cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 26/2008/QĐ-UBND ngày 07/04/2008 Quy định về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhân dân thuộc diện thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành

  • Số hiệu văn bản: 26/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Ngày ban hành: 07-04-2008
  • Ngày có hiệu lực: 17-04-2008
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-02-2020
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4326 ngày (11 năm 10 tháng 11 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 20-02-2020
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 20-02-2020, Quyết định số 26/2008/QĐ-UBND ngày 07/04/2008 Quy định về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhân dân thuộc diện thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 01/2020/QĐ-UBND ngày 03/02/2020 Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 26/2008/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 07 tháng 04 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐÀO TẠO NGHỀ, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NHÂN DÂN THUỘC DIỆN THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ Quốc gia về việc làm;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 34/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BKHĐT ngày 19/12/2005 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư hướng dẫn một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg;
Căn cứ Quyết định số 08/2007/QĐ-UBND ngày 10/01/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về trình tự, thủ tục, chính sách và tiêu chuẩn tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Nai tại Tờ trình số 14/TTr-LĐTBXH-CSLĐ ngày 23 tháng 01 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhân dân thuộc diện thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

UB NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
CHỦ TỊCH




Võ Văn Một

 

QUY ĐỊNH

ĐÀO TẠO NGHỀ, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NHÂN DÂN THUỘC DIỆN THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 26/2008/QĐ-UBND ngày 07 tháng 4 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng điều chỉnh

1. Các hộ sản xuất nông nghiệp nay bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp, hộ phi sản xuất nông nghiệp nay bị thu hồi hết đất (hoặc còn đất nhưng không thể ở tại chỗ được) và các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ nay không còn mặt bằng kinh doanh.

2. Người trong độ tuổi lao động (nam từ 15 đến 60 tuổi, nữ từ 15 đến 55 tuổi tính tại thời điểm đăng ký học nghề) có trình độ văn hóa và sức khỏe phù hợp với ngành nghề đào tạo, có nhu cầu việc làm, học nghề, được hưởng chính sách hỗ trợ kể từ khi nhận được quyết định thu hồi đất.

Người lao động thuộc khoản 1, khoản 2, Điều 1 đã tham gia học nghề theo các chương trình khác, có nhu cầu học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp được hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề theo Quy định này.

Điều 2. Phạm vi áp dụng

Quy định này áp dụng đối với những dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sau khi đã có quyết định thu hồi đất của Nhà nước.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Đào tạo nghề

Hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động để tìm kiếm được việc làm mới, ổn định, tạo thu nhập, nâng cao đời sống theo các nội dung sau:

1. Hỗ trợ học nghề ngắn hạn

a) Hỗ trợ 100% học phí học nghề cho các đối tượng nêu tại Điều 1 học nghề tại các cơ sở dạy nghề. Mức hỗ trợ học phí tối đa 300.000đồng/tháng.

b) Hỗ trợ tiền ăn cho một ngày thực học là 10.000 đồng/học viên, nhưng không quá 250.000 đồng/tháng.

Tổng kinh phí hỗ trợ theo quy định tại điểm a và b khoản 1, điều này cho mỗi người học nghề ngắn hạn (sơ cấp nghề) tối đa là 4.600.000 đồng (bốn triệu sáu trăm ngàn đồng) được trả cho cơ sở dạy nghề. Trong trường hợp nguồn kinh phí khóa học ít hơn 4.600.000 đồng, số tiền chênh lệch được trả lại trực tiếp cho người học.

2. Hỗ trợ học nghề dài hạn

Ngoài nguồn kinh phí chi thường xuyên do Nhà nước cấp hàng năm cho đào tạo nghề dài hạn (cao đẳng nghề, trung cấp nghề) tại các cơ sở dạy nghề, người thuộc diện thu hồi đất được hỗ trợ tiền ăn với mức 4.600.000 đồng trong suốt khóa học, hỗ trợ tiền học phí tối đa 300.000 đồng/tháng và được Nhà nước trả trực tiếp cho cơ sở dạy nghề.

3. Thủ tục nhập học và xét hỗ trợ kinh phí

- Đơn đăng ký học nghề (mẫu số 01-ĐKHN kèm theo Quy định này đối với học nghề ngắn hạn, đối với học nghề dài hạn có mẫu hồ sơ và phiếu đăng ký học nghề ban hành theo Quyết định số 08/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 26/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động-TBXH) có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú ghi rõ đối tượng diện thu hồi đất;

- Bản sao Quyết định thu hồi đất có công chứng hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn.

Điều 4. Giải quyết việc làm

Ủy ban nhân dân tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai xây dựng và thực hiện kế hoạch giải quyết việc làm như sau:

1. Đối với lao động trẻ, có trình độ văn hóa

- Cung ứng lao động cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gần nhất.

- Đưa đi xuất khẩu lao động đối với người có đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài.

2. Đối tượng khác

Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, hỗ trợ vốn, cho vay vốn để phát triển dịch vụ phục vụ các khu công nghiệp; Khôi phục các ngành nghề truyền thống; Tổ chức sản xuất theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao; Thành lập các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ ở từng khu tái định cư; Khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình.

Điều 5. Hỗ trợ cho đối tượng chính sách

Trong trường hợp người học nghề thuộc diện bị thu hồi đất là đối tượng thương binh, bệnh binh, con thương binh, con bệnh binh, con liệt sĩ, con gia đình chính sách có công (bao gồm cả thanh niên xung phong), hộ dân tộc thiểu số, hộ đói, nghèo, người khuyết tật ngoài chính sách ưu đãi hiện hành còn được hỗ trợ toàn bộ số tiền 4.600.000 đồng sau khi tốt nghiệp nghề.

Điều 6. Quỹ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho những người bị thu hồi đất

1. Quỹ đào tạo nghề

a) Nguồn quỹ và cơ quan quản lý quỹ

Trong giai đoạn 2008-2010, tổng số lao động cần hỗ trợ vốn để học nghề là 1.500 người. Nguồn quỹ đào tạo nghề là 8,7 tỷ đồng, được trích từ ngân sách Nhà nước, do Sở Tài chính quản lý và cấp phát hàng năm theo quy định.

b) Phương thức cấp phát

- Học phí được cấp trực tiếp cho cơ sở dạy nghề theo từng học kỳ đối với hệ dài hạn hoặc theo khóa học đối với hệ ngắn hạn;

- Tiền ăn cấp trực tiếp cho người học theo từng tháng do cơ sở dạy nghề quản lý và chi trả.

2. Quỹ giải quyết việc làm

a) Nguồn quỹ

Dự kiến nguồn quỹ cho 1.500 hộ dân vay là 15 tỷ đồng (mỗi năm 5 tỷ đồng) từ chương trình Quốc gia về giải quyết việc làm theo Nghị quyết số 120/HĐBT ngày 11/4/1992 do Trung ương hỗ trợ và nguồn quỹ giải quyết việc làm của địa phương.

b) Cơ chế cho vay

Thực hiện theo hướng dẫn của Liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về cơ chế quản lý, điều hành vốn vay từ Chương trình Quốc gia về giải quyết việc làm.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm thực hiện

1. Giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm hàng năm cho lao động bị thu hồi đất; hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở dạy nghề thực hiện dạy nghề cho đối tượng bị thu hồi đất; hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động sau khi học nghề.

2. Giao Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm định và cấp kinh phí hỗ trợ dạy nghề, học nghề theo các quy định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh và nội dung Quy định này. Đảm bảo nguồn vốn cho vay đối với các dự án được Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa thẩm định.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa có trách nhiệm rà soát quy hoạch, thông tin nhu cầu học nghề, việc làm về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ngay sau khi có quyết định thu hồi đất; thông báo chính sách dạy nghề và giải quyết việc làm theo Quy định này cho nhân dân tại những dự án thu hồi đất.

4. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn cho số hộ dân thuộc đối tượng tại Điều 1 của Quy định này xây dựng các Dự án vay vốn giải quyết việc làm tại chỗ. Kiểm tra việc sử dụng vốn đúng mục đích, đảm bảo thu hồi vốn.

Điều 8. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và các đoàn thể trong phạm vi hoạt động của mình tham gia vận động, giúp đỡ hộ gia đình trong diện thu hồi đất, di dời, giải tỏa gặp khó khăn về việc làm và đời sống nhanh chóng ổn định cuộc sống; đồng thời, hướng dẫn đoàn viên, hội viên chuyển đổi ngành nghề, học nghề, tạo việc làm./.