cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 08/2008/QĐ-UBND ngày 10/07/2008 Về Quy định quản lý, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 08/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Ngày ban hành: 10-07-2008
  • Ngày có hiệu lực: 20-07-2008
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 24-12-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2348 ngày (6 năm 5 tháng 8 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 24-12-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 24-12-2014, Quyết định số 08/2008/QĐ-UBND ngày 10/07/2008 Về Quy định quản lý, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 483/QĐ-UBND ngày 24/12/2014 Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do tỉnh Tuyên Quang ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2008/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 10 tháng 7 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SINH HOẠT TẬP TRUNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;

Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi ngày 04 tháng 4 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;

Căn cứ Thông tư số 01/2008/TT-BXD ngày 02 tháng 01 năm 2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;

Căn cứ Quyết định số 352/QĐ-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2007 của UBND tỉnh Tuyên Quang về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 875/TTr-SNN ngày 05 tháng 6 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Điều 2.

1. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

2. Bãi bỏ Quyết định số 75/2004/QĐ-UBND ngày 8 tháng 11 năm 2004 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định chế độ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lê Thị Quang

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SINH HOẠT TẬP TRUNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2008/QĐ-UBND ngày 10/7/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ đối với các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn (sau đây gọi chung là công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn) được đầu tư xây dựng bằng các nguồn vốn và đưa vào quản lý, khai thác, sử dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng; hoạt động quản lý, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý và phát triển các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn

1. Các tổ chức, cá nhân được cấp có thẩm quyền giao tiếp nhận tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn để thực hiện dịch vụ cấp nước phải thực hiện nghiêm chỉnh Quy định này và các văn bản pháp luật của Nhà nước có liên quan.

2. Phát triển hoạt động cấp nước bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo chất lượng dịch vụ cho nhân dân và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.

3. Việc khai thác, sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

4. Việc nâng cấp, đầu tư phát triển các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn được thực hiện theo các quy định về đầu tư xây dựng hiện hành của Nhà nước.

5. Khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển và tổ chức quản lý khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.

6. Dịch vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn được hoạt động theo phương thức tự chủ về tài chính.

Chương II

QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SINH HOẠT NÔNG THÔN

Điều 3. Tổ chức quản lý, khai thác công trình

1. Mỗi công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đều phải có tổ chức, cá nhân thực hiện quản lý, khai thác và bảo vệ theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Đối với các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, sau khi xây dựng hoàn thành chủ đầu tư phải bàn giao công trình và một bộ hồ sơ hoàn công cho đơn vị quản lý, khai thác theo quy định. Việc quản lý, khai thác công trình được quy định cụ thể như sau:

a. Công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ trong 1 xã, do Chủ tịch UBND xã quyết định lựa chọn đơn vị quản lý, khai thác công trình; công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ cấp nước liên xã, do Chủ tịch UBND huyện quyết định lựa chọn đơn vị quản lý, khai thác công trình; công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ cấp nước liên huyện, do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định lựa chọn đơn vị quản lý, khai thác công trình.

b. Nguyên tắc lựa chọn đơn vị quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.

- Đối với công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn có quy mô phục vụ từ 100 hộ gia đình trở lên:

+ Công trình đang được các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác phát huy hiệu quả thì tổ chức, cá nhân đó tiếp tục được giao thực hiện quản lý, khai thác công trình;

+ Đối với công trình chưa có tổ chức, cá nhân quản lý khai thác hoặc đã có nhưng việc quản lý khai thác công trình không phát huy được hiệu quả thì UBND cấp giao quản lý, khai thác tiến hành lựa chọn, ký thoả thuận và bàn giao công trình cho các tổ chức, cá nhân khác có đủ năng lực thực hiện quản lý khai thác công trình. Trường hợp UBND cấp giao quản lý thấy cần thiết có thể ký thoả thuận với Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang để thực hiện quản lý khai thác công trình.

- Đối với công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn có quy mô phục vụ cấp nước dưới 100 hộ gia đình (trong địa bàn một xã): Sau khi xây dựng hoàn thành, chủ đầu tư bàn giao công trình cho Uỷ ban nhân dân xã để lựa chọn, ký thoả thuận với tổ chức, cá nhân quản lý khai thác công trình theo quy định.

3. Đối với công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn do tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư xây dựng phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tổ chức, cá nhân đó tự thực hiện quản lý, khai thác công trình theo quy định hiện hành.

Điều 4. Điều kiện để được giao quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn

Mọi tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện về năng lực (có cán bộ quản lý, vận hành đã được đào tạo qua lớp tập huấn về nghiệp vụ kỹ thuật, quản lý vận hành công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, có quy chế hoạt động cụ thể, phù hợp với quy định của pháp luật) thì được xem xét giao quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.

Điều 5. Giá nước sinh hoạt nông thôn

1. Tiền nước: Tính theo tiền Việt Nam đồng.

2. Giá nước sinh hoạt: Thực hiện theo phương án giá nước và biểu giá nước sinh hoạt nông thôn do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành.

3. Các tổ chức, cá nhân được giao quản lý khai thác công trình tự quyết định giá nước cho các mục đích khác đảm bảo phù hợp với khung giá nước do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành.

Điều 6. Bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn

1. Bảo vệ các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn là trách nhiệm của mọi công dân. Chính quyền các cấp có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức, cá nhân thực hiện quản lý khai thác và hướng dẫn quần chúng, nhân dân tham gia bảo vệ an toàn công trình cấp nước trên địa bàn;

2. Các tổ chức, cá nhân thực hiện quản lý khai thác công trình có trách nhiệm chính trong việc tổ chức lực lượng bảo vệ an toàn công trình cấp nước do mình quản lý.

Chương III

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SINH HOẠT NÔNG THÔN

Điều 7. Quản lý Nhà nước đối với công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh;

- Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác đào tạo cán bộ, cấp chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng tập huấn nâng cao năng lực về tổ chức quản lý khai thác, vận hành và bảo dưỡng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn;

- Thực hiện thanh tra, kiểm tra đánh giá hiện trạng và chất lượng nước các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn theo quy định.

2. Sở Tài chính: Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện hạch toán nguồn thu dịch vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn theo quy định hiện hành.

3. Sở Y tế: Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chất lượng nước theo tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch hiện hành.

4. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã:

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn;

- Chỉ đạo và kiểm tra Uỷ ban nhân dân các xã thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; thường xuyên kiểm tra, đánh giá hoạt động của các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình đảm bảo quản lý vận hành khai thác có hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn;

- Tổ chức các hoạt động truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nâng cao nhận thức cho người dân về quyền và nghĩa vụ trong quản lý sử dụng nguồn nước. Ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Khen thưởng:

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn được khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Xử lý vi phạm:

- Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và kiến nghị xử lý kịp thời những vi phạm trong hoạt động cấp nước sinh hoạt nông thôn;

- Mọi hành vi vi phạm trong hoạt động cấp nước sinh hoạt nông thôn theo quy định của pháp luật và Quy định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang phải thực hiện theo quy định tại Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Thông tư số 01/2008/TT-BXD ngày 02/01/2008 của Bộ Xây dựng và Quy định này.

Điều 10. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan, Ban, Ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện Quy định này ./.