cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 03/2007/CT-UBND ngày 16/08/2007 Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

  • Số hiệu văn bản: 03/2007/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Ngày ban hành: 16-08-2007
  • Ngày có hiệu lực: 26-08-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-01-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4170 ngày (11 năm 5 tháng 5 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 25-01-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 25-01-2019, Chỉ thị số 03/2007/CT-UBND ngày 16/08/2007 Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 249/QĐ-UBND ngày 25/01/2019 Công bố danh mục văn bản hết hiệu lực toàn bộ và một phần do Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành được rà soát trong năm 2018”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2007/CT-UBND

Đồng Hới, ngày 16 tháng 8 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH.

Công nghệ thông tin (CNTT) là công cụ quan trọng hàng đầu để hình thành xã hội thông tin, rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, tạo khả năng đi tắt đón đầu trong "xu thế hội nhập và phát triển"; Ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh góp phần quan trọng vào những thành tựu về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, việc ứng dụng và phát triển CNTT hiện nay ở tỉnh Quảng Bình còn nhiều mặt hạn chế, hiệu quả đạt được chưa cao; chưa có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT; các cơ quan Nhà nước chưa thực sự chú trọng ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, đổi mới lề lối làm việc; đầu tư cho "kết cấu" hạ tầng CNTT còn hạn chế, cơ sở dữ liệu còn phân tán; đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực CNTT còn thiếu; đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực CNTT chưa được quan tâm đúng mức; việc ứng dụng CNTT vào sản xuất kinh doanh chưa được chú trọng; công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực CNTT còn chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, chưa có cơ chế thu hút, khuyến khích việc ứng dụng và phát triển CNTT.

Để khắc phục những hạn chế trên và đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn, đưa CNTT vào cuộc sống trên mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, làm cho CNTT trở thành phương tiện chủ lực để nâng cao hiệu quả quản lý hành chính Nhà nước, nâng cao năng lực hội nhập và cạnh tranh, góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về CNTT; nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của CNTT trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa và Chiến lược phát triển CNTT và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tại Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005, ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước được Chính phủ quy định tại Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007. Chủ trì, phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hàng năm về ứng dụng CNTT trong hoạt động của mình, nâng cao hiệu quả của các chương trình, dự án, các hệ thống tin học, tích cực sử dụng các phần mềm chuyên dùng vào các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; đánh giá tác động của CNTT đối với việc hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình; đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, cải cách hành chính.

2. Sở Bưu chính, Viễn thông: Phối hợp với Sở Tài Chính và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh, quy hoạch, kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT tỉnh Quảng Bình đến năm 2020; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan nhà nước; tổ chức quản lý, thẩm định, giám sát, nâng cao chất lượng các chương trình dự án, các hệ thống tin học; tăng cường công tác quản lý nhà nước, phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến nâng cao vai trò quan trọng của CNTT;

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Phối hợp với sở Bưu chính Viễn thông trên cơ sở các chính sách khuyến khích, ưu đãi việc ứng dụng và phát triển CNTT hiện nay, hàng năm tham mưu cho UBND tỉnh cân đối và bố trí kế hoạch vốn cho các chương trình, dự án CNTT, kinh phí cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh.

4. Văn phòng UBND tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan thống nhất các biểu mẫu giao dịch điện tử chung giữa các sở, ban, ngành, địa phương; chủ trì, phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông triển khai các hệ thống ứng dụng phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của UBND tỉnh.

5. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông hướng dẫn chức năng nhiệm vụ và biên chế của các đơn vị chuyên trách và ban hành tiêu chuẩn chức danh về CNTT trong các cơ quan nhà nước; xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tin học cho các cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Quảng Bình chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh chương trình, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực CNTT; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở đào tạo CNTT trên địa bàn tỉnh.

7. Công an tỉnh chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trong hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT; điều tra và xử lý tội phạm trong lĩnh vực CNTT.

8. Các doanh nghiệp chủ động triển khai thực hiện đề án ''Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 191/2005/QĐ-TT ngày 29/7/2005.

9. Các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến rộng rãi chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước và các quy định của tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT đến các cấp, các ngành và người dân biết để thực hiện.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Sở Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện và định kỳ tổng hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ BCVT;
- Cục KTVB-Bộ Tư Pháp;
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các doanh nghiệp thuộc UBND tỉnh;
- Đài PT-TH, Báo Quảng Bình;
- TT Công báo, Website Quảng Bình;
- Lưu VT, CV XDCB.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hoài