Quyết định số 25/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 31/03/2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Gia đình (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 25/2008/QĐ-BVHTTDL
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
- Ngày ban hành: 31-03-2008
- Ngày có hiệu lực: 25-04-2008
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 02-01-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2078 ngày (5 năm 8 tháng 13 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 02-01-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2008/QĐ-BVHTTDL | Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VỤ GIA ĐÌNH
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Gia đình và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
Vụ Gia đình là cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về gia đình: hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo quyền bình đẳng và phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức và hướng dẫn việc thu thập, lưu trữ thông tin về gia đình; tuyên truyền, giáo dục các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình (sau đây gọi tắt là lĩnh vực gia đình); quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực gia đình theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình để trình Bộ trưởng ban hành hoặc để Bộ trưởng trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật.
2. Trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, năm năm, hàng năm, chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án về lĩnh vực gia đình.
3. Tham mưu giúp Bộ trưởng chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch công tác về lĩnh vực gia đình.
4. Tham mưu giúp Bộ trưởng trong việc triển khai Luật phòng, chống bạo lực gia đình:
a. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện hoạt động tư vấn về gia đình ở cơ sở; việc thành lập, giải thể cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình;
b. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan ban hành và tổ chức thực hiện quy định về bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình;
c. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan biên tập, cung cấp thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình và các quy định khác của pháp luật về đảm bảo quyền bình đẳng trong gia đình;
d. Chỉ đạo tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.
5. Xây dựng trình Bộ trưởng ban hành quy định về việc thu thập, lưu trữ thông tin về lĩnh vực gia đình; tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
6. Tham mưu giúp Bộ trưởng chỉ đạo việc tuyên truyền, giáo dục các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình thông qua chương trình giáo dục đời sống gia đình.
7. Xây dựng thí điểm các mô hình về gia đình để phục vụ cho việc xây dựng chính sách.
8. Phối hợp với các Cục, Vụ, đơn vị liên quan kiểm tra việc tổ chức, chỉ đạo, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các nhiệm vụ công tác về lĩnh vực gia đình của các địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan thuộc phạm vi quản lý.
9. Phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế trình Bộ trưởng việc đàm phán, ký kết, phê duyệt điều ước quốc tế, tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về gia đình; tổ chức thực hiện các chương trình, dự án quốc tế tài trợ trong lĩnh vực gia đình.
10. Tổ chức công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực gia đình.
11. Quản lý các dịch vụ công về lĩnh vực gia đình.
12. Tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước đối với hoạt động của các hội, tổ chức phi Chính phủ thuộc lĩnh vực gia đình.
13. Thực hiện các nội dung cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch của Bộ; quản lý công chức; thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý của Vụ; quản lý tài sản được giao theo quy định của pháp luật.
14. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Vụ
1. Vụ trưởng, các Phó Vụ trưởng.
2. Công chức chuyên môn nghiệp vụ.
Vụ trưởng Vụ Gia đình có trách nhiệm sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức theo cơ cấu chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ; xây dựng và ban hành Quy chế làm việc của Vụ.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
Vụ trưởng Vụ Gia đình, Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |