Quyết định số 11/2008/QĐ-UBND ngày 22/04/2008 Về quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản Nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên do Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 11/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Hưng Yên
- Ngày ban hành: 22-04-2008
- Ngày có hiệu lực: 02-05-2008
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 19-03-2011
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1051 ngày (2 năm 10 tháng 21 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 19-03-2011
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2008/QĐ-UBND | Hưng Yên, ngày 22 tháng 4 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP, TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 35/2007/TT-BTC ngày 10/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 109/TT-STC ngày 11/4/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản Nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên với những nội dung cụ thể sau:
1. Phạm vi điều chỉnh: Quyết định này quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, theo quy định tại Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2007 của Chính phủ.
2. Nội dung phân cấp tài sản nhà nước:
- Đăng ký quyền quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
- Quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản nhà nước;
- Quyết định thu hồi, điều chuyển tài sản nhà nước;
- Quyết định chuyển đổi hình thức sở hữu tài sản nhà nước;
- Quyết định thanh lý, bán tài sản nhà nước;
- Quản lý các nguồn tài chính trong quá trình quản lý, xử lý tài sản nhà nước.
- Kiểm kê, thống kê tài sản nhà nước;
- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
- Xác lập quyền sở hữu tài sản nhà nước.
3. Thẩm quyền quyết định và xác lập quyền sở hữu tài sản nhà nước:
- Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định và xác lập quyền sở hữu tài sản nhà nước gồm: Đất đai; nhà công trình xây dựng gắn liền với chuyển đổi mục đích sử dụng và đơn vị sử dụng đất; xe ô tô các loại; các tài sản khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 1.000 triệu đồng trở lên.
- Huyện, Thị uỷ, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh quyết định và xác lập quyền sở hữu tài sản nhà nước (trừ tài sản thuộc thẩm quyền UBND tỉnh) có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 1.000 triệu đồng.
- Uỷ ban nhân dân cấp xã; đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc các sở ngành; đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc UBND cấp huyện quyết định tài sản nhà nước và xác lập quyền sở hữu tài sản nhà nước (trừ tài sản thuộc thẩm quyền UBND tỉnh và cấp huyện quản lý) có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 100 triệu đồng.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Tài chính:
- Hướng dẫn tổng hợp đăng ký quyền quản lý và sử dụng tài sản, đối với tài sản phải đăng ký theo quy định tại Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ.
- Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định tài sản thuộc thẩm quyền quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
2. Huyện, Thị uỷ, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh:
- Tổng hợp, đăng ký với Sở Tài chính về quyền quản lý, sử dụng tài sản nhà nước bao gồm: Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô các loại, tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên trên 1 đơn vị tài sản, của đơn vị mình và đơn vị trực thuộc.
- Quản lý, bảo quản và lập thẻ sử dụng tài sản không phải đăng ký; tổng hợp báo về nhu cầu sửa chữa, mua sắm tài sản gửi về Sở Tài chính trước ngày 30 tháng 7 hằng năm, để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
- Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh và gửi Sở Tài chính thẩm định, đối với các tài sản thuộc thẩm quyền, quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
3. Đơn vị trực thuộc các sở, ngành, đoàn thể và UBND cấp xã:
- Đăng ký quyền quản lý và sử dụng tài sản cho các loại tài sản phải đăng ký bao gồm: Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô các loại và các tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên trên 1 đơn vị tài sản thông qua đơn vị chủ quản và UBND huyện.
- Lập thẻ tài sản đối tài sản khác của đơn vị mình theo quy định của Nghị định số 137/2006/QĐ-UBND ngày 14/11/2007 của Chính phủ.
- Quản lý, bảo quản, sử dụng tài sản được giao; tổng hợp báo cáo nhu cầu sửa chữa, mua sắm tài sản về đơn vị chủ quản trước ngày 20 tháng 7 hằng năm.
- Trình cấp có thẩm quyền quyết định đối với tài sản theo phân cấp.
Đối với tài sản phải đăng ký mà đơn vị không đăng ký, cơ quan Tài chính được phép ngừng cấp kinh phí phục vụ hoạt động cho những tài sản phải đăng ký.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |