Quyết định số 06/2008/QĐ-UBND ngày 08/07/2008 Sửa đổi Quy định về mức thu, công tác quản lý và sử dụng nguồn thu thuỷ lợi phí, tiền nước áp dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang theo Quyết định 44/2006/QĐ-UBND (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 06/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
- Ngày ban hành: 08-07-2008
- Ngày có hiệu lực: 18-07-2008
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 10-12-2013
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1971 ngày (5 năm 4 tháng 26 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 10-12-2013
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2008/QĐ-UBND | Tuyên Quang, ngày 08 tháng 7 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH VỀ MỨC THU, CÔNG TÁC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG THUỶ LỢI PHÍ, TIỀN NƯỚC ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 44/2006/QĐ-UBND NGÀY 18/8/2006 CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi ngày 04 tháng 4 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi;
Căn cứ Nghị định số 154/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi;
Căn cứ Thông tư số 26/2008/TT-BTC ngày 28/3/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 154/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 1085/TTr - STC ngày 08/7/2008 của Sở Tài chính về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về mức thu, công tác quản lý và sử dụng nguồn thu thuỷ lợi phí, tiền nước áp dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành theo Quyết định số 44/2006/QĐ-UBND ngày 18/8/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về mức thu, công tác quản lý và sử dụng nguồn thu thuỷ lợi phí, tiền nước áp dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành theo Quyết định số 44/2006/QĐ-UBND ngày 18/8/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh (sau đây viết tắt là Quyết định số 44/2006/QĐ-UBND) như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1:
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này quy định mức thu, công tác quản lý và sử dụng nguồn thủy lợi phí, tiền nước áp dụng trên địa bàn tỉnh.
2. Đối tượng áp dụng:
2.1. Công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, công ty cổ phần và công ty khác tham gia quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.
2.2. Trung tâm quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, Ban quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, Trạm quản lý khai thác công trình thuỷ lợi.
2.3. Các tổ hợp tác dùng nước: Ban quản lý thuỷ nông, tổ đường nước, đội thuỷ nông, hội dùng nước, hiệp hội dùng nước, hợp tác xã nông lâm nghiệp được giao quản lý các công trình thuỷ lợi đầu mối đến cống đầu kênh của tổ hợp tác dùng nước phục vụ tưới nước và tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản có thu thuỷ lợi phí.
2.4. Các Hợp tác xã nông lâm nghiệp, tổ hợp tác dùng nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng nước từ các công trình thủy lợi hoặc làm dịch vụ từ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
2. Sửa đổi Điều 3 thành Điều 4:
Điều 4. Chi từ nguồn thu thuỷ lợi phí, tiền nước và nguồn kinh phí được cấp bù do miễn thuỷ lợi phí (sau đây gọi tắt là nguồn thuỷ lợi phí) theo quy định tại Nghị định số 154/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi (Sau đây gọi tắt là Nghị định số 154/2007/NĐ-CP).
1. Đối với công trình tưới trong 1 xã; 1 hợp tác xã nông lâm nghiệp; Tổ chức hợp tác dùng nước:
1.1. Chi phí quản lý, điều hành tối đa: 40% tổng số chi thuỷ lợi phí.
1.2. Chi vận hành, nạo vét, duy tu, tu sửa công trình và trả nợ vốn vay kiên cố hóa kênh mương (nếu có) tối thiểu: 60% tổng số chi thuỷ lợi phí.
2. Đối với công trình tưới liên xã, liên huyện có lực lượng quản lý vận hành là cán bộ, công nhân chuyên trách:
2.1. Chi phí quản lý, điều hành: Đảm bảo đủ chi lương theo ngạch bậc của cán bộ chuyên trách thủy lợi và chi phí hành chính của Ban quản lý công trình, nhưng tối đa không được vượt quá 60% tổng số chi thuỷ lợi phí.
2.2. Chi vận hành, nạo vét, duy tu, tu sửa công trình tối thiểu: 40% tổng số chi thuỷ lợi phí;
3. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ vào chế độ tài chính hiện hành và tình hình thực tế, hướng dẫn chi tiết các nội dung chi từ nguồn thuỷ lợi phí thống nhất trên địa bàn.
3. Sửa đổi Điều 4 thành Điều 3:
Điều 3. Cơ chế chính sách miễn, giảm thuỷ lợi phí và huy động duy tu, bảo dưỡng, hỗ trợ chi phí trong trường hợp thiên tai, mất mùa xảy ra:
1. Cơ chế, chính sách miễn thủy lợi phí theo Nghị định số 154/2007/NĐ-CP như sau:
1.1. Đối tượng miễn thuỷ lợi phí:
a) Hộ gia đình, cá nhân có đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trong hạn mức giao đất nông nghiệp, bao gồm: đất do Nhà nước giao, được thừa kế, cho, tặng, nhận chuyển nhượng hợp pháp, kể cả phần diện tích đất 5% công ích do địa phương quản lý mà các hộ gia đình, cá nhân được giao hoặc đấu thầu quyền sử dụng;
b) Diện tích đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì được miễn thuỷ lợi phí đối với toàn bộ diện tích đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản không phân biệt trong hay ngoài hạn mức giao đất.
1.2. Mức miễn thu thuỷ lợi phí:
Mức miễn thu thuỷ lợi phí theo điểm 1.1, khoản 1 Điều này được xác định theo mức thu thuỷ lợi phí quy định tại Điều 2 Quy định vế mức thu, công tác quản lý và sử dụng nguồn thu thủy lợi phí, tiền nước áp dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành theo Quyết định số 44/2006/QĐ-UBND.
1.3. Không miễn thuỷ lợi phí đối với:
a) Diện tích đất vượt hạn mức giao cho hộ gia đình, cá nhân (trừ các đối tượng thuộc địa bàn quy định tại tiết b, điểm 1.1, khoản 1 Điều này);
b) Các doanh nghiệp hoạt động cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp, tiêu nước cho sản xuất công nghiệp, nước cấp cho các nhà máy nước sạch, thuỷ điện, kinh doanh du lịch, vận tải qua cống, âu thuyền và các hoạt động khác được hưởng lợi từ công trình thuỷ lợi;
c) Các tổ chức, cá nhân nộp thuỷ lợi phí cho tổ chức hợp tác dùng nước theo thoả thuận để phục vụ cho hoạt động của các tổ hợp tác dùng nước từ vị trí cống đầu kênh của hợp tác dùng nước đến mặt ruộng.
d) Diện tích nằm trong phạm vi tưới, tiêu và cấp nước của các hệ thống công trình thuỷ lợi do các tổ chức, cá nhân đầu tư bằng các nguồn vốn không thuộc nguồn vốn của ngân sách Nhà nước và nộp thuỷ lợi phí theo mức thoả thuận giữa đơn vị quản lý thuỷ nông và hộ dùng nước.
đ) Các đối tượng khác được hưởng lợi từ các công trình thuỷ lợi không được quy định tại điểm 1.1, khoản 1 Điều 3 Quy định này.
1.4. Việc xác nhận diện tích miễn thu thuỷ lợi phí được thực hiện theo quy định của Thông tư số 26/2008/TT-BTC ngày 28/3/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 154/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi (gọi tắt là Thông tư số 26/2008/TT-BTC).
2. Chính sách miễn, giảm thủy lợi phí trong các trường hợp do thiên tai, dịch bệnh làm thiệt hại giảm năng suất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản của các đối tượng không được miễn thủy lợi phí quy định tại điểm 1.3, khoản 1 Điều này và chính sách huy động ngày công, như sau:
2.1. Chính sách miễn, giảm thủy lợi phí trong các trường hợp do thiên tai, dịch bệnh gây ra:
a) Thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại làm giảm năng suất sản xuất từ 50% trở lên của diện tích chưa được miễn, thì được miễn 100% thuỷ lợi phí đối với diện tích đó.
b) Thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại làm giảm năng suất sản xuất từ 30% đến dưới 50% của diện tích chưa được miễn, thì được giảm 70% thuỷ lợi phí đối với diện tích đó.
c) Thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại làm giảm năng suất sản xuất dưới 30% của diện tích chưa được miễn. Đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã xem xét quyết định cụ thể nhưng mức giảm tối đa không quá 50% mức thu thuỷ lợi phí đối với diện tích đó.
2.2. Chính sách huy động ngày công tu sửa, nạo vét, bảo dưỡng công trình thủy lợi trong trường hợp thiên tai:
a) Trường hợp thiên tai gây hư hại đến công trình thủy lợi, bồi lấp kênh mương, ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường vượt quá khả năng tu sửa, nạo vét của các Đơn vị quản lý thuỷ nông thì các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ công trình thủy lợi có trách nhiệm tham gia xây dựng phương án bảo vệ công trình; tham gia ứng cứu bảo vệ công trình theo sự huy động của Chủ tịch UBND nơi có công trình; đóng góp ngày công lao động để thực hiện việc tu sửa, nạo vét kênh mương nội đồng để đảm bảo công trình phục vụ sản xuất.
b) Trường hợp có thiên tai xảy ra phát sinh các chi phí về điện, xăng, dầu phục vụ công tác phòng, chống úng, hạn cho sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và trường hợp bị thất thu thuỷ lợi phí do thiên tai lũ lụt, hạn hán, mất mùa (đối với diện tích không miễn thủy lợi phí). Nguồn thuỷ lợi phí không đủ bù đắp chi phí hoạt động phòng chống úng, hạn và các hoạt động cung cấp nước thì các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi được Nhà nước xem xét hỗ trợ theo khoản 5, Điều 13 Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ.
3. Chính sách cấp bù và hỗ trợ thủy lợi phí:
3.1. Các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi (sau đây gọi là đơn vị quản lý thuỷ nông) được ngân sách hỗ trợ khi thực hiện miễn thuỷ lợi phí, bao gồm:
a) Các Công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, công ty cổ phần và các công ty khác tham gia quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.
b) Các tổ chức, đơn vị sự nghiệp được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi: Trung tâm quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, Ban quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, Trạm quản lý khai thác công trình thuỷ lợi.
c) Các tổ hợp tác dùng nước: Ban Quản lý thuỷ nông, tổ đường nước, đội thuỷ nông, hội dùng nước, hiệp hội dùng nước, hợp tác xã nông nghiệp được giao quản lý các công trình thuỷ lợi đầu mối đến cống đầu kênh của tổ hợp tác dùng nước phục vụ tưới nước và tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản có thu thuỷ lợi phí.
3.2. Điều kiện được cấp bù và hỗ trợ thủy lợi phí.
a) Các đơn vị quản lý thuỷ nông phải được cơ quan có thẩm quyền (Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện, xã) quyết định thành lập hoặc có giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc được Đại hội xã viên thông qua quy chế, điều lệ hoạt động và được sự đồng ý bằng văn bản của Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã nơi đóng trụ sở chính.
b) Các đơn vị quản lý thuỷ nông đã được tổ chức kiện toàn để thực hiện quản lý các công trình thủy nông theo phương thức cấp bù thủy lợi phí.
3.3. Nguồn kinh phí để hỗ trợ do miễn thuỷ lợi phí được thực hiện theo quy định tại khoản 4 mục I Thông tư số 26/2008/TT-BTC.
4. Sửa đổi Điều 5 như sau:
Điều 5. Công tác quản lý thu, chi nguồn thuỷ lợi phí:
1. Việc lập dự toán, cấp phát, thanh quyết toán khoản cấp bù thuỷ lợi phí được miễn; việc hỗ trợ tài chính để thực hiện xử lý xoá nợ đọng thuỷ lợi phí và lỗ do nguyên nhân khách quan đối với các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi được thực hiện theo Thông tư số 26/2008/TT-BTC.
2. Các Đơn vị quản lý thủy nông phải ký kết hợp đồng tưới nước, tiêu nước, cấp nước hoặc lập sổ bộ tưới nước, tiêu nước, cấp nước ngay từ đầu vụ sản xuất với tổ chức, cá nhân làm dịch vụ hoặc sử dụng nước từ các công trình thuỷ lợi và thanh lý hợp đồng theo đúng quy định. Phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập sổ bộ tưới tiêu nước, thu tiền nước đối với từng tổ chức, cá nhân sử dụng nước làm cơ sở cho việc ký kết hợp đồng sử dụng nước và cấp bù do miễn thu thủy lợi phí theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 21 Nghị định số 143/2003/NĐ-CP.
3. Các tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng miễn thuỷ lợi phí khi sử dụng nước từ các công trình thuỷ lợi phải trả đầy đủ thuỷ lợi phí, tiền nước cho đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi thời gian một tháng sau khi thu hoạch xong; nếu trả chậm thì phải chịu lãi suất trả chậm theo lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm thanh toán cho doanh nghiệp nhà nước khai thác công trình thuỷ lợi, tổ chức hợp tác dùng nước trên số tiền thuỷ lợi phí còn nợ.
4. Đối với các công trình thuỷ lợi có sử dụng vốn vay để đầu tư thực hiện kiên cố hoá kênh mương, hàng năm đơn vị quản lý thủy nông căn cứ vào hợp đồng tín dụng (hoặc hợp đồng vay ngân sách để kiên cố hoá hệ thống kênh mương) lập kế hoạch trả nợ tiền vay từ nguồn thuỷ lợi phí hàng năm.
5. Kết thúc vụ sản xuất sau 01 tháng các Đơn vị quản lý thuỷ nông phải báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã tình hình chi thuỷ lợi phí và kinh phí cấp bù thuỷ lợi phí trong năm.
Trước ngày 31 tháng 3 năm sau phải hoàn thành quyết toán kinh phí cấp bù thuỷ lợi phí, chi thuỷ lợi phí năm trước gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thẩm định, tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã gửi Sở Tài chính kiểm tra, tổng hợp vào báo cáo quyết toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê chuẩn.
6. Các đơn vị quản lý thuỷ nông có trách nhiệm đôn đốc và tổ chức thực hiện việc thu nộp thuỷ lợi phí, tiền nước đối với các tổ chức, cá nhân có sử dụng nước từ các công trình thuỷ lợi (thuộc diện không được miễn thu) đảm bảo kế hoạch đề ra. Trong mỗi vụ sản xuất, việc thực hiện thu không đảm bảo kế hoạch (sau khi đã trừ đi các khoản miễn, giảm theo chế độ) phải cắt giảm nhiệm vụ chi tương ứng đối với chi phí quản lý, điều hành. Có quyền khiếu kiện tại Toà án nhân dân huyện, thị xã giải quyết các trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng nước từ công trình thuỷ lợi cố tình không trả hoặc trả không đủ thuỷ lợi phí, tiền nước theo hợp đồng đã ký.
7. Các đơn vị quản lý thuỷ nông phải mở tài khoản giao dịch tại Kho bạc nhà nước nơi đóng trụ sở để quản lý nguồn thuỷ lợi phí theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; thực hiện quản lý, sử dụng nguồn thuỷ lợi phí theo đúng chế độ tài chính, kế toán hiện hành và thực hiện chế độ công khai nguồn thuỷ lợi phí theo quy định.
Điều 2. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, Chủ nhiệm các Hợp tác xã nông lâm nghiệp, Trưởng Ban quản lý công trình thuỷ lợi xã, liên xã, liên huyện và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |