Quyết định số 106/QĐ-NHPT ngày 04/03/2008 Về Quy định quản lý tài sản cố định trong hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam do Tổng giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam ban hành
- Số hiệu văn bản: 106/QĐ-NHPT
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Ngân hàng phát triển Việt Nam
- Ngày ban hành: 04-03-2008
- Ngày có hiệu lực: 04-03-2008
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 6108 ngày (16 năm 8 tháng 28 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 106/QĐ-NHPT | Hà Nội, ngày 04 tháng 3 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ TÀI SẢN CỐ ĐỊNH TRONG HỆ THỐNG NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
Căn cứ Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06/3/1998 của Chính phủ về quản lý tài sản nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 110/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính về ban hành chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định;
Căn cứ Thông tư số 112/2006/TT-BTC ngày 27/12/2006 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập, ban hành kèm theo Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 111/2007/TT-BTC ngày 12/9/2007 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
Theo đề nghị của Trưởng ban Quản lý tài sản và Xây dựng cơ bản nội ngành,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý tài sản cố định trong hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các văn bản trước đây trái với nội dung Quyết định này bị bãi bỏ.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TỔNG GIÁM ĐỐC |
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ TÀI SẢN CỐ ĐỊNH TRONG HỆ THỐNG NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 106/QĐ-NHPT ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi áp dụng:
a) Quy định này quy định việc đầu tư, mua sắm, quản lý sử dụng tài sản cố định (TSCĐ) thuộc quyền sở hữu, sử dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT).
b) Trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa công trình xây dựng và đầu tư mua sắm TSCĐ gắn với dự án đầu tư xây dựng công trình của các đơn vị thuộc và trực thuộc NHPT thực hiện theo Quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình trong hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt nam ban hành kèm theo Quyết định số 561/QĐ-NHPT ngày 30/10/2007 của Tổng giám đốc NHPT .
2. Đối tượng áp dụng:
Các đơn vị thuộc và trực thuộc NHPT thực hiện việc đầu tư, mua sắm, quản lý sử dụng tài sản cố định theo các nội dung của Quy định này.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. TSCĐ của NHPT: là TSCĐ được quy định tại Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ ban hành kèm theo Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
2. Nguyên giá TSCĐ:
- Nguyên giá TSCĐ hữu hình: là toàn bộ các chi phí mà NHPT phải bỏ ra để có TSCĐ tính đến thời điểm đưa tài sản đó vào trạng thái sẵn sàng sử dụng.
- Nguyên giá TSCĐ vô hình: là toàn bộ các chi phí mà NHPT phải bỏ ra để có TSCĐ vô hình tính đến thời điểm đưa tài sản đó vào sử dụng theo dự tính.
3. Hao mòn TSCĐ: là sự giảm dần giá trị sử dụng và giá trị của TSCĐ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, do bào mòn của tự nhiên, do tiến bộ kỹ thuật…trong quá trình hoạt động của TSCĐ.
4. Giá trị hao mòn luỹ kế của TSCĐ: là tổng cộng giá trị hao mòn của TSCĐ tính đến thời điểm báo cáo.
5. Khấu hao TSCĐ: là việc tính toán và phân bổ một cách có hệ thống nguyên giá của TSCĐ vào chi phí quản lý của NHPT trong thời gian sử dụng của tài sản cố định.
6. Giá trị còn lại trên sổ kế toán của TSCĐ: là hiệu số giữa nguyên giá TSCĐ và số khấu hao luỹ kế (hoặc giá trị hao mòn luỹ kế) của TSCĐ tính đến thời điểm báo cáo.
7. Sửa chữa TSCĐ là việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa những hư hỏng phát sinh trong quá trình hoạt động nhằm khôi phục lại năng lực hoạt động theo trạng thái hoạt động tiêu chuẩn ban đầu của TSCĐ.
8. Nâng cấp TSCĐ: là hoạt động cải tạo, xây lắp, trang bị bổ sung thêm cho TSCĐ nhằm nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm, tính năng tác dụng của TSCĐ so với mức ban đầu hoặc kéo dài thời gian sử dụng của TSCĐ.
Điều 3. TSCĐ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
1. Đất, nhà cửa, vật kiến trúc.
2. Máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn.
3. Các sản phẩm công nghệ thông tin gồm máy móc, thiết bị, phụ kiện, phần mềm và các sản phẩm khác.
4. Phương tiện vận tải.
5. Các loại TSCĐ khác.
Điều 4. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc NHPT
1. Ban Quản lý tài sản và Xây dựng cơ bản nội ngành (QLXD):
a) Tham mưu, giúp Tổng giám đốc trong công tác quản lý tài sản của hệ thống NHPT.
b) Tổng hợp, xây dựng kế hoạch đầu tư mua sắm, nâng cấp, sửa chữa lớn tài sản hàng năm của toàn hệ thống; tổng hợp và lập báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư, mua sắm tài sản của toàn hệ thống theo định kỳ và hàng năm theo quy định, kiến nghị điều chỉnh kế hoạch trình Tổng giám đốc xem xét, quyết định.
c) Thông báo kế hoạch đầu tư, mua sắm, nâng cấp, sửa chữa lớn tài sản đã được phê duyệt cho các đơn vị, cá nhân có liên quan để tổ chức thực hiện.
d) Theo dõi tình hình quản lý, biến động TSCĐ tại các đơn vị thuộc hệ thống NHPT về mặt hiện vật.
e) Tham mưu, đề xuất các biện pháp xử lý TSCĐ tại các đơn vị thuộc hệ thống NHPT.
g) Chủ trì thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành trình Lãnh đạo NHPT phê duyệt.
h) Chủ trì phối hợp với Ban Kiểm tra nội bộ (KTNB), Ban Tài chính kế toán và kho quỹ (TCKT) kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản tại các đơn vị thuộc NHPT.
2. Ban Tài chính Kế toán và kho quỹ (TCKT):
a) Tham gia lập kế hoạch đầu tư mua sắm, nâng cấp, sửa chữa lớn tài sản hàng năm của hệ thống NHPT.
b) Tham gia thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành.
c) Cân đối nguồn vốn đầu tư của toàn hệ thống để xây dựng kế hoạch đầu tư hàng năm.
d) Theo dõi tình hình quản lý, biến động TSCĐ tại các đơn vị thuộc hệ thống NHPT về mặt giá trị.
e) Tham mưu, đề xuất các biện pháp xử lý TSCĐ tại các đơn vị thuộc hệ thống NHPT.
g) Tham gia công tác kiểm tra quản lý, sử dụng TSCĐ tại các đơn vị thuộc NHPT.
3. Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT):
a) Lập kế hoạch phát triển CNTT trong toàn hệ thống. Tổng hợp kế hoạch đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phần mềm tin học hàng năm.
b) Tổ chức xây dựng và đưa ra yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, cấu hình, chủng loại thiết bị, phần mềm tin học cần mua sắm, trang bị trong toàn hệ thống đảm bảo tích hợp với hệ thống CNTT hiện hành của NHPT.
c) Tham gia thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành (đối với các nội dung có liên quan đến CNTT).
d) Theo dõi tình hình quản lý, biến động TSCĐ thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin của toàn hệ thống.
4. Văn phòng:
a) Tổ chức thực hiện mua sắm TSCĐ, dịch vụ đối với việc mua sắm tập trung tại Hội sở chính theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về chất lượng, giá cả của hàng hóa, sản phẩm.
b) Quản lý và theo dõi TSCĐ mua sắm tập trung tại Hội sở chính.
c) Xuất kho đối với TSCĐ mua sắm tập trung theo quyết định của Tổng giám đốc.
5. Ban Kiểm tra nội bộ:
a) Chủ trì, phối hợp với Ban QLXD trình Tổng giám đốc phê duyệt kế hoạch kiểm tra công tác quản lý TSCĐ hàng năm của hệ thống NHPT.
b) Tham gia công tác kiểm tra quản lý, sử dụng TSCĐ tại các đơn vị thuộc NHPT.
c) Thực hiện công tác kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của Tổng giám đốc.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. Đầu tư mua sắm, nâng cấp, sửa chữa TSCĐ
Điều 5. Nguyên tắc cơ bản
1. Việc đầu tư mua sắm TSCĐ phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và quy định của NHPT; phải thực hiện theo đúng trình tự, kế hoạch và tiêu chuẩn, định mức của nhà nước.
2. TSCĐ được trang bị phải phù hợp với quy mô hoạt động của các đơn vị trên nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí.
3. Những vấn đề không đề cập tại Quy định này thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 6. Các phương thức mua sắm TSCĐ
1. Phương thức mua sắm tập trung tại Hội sở chính: được áp dụng đối với các loại TSCĐ có số lượng mua sắm nhiều, tổng giá trị mua sắm lớn và có yêu cầu trang bị đồng bộ, bao gồm: trang thiết bị, phần mềm tin học, phương tiện vận tải, máy phát điện.
2. Phương thức mua sắm trực tiếp tại đơn vị: được áp dụng đối với các loại TSCĐ có số lượng nhỏ, lẻ và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1, điều này.
3. Một số trường hợp đặc biệt khác do Tổng giám đốc NHPT quyết định phương thức mua sắm.
Điều 7. Nguồn vốn đầu tư mua sắm, sửa chữa, nâng cấp TSCĐ
1. Kinh phí đầu tư mua sắm, nâng cấp TSCĐ:
a) Vốn ngân sách Nhà nước cấp.
b) Quỹ Đầu tư phát triển của NHPT.
c) Khấu hao TSCĐ.
d) Các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của nhà nước.
2. Kinh phí sửa chữa TSCĐ:
a) Đối với công tác sửa chữa TSCĐ: sử dụng từ chi phí quản lý của NHPT.
b) Đối với việc sửa chữa các tài sản phúc lợi của NHPT: sử dụng từ Quỹ Phúc lợi của NHPT.
Điều 8. Tiêu chuẩn, định mức, chế độ sử dụng TSCĐ
1. Đối với TSCĐ đã có quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và của NHPT thì thực hiện trang bị, mua sắm theo tiêu chuẩn, định mức đó.
2. Trường hợp TSCĐ chưa có quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng, Tổng giám đốc sẽ căn cứ vào nhu cầu sử dụng tài sản phục vụ hoạt động chuyên môn của từng đơn vị để xem xét quyết định.
Điều 9. Kế hoạch vốn đầu tư hàng năm
1. Giai đoạn xây dựng và đăng ký kế hoạch:
a) Hàng năm, các đơn vị thuộc và trực thuộc NHPT có nhu cầu mua sắm, nâng cấp, sửa chữa TSCĐ lập kế hoạch vốn đầu tư của năm sau gửi về Hội sở chính NHPT. Thời hạn đăng ký kế hoạch vốn đầu tư của năm sau chậm nhất là ngày 01 tháng 10 hàng năm.
b) Nội dung đăng ký kế hoạch gồm: Danh mục, số lượng các TSCĐ đề nghị trang cấp trong năm tới; dự kiến mức vốn đầu tư của từng tài sản (Mẫu số 01/QLXD kèm theo Quy định này).
2. Tổng hợp, cân đối kế hoạch vốn đầu tư:
Ban QLXD chủ trì, phối hợp với Ban TCKT, Trung tâm CNTT (đối với kế hoạch mua sắm trang thiết bị tin học) tổng hợp kế hoạch vốn đầu tư mua sắm, nâng cấp, sửa chữa TSCĐ của các đơn vị, cân đối và lập kế hoạch vốn đầu tư cho toàn hệ thống, báo cáo Tổng Giám đốc trình HĐQL phê duyệt.
Kế hoạch vốn đầu tư hàng năm của toàn hệ thống phải hoàn thành trong tháng 11 của năm trước năm kế hoạch để Tổng Giám đốc trình HĐQL phê duyệt.
3. Thông báo kế hoạch vốn đầu tư:
Căn cứ kế hoạch vốn đầu tư được HĐQL phê duyệt, Ban QLXD trình Tổng giám đốc thông báo kế hoạch vốn đầu tư cho các đơn vị (bao gồm các dự án, dự toán mua sắm, nâng cấp, sửa chữa tài sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Nội dung thông báo kế hoạch vốn đầu tư:
- Danh mục TSCĐ đầu tư được ghi kế hoạch vốn đầu tư.
- Nội dung đầu tư và mức vốn đầu tư trong năm kế hoạch.
- Nguồn vốn đầu tư trong năm kế hoạch.
4. Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư :
Trường hợp trong năm kế hoạch phát sinh thêm công việc mua sắm, sửa chữa TSCĐ không nằm trong kế hoạch được duyệt, Thủ trưởng đơn vị phải trình Tổng Giám đốc xem xét, quyết định trước khi triển khai thực hiện. Kế hoạch vốn đầu tư sau khi điều chỉnh, bổ sung không được vượt kế hoạch vốn đầu tư trong năm đã được HĐQL phê duyệt.
Điều 10. Thẩm quyền quyết định đầu tư mua sắm, nâng cấp, sửa chữa TSCĐ:
1. Việc đầu tư mua sắm, nâng cấp TSCĐ thuộc hệ thống NHPT đều phải được Tổng giám đốc phê duyệt chủ trương đầu tư.
2. Tổng giám đốc phê duyệt (hoặc uỷ quyền cho Phó Tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực quản lý tài sản) quyết định đầu tư và các bước tiếp theo đối với các dự án, dự toán mua sắm, nâng cấp TSCĐ thực hiện tại Hội sở chính (không kể mức vốn) và tại các đơn vị cấp dưới có mức vốn đầu tư từ 100 triệu đồng trở lên.
3. Thủ trưởng đơn vị cấp dưới quyết định đầu tư, mua sắm, nâng cấp TSCĐ và các bước tiếp theo đối với các dự án, dự toán có mức vốn đầu tư nhỏ hơn 100 triệu đồng sau khi được Tổng giám đốc chấp thuận chủ trương đầu tư.
4. Tổng giám đốc có thể uỷ quyền cho Thủ trưởng đơn vị cấp dưới quyết định đầu tư và các bước tiếp theo đối với các dự án, dự toán đầu tư, mua sắm, nâng cấp TSCĐ có tổng mức đầu tư từ 100 triệu đồng đến 01 tỷ đồng, tuỳ theo trình độ và năng lực bộ máy chuyên môn của từng đơn vị.
5. Thủ trưởng đơn vị cấp dưới có trách nhiệm phê duyệt dự toán và quyết toán chi phí sửa chữa TSCĐ sử dụng nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên trong định mức khoán chi hàng năm đã được NHPT phê duyệt.
Đối với việc sửa chữa TSCĐ sử dụng nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên ngoài định mức khoán chi hàng năm đã được NHPT phê duyệt, Thủ trưởng đơn vị cấp dưới có trách nhiệm phê duyệt dự toán và quyết toán chi phí sửa chữa TSCĐ sau khi được Tổng giám đốc chấp thuận chủ trương và cho phép bổ sung kinh phí hoạt động thường xuyên ngoài định mức khoán chi hàng năm của đơn vị.
Điều 11. Tổ chức thực hiện đầu tư, mua sắm, nâng cấp, sửa chữa TSCĐ
Việc đầu tư mua sắm, nâng cấp, sửa chữa TSCĐ không phải là nhà, công trình xây dựng của NHPT thực hiện theo quy định hiện hành về đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước bằng vốn Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.
(Trình tự, thủ tục trong việc đầu tư xây dựng công trình của NHPT thực hiện theo Quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình trong hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 561/QĐ-NHPT ngày 30/10/2007 của Tổng giám đốc NHPT và các văn bản pháp luật có liên quan).
Điều 12. Quyết toán dự án hoàn thành
Ngay sau khi hoàn thành công tác đầu tư mua sắm, nâng cấp, sửa chữa TSCĐ, Thủ trưởng đơn vị khẩn trương lập báo cáo quyết toán trình Tổng giám đốc phê duyệt (đối với dự án, dự toán thuộc thẩm quyền phê duyệt của Tổng giám đốc); phê duyệt quyết toán (đối với dự án, dự toán đươc phân cấp), hạch toán tăng nguyên giá TSCĐ đồng thời gửi 02 bản quyết định (bản chính) về NHPT (Ban QLXD và Ban TCKT) để theo dõi, quản lý.
Mục 2. Quản lý, sử dụng TSCĐ
Điều 13. Đăng ký tài sản
Đối với đất, nhà và công trình xây dựng thuộc trụ sở làm việc phải thực hiện kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, kê khai đăng ký quyền quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước là nhà, công trình xây dựng khác theo quy định của Chính phủ và các quy định hiện hành khác có liên quan sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng.
Đối với phương tiện vận tải, máy móc và các trang thiết bị chuyên dùng khác mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, quyền quản lý sử dụng thì đơn vị được giao quản lý sử dụng tài sản phải thực hiện việc đăng ký theo quy định ngay sau khi thực hiện việc mua sắm hoặc tiếp nhận tài sản.
Điều 14. Quản lý TSCĐ
Các đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng TSCĐ phải thực hiện công tác quản lý TSCĐ theo đúng quy định. Mỗi tài sản phải có bộ hồ sơ riêng gồm: biên bản giao nhận TSCĐ, hợp đồng, hoá đơn mua TSCĐ và các chứng từ khác có liên quan. TSCĐ phải được phân loại, thống kê, đánh số và có thẻ riêng, được theo dõi chi tiết theo từng đối tượng ghi TSCĐ và được phản ánh trong sổ theo dõi TSCĐ.
Mỗi TSCĐ phải được quản lý theo nguyên giá, số khấu hao luỹ kế và giá trị còn lại trên sổ kế toán.
Các đơn vị phải thực hiện việc quản lý đối với những TSCĐ đã khấu hao hết nhưng vẫn tham gia vào hoạt động chuyên môn của đơn vị như những TSCĐ bình thường.
Định kỳ vào cuối mỗi năm tài chính, đơn vị phải tiến hành kiểm kê TSCĐ. Mọi trường hợp phát hiện thừa, thiếu TSCĐ đều phải lập biên bản, tìm nguyên nhân và có biện pháp xử lý.
Điều 15. Sử dụng tài sản
1. TSCĐ của NHPT phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, chế độ; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả để phục vụ công tác và các hoạt động chuyên môn của NHPT. Nghiêm cấm việc sử dụng tài sản của NHPT không đúng mục đích; làm thất thoát, hư hỏng gây thiệt hại về tài sản của NHPT.
2. Trong quá trình sử dụng TSCĐ, đơn vị quản lý, sử dụng phải thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng chế độ và tiêu chuẩn kỹ thuật do Nhà nước quy định. Chi phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản sử dụng nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm của đơn vị
3. Đối với việc sử dụng TSCĐ của NHPT vào mục đích cho thuê, cầm cố, thế chấp và góp vốn liên doanh phải phù hợp với quy định của pháp luật và được Tổng giám đốc chấp thuận.
Điều 16. Khấu hao TSCĐ
1. TSCĐ sử dụng cho hoạt động của NHPT được trích khấu hao TSCĐ theo chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ theo quy định áp dụng cho các doanh nghiệp Nhà nước.
2. Toàn bộ tiền trích khấu hao TSCĐ của NHPT được bổ sung vào quỹ đầu tư phát triển của NHPT để sử dụng tái tạo lại tài sản, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị của NHPT.
Điều 17. Hạch toán, báo cáo tài sản
1. Đơn vị quản lý, sử dụng TSCĐ phải thực hiện việc hạch toán, thống kê, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng, xử lý TSCĐ định kỳ hàng quý/năm hoặc báo cáo đột xuất gửi NHPT.
2. Định kỳ hàng quý, Thủ trưởng đơn vị phải lập báo cáo tình hình tăng giảm TSCĐ và báo cáo đầu tư mua sắm, nâng cấp, xây dựng mới TSCĐ gửi về NHPT (Ban QLXD và Ban TCKT) chậm nhất vào ngày 05 tháng đầu tiên của Quý tiếp theo để theo dõi, quản lý (Mẫu số 02/QLXD, 03/QLXD kèm theo Quy định này).
3. Cuối mỗi năm tài chính, Thủ trưởng đơn vị phải lập báo cáo tình hình tăng giảm TSCĐ, báo cáo đầu tư mua sắm, nâng cấp, xây dựng mới TSCĐ và Bảng kiểm kê TSCĐ định kỳ 0 giờ ngày 01/01/200… gửi về NHPT (Ban QLXD và Ban TCKT) chậm nhất vào ngày 05 tháng đầu tiên của năm tiếp theo để theo dõi, quản lý (Mẫu số 11a/NHPT, 11b/NHPT, 11d/NHPT ban hành kèm theo Quyết định số 606/QĐ-NHPT ngày 09/12/2006 về việc ban hành hệ thống tài khoản kế toán và báo cáo tài chính Ngân hàng Phát triển Việt Nam).
Mục 3. Xử lý tài sản
Điều 18. Bán, chuyển nhượng TSCĐ
1. TSCĐ của NHPT được phép bán, chuyển nhượng để tái đầu tư, mua sắm tài sản trong các trường hợp sau:
a) Khi thực hiện di dời theo quy hoạch, sắp xếp lại cơ sở theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
b) Khi phải đổi mới theo yêu cầu kỹ thuật, dư thừa, không còn nhu cầu sử dụng hoặc đã hư hỏng, xuống cấp không bảo đảm để phục vụ hoạt động của đơn vị.
2. Thẩm quyền quyết định bán, chuyển nhượng TSCĐ:
a) Hội đồng quản lý quyết định việc bán, chuyển nhượng trụ sở làm việc (được Nhà nước giao quản lý, sử dụng và ghi vào vốn điều lệ của NHPT), sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính.
b) Tổng giám đốc (hoặc uỷ quyền cho Phó Tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực quản lý tài sản) quyết định việc bán, chuyển nhượng các loại TSCĐ của NHPT (trừ trụ sở làm việc quy định tại điểm a, khoản 2, điều này).
3. Đối với TSCĐ đã có quyết định bán, chuyển nhượng thì đơn vị trực tiếp quản lý tài sản thực hiện thuê tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản được phép hoạt động theo quy định của pháp luật để bán đấu giá. Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép bán, chuyển nhượng tài sản theo phương thức chỉ định thì giá bán, chuyển nhượng tài sản phải được tổ chức có chức năng định giá tài sản được phép hoạt động theo quy định của pháp luật xác định và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 19. Điều chuyển, thu hồi TSCĐ
1. TSCĐ của NHPT tại các đơn vị thực hiện điều chuyển, thu hồi trong các trường hợp sau:
a) Tài sản đầu tư xây dựng, mua sắm hoặc bán, chuyển nhượng, cho tặng hoặc tài sản sử dụng không đúng quy định của Nhà nước và của NHPT.
b) TSCĐ dư thừa, không còn nhu cầu sử dụng.
c) TSCĐ sử dụng vượt so với tiêu chuẩn, định mức theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và của NHPT.
2. Thẩm quyền quyết định điều chuyển, thu hồi TSCĐ:
a) Hội đồng quản lý quyết định việc điều chuyển trụ sở làm việc (được Nhà nước giao quản lý, sử dụng và ghi vào vốn điều lệ của NHPT) cho các đơn vị ngoài hệ thống NHPT, sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính.
b) Tổng giám đốc (hoặc uỷ quyền cho Phó Tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực quản lý tài sản) quyết định việc điều chuyển, thu hồi các TSCĐ của NHPT (trừ trụ sở làm việc quy định tại điểm a, khoản 2, điều này).
3. Đối với TSCĐ có quyết định thu hồi, điều chuyển, đơn vị có tài sản bị thu hồi, điều chuyển và đơn vị được giao tiếp nhận tài sản phối hợp tổ chức việc bàn giao tài sản.
a) Trường hợp điều chuyển TSCĐ giữa các đơn vị thuộc hệ thống NHPT:
Khi thực hiện điều chuyển TSCĐ, đơn vị phải lập Hội đồng giao nhận tài sản. Các thành viên trong hội đồng bắt buộc phải có Giám đốc, Trưởng phòng TCKT, Hành chính quản lý nhân sự, một chuyên gia kỹ thuật am hiểu về loại tài sản đó (có thể thuê ngoài) và các thành viên khác do đơn vị quyết định. Hội đồng giao nhận tài sản phải lập biên bản giao nhận tài sản giữa hai bên do Thủ trưởng bên giao, bên nhận ký.
Hồ sơ TSCĐ điều chuyển gồm: Quyết định điều chuyển; Biên bản giao nhận tài sản; Thẻ TSCĐ (bên nhận lưu bản gốc, bên giao lưu bản sao). Đơn vị nhận bàn giao căn cứ hồ sơ nêu trên để hạch toán nguyên giá, hao mòn TSCĐ và nhận nguồn vốn TSCĐ theo giá trị còn lại.
b) Trường hợp TSCĐ thu hồi, điều chuyển giữa các đơn vị thuộc NHPT với các cơ quan Nhà nước ngoài hệ thống NHPT:
Phải thực hiện kiểm kê về số lượng theo thực tế, giá trị đang theo dõi trên sổ sách kế toán tại thời điểm có quyết định thu hồi, điều chuyển và là căn cứ để hạch toán tăng giảm tài sản.
c) Trường hợp thu hồi, điều chuyển TSCĐ giữa các đơn vị thuộc NHPT với tổ chức kinh tế:
Phải xác định giá trị còn lại thực tế của tài sản (do tổ chức có chức năng thẩm định giá tài sản được phép hoạt động theo quy định của pháp luật thực hiện). Kết quả thẩm định giá được sử dụng làm căn cứ để hạch toán tăng giảm giá trị tài sản.
Điều 20. Thanh lý TSCĐ
1. TSCĐ của NHPT được phép thanh lý trong các trường hợp sau:
a) Nhà, công trình xây dựng phải phá dỡ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc hư hỏng không còn sử dụng được.
b) TSCĐ dư thừa, hết hạn sử dụng, không có nhu cầu sử dụng nhưng không thể điều chuyển cho đơn vị khác sử dụng, tài sản đã hư hỏng không thể sử dụng được hoặc chi phí sửa chữa không bảo đảm hiệu quả.
2. Thẩm quyền quyết định thanh lý TSCĐ:
a) Hội đồng quản lý quyết định việc thanh lý trụ sở làm việc của NHPT (được Nhà nước giao quản lý, sử dụng và ghi vào vốn điều lệ của NHPT) sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính.
b) Tổng giám đốc (hoặc uỷ quyền cho Phó Tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực quản lý tài sản) quyết định việc thanh lý TSCĐ có giá trị (nguyên giá) từ 50 triệu đồng trở lên trên một đơn vị TSCĐ (trừ trụ sở làm việc quy định tại điểm a, khoản 2, điều này) và toàn bộ thiết bị tin học.
c) Thủ trưởng đơn vị được giao quản lý, sử dụng TSCĐ quyết định việc thanh lý tài sản có giá trị (nguyên giá) nhỏ hơn 50 triệu đồng trên một đơn vị tài sản (trừ thiết bị tin học).
3. Hình thức thanh lý:
a) Đối với TSCĐ đã có quyết định thanh lý, đơn vị có tài sản thanh lý thuê tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản được phép hoạt động theo quy định của pháp luật thực hiện bán tài sản thanh lý theo phương thức đấu giá. Nếu tại địa bàn quận, huyện nơi có tài sản thanh lý không có tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản hoặc có nhưng các tổ chức này từ chối thực hiện bán thì đơn vị được thành lập Hội đồng thanh lý tài sản theo quy định để bán đấu giá tài sản.
b) Trường hợp được Tổng giám đốc NHPT cho phép thực hiện thanh lý phá dỡ, huỷ tài sản thì đơn vị có tài sản thanh lý được thực hiện phá dỡ, huỷ tài sản nhưng phải thu hồi nguyên vật liệu tài sản phá dỡ (nếu có) để bán. Sau khi đã tổ chức thanh lý tài sản theo quyết định, đơn vị hạch toán giảm giá trị tài sản đã thanh lý đang theo dõi trên sổ sách kế toán của đơn vị.
4. Giá khởi điểm:
Thủ trưởng đơn vị có tài sản thanh lý phải thuê tổ chức có chức năng định giá tài sản được phép hoạt động theo quy định của pháp luật (các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có chức năng định giá hoặc thẩm định giá tài sản) xác định giá khởi điểm và được cấp có thẩm quyền quyết định thanh lý xem xét, phê duyệt.
Điều 21. Thủ tục, hồ sơ đề nghị xử lý TSCĐ
Hồ sơ đề nghị xử lý bán, chuyển nhượng, thu hồi, điều chuyển, thanh lý TSCĐ, bao gồm:
- Tờ trình của Thủ trưởng đơn vị đề nghị xử lý (bán, chuyển nhượng, thu hồi, điều chuyển hoặc thanh lý) TSCĐ gửi NHPT.
- Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về thực hiện di dời theo quy hoạch, sắp xếp lại cơ sở làm việc; dự án, phương án đổi mới tài sản theo yêu cầu kỹ thuật, công nghệ phục vụ hoạt động của đơn vị đã được phệ duyệt hoặc biên bản xác định vi phạm quy định trong quản lý sử dụng tài sản; báo cáo xử lý tài sản dư thừa không còn nhu cầu sử dụng, tài sản đã hư hỏng, xuống cấp cần xử lý…
- Bảng kê số lượng và giá trị TSCĐ của đơn vị đề nghị xử lý (Mẫu số 04/QLXD kèm theo Quy định này).
- Biên bản của cơ quan chuyên môn hoặc của Hội đồng đánh giá chất lượng, tình trạng thực tế của TSCĐ cần xử lý của đơn vị.
- ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan mà theo quy định của pháp luật có quy định việc xử lý tài sản phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của các cơ quan này.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 22. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc NHPT chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức việc quản lý, sử dụng TSCĐ của NHPT một cách tiết kiệm và hiệu quả; chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc về việc chấp hành các nội dung yêu cầu nêu tại quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 23. Trưởng Ban QLXD, TCKT, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc NHPT có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo định kỳ, đột xuất kết quả thực hiện công tác mua sắm, quản lý tài sản của NHPT gửi Tổng giám đốc theo đúng quy định.
Điều 24. Đơn vị và cá nhân vi phạm quy định này nếu gây thất thoát, thiệt hại về tài sản của NHPT phải bồi thường. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Việc sửa đổi, bổ sung Quy định này do Tổng giám đốc NHPT quyết định./.