Quyết định số 18/2008/QĐ-UBND ngày 27/05/2008 Quy định mức chi bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 18/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
- Ngày ban hành: 27-05-2008
- Ngày có hiệu lực: 06-06-2008
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 14-10-2010
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 24-02-2011
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 993 ngày (2 năm 8 tháng 23 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 24-02-2011
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2008/QĐ-UBND | Sóc Trăng, ngày 27 tháng 5 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH MỨC CHI BẢO ĐẢM CHO CÔNG TÁC XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 09/2007/TTLT-BTP-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2007 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Nghị quyết số 03/2008/NQ-HĐND ngày 28 tháng 3 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII, kỳ họp thứ 12 về việc quy định mức chi bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định mức chi bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, cụ thể như sau:
1. Đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh
Quy định này áp dụng đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, bao gồm các khâu:
a) Lập dự kiến chương trình xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Khảo sát, soạn thảo, thẩm định, góp ý, thẩm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, gồm các loại văn bản sau:
- Dự thảo nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân các cấp;
- Dự thảo quyết định, chỉ thị có chứa quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp.
2. Quy định mức chi
a) Xây dựng đề cương và soạn thảo dự thảo:
- Cấp tỉnh: 1.500.000 đồng/văn bản;
- Cấp huyện: 1.000.000 đồng/văn bản;
- Cấp xã: 500.000 đồng/văn bản.
b) Chi soạn thảo báo cáo thẩm định, thẩm tra; báo cáo chỉnh lý, góp ý:
- Đối với báo cáo thẩm định hoặc báo cáo thẩm tra:
+ Cấp tỉnh: 150.000 đồng/báo cáo;
+ Cấp huyện: 100.000 đồng/báo cáo.
- Đối với báo cáo góp ý hoặc báo cáo chỉnh lý:
+ Cấp tỉnh: 100.000 đồng/báo cáo;
+ Cấp huyện: 80.000 đồng/báo cáo;
+ Cấp xã: 50.000 đồng/báo cáo.
c) Chi cho cá nhân tham gia hội thảo phục vụ công tác lập dự kiến chương trình xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và soạn thảo, chỉnh lý dự thảo; thẩm định, thẩm tra dự thảo: 50.000 đồng/người/buổi.
d) Chi cho công tác tổ chức lấy ý kiến rộng rãi:
- Chi lấy ý kiến theo phiếu điều tra, phiếu lấy ý kiến được duyệt (về số phiếu và diện đối tượng điều tra, lấy ý kiến): 20.000 đồng/phiếu;
- Chi cho công tác tổng hợp và xây dựng văn bản tổng hợp, giải trình tiếp thu ý kiến góp ý vào dự thảo: mức chi tối đa 100.000 đồng/bản tổng hợp.
đ) Đối với khâu rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật phục vụ trực tiếp cho việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ nội dung công việc cần triển khai, đơn vị được giao nhiệm vụ rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật vận dụng mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 158/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ cho công tác kiểm tra văn bản quy pháp luật, xây dựng kế hoạch cụ thể trình cấp có thẩm quyền duyệt dự toán trước khi thực hiện làm căn cứ quyết toán kinh phí.
e) Đối với công tác soạn thảo văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, căn cứ dự toán kinh phí được giao và tính chất phức tạp của mỗi văn bản, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức được giao chủ trì soạn thảo phân bổ mức kinh phí đối với từng văn bản cho phù hợp, nhưng tổng mức phân bổ kinh phí để thực hiện các nội dung chi và mức chi không được vượt quá mức khống chế tối đa dưới đây:
- Đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân:
+ Cấp tỉnh: không quá 4.000.000 đồng/văn bản;
+ Cấp huyện: không quá 3.500.000 đồng/văn bản;
+ Cấp xã: không quá 3.000.000 đồng/văn bản.
- Đối với dự thảo chỉ thị của Ủy ban nhân dân:
+ Cấp tỉnh: không quá 2.000.000 đồng/văn bản;
+ Cấp huyện: không quá 1.500.000 đồng/văn bản;
+ Cấp xã: không quá 1.000.000 đồng/văn bản.
g) Đối với các văn bản quy phạm pháp luật trong một số lĩnh vực có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, tổng mức phân bổ kinh phí có thể cao hơn quy định tại điểm e khoản này, nhưng tối đa không quá các mức quy định sau:
- Cấp tỉnh: không quá 5.000.000 đồng/văn bản;
- Cấp huyện: không quá 4.500.000 đồng/văn bản;
- Cấp xã: không quá 4.000.000 đồng/văn bản.
Các nội dung khác liên quan đến công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thực hiện theo Thông tư liên tịch số 09/2007/TTLT-BTP-BTC của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính.
Điều 2.
1. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí do ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được thực hiện theo chế độ tài chính hiện hành.
2. Hàng năm, căn cứ vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm lập dự toán bảo đảm chi cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thông qua Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo phân cấp quản lý nhân sách nhà nước.
Điều 3. Giám đốc Sở Tài chính, Sở Tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Quyết định này.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, tỉnh Sóc Trăng căn cứ Quyết định thi hành.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |