cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 33/2008/QĐ-UBND ngày 21/04/2008 Ban hành Quy định về bảo vệ môi trường trong sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 33/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Ngày ban hành: 21-04-2008
  • Ngày có hiệu lực: 01-05-2008
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 18-06-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2239 ngày (6 năm 1 tháng 19 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 18-06-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 18-06-2014, Quyết định số 33/2008/QĐ-UBND ngày 21/04/2008 Ban hành Quy định về bảo vệ môi trường trong sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 1804/QĐ-UBND ngày 18/06/2014 Bãi bỏ Quyết định 33/2008/QĐ-UBND về bảo vệ môi trường trong sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 33/2008/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 21 tháng 04 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TỪ THAN, GỖ TẠP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 886/TTr-TNMT ngày 20 tháng 11 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy định về bảo vệ môi trường trong sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ngành; Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các huyện; các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ TP);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành;
- TT Công báo;
- Chánh, Phó văn phòng CNN;
- Lưu: VT, TH, CNN, KT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ao Văn Thinh

 

QUY ĐỊNH

VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TỪ THAN, GỖ TẠP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2008/QĐ-UBND ngày 21 tháng 4 năm 2008 của UBND tỉnh Đồng Nai)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định về bảo vệ môi trường trong sử dụng năng lượng từ than đá và than cám (sau đây gọi tắt là than), gỗ tạp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tối đa việc phát sinh các tác động ô nhiễm đối với con người, môi trường và hệ thống khí hậu khu vực.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này được áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trong công tác quản lý về bảo vệ môi trường đối với việc sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp; các tổ chức, cá nhân, kể cả các tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, có liên quan đến việc sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

- Chuyển đổi năng lượng: là thực hiện chuyển đổi từ các dạng năng lượng đã đăng ký sử dụng có nguồn gốc từ dầu mỏ, kể cả điện năng sang sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp để phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

- Gỗ tạp: gồm dăm bào, gỗ vụn phát sinh trong hoạt động gia công, chế biến gỗ từ các nhà máy chế biến gỗ, ván ép; kể cả chất đốt là gỗ, củi từ nông nghiệp, lâm nghiệp được khai thác và sử dụng hợp pháp.

- Các thuật ngữ khác trong Quy định này được hiểu theo Điều 3 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.

Chương 2.

ĐIỀU KIỆN SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TỪ THAN, GỖ TẠP

Điều 4. Điều kiện sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp

1. Chất lượng và nguồn gốc than: Khuyến khích sử dụng than sạch; than có hàm lượng Lưu huỳnh trong than (tính theo phần trăm về khối lượng) nhỏ hơn một phần trăm (S < 1%). Than đá, than cám sử dụng phải được đăng ký về nguồn gốc và chất lượng.

2. Chất lượng và nguồn gốc gỗ tạp: Chỉ được phép sử dụng gỗ tạp có nguồn gốc hợp pháp.

3. Thiết bị, máy và các phương tiện cung cấp, sản sinh, tiêu thụ năng lượng từ quá trình sử dụng than, gỗ tạp được phép đầu tư là các thiết bị có công nghệ hiện đại, có khả năng hạn chế tối đa việc phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường.

4. Trang bị, đầu tư, xây lắp các công trình xử lý và bảo vệ môi trường, trong đó công trình xử lý khí thải đảm bảo đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường hiện hành.

5. Các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp nằm trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải có văn bản đồng thuận của đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

6. Các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp nằm trong khu dân cư, khu đô thị nhưng nằm ngoài khu công nghiệp phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện dự án.

Điều 5. Thẩm định dự án, biện pháp xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường

1. Đối với các dự án thuộc danh mục các dự án lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp: Việc tổ chức thẩm định biện pháp giảm thiểu tác động xấu, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường được lồng ghép với công tác thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo trình tự và phân cấp thẩm định theo quy định pháp luật.

2. Đối với các dự án chuyển đổi năng lượng hoặc dự án đầu tư mới có sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp không thuộc khoản 1, Điều 5 của Quy định này thuộc đối tượng phải lập Bản cam kết bảo vệ môi trường: Việc tổ chức thẩm định biện pháp giảm thiểu tác động xấu, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường được thực hiện trong quá trình thẩm định cấp Giấy xác nhận đăng ký Bản cam kết bảo vệ môi trường.

Chương 3.

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TỪ THAN, GỖ TẠP

Điều 6. Dự án đầu tư mới và dự án chuyển đổi năng lượng

1. Lập thủ tục đánh giá tác động môi trường và trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt theo Điều 5 của quy định này.

2. Đầu tư, trang bị, xây lắp các công trình xử lý và bảo vệ môi trường đảm bảo đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường; đồng thời duy trì hiệu quả xử lý ô nhiễm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong suốt quá trình hoạt động của dự án.

3. Dự án chỉ được phép đi vào hoạt động chính thức sau khi hoàn thành các hạng mục công trình về môi trường và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận.

4. Quản lý chất thải phát sinh trong quá trình sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp theo đúng các quy định hiện hành về quản lý chất thải rắn thông thường và quản lý chất thải nguy hại.

5. Vận chuyển, tập kết, tồn trữ và sử dụng năng lượng từ than đá, than cám, gỗ tạp phải có phương án, biện pháp an toàn phòng chống cháy nổ, ứng cứu sự cố môi trường.

6. Thực hiện giám sát chất lượng nguồn thải ít nhất ba (03) tháng/lần, giám sát chất lượng môi trường xung quanh ít nhất sáu (06) tháng/lần và báo cáo định kỳ về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để kiểm tra.

7. Giải trình, cung cấp đầy đủ các tài liệu, thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi được kiểm tra.

Điều 7. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã chuyển đổi năng lượng hoặc đã sử dụng than, gỗ tạp trước khi quy định này có hiệu lực thi hành

1. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa lập thủ tục đánh giá tác động môi trường: Trong thời gian chưa có hướng dẫn về thủ tục đánh giá tác động môi trường cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động; các đối tượng trên phải lập báo cáo về biện pháp bảo vệ môi trường đối với việc chuyển đổi năng lượng theo Điều 35 và 37 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và gửi cho cơ quan Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo phân cấp để giám sát, kiểm tra. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện việc lập thủ tục môi trường theo hướng dẫn về việc lập thủ tục đánh giá tác động môi trường đối với các cơ sở đang hoạt động.

2. Đầu tư, trang bị, xây lắp các công trình xử lý và bảo vệ môi trường, đảm bảo hiệu quả xử lý ô nhiễm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường hiện hành.

3. Duy trì hiệu quả xử lý ô nhiễm của các công trình xử lý và bảo vệ môi trường đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong suốt quá trình hoạt động của dự án; đồng thời tuân thủ đầy đủ các nội dung tại khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 6 của Quy định này.

Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp

Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Điều 6, 7, 8 của Quy định này và các quy định hiện hành của pháp luật về môi trường.

Điều 9. Trách nhiệm của đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp

1. Bố trí hợp lý các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp có sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp; có phân khu phù hợp gắn với bảo vệ môi trường; đảm bảo khoảng cách an toàn với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu vực lân cận.

2. Giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, dự án đầu tư trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

3. Thống kê số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và số lượng than, gỗ tạp đã sử dụng. Thực hiện quan trắc thành phần môi trường, đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường, định kỳ báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường trong chương trình giám sát môi trường sau đánh giá tác động môi trường.

4. Báo cáo các thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giải quyết các vấn đề tranh chấp liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp giữa các dự án trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Chương 4.

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TỪ THAN, GỖ TẠP

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường

1. Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, Ngành và các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án có sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp thuộc thẩm quyền thẩm định và phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành và các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, thanh tra về hoạt động bảo vệ môi trường các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thực hiện chuyển đổi năng lượng trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền.

3. Phối hợp, hỗ trợ với UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa trong công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra về hoạt động bảo vệ môi trường sau khi cấp Giấy xác nhận đăng ký Bản cam kết bảo vệ môi trường.

4. Thường xuyên giám sát, kiểm tra, thanh tra về hoạt động bảo vệ môi trường của các dự án sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp theo thẩm quyền. Xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường hoặc kiến nghị đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường theo quy định pháp luật.

Điều 11. Trách nhiệm của Ban Quản lý các Khu công nghiệp

1. Chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc thẩm định cấp phép đầu tư các dự án vào khu công nghiệp có sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp với tính chất là dự án có tiềm ẩn nguy cơ lớn gây tác động xấu đối với môi trường

2. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các huyện trong việc thẩm định các thủ tục đánh giá tác động môi trường; công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, dự án có sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Điều 12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các huyện

1. Tổ chức thẩm định và xác nhận Bản cam kết bảo vệ môi trường của dự án sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp theo phân cấp.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, thanh tra về hoạt động bảo vệ môi trường các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thực hiện chuyển đổi năng lượng trên địa bàn tỉnh theo phân cấp quản lý.

3. Thường xuyên giám sát, kiểm tra, thanh tra về hoạt động bảo vệ môi trường các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc địa bàn quản lý theo phân cấp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đình chỉ hoạt động các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật.

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các huyện trong việc thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bản cam kết bảo vệ môi trường đối với các dự án có sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp trên địa bàn tỉnh.

Điều 14. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ

1. Chủ trì và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện thẩm định về công nghệ các thiết bị dây chuyền sản xuất, công nghệ xử lý chất thải của các dự án đầu tư có liên quan đến việc sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp.

2. Tổ chức thực hiện các đề tài, dự án khoa học, công nghệ đánh giá khả năng sử dụng năng lượng từ than đá, gỗ tạp; các công nghệ xử lý chất thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Điều 15. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

Tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định của pháp luật có liên quan đối với hoạt động vận chuyển than, gỗ tạp và chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại phát sinh từ quá trình sử dụng than, gỗ tạp làm năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Điều 16. Trách nhiệm của các Sở, ngành liên quan

Thực hiện việc đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh có liên quan đến hoạt động sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp theo Quy định này và các quy định pháp luật hiện hành khác có liên quan.

Chương 5.

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 17. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ môi trường đối với quá trình sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp sẽ được khen thưởng ở các cấp tương ứng theo chế độ khen thưởng hiện hành.

Điều 18. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường liên quan đến việc sử dụng năng lượng từ than, gỗ tạp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và cơ quan liên quan. Cơ quan nhận được khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Điều 19. Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy định này thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị buộc bồi thường thiệt hại, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành.

Chương 6.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các huyện; các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm thực hiện Quy định này.

Điều 21. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Quy định này trên địa bàn tỉnh. Hàng năm tổng hợp tình hình quản lý môi trường trong phạm vi địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 22. Trong quá trình thực hiện Quy định này nếu có khó khăn, vướng mắc, các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các huyện phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh để giải quyết.