Quyết định số 41/2008/QĐ-UBND ngày 04/08/2008 Về cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số, học sinh người Kinh ở những xã đặc biệt khó khăn đi học đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 41/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Phước
- Ngày ban hành: 04-08-2008
- Ngày có hiệu lực: 14-08-2008
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 22-12-2016
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3052 ngày (8 năm 4 tháng 12 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 22-12-2016
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/2008/QĐ-UBND | Đồng Xoài, ngày 04 tháng 8 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CỬ TUYỂN HỌC SINH DÂN TỘC THIỂU SỐ, HỌC SINH NGƯỜI KINH Ở NHỮNG XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN ĐI HỌC ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG VÀ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ Quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 13/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC-BNV-UBDT ngày 07/4/2008 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
Theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1676/TTr-SGDĐT ngày 18/7/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy định về cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số, học sinh người Kinh ở những xã đặc biệt khó khăn đi học đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh bình Phước.
Điều 2. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Ban Dân tộc và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ CỬ TUYỂN HỌC SINH DÂN TỘC THIỂU SỐ, HỌC SINH NGƯỜI KINH Ở NHỮNG XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN ĐI HỌC ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG VÀ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 41/2008/QĐ-UBND ngày 04/8/2008 của UBND tỉnh Bình Phước )
Chương I.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Quy định này quy định về đối tượng, tiêu chuẩn được hưởng chế độ cử tuyển, việc tổ chức thực hiện chế độ cử tuyển, việc bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo đối với người được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).
Điều 2. Chế độ cử tuyển
- Chế độ cử tuyển thực hiện thông qua hình thức xét tuyển, không qua thi tuyển. Mục đích là để đào tạo cán bộ, công chức và viên chức ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng có ít cán bộ, công chức và viên chức đạt trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
- Chế độ cử tuyển được quy định bao gồm: tuyển sinh, tổ chức và kinh phí đào tạo, phân công công tác cho học sinh sau khi tốt nghiệp, bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo đối với học sinh tự ý nghỉ học không rõ lý do và không chấp hành sự phân công công tác khi tốt nghiệp ra trường.
Điều 3. Nguyên tắc cử tuyển
- Đúng mục đích, đúng đối tượng , đúng tiêu chuẩn quy định.
- Khách quan, công khai, minh bạch.
- Cơ quan cử người đi học theo chế độ cử tuyển phải có trách nhiệm theo dõi, tiếp nhận và phân công công tác cho học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường.
Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của học sinh được cử tuyển.
a) Học sinh học theo chế độ cử tuyển có những quyền sau đây:
- Được thông tin đủ về chế độ cử tuyển.
- Được cấp học bổng, miễn học phí và hưởng các chế độ ưu tiên khác theo quy định hiện hành của Nhà nước trong thời gian đào tạo.
- Được tiếp nhận và phân công công tác sau khi tốt nghiệp ra trường.
b) Học sinh học theo chế độ cử tuyển có những nghĩa vụ sau đây:
- Chấp hành sự phân công của đơn vị sau khi tốt nghiệp theo đúng cam kết ban đầu.
- Chấp hành các quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục, hoàn thành chương trình đào tạo theo ngành học do cơ quan cử đi học phân công.
- Phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo và các khoản trợ cấp khác theo mức quy định của Nhà nước, nếu tự ý bỏ học không rõ lý do và không chấp hành sự phân công của cơ quan, đơn vị cử đi học.
Chương II.
ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN, VÙNG TUYỂN, HỒ SƠ CỬ TUYỂN VÀ ĐĂNG KÝ NHU CẦU ĐÀO TẠO, TỔ CHỨC TUYỂN CHỌN
I . ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN, VÙNG TUYỂN, HỒ SƠ CỬ TUYỂN.
Điều 5. Đối tượng
- Học sinh là người dân tộc thiểu số đang sinh sống và có hộ khẩu thường trú tại những xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh Bình Phước từ đủ 05 năm trở lên (tính đến ngày 30 tháng 9 của năm dự tuyển);
- Học sinh là người Kinh đang sinh sống và có hộ khẩu thường trú đủ 05 năm trở lên tại các vùng đặc biệt khó khăn (tính đến ngày 30 tháng 9 của năm dự tuyển), chỉ tuyển không quá 15 % trong tổng chỉ tiêu được giao.
Điều 6. Tiêu chuẩn để xét hưởng chế độ cử tuyển
- Học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc Trung cấp chuyên nghiệp), xếp loại hạnh kiểm năm cuối cấp (hoặc xếp loại rèn luyện năm, cuối khoá) đạt loại khá trở lên; xếp loại học tập năm cuối cấp (hoặc cuối khoá) đạt trung bình đối với học sinh là người dân tộc thiểu số và loại khá trở lên đối với học sinh người Kinh.
- Không quá 25 tuổi tính đến năm tuyển sinh, có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành .
- Không thuộc biên chế Nhà nước.
Điều 7. Vùng tuyển
- Thực hiện theo Quyết định số 163/2006/QĐ-TTg ngày 11/7/2006 cuả Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn hoàn thành cơ bản mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135 giai đoạn 1999-2005, các chính sách ưu tiên thực hiện đến hết năm 2008);
- Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg ngày 11/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II ).
Điều 8. Hồ sơ đăng ký học theo chế độ cử tuyển gồm có:
- Đơn đăng ký theo học chế độ cử tuyển (theo mẫu).
- Bản sao giấy khai sinh;
- Giấy xác nhận hộ khẩu thường trú do Công an huyện, thị xã cấp;
- Giấy khám sức khỏe do cơ quan Y tế cấp huyện, thị trở lên cấp (không quá 03 tháng);
- Giấy chứng nhận đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh và các giấy chứng nhận ưu tiên khác (nếu có);
- 02 ảnh 4 x 6 mới chụp trong vòng 06 tháng ;
- 01 phong bì đã dán tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của người được cử tuyển;
- Hồ sơ trúng tuyển (theo mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo), dùng cho học sinh, sinh viên trúng tuyển vào đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, có bán tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã và tại Sở Giáo dục và Đào tạo.
Các bản sao giấy tờ có công chứng hoặc chứng thực sao y của cơ quan, đơn vị cấp.
Hồ sơ đăng ký học theo chế độ cử tuyển làm thành 02 bộ và bỏ vào phong bì cở 21cm x 32cm.
II. ĐĂNG KÝ CHỈ TIÊU, NHU CẦU ĐÀO TẠO VÀ TỔ CHỨC XÉT TUYỂN
Điều 9. Đăng ký chỉ tiêu và nhu cầu đào tạo:
Theo quy định trước ngày 31 tháng 5 của năm trước năm tuyển sinh, UBND tỉnh đăng ký với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo (nhu cầu cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp), hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với việc cử tuyển vào cao đẳng và trung cấp nghề) nhu cầu cử tuyển theo ngành, nghề, trình độ đào tạo, kèm theo kế hoạch bố trí công tác sau khi tốt nghiệp để làm căn cứ giao chỉ tiêu. Do đó, trong tháng 4 của năm trước năm tuyển sinh, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện có nhu cầu cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số, học sinh người Kinh ở những xã đặc biệt khó khăn vào các ngành, nghề mà các ngành và địa phương còn thiếu, để UBND tỉnh đăng ký với các Bộ theo đúng với lộ trình thời gian được quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC-BNV-UBDT ngày 07/4/2008 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc.
Điều 10. Tổ chức xét tuyển
- Thành lập Hội đồng xét sơ tuyển các huyện.
Tháng bảy hàng năm, các huyện thành lập Hội đồng tuyển sinh (HĐTS) theo chế độ cử tuyển, gồm các thành phần:
+ Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện;
+ Phó Chủ tịch Hội đồng là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện;
+ Các thành viên khác gồm: Lãnh đạo phòng Nội vụ, phòng Tài chính - Kế hoạch, Văn phòng HĐND và UBND (lĩnh vực dân tộc).
+ Thư ký là công chức (chuyên viên) làm công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp thuộc phòng Giáo dục và Đào tạo.
- Hội đồng tuyển sinh công bố công khai chỉ tiêu cử tuyển, chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể về các tiêu chuẩn, đối tượng tuyển chọn tới từng xã, từng thôn, ấp. Hướng dẫn học sinh làm hồ sơ, đơn đăng ký theo học chế độ cử tuyển.
- Hội đồng tuyển sinh các huyện chịu trách nhiệm trước Hội đồng tuyển sinh tỉnh về tính khách quan, dân chủ, công bằng và chính xác của việc thực hiện hế độ cử tuyển, nhất là về hộ khẩu, vùng tuyển, dân tộc, học lực, hạnh kiểm của học sinh và công bố công khai kết quả cử tuyển.
Điều 11. Quy trình xét thứ tự ưu tiên cử tuyển theo các tiêu chí sau:
+ Học sinh người dân tộc thiểu số bản địa tại các xã đặc biệt khó khăn. Nếu trường hợp ở những nơi nào chưa có hoặc có ít cán bộ, công chức, viên chức so với quy định thì UBND cấp huyện xác định nhu cầu và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc giao thêm chỉ tiêu và xác định đối tượng cử tuyển cho thật chính xác theo Quyết định số 301/2006/QĐ-UBDT ngày 27/11/2006 của Ủy ban Dân tộc về việc công nhận 03 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển.
+ Trong trường hợp đăng ký vượt chỉ tiêu được giao, thì HĐTS xét tuyển học sinh là con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người được hưởng chính sách như thương binh (xếp từ người có mức độ thương tật từ cao trở xuống); ưu tiên học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh; học sinh xếp loại học lực và hạnh kiểm cao.
Chương III.
CÁC CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH VÀ TỔ CHỨC TIẾP NHẬN HỌC SINH THEO CHẾ ĐỘ CỬ TUYỂN
I . CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH CHO HỌC SINH HỌC THEO CHẾ ĐỘ CỬ TUYỂN
Điều 12. Học sinh đào tạo theo chế độ cử tuyển được tỉnh cấp phát học phí, học bổng và các chế độ khác (nếu có) trong suốt khóa học theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 13. Học sinh được học theo chế độ cử tuyển nghỉ học không rõ lý do hoặc không chấp hành sự phân công của cơ quan cử đi học sau khi ra trường (theo như cam kết ban đầu), thì phải bồi hòan kinh phí đào tạo cả khóa học và các khoản trợ cấp khác theo quy định.
II. TỔ CHỨC TIẾP NHẬN HỌC SINH TỐT NGHIỆP
Điều 14. Chậm nhất 01 tháng sau khi tốt nghiệp, học sinh phải có mặt tại Sở Giáo dục và Đào tạo để báo cáo kết thúc khóa học. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phân công công tác về các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp Nhà nước mà trước kia đã cử đi.
Điều 15. Căn cứ vào quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước tiếp nhận, bố trí công tác và thực hiện các chế độ, chính sách theo đúng quy định.
Chương IV.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Để đảm bảo chính sách và quyền lợi cũng như nghĩa vụ của học sinh, sinh viên học theo chế độ cử tuyển, UBND tỉnh giao:
Điều 16. UBND các huyện, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, các doanh nghiệp Nhà nước của tỉnh, huyện hàng năm xem xét nhu cầu bổ sung nguồn cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình trong những năm sắp tới có kế họach đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh cử tuyển cho phù hợp;
Cử tuyển đúng đối tượng, đúng vùng tuyển và đúng nhu cầu đào tạo, chịu trách nhiệm phân công học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường như đăng ký ban đầu.
Điều 17. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính lập kế hoạch kinh phí hàng năm, tham mưu trình UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí đào tạo cử tuyển trong tổng mức chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đảm bảo chi đủ các khoản học phí, học bổng và trợ cấp khác (nếu có), cho các cơ sở dự kiến hợp đồng đào tạo.
Điều 18. Sở Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối ký kết hợp đồng đào tạo với các cơ sở đào tạo, chi trả kinh phí đào tạo, cấp phát học bổng và các chế độ khác (nếu có) trong suốt khóa học của học sinh cử tuyển. Đồng thời, phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội theo dõi, quản lý quá trình học tập của học sinh, sinh viên.
Điều 19. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối quản lý, ký hợp đồng đào tạo với các cơ sở đào tạo và giới thiệu việc làm đối với học sinh diện cử tuyển đào tạo cao đẳng và trung cấp nghề.
Điều 20. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh quyết định phân công công tác cho học sinh diện cử tuyển sau khi đã đào tạo theo đúng địa chỉ đăng ký khi xét cử tuyển
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các ngành, các cấp báo cáo về UBND tỉnh để giải quyết.
Việc sửa đổi, bổ sung Quy định này do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND tỉnh xem xét, quyết định./.