Chỉ thị số 10/2008/CT-UBND ngày 23/04/2008 Về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2008 trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 10/2008/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 23-04-2008
- Ngày có hiệu lực: 03-05-2008
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-02-2011
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1028 ngày (2 năm 9 tháng 28 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 25-02-2011
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2008/CT-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 4 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2008 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, những năm gần đây, cả nước và thành phố Hồ Chí Minh thiên tai xảy ra nhiều hơn, bão, triều cường diễn biến bất thường đã gây thiệt hại về người, tài sản, công trình của nhân dân, doanh nghiệp và của Nhà nước. Những tháng đầu năm 2008, đã xuất hiện những biểu hiện bất thường của thời tiết, thủy văn: áp thấp nhiệt đới xuất hiện ngay từ cuối tháng giêng, đỉnh triều tại trạm Phú An là 1,43m vào giữa tháng hai. Dự báo tình hình thiên tai, bão, triều cường năm 2008 có nhiều diễn biến phức tạp.
Thực hiện Chỉ thị số 08/2008/CT-TTg ngày 26 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2008; Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại thành phố Hồ Chí Minh; để chủ động ứng phó kịp thời và có hiệu quả, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008 của thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị các sở - ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện triển khai thực hiện tốt các nội dung sau đây:
1. Tổ chức quán triệt các văn bản chỉ đạo của các cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân thành phố về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, phải được lồng ghép trong việc tổ chức chỉ đạo và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở thành phố, các sở - ngành cũng như quận - huyện, phường - xã - thị trấn theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “chủ động phòng, tránh; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”. Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai, lụt, bão năm 2007, phát huy những việc đã làm tốt, mang lại hiệu quả thiết thực; đồng thời làm rõ nguyên nhân những mặt còn hạn chế, yếu kém để có biện pháp, giải pháp khắc phục ngay trước mùa mưa bão năm 2008.
2. Bố trí lãnh đạo Ủy ban nhân dân các quận - huyện, các cơ quan chuyên trách huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị nhằm triển khai thực hiện tốt công tác di dời người dân ra khỏi những vùng nguy hiểm: vùng cửa sông, ven biển, vùng thường xuyên bị ngập lụt, vùng có nguy cơ cao sạt lở đất khi có bão, lụt. Bố trí lãnh đạo, lực lượng chuyên môn theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai ở những vùng trọng điểm. Các quận - huyện cần có kế hoạch huy động lực lượng của các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn, nòng cốt là các đơn vị vũ trang và Công ty Dịch vụ công ích quận - huyện để tham gia vào công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
3. Xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão của từng địa phương, đơn vị. Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão quận - huyện, phường - xã - thị trấn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thành viên, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, triển khai đạt hiệu quả các biện pháp phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2008. Trước mùa mưa bão năm 2008, các sở - ngành, quận - huyện căn cứ vào điều kiện cụ thể của đơn vị, địa phương mình phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố tổ chức tập huấn về kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ, pháp lý đối với công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho cán bộ, chuyên viên, thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão; chủ động xây dựng phương án, tổ chức diễn tập và thực hiện di dời dân an toàn để phòng tránh lụt, bão, giảm nhẹ thiệt hại khi thiên tai xảy ra.
4. Ủy ban nhân dân các quận - huyện có trách nhiệm:
a) Tập trung triển khai nhanh kế hoạch đầu tư xây dựng, gia cố các công trình phòng, chống lụt, bão, triều cường, công trình chống sạt lở, hệ thống thủy lợi, tiêu thoát nước, trang thiết bị phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn theo chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng, chống lụt, bão, triều cường năm 2007 - 2008, đặc biệt là nâng cấp các công trình bờ bao theo thiết kế định hình đảm bảo chất lượng để hoàn thành, nghiệm thu đưa vào quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đã được đầu tư xây dựng công trình phòng, chống lụt, bão còn tồn đọng theo quy định.
b) Rà soát, yêu cầu các tổ chức, cá nhân sử dụng đất có các tuyến bờ bao xung yếu phải thực hiện ngay việc nâng cấp đồng bộ theo đúng yêu cầu kỹ thuật; các quận - huyện có bờ bao nằm trong ranh các dự án đang thi công dở dang cần có kế hoạch khẩn trương tiến hành gia cố trước mùa mưa bão năm 2008 bằng nguồn kinh phí phòng, chống lụt, bão, sau đó yêu cầu các chủ đầu tư hoàn lại ngân sách nhà nước theo quy định.
c) Đối với quận - huyện có các công trình phòng, chống lụt, bão, thủy lợi, kè sông - kè biển xung yếu hiện đang thi công hoặc chưa triển khai thi công, phải chủ động phối hợp với các chủ đầu tư dự án tổ chức rà soát, kiểm tra, tu bổ, nâng cấp, sửa chữa công trình đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão.
5. Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố chỉ đạo thực hiện khẩn trương dự án di dời dân vùng sạt lở, ven sông, ven biển, vùng ngập trũng, hộ dân có nhà ở trong rừng phòng hộ và di dời dân xã đảo Thạnh An vào đất liền. Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ nhanh chóng triển khai dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền tại khu vực sông Đồng Đình và khảo sát, lập phương án bố trí các điểm neo đậu an toàn trên địa bàn từng xã - thị trấn và thông báo rộng rãi cho tàu thuyền trú ẩn khi có sóng to, gió lớn.
6. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão thành phố:
a) Có trách nhiệm thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các sở - ngành, quận - huyện thực hiện tốt kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả lụt, bão, thiên tai, động đất, sóng thần và tìm kiếm cứu nạn.
b) Chủ trì cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính kiểm tra, rà soát và đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố quyết định các biện pháp và kế hoạch đầu tư cho công trình phòng, chống lụt, bão, triều cường nhằm không để xảy ra tình trạng ngập úng trên địa bàn các quận - huyện. Đầu tư mua sắm các phương tiện, trang thiết bị cần thiết theo chủng loại quy định của Thủ tướng Chính phủ và nhu cầu thực tế của thành phố để thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” đối với công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2008 và giai đoạn 2008 - 2010.
c) Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các đơn vị liên quan tổ chức diễn tập công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố trước mùa mưa lũ.
d) Chủ trì nghiên cứu, phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các đơn vị liên quan xây dựng Chương trình phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản:
Phối hợp với Bộ đội Biên phòng kiểm tra chặt chẽ việc trang bị các thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh, phương tiện, thiết bị đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân hoạt động trên biển. Tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân, các chủ tàu cá những kiến thức cơ bản về phòng tránh thiên tai, chấp hành việc tự trang bị đủ các thiết bị an toàn, mua bảo hiểm tàu thuyền và thuyền viên theo đúng quy định và phải xem đây là điều kiện bắt buộc đối với người và tàu, thuyền khi ra khơi đánh bắt hải sản. Xây dựng cơ sở dữ liệu để kết nối với cơ sở dữ liệu của quốc gia về quản lý tàu thuyền đánh bắt hải sản đảm bảo chặt chẽ, chính xác.
Tổ chức tốt hệ thống thông tin liên lạc với các tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản, đặc biệt là tàu, thuyền đánh bắt xa bờ. Khi có thiên tai, bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông phối hợp với Bộ đội Biên phòng và Ủy ban nhân dân các địa phương có liên quan nắm chắc số lượng tàu thuyền và ngư dân đang hoạt động trên biển để kịp thời hướng dẫn di chuyển phòng, tránh, đảm bảo an toàn.
b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các quận - huyện, sở - ngành xây dựng phương án ứng phó, khắc phục kịp thời sự cố tràn dầu nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên thủy - hải sản trong khu vực khi xảy ra sự cố.
8. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố, Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố và các đơn vị liên quan xây dựng phương án tổ chức tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả khi có bão, áp thấp nhiệt đới, thiên tai xảy ra.
b) Huy động lực lượng quân đội, dân quân trợ giúp các địa phương phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả lụt, bão, thiên tai, bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
c) Tổ chức tập huấn, diễn tập phương án tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách thuộc các đơn vị liên quan để chủ động kịp thời thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn tại chỗ.
d) Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, sử dụng các loại phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn tại các đơn vị, cơ sở và quận - huyện do Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão thành phố cấp phát, đầu tư và Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão địa phương, đơn vị mua sắm.
9. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố:
a) Chủ trì, phối hợp với huyện Cần Giờ và các lực lượng xây dựng kế hoạch tìm kiếm cứu nạn cho người và tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản của thành phố và khu vực giáp ranh thành phố.
b) Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản khi xuất bến; cập nhật đầy đủ các thông tin về người, tàu thuyền, ngư trường hoạt động khai thác. Kiên quyết không cho xuất bến đối với tàu thuyền hết hạn đăng kiểm, tàu thuyền không trang bị đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn theo quy định.
c) Huy động các phương tiện, trang thiết bị của nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp tham gia khắc phục hậu quả lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
10. Sở Giao thông - Công chính:
a) Có kế hoạch chuẩn bị phương tiện, vật tư dự phòng, bố trí sẵn ở những vùng trọng điểm trên các tuyến giao thông chính, quan trọng để kịp thời khắc phục khi cầu, đường, bến cảng... bị lụt, bão, thiên tai làm hư hỏng, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống.
b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các cơ quan chức năng của thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện thủy neo đậu trái phép làm hư hỏng công trình phòng, chống lụt, bão; xử lý các trường hợp lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ và lòng sông, kênh, rạch gây bồi lắng, xói lở, cản trở dòng chảy tiêu thoát nước.
c) Chỉ đạo Khu Đường sông, các Khu Quản lý Giao thông đô thị và Công ty Thoát nước đô thị phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện kiểm tra, đề xuất giải quyết và xử lý các vấn đề liên quan đến sạt lở, chống ngập úng khu vực nội thị.
11. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần, tràn dầu trên địa bàn thành phố; phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về các tình huống và biện pháp ứng phó khi có động đất, sóng thần.
b) Chủ trì phối hợp với Công an thành phố, Sở Giao thông - Công chính và Ủy ban nhân dân các quận - huyện kiểm tra xử lý các trường hợp khai thác cát, đất trái phép gây sạt lở bờ sông, hư hỏng công trình phòng, chống lụt, bão.
12. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện kiểm tra, xử lý, đề xuất hướng giải quyết tình trạng nhà ở, công trình, chung cư xuống cấp, không bảo đảm an toàn khi xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy và động đất; nghiên cứu đề xuất và hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng các công trình, nhà ở, chung cư nhằm có khả năng chịu được gió, bão, lốc xoáy có cường độ cao, nhất là ở những vùng thường xuyên, trực tiếp chịu ảnh hưởng khi xảy ra mùa mưa, bão, thiên tai.
13. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án tu bổ, nâng cấp, đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phòng, chống lụt, bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; bố trí dự phòng ngân sách để hỗ trợ các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả do lụt, bão, thiên tai gây ra.
14. Sở Văn hóa và Thông tin kiểm tra pa nô, biển quảng cáo, cột tiếp phát sóng trên cao… để tháo dỡ hoặc chằng chống kiên cố, đúng kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy.
15. Công ty Điện lực thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn, các đơn vị… có phương án tập trung khắc phục hậu quả lụt, bão, thiên tai, cháy, nổ… để hạn chế thiệt hại các trang thiết bị điện, công trình điện lực và khẩn trương khắc phục sự cố mất điện, đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục; chuẩn bị máy phát điện dự phòng khi thành phố bị ảnh hưởng của lụt, bão, thiên tai.
16. Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ tăng thời lượng cung cấp thông tin, dự báo về tình hình diễn biến thời tiết, lụt, bão, thiên tai một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác cho Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố, các sở - ngành, quận - huyện; tăng thời lượng phát sóng các chương trình truyền hình về tuyên truyền các chủ trương, chính sách, các biện pháp phòng ngừa thiên tai, các chương trình hướng dẫn người dân ứng phó với các sự cố có thể phát sinh khi có thời tiết xấu, thiên tai bất thường.
17. Các sở - ngành, Tổng Công ty 90, 91 đóng trên địa bàn thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 04/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do lụt, bão, thiên tai trong phạm vi đơn vị mình; đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư cần thiết để tham gia việc phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo yêu cầu, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố và Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão thành phố.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở - ngành thành phố, Tổng Giám đốc các Tổng Công ty 90, 91, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn tổ chức triển khai và chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |