cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 01/2008/QĐ-BXD ngày 01/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Ban hành Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 01/2008/QĐ-BXD
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Bộ Xây dựng
  • Ngày ban hành: 01-02-2008
  • Ngày có hiệu lực: 14-03-2008
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 09-02-2009
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-07-2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 853 ngày (2 năm 4 tháng 3 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 15-07-2010
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 15-07-2010, Quyết định số 01/2008/QĐ-BXD ngày 01/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Ban hành Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 05/2010/TT-BXD ngày 26/05/2010 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Hướng dẫn về đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng và cấp chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ XÂY DỰNG
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 01/2008/QĐ-BXD

Hà Nội, ngày 01tháng 02 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH KHUNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ ĐỊNH GIÁ XÂY DỰNG

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tài chính và Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng. Chương trình khung này là cơ sở để biên soạn tài liệu giảng dạy và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng.

Điều 2. Giấy chứng nhận hoàn thành khoá đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng theo quy định tại Quyết định này là căn cứ để cấp chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộcTrung ương;
- Sở Xây dựng các tỉnh, TP. trực thuộc TW;
- Website Chính phủ;
- Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Lưu VP, Vụ KTTC, Viện KTXD, C300.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đinh Tiến Dũng

 

CHƯƠNG TRÌNH

KHUNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ ĐỊNH GIÁ XÂY DỰNG
(Ban hành kèm theo quyết định số 01/2008/QĐ-BXD ngày 01 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)

Phần 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng:

a) Các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động định giá xây dựng;

b) các tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu.

2. Giấy chứng nhận hoàn thành khoá đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng theo quy định của chương trình khung của Bộ Xây dựng là một trong các cơ sở để cấp chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng.

3. Các cơ sở đào tạo có đủ điều kiện sau thì được tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng:

a) Có quyết định thành lập của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc các lĩnh vực chuyên môn liên quan đến định giá trong hoạt động xây dựng.

b) Có chương trình, tài liệu giảng dạy phù hợp với chương trình khung do Bộ Xây dựng ban hành;

c) Có đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy đáp ứng yêu cầu nội dung chương trình khung do Bộ Xây dựng ban hành. giảng viên là các nhà giáo chuyên nghiệp hoặc các chuyên gia và các nhà quản lý có kinh nghiệm từ 05 năm trở lên trong lĩnh vực định giá xây dựng.

4. Trước khi tiến hành đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng, các cơ sở đào tạo gửi về Bộ Xây dựng 01 bộ hồ sơ để kiểm tra, đưa lên website của Bộ Xây dựng. hồ sơ bao gồm các tài liệu sau:

a) Tài liệu về pháp lý: quyết định thành lập của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và giao chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; tên, địa chỉ liên hệ, người đại diện theo pháp luật;

b) Danh sách đội ngũ giảng viên lập theo mẫu tại phụ lục 2 kèm theo chương trình này.

5. Cơ sở đào tạo được chủ động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng nhưng phải thực hiện các trách nhiệm sau:

a) Trước khi tổ chức khoá đào tạo phải thông báo bằng văn bản tới Sở Xây dựng, nơi tổ chức đào tạo và Bộ Xây dựng;

b) Tự chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất, giảng viên, chương trình và chất lượng đào tạo;

c) Xây dựng quy chế đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng. tổ chức khóa đào tạo theo hình thức tập trung, liên tục, đảm bảo quản lý chặt chẽ về thời gian đào tạo, tuân thủ nội dung chương trình khung do Bộ Xây dựng ban hành; tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng do bô xây dựng công bố và các quy định của pháp luật có liên quan;

d) Sử dụng giảng viên theo danh sách trong hồ sơ đã gửi về Bộ Xây dựng.

đ) Cấp giấy chứng nhận hoàn thành khoá đào tạo cho học viên theo mẫu tại phụ lục 1 kèm theo chương trình này;

e) Định kỳ 6 tháng một lần báo cáo kết quả đào tạo về Sở Xây dựng địa phương, nơi đặt trụ sở chính.

6. Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện quy định về đào tạo và cấp giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng của các cơ sở đào tạo. cơ sở đào tạo nào không đảm bảo các điều kiện theo quy định thì đình chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng. các cơ sở đào tạo vi phạm chương trình khung này thì không được công nhận kết quả và phải thu hồi giấy chứng nhận (nếu đã cấp) hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.

7. Sở Xây dựng là cơ quan quản lý đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng tại địa phương. Sở Xây dựng có trách nhiệm báo cáo Bộ Xây dựng định kỳ 06 tháng một lần (hoặc báo cáo đột xuất nếu có yêu cầu) về tình hình quản lý đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng của địa phương.

8. Trong quá trình thực hiện đào tạo và quản lý theo chương trình khung này, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nếu có vướng mắc hoặc có đề xuất những nội dung cần thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế thì phản ánh về Bộ Xây dựng để được giải quyết.

Phần 2:

CHƯƠNG TRÌNH KHUNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ ĐỊNH GIÁ XÂY DỰNG

(Chương trình khung đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng bao gồm 10 chuyên đề với thời lượng là 84 tiết)

1. Chuyên đề 1: Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định hiện hành (12 tiết) bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

1.1. Những nội dung cơ bản của hệ thống pháp luật có liên quan đến đầu tư xây dựng công trình: luật xây dựng, luật đầu tư, luật đấu thầu, luật đất đai;

1.2. Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình;

1.3. Điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình;

1.4. Tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

1.5. Điều kiện năng lực của các chủ thể tham gia trong quá trình đầu tư xây dựng công trình.

2. Chuyên đề 2: Tổng quan về công tác định giá xây dựng (4 tiết) bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

2.1. Khái niệm về định giá xây dựng;

2.2. Những đặc điểm của thị trường xây dựng, của sản phẩm xây dựng và công nghệ xây dựng đến công tác định giá xây dựng;

2.3. Nội dung, nhiệm vụ định giá xây dựng;

2.4. Chế độ hành nghề kỹ sư định giá xây dựng, tư vấn quản lý chi phí;

2.5. Mối quan hệ giữa giá xây dựng công trình với độ dài thời gian xây dựng, chất lượng công trình xây dựng;

2.6. Quản lý công tác định giá xây dựng.

3. Chuyên đề 3: Phương pháp xác định tổng mức đầu tư và đánh giá hiệu quả dự án đầu tư xây dựng công trình (12 tiết) bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

3.1. Lập kế hoạch chi phí chuẩn bị dự án dự án;

3.2. Phương pháp xác định tổng mức đầu tư của dự án;

3.3. Phương pháp xác định suất vốn đầu tư;

3.4. Phương pháp xác định chỉ số giá;

3.5. Phương pháp xác định hiệu quả đầu tư của dự án;

3.6. Phương pháp đánh giá rủi ro và hiệu quả của dự án.

4. Chuyên đề 4: Phương pháp xác định định mức, đơn giá xây dựng công trình (16 tiết) bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

4.1. Phương pháp xây dựng định mức xây dựng;

4.2. Phương pháp xác định đơn giá xây dựng công trình;

4.3. Phương pháp xác định giá ca máy, giá thuê máy;

4.4. Phương pháp xác định độ dài thời gian xây dựng;

4.5. Cách sử dụng các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật trong định giá xây dựng.

5. Chuyên đề 5: Phương pháp đo bóc khối lượng và kiểm soát chi phí (8 tiết) bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

5.1. Nguyên tắc, căn cứ, trình tự đo bóc khối lượng:

5.2. Phương pháp đo bóc khối lượng và sử dụng kết qủa đo bóc khối lượng trong công tác định giá xây dựng.

5.3. Kiểm soát khống chế chi phí theo các giai đoạn đầu tư xây dựng công trình.

6. Chuyên đề 6: Phương pháp xác định dự toán xây dựng công trình (4 tiết) bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

6.1. Sự hình thành các khoản mục chi phí công trình và cách xác định;

6.2. Phương pháp xác định dự toán xây dựng công trình;

6.3. Quản lý dự toán xây dựng công trình.

7. Chuyên đề 7: Lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng (8 tiết) bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

7.1. Những quy định chủ yếu liên quan đến lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng;

7.2. Lập kế hoạch đấu thầu và xác định giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu;

7.3. Xác định các yêu cầu liên quan đến đề xuất tài chính và gía dự thầu;

7.4. Lập hồ sơ đề xuất tài chính và tính toán xác định giá dự thầu;

7.5. Đánh giá đề xuất tài chính và gía dự thầu.

8. Chuyên đề 8: Quản lý hợp đồng trong hoạt động xây dựng (8 tiết) bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

8.1. Các loại hợp đồng trong hoạt động xây dựng;

8.2. Nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng;

8.3. Những nội dung chủ yếu của hợp đồng xây dựng;

8.4. Xác định giá hợp đồng xây dựng;

8.5. Điều chỉnh giá hợp đồng;

8.6. Thanh toán, quyết toán hợp đồng;

8.7. Quản lý hợp đồng xây dựng.

9. Chuyên đề 9: Thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình (4 tiết) bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

9.1. Lập hồ sơ thanh toán, quyết toán vốn đầu tư;

9.2. Quy đổi vốn đầu tư xây dựng công trình;

9.3. Xác định giá trị tài sản bàn giao đưa vào sử dụng.

10. Chuyên đề 10: Thảo luận và kiểm tra đánh giá kết quả đào tạo (8 tiết) bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

10.1. Thảo luận những nội dung liên quan đến chuyên đề 3+4+5+6 (sau khi kết thúc chuyên đề 6). Thời gian thảo luận 04 tiết;

10.2. Thảo luận những nội dung liên quan đến chuyên đề 7+8+9 (sau khi kết thúc chuyên đề 9). Thời gian thảo luận 04 tiết;

10.3. Kiểm tra trắc nghiệm tuỳ theo nội dung của từng chuyên đề hoặc bài tập tình huống. thời gian kiểm tra 30 phút;

10.4. Kiểm tra trắc nghiệm toàn bộ chương trình (cuối khoá học). Thời gian kiểm tra 120 phút.

 

PHỤ LỤC 1

MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN ĐÃ HOÀN THÀNH KHÓA ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ ĐỊNH GIÁ XÂY DỰNG
(Ban hành kèm theo quyết định số 01/2008/QĐ-BXD ngày 01 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)

TÊN CƠ SỞ ĐÀO TẠO

-------

 

Ảnh 3x4 (Đóng dấu nổi của cơ sở đào tạo)