đi từ điểm đầu đến điểm cuối

Phút

50

5

 Dự kiến số lượng xe hoạt động

chiếc

12

c- Tuyến số 3:

- Hành trình qua các trục đường chính:

Bến xe chợ Vinh - Quang Trung - Lê Hồng Phong - Nguyễn Phong Sắc - Lê Viết Thuật - Viện Quân y 4 - Cao đẳng sư phạm - Chợ Mai Trang - Cửa Hội - Cửa Lò và ngược lại.

- Dự kiến các chỉ tiêu khai thác:

TT

Các chỉ tiêu khai thác

Đơn vị

Chỉ tiêu

1

Chiều dài tuyến

Km

25

2

Thời gian hoạt động trong ngày

- Chuyến đầu tiên xuất bến

- Chuyến cuối cùng xuất bến

 

Giờ

 

Từ 5h ¸ 19h30

3

Thời gian giãn cách giữa 2 chuyến (Tần suất):

- Cao điểm

- Thấp điểm

 

Phút

 

10

20

4

Thời gian 1 chuyến đi từ điểm đầu đến điểm cuối

Phút

60

5

 Dự kiến số lượng xe hoạt động

chiếc

12

4.2- Tuyến xe buýt nội tỉnh:

a- Tuyến thành phố Vinh - Hoàng Mai và ngược lại.

- Hành trình qua các địa điểm chính:

Bến xe Chợ Vinh - Bến xe Vinh - Quán Bánh - Quán Hành - Nam Cấm - Diễn An - TT Diễn Châu - Yên Lý - TT Cầu Giát - Hoàng Mai và ngược lại.

- Dự kiến các chỉ tiêu khai thác:

TT

Các chỉ tiêu khai thác

Đơn vị tính

Chỉ tiêu

1

Chiều dài tuyến

Km

75

2

Thời gian hoạt động trong ngày

- Chuyến đầu tiên xuất bến

- Chuyến cuối cùng xuất bến

 

Giờ

 

Từ 5h ¸ 19h00

3

Thời gian giãn cách giữa 2 chuyến (tần suất):

- Cao điểm

- Thấp điểm

 

Phút

 

10

20

4

Thời gian 1 chuyến đi từ điểm đầu đến điểm cuối

Phút

150

5

 Dự kiến số lượng xe hoạt động

chiếc

18

b- Tuyến thành phố Vinh - thị xã Cửa Lò và ngược lại:

- Hành trình qua các địa điểm chính:

Ga Vinh - Phan Bội Châu- Mai Hắc Đế - Nguyễn Trãi - Quán Bánh - Quốc lộ 46 - Chợ Sơn - Cửa Lò và ngược lại.

- Dự kiến các chỉ tiêu khai thác:

TT

Các chỉ tiêu khai thác

Đơn vị tính

Chỉ tiêu

1

Chiều dài tuyến

Km

20

2

Thời gian hoạt động trong ngày

- Chuyến đầu tiên xuất bến

- Chuyến cuối cùng xuất bến

 

Giờ

 

Từ 5h ¸ 19h30

3

Thời gian giãn cách giữa 2 chuyến (tần suất):

- Cao điểm

- Thấp điểm

 

Phút

 

10

20

4

Thời gian 1 chuyến đi

Phút

40

5

 Dự kiến số lượng xe hoạt động

chiếc

14

c- Tuyến thành phố Vinh - Nam Đàn và ngược lạ:

- Hành trình qua các địa điểm chính: Chợ Vinh - Cửa Nam - Thị trấn Hưng Nguyên - Kim Liên - Bến xe Nam Đàn và ngược lại.

- Dự kiến các chỉ tiêu khai thác:

TT

Các chỉ tiêu khai thác

Đơn vị tính

Chỉ tiêu

1

Chiều dài tuyến

Km

19

2

Thời gian hoạt động trong ngày

- Chuyến đầu tiên xuất bến

- Chuyến cuối cùng xuất bến

 

Giờ

 

Từ 5h ¸ 19h30

3

Thời gian giãn cách giữa 2 chuyến (tần suất):

- Cao điểm

- Thấp điểm

 

Phút

 

10

20

4

Thời gian 1 chuyến đi

Phút

40

5

 Dự kiến số lượng xe hoạt động

chiếc

10

4.3- Tuyến xe buýt lân cận:

 Tuyến thành phố Vinh -tThành phố Hà Tĩnh và ngược lại.

Hành trình qua các địa điểm chính: Quán Bánh – Quán Bàu - Hà Huy Tập – Nguyễn Văn Cừ - Lê Duẩn - Gia Lách - thị xã Hồng Lĩnh - thành phố Hà Tĩnh và ngược lại.

- Dự kiến các chỉ tiêu khai thác:

TT

Các chỉ tiêu khai thác

Đơn vị tính

Chỉ tiêu

1

Chiều dài tuyến

Km

50

2

Thời gian hoạt động trong ngày

- Chuyến đầu tiên xuất bến

- Chuyến cuối cùng xuất bến

 

Giờ

 

Từ 5h ¸ 19h30

3

Thời gian giãn cách giữa 2 chuyến (tần suất):

- Cao điểm

- Thấp điểm

 

Phút

 

10

20

4

Thời gian 1 chuyến đi

Phút

90

5

 Dự kiến số lượng xe hoạt động

chiếc

16

5- Yêu cầu đối với vận tải khách công cộng bằng xe buýt:

Thực hiện theo tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 và Điều 7 Quyết định số 34/2006/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải "Quy định về quản lý vận tải khách công cộng bằng xe buýt". Cụ thể:

a- Đối với xe buýt:

+ Đảm bảo điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới đường bộ.

+ Có màu sơn đặc trưng được đăng ký với sở Giao thông vận tải.

+ Phải niêm yết số hiệu, điểm đầu, điểm cuối của tuyến, giá vé và số điện thoại của đơn vị khai thác tuyến lên kính xe phía trước góc trên bên phải người lái, hoặc hai bên thành xe

+ Bên trong xe phải niêm yết sơ đồ tuyến, nội quy phục vụ, giá vé và số điện thoại của đơn vị khai thác tuyến ở những vị trí phù hợp để hành khách dễ nhận biết.

+ Bảo đảm yêu cầu kỹ thuật quy định tại Tiêu chuẩn ngành 22 TCN 302- 06 của Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 02 tháng 03 năm 2006.

+ Đối với xe buýt phục vụ người tàn tật phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật riêng được quy định tại Phần 2 Tiêu chuẩn ngành 22 TCN 302- 06.

b- Tiêu chuẩn điểm dừng xe buýt:

+ Điểm dừng xe buýt trên đường bộ phải đảm bảo đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ;

+ Phạm vi điểm dừng xe buýt, phải sơn vạch phản quang để người điều khiển các phương tiện giao thông khách nhận biết;

+ Khoảng cách tối đa giữa hai điểm dừng trong đô thị là 700m, ngoài đô thị là 3000m;

+ Tại vị trí mỗi điểm dừng phải có biển báo hiệu điểm dừng xe buýt theo quy định; Trên biển bào hiệu phải ghi số hiệu, tên tuyến( điểm đầu- điểm cuối), lộ trình của các tuyến xe buýt dừng tại vị trí đó;

+ Tại các vị trí điểm dừng xe buýt: Trong đô thị nếu có bề rộng hè đường từ 4m trở lên, ngoài đô thị nếu có bề rộng lề đường từ 1,5m trở lên phải xây dựng nhà chờ xe buýt;

+ Tại vị trí các điểm dừng phục vụ người tàn tật sử dụng xe lăn phải xây dựng lối xuống thuận tiện cho xe lăn.

c- Tiêu chuẩn nhà chờ xe buýt:

+ Nhà chờ xe buýt phải có ghế để khách ngồi chờ, mẫu nhà chờ theo quy định của Sở Giao thông vận tải;

+ Các nhà chờ phục vụ người tàn tật đi xe lăn phải xây dựng lối lên xuống thuận tiện cho xe lăn và vị trí dành riêng cho người tàn tật;

+ Trong nhà chờ xe buýt phải niêm yết đầy đủ các thông tin về các tuyến xe buýt: Số hiệu tuyến, tên tuyến, lộ trình tuyến, tần suất xe chạy, thời gian hoạt động trong ngày của tuyến, số điện thoại liên hệ;

+ Tại nhà chờ xe buýt, các thông tin phục vụ việc quảng cáo mà nội dung không liên quan đến hoạt động của xe buýt chỉ được thực hiện khi đã thông tin đầy đủ nội dung nêu trên. Các thông tin quảng cáo phải thực hiện theo đúng quy định hiện hành về quảng cáo.

d- Điểm đầu, điểm cuối của tuyến xe buýt

+ Điểm đầu, điểm cuối của tuyến xe buýt phải đảm bảo cho xe buýt: Quay đầu xe, đỗ xe chờ và hoạt động.

+ Có nhà chờ và các công trình phụ trợ khác như: nhà vệ sinh, nhà bán vé...

+ Điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng và nhà chờ xe buýt phải xây dựng theo Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam số TCXDVN 264:2002 và số TCXDVN 265:2002.

6. Nguồn vốn và kinh phí đầu tư:

- Nguồn vốn đầu tư thực hiện Đề án vận tải khách công cộng bằng xe buýt được huy động và sử dụng theo quy định của pháp luật từ các nguồn: Doanh nghiệp, vốn ODA, hỗ trợ từ Trung ương và địa phương, các nguồn vốn hợp pháp khác.

- Tổng kinh phí đầu tư: Dự kiến khoảng 155 tỷ đồng. Trong đó:

+ Giai đoạn 2008 - 2010: Phương tiện: Dự kiến 100 xe = 80 tỷ đồng; Nhà điều hành, trạm đỗ xe qua đêm, trạm dừng đậu, ga ra, nhà xưởng và các công trình phụ trợ khác: 15 tỷ đồng.

+ Giai đoạn 2011 - 2015: Phương tiện: Dự kiến 50 xe = 50 tỷ đồng; Nhà điều hành, trạm đỗ xe qua đêm, trạm dừng đậu, ga ra, nhà xưởng và các công trình phụ trợ khác: 10 tỷ đồng.

Phần III:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I- KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN:

1- Giai đoạn 2008 - 2010:

1.1- Tuyến nội thành: 03 tuyến:

- Bến xe chợ Vinh - Trần Phú - Lê Duẩn - Đại học Vinh - Nguyễn Văn Trỗi - Phong Định Cảng - Nguyễn Phong Sắc - Nguyễn Sỹ Sách - Lê Nin - Sân bay Vinh - Quán Bánh - Nguyễn Trãi - Mai Hắc Đế - Phan Bội Châu - Trường Chinh - Trần Hưng Đạo - Phan Đình Phùng Bến xe chợ Vinh và ngược lại.

- Bến xe Chợ Vinh - Quang Trung - Đinh Công Tráng - Hồ Tùng Mậu - Nguyễn Văn Cừ - Hà Huy Tập - Quán Bàu - Mai Hắc Đế - Lê Lợi - Quang Trung - Bến xe chợ Vinh và ngược lại.

- Bến xe chợ Vinh - Quang Trung - Lê Hồng Phong - Nguyễn Phong Sắc - Lê Viết Thuật - Viện Quân y 4 - Cao đẳng sư phạm - Chợ Mới Trang - Cửa Hội - Cửa Lò và ngược lại.

1.2- Tuyến xe buýt nội tỉnh:

- Tuyến Bến xe Chợ Vinh - Bến xe Vinh - Quán Bánh - Quán Hành - Nam Cấm - Diễn An - TT Diễn Châu - Yên Lý - TT Cầu Giát - Hoàng Mai và ngược lại.

- Tuyến Ga Vinh - Phan Bội Châu- Mai Hắc Đế - Nguyễn Trãi - Quán Bánh - Nghi Ân - Nghi Trường - Chợ Sơn - Cửa Lò và ngược lại.

- Tuyến Chợ Vinh - Cửa Nam - Thị trấn Hưng Nguyên - Kim Liên - Bến xe Nam Đàn và ngược lại.

1.3- Tuyến xe buýt lân cận:

Quán Bánh – Quán Bàu - Hà Huy Tập – Nguyễn Văn Cừ - Lê Duẩn - Gia Lách - thị xã Hồng Lĩnh - thành phố Hà Tĩnh và ngược lại.

2- Giai đoạn 2011 - 2015:

Thực hiện các tuyến còn lại và căn cứ nhu cầu đi lại để bổ sung, điều chỉnh thêm một số tuyến mới cho phù hợp.

II- GIẢI PHÁP:

- Có sự phối hợp tốt của các cấp, các ngành liên quan để thực hiện.

- Tăng cường thu hút đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nhiệp bỏ vốn xây dựng và kinh doanh.

- Doanh nghiệp đầu tư phương tiện vận chuyển đạt tiêu chuẩn quy định, bãi đỗ xe, trạm bảo dưỡng sửa chữa phương tiện, văn phòng làm việc và các công trình phụ trợ khác phục vụ cho việc điều hành.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở các cấp, các ngành, các địa phương để nhân dân tham gia giao thông bằng xe buýt.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Việc đầu tư xây dựng hệ thống vận tải khách công cộng cho Thành phố Vinh và vùng phụ cận là phù hợp với định hướng phát triển đô thị hiện đại, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường.

Để triển khai thực hiện Đề án, UBND tỉnh Nghệ An giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị như sau:

1. Sở Giao thông Vận tải:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính và các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp vận tải khách công cộng bằng xe buýt hoạt động có hiệu quả.

- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND thành phố Vinh, Công an thành phố Vinh, phòng cảnh sát giao thông và nhà đầu tư xác định vị trí dừng đỗ đón trả khách phù hợp với thực tế của địa phưong và đúng quy định.

- Theo dõi quá trình triển khai thực hiện các nội dung của Đề án. Thực hiện quản lý vận tải theo quy định của pháp luật.

- Căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu đi lại của nhân dân tham mưu trình UBND tỉnh bổ sung, điều chỉnh luồng tuyến cho phù hợp.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối chủ trì giúp UBND tỉnh trong việc kêu gọi đầu tư, xây dựng các giải pháp tìm nguồn vốn.

3- Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND thành phố Vinh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thuê mặt bằng để xây dựng bãi đỗ xe, gara sửa chữa, trạm cấp nhiên liệu, văn phòng điều hành, nhà nghỉ cho lái xe...

4. Sở Văn hoá - Thông tin chỉ đạo các cơ quan báo chí, Đài phát thanh truyền hình Nghệ An phối hợp với Sở Giao thông vạn tải, Nhà đầu tư tuyên truyền sâu rộng cho quần chúng nhân dân biết lợi ích của việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt và khuyến khích nhân dân tham gia.

5- Công an tỉnh phối hợp cùng các cơ quan chức năng thực hiện hướng dẫn, kiểm tra và xử lý vi phạm theo Luật giao thông đường bộ và các quy định pháp luật về vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn.

6- UBND thành phố Vinh: Trích ngân sách của thành phố (hoặc huy động nguồn hợp pháp từ các doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo) để đầu tư các biển báo điểm dừng, đỗ, đón trả khách, nhà chờ xe buýt theo đề án đã được phê duyệt. Đối với các tuyến nằm ngoài địa bàn thành phố Vinh kinh phí đâu tư đó do địa phương có tuyến đi qua chịu trách nhiệm đầu tư.

7. Các Ngành, UBND thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò, UBND các huyện theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp, triển khai thực hiện nội dung Đề án.