cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 21/2008/QĐ-UBND ngày 09/07/2008 Ban hành Quy định tạm thời về hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nhân lực trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 21/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
  • Ngày ban hành: 09-07-2008
  • Ngày có hiệu lực: 19-07-2008
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 06-12-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2331 ngày (6 năm 4 tháng 21 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 06-12-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 06-12-2014, Quyết định số 21/2008/QĐ-UBND ngày 09/07/2008 Ban hành Quy định tạm thời về hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nhân lực trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 27/2014/QĐ-UBND ngày 26/11/2014 Quy định hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nhân lực trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2014-2020 (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2008/QĐ-UBND

Sóc Trăng, ngày 09 tháng 7 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ HỖ TRỢ KINH PHÍ ĐÀO TẠO VÀ THU HÚT NHÂN LỰC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 20/2006/QÐ-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2006 về phát triển, giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 26/2008/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010;

Thực hiện Thông báo số 94-TB/TU ngày 24 tháng 6 năm 2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng kết luận về Đề án đào tạo cán bộ, công chức giai đoạn 2002 - 2010 và chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức tỉnh Sóc Trăng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính và Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nhân lực trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 171/2003/QĐ.UBNDT ngày 13 tháng 11 năm 2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ Quyết định thi hành.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Thành Hiệp

 

QUY ĐỊNH

TẠM THỜI VỀ HỖ TRỢ KINH PHÍ ĐÀO TẠO VÀ THU HÚT NHÂN LỰC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2008/QĐ-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định này quy định về hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nhân lực trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng:

1. Đối tượng được hỗ trợ kinh phí đào tạo:

a) Cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh, huyện thuộc tỉnh Sóc Trăng.

b) Cán bộ chuyên trách và công chức xã, phường, thị trấn.

c) Sinh viên có hộ khẩu tại Sóc Trăng đang học tại các trường đại học hệ chính quy thuộc một trong các trường hợp sau:

- Gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh;

- Người dân tộc Khmer;

- Sinh viên giỏi cam kết về phục vụ lâu dài ở địa phương sau khi tốt nghiệp.

2. Đối tượng được hỗ trợ kinh phí thu hút nhân lực:

a) Đối tượng là trí thức có trình độ trên đại học có hộ khẩu ngoài tỉnh, được tuyển dụng vào công tác tại các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể trên địa bàn tỉnh.

b) Đối tượng là trí thức có trình độ đại học và cao đẳng (đối với một số ngành đào tạo mà cấp xã có đăng ký nhu cầu) có hộ khẩu trong và ngoài tỉnh, được tuyển dụng vào công tác tại các xã trong tỉnh.

3. Những đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh:

a) Cán bộ, công chức, viên chức đi học sau đại học ở nước ngoài theo các chương trình, đề án và đã được các chương trình, đề án đài thọ toàn bộ chi phí trong quá trình học tập.

b) Các đối tượng được đào tạo sau đại học theo Đề án Sóc Trăng 150.

c) Sinh viên có hộ khẩu tại tỉnh Sóc Trăng thuộc hệ cử tuyển đang theo học tại các trường đại học, trung học chuyên nghiệp ngoài tỉnh.

Chương II

HỖ TRỢ KINH PHÍ ĐÀO TẠO, KINH PHÍ THU HÚT NHÂN LỰC

Điều 3. Hỗ trợ kinh phí đào tạo:

1. Những đối tượng nêu tại điểm a, b, khoản 1 Điều 2 Quy định này thuộc diện quy hoạch đào tạo và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc các cơ quan Đảng, đoàn thể (theo phân cấp quản lý cán bộ của Tỉnh ủy Sóc Trăng), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cử đi đào tạo, ngoài việc hưởng chế độ theo quy định của Bộ Tài chính và Quyết định số 124/2002/QĐ.UBNDT ngày 21 tháng 5 năm 2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng (về Quy định đào tạo, bồi dưỡng và chi phí học tập cho cán bộ, công chức tỉnh Sóc Trăng), còn được hưởng trợ cấp kinh phí đào tạo như sau:

- Học tiến sĩ: được hỗ trợ 20.000.000 đồng/người/toàn khóa học;

- Học thạc sĩ: được hỗ trợ 12.000.000 đồng/người/toàn khóa học;

- Học chuyên khoa cấp 2: được hỗ trợ 10.000.000 đồng/người/toàn khóa học;

- Học chuyên khoa cấp 1: được hỗ trợ 8.000.000 đồng/người/toàn khóa học.

2. Những đối tượng nêu tại điểm c khoản 1 Điều 2 Quy định này được hỗ trợ 2.000.000 đồng/sinh viên/năm học.

3. Đối tượng nêu tại điểm c khoản 1 Điều 2 Quy định này nếu sau khi tốt nghiệp không thực hiện đúng cam kết, phải chịu trách nhiệm bồi thường kinh phí với mức gấp 2 lần kinh phí đã được hỗ trợ, trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng có quyết định yêu cầu bồi thường kinh phí.

Điều 4. Hỗ trợ kinh phí thu hút nguồn nhân lực:

1. Đối với sinh viên trong và ngoài tỉnh sau khi tốt nghiệp về công tác tại các xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (theo nhu cầu của tỉnh) có cam kết công tác từ 07 năm trở lên, được hỗ trợ 01 lần khi nhận nhiệm vụ là 5.000.000 đồng/sinh viên có trình độ đại học; 4.000.000 đồng/sinh viên có trình độ cao đẳng (đối với một số ngành đào tạo mà cấp xã có đăng ký nhu cầu). Đồng thời được hưởng 100% lương của ngạch tuyển dụng khi được tuyển dụng.

2. Đối với cán bộ, công chức ngoài tỉnh có học hàm, học vị: Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ tuổi đời không quá 55 tuổi và Thạc sĩ không quá 50 tuổi, có đủ sức khỏe, về công tác tại tỉnh Sóc Trăng theo yêu cầu của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và có cam kết công tác từ 05 năm trở lên, được hưởng chế độ thu hút nhân lực, cụ thể như sau:

a) Hưởng trợ cấp 01 lần sau khi nhận nhiệm vụ (nếu 01 người có đủ nhiều tiêu chuẩn hưởng trợ cấp thì được hưởng mức tiêu chuẩn cao nhất):

- Giáo sư: 60.000.000 đồng;

- Phó giáo sư: 50.000.000 đồng;

- Tiến sĩ: 40.000.000 đồng;

- Thạc sĩ:20.000.000 đồng.

b) Gia đình (vợ hoặc chồng, con, cha, mẹ) được nhập hộ khẩu theo cán bộ, công chức.

3. Đối tượng nêu tại khoản 1, 2 Điều này nếu không thực hiện đúng cam kết, phải chịu trách nhiệm bồi thường kinh phí với mức gấp 2 lần kinh phí đã được hỗ trợ, trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng có quyết định yêu cầu bồi thường kinh phí.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Nguồn kinh phí đảm bảo:

1. Đối với khoản hỗ trợ kinh phí đào tạo (trừ khoản hỗ trợ kinh phí đào tạo nêu tại khoản 2 Điều 3 Quy định này):

a) Đối với cán bộ, công chức công tác tại các cơ quan hành chính, Đảng, đoàn thể, kinh phí đào tạo do ngân sách địa phương đảm bảo theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành, cụ thể như sau:

- Cán bộ, công chức thuộc các đơn vị cấp tỉnh do ngân sách tỉnh đảm bảo và cấp về Sở Nội vụ để thực hiện chi trả;

- Cán bộ, công chức thuộc các đơn vị cấp huyện do ngân sách huyện, thành phố đảm bảo và cấp về Phòng Nội vụ để thực hiện chi trả.

b) Đối với viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, do kinh phí của đơn vị tự đảm bảo theo cơ chế tự chủ.

c) Đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn do ngân sách tỉnh đảm bảo bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện, thành phố để thực hiện.

2. Đối với khoản chi hỗ trợ thu hút nhân lực và khoản hỗ trợ kinh phí đào tạo nêu tại khoản 2 Điều 3 Quy định này, do ngân sách tỉnh đảm bảo và cấp về Sở Nội vụ để thực hiện.

Điều 6. Giám đốc Sở Tài chính có trách nhiệm cân đối ngân sách tỉnh từ khoản chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo hàng năm để hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nhân lực của tỉnh. Đồng thời, phối hợp Sở Nội vụ hướng dẫn việc cấp phát, thanh, quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành.

Điều 7. Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.