cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 09/2008/CT-UBND ngày 18/04/2008 Về tăng cường thực hiện Quyết định 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ do tỉnh Bình Phước ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 09/2008/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Ngày ban hành: 18-04-2008
  • Ngày có hiệu lực: 28-04-2008
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 27-06-2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1521 ngày (4 năm 2 tháng 1 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 27-06-2012
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 27-06-2012, Chỉ thị số 09/2008/CT-UBND ngày 18/04/2008 Về tăng cường thực hiện Quyết định 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ do tỉnh Bình Phước ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 1320/QĐ-UBND ngày 27/06/2012 Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành hết hiệu lực”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2008/CT-UBND

Đồng Xoài, ngày 18 tháng 4 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 33/2007/QĐ-TTG NGÀY 05/3/2007 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Để triển khai thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 về hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007 - 2010, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện khẩn trương triển khai thực hiện chương trình, việc thực hiện phải đảm bảo đúng thời gian và quy định của các Bộ, ngành Trung ương.

Ngày 26/6/2007 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện kế hoạch này, UBND các huyện, thị đã tổ chức triển khai chương trình và đã có báo cáo đăng ký danh mục các dự án gửi về UBND tỉnh. Tại Báo cáo số 95/BC-UBND ngày 16/7/2007 của UBND tỉnh báo cáo Ủy ban Dân tộc, đã yêu cầu UBND các huyện khẩn trương triển khai thực hiện việc xây dựng dự án tổng quan cho cả giai đoạn 2007 - 2010 và kế hoạch thực hiện cho từng năm trình UBND tỉnh. Ngày 07/9/2007, UBND tỉnh đã có Công văn số 2089/UBND-VX về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg và 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ;

Tuy nhiên, đến nay UBND các huyện thực hiện chưa đảm bảo các yêu cầu cơ bản đó là: việc bình xét đối tượng thụ hưởng chương trình chưa đúng các tiêu chí quy định, chưa quy hoạch quỹ đất để thực hiện chương trình nên chưa xây dựng được dự án tổng quan cho cả giai đoạn và các dự án chi tiết thực hiện trong từng năm.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007 - 2010 của Thủ tướng Chính phủ theo đúng kế hoạch; UBND tỉnh Chỉ thị:

1. UBND các huyện:

- Triển khai thực hiện việc điều tra, bình xét đối tượng thụ hưởng chương trình theo đúng quy định (Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư hướng dẫn số 03/2007/TT-UBDT ngày 08/6/2007 của Ủy ban Dân tộc); công bố công khai các khu vực, tiêu chuẩn, đối tượng được thụ hưởng chính sách; lập danh sách các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đủ điều kiện thụ hưởng, chịu trách nhiệm về số hộ được thụ hưởng.

- Chủ động trong việc quy hoạch quỹ đất để thực hiện các dự án định canh, định cư cho đồng bào dân tộc theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với địa phương không còn quỹ đất để thực hiện các dự án (điển hình là huyện Bình Long và huyện Chơn Thành) thì Chủ tịch UBND huyện nơi đó phải có phương án để tạo ra quỹ đất thực hiện chương trình, trình UBND tỉnh (đồng gửi cho Ban Dân tộc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư) cụ thể là di dân đến ổn định tại đâu, diện tích đất cần quy hoạch (bao gồm: đất ở, đất sản xuất và đất xây dựng cơ sở hạ tầng) để có hướng chỉ đạo việc thực hiện.

- Trên cơ sở số hộ đã bình xét đủ điều kiện thụ hưởng chương trình, tiến hành xây dựng dự án tổng quan triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007 - 2010 (bao gồm cả định canh định cư tập trung và định canh định cư xen ghép) cho địa phương mình. Trong đó, các dự án được thực hiện theo từng năm phải được lập thành dự án chi tiết theo vị trí khu đất đã quy hoạch và các hạng mục cần được thực hiện theo quy định, để xây dựng kế hoạch nhu cầu nguồn vốn thực hiện cho từng năm và cả giai đoạn.

- Thực hiện chế độ thông tin báo cáo kịp thời tiến độ từng tháng, quý, năm, đột xuất; kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện về UBND tỉnh (thông qua Ban Dân tộc và đồng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để có hướng dẫn tháo gỡ kịp thời nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

2. Ban Dân tộc:

- Đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện xây dựng dự án tổng quan triển khai thực hiện chính sách định canh, định cư theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2007 - 2010 và các dự án chi tiết cụ thể cho từng năm.

- Tổng hợp Đề án tổng quan triển khai thực hiện chương trình định canh, định cư trên địa bàn các huyện thành đề án chung của tỉnh giai đoạn 2007 - 2010 và các dự án chi tiết cho từng năm. Tham mưu UBND tỉnh làm việc thống nhất với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành Trung ương trình HĐND tỉnh trong kỳ họp giữa năm 2008. Xây dựng Kế hoạch nhu cầu nguồn vốn hằng năm, cho cả giai đoạn để thực hiện chính sách theo nhu cầu của từng huyện, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt.

- Phối hợp với UBND các huyện xây dựng và đề xuất UBND tỉnh phương án vận động đồng bào dân tộc thiểu số đóng góp cổ phần bằng giá trị từ đất được cấp; làm công nhân lao động cho các Công ty Cổ phần Cao su trên địa bàn.

- Phối hợp với các ngành liên quan thực hiện việc kiểm tra, theo dõi, đánh giá việc thực hiện các dự án định canh, định cư theo kế hoạch, đảm bảo việc thực hiện chính sách mang lại hiệu quả và bền vững; tổng hợp tình hình thực hiện chính sách, báo cáo UBND tỉnh.

- Trên cơ sở hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành các quy định về huy động và lồng ghép nguồn vốn thực hiện của các chương trình, dự án với nhau nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách dân tộc, hướng dẫn việc thực hiện các chính sách dân tộc cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Phối hợp với Sở Tài chính, hàng năm tham mưu UBND tỉnh cân đối nguồn ngân sách địa phương, bố trí kinh phí để UBND các huyện thực hiện việc điều tra, khảo sát và lập các dự án định canh, định cư trên địa bàn; tuyên truyền, vận động các hộ thuộc đối tượng của chính sách; kinh phí quản lý, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách để thực hiện các dự án.

- Thẩm định các dự án định canh, định cư cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt.

- Trên cơ sở hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành các quy định về huy động, lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình để nâng cao hiệu quả đầu tư; hướng dẫn thực hiện chính sách cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Định kỳ hàng tháng, quý, năm và đột xuất tham mưu UBND tỉnh báo cáo các Bộ, ngành Trung ương về kế hoạch nguồn vốn triển khai thực hiện.

4. Sở Tài chính:

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan, hàng năm xây dựng dự toán kinh phí thực hiện các dự án định canh, định cư của tỉnh, bao gồm nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và nguồn ngân sách địa phương. Lập phương án phân bổ dự toán ngân sách chi tiết cho từng huyện, trình UBND tỉnh thông qua HĐND quyết định trong dự toán ngân sách địa phương hàng năm.

- Ban hành các quy định, hướng dẫn UBND các huyện thực hiện việc thanh quyết toán nguồn vốn đầu tư của chương trình theo đúng quy định. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo hàng tháng, quý, năm và đột xuất cho UBND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương việc phân cấp vốn và giải ngân vốn của chương trình.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Căn cứ quy định của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, phối hợp với UBND các huyện quy hoạch quỹ đất để thực hiện các dự án định canh định cư, trình UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo việc thực hiện; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với đất lâm nghiệp.

- Phối hợp với UBND các huyện triển khai thực hiện chương trình khuyến nông, khuyến lâm, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi… để hướng dẫn đồng bào áp dụng vào sản xuất trong các vùng dự án.

- Tham mưu đề xuất UBND tỉnh việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện của các chương trình, dự án với nhau (Quyết định 160/2007/QĐ-TTg; 190/2003/QĐ-TTg; 193/2006/QĐ-TTg …). Báo cáo kết quả thực hiện các chương trình, dự án lồng ghép theo chức năng của ngành định kỳ và đột xuất.

6. Sở Xây dựng, Sở Giao thông - Vận tải:

Hướng dẫn việc xây dựng các hạng mục công trình của dự án; tham gia việc việc thẩm định thiết kế và dự toán theo chức năng và nhiệm vụ của ngành đối với các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng.

7. Sở Thông tin - Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình:

Xây dựng kế hoạch hoạt động, thường xuyên tuyên truyền việc thực hiện chính sách; thực hiện các chuyên mục phản ánh đời sống của các hộ vùng dự án nhằm nâng cao hiệu quả của việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nhằm tuyên truyền, giáo dục, vận động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân để mọi người hiểu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

8. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện và các Ban Quản lý rừng khảo sát, lựa chọn địa điểm quy hoạch quỹ đất để thực hiện các dự án. Tham mưu UBND tỉnh thuận quy hoạch, thu hồi quỹ đất thực hiện các dự án.

- Hướng dẫn các phòng chức năng quản lý về lĩnh vực đất đai ở các huyện để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ vùng dự án.

9. Các sở, ngành khác:

Theo chức năng và nhiệm vụ của mỗi đơn vị, xây dựng kế hoạch thực hiện của ngành tích cực tham gia vào việc thực hiện chính sách, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, sớm có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện phối hợp tốt với UBMTTQVN và đoàn thể các cấp, tiếp tục tăng cường công tác vận động quần chúng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, làm cho mọi người hiểu rõ về chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các chính sách dân tộc.

Nhận được Chỉ thị này, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo việc thực hiện chính sách mang lại hiệu quả cao nhất.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Giang Văn Khoa