Chỉ thị số 05/2007/CT-UBND ngày 24/08/2007 Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- Số hiệu văn bản: 05/2007/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Bình
- Ngày ban hành: 24-08-2007
- Ngày có hiệu lực: 03-09-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-01-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4162 ngày (11 năm 4 tháng 27 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 25-01-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2007/CT-UBND | Đồng Hới, ngày 24 tháng 8 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ NÂNG CAO HIỆU LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo, trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng và chính quyền, công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh ta đã đi vào nền nếp; góp phần quan trọng trong việc giải quyết đúng chính sách, pháp luật, các nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; củng cố niềm tin của đồng bào tôn giáo vào đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội; góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước; giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hoá xã hội trên địa bàn .
Bên cạnh những thành tích đạt được, công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo còn bộc lộ những bất cập, hạn chế, như: Bộ máy quản lý Nhà nước về tôn giáo của các cấp trên địa bàn chưa được kiện toàn, củng cố; đội ngũ cán bộ công chức làm công tác tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở còn mỏng, ít kinh nghiệm; chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tôn giáo cấp xã, phường, thị trấn nơi có đông đồng bào theo tôn giáo. Sự phối kết hợp về công tác tôn giáo của các cấp chưa đồng bộ. Gần đây một số linh mục đã hoạt động mục vụ tại các nơi chưa có tổ chức tôn giáo và cơ sở thờ tự, đặc biệt là ở thành phố Đồng Hới và huyện Quảng Ninh; việc cơi nới lấn chiếm đất đai mở rộng khuôn viên, tự ý cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình kiến trúc tôn giáo còn diễn ra tại một số cơ sở thờ tự tôn giáo; nhiều tổ chức tôn giáo cơ sở đã tổ chức các cuộc lễ ngoài khuôn viên cơ sở thờ tự không đúng với quy định pháp luật và tính tôn nghiêm của tôn giáo.
Để khắc phục tình trạng trên và tiếp tục thực hiện tốt đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực quản lý Nhà nước về lĩnh vực tôn giáo trên địa bàn, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện tốt các nội dung sau đây:
1. Tiếp tục tổ chức quán triệt đầy đủ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 22/2005/NĐ- CP ngày 1/3/2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong đó chú trọng là chức sắc và tín đồ tôn giáo.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện thuận lợi để các chức sắc, tín đồ tôn giáo thực hiện tốt đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đưa sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn đi vào nề nếp, tuân thủ đúng pháp luật; động viên mọi chức sắc, tín đồ tôn giáo sống "tốt đời, đẹp đạo". Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn âm mưu của các thế lực thù dịch lợi dụng tôn giáo, tạo cớ để kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
3. Ban Tôn giáo tỉnh chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố để hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo cơ sở hoạt động theo đúng hiến chương, điều lệ của giáo hội và tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc thực hiện nhu cầu các sinh hoạt tôn giáo. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết những vấn đề về tôn giáo đúng luật định.
4. Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với UBND các huyện: Tuyên Hoá, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh hướng dẫn các xứ, họ đạo tại các cơ sở thờ tự thực hiện đúng Luật đất đai, đồng thời, hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo; kiểm tra và chủ động phối hợp xử lý những cơ sở thờ tự tôn giáo đang có vướng mắc, tranh chấp về đất đai, mở rộng trái phép khuôn viên cơ sở thờ tự tại các xứ, họ đạo trên địa bàn toàn tỉnh.
5. Sở Nội vụ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Ban Tôn giáo tỉnh và UBND các huyện, thành phố xây dựng đề án, trình UBND tỉnh phương án kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực hoạt động cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo trên địa bàn theo quy định của Nghị định số 22/2004/NĐ-CP ngày 12/01/2004 của Chính phủ về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo thuộc UBND các cấp và Thông tư số 25/2004/TT-BNV ngày 19/4/2004 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp UBND quản lý nhà nước về công tác tôn giáo địa phương.
6. UBND các huyện Tuyên Hoá, Quảng Trạch, Bố Trạch chủ động phối hợp với Ban Tôn giáo tỉnh nghiên cứu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào có tôn giáo có khó khăn trên địa bàn, đặc biệt là vùng sông nước, cồn bãi và vùng miền núi nhằm giúp cộng đồng bà con tôn giáo ổn định đời sống, phát triển sản xuất.
7. Đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương cơ sở, đặc biệt UBND các xã, phường, thị trấn có đồng bào theo đạo trong công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo quan tâm đến đời sống kinh tế, xã hội và tinh thần của bà con giáo dân; thực hiện quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng cơ sở vật chất và sinh hoạt liên quan đến tôn giáo trên địa bàn theo đúng pháp luật.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Nhận được Chỉ thị này, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện. Ban Tôn giáo tỉnh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc kiểm tra thực hiện và định kỳ tổng hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |