Chỉ thị số 02/2007/CT-UBND ngày 13/08/2007 Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác quản lý tài nguyên và môi trường
- Số hiệu văn bản: 02/2007/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Bình
- Ngày ban hành: 13-08-2007
- Ngày có hiệu lực: 23-08-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-01-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4173 ngày (11 năm 5 tháng 8 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 25-01-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2007/CT-UBND | Đồng Hới, ngày 13 tháng 8 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, THANH TRA CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Thời gian qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, địa phương công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình chính trị trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường vẫn còn một số tồn tại: tình trạng vi phạm pháp luật đất đai như giao đất, cho thuê đất không đúng thẩm quyền, thu tiền sử dụng đất trái quy định của Nhà nước, lấn chiếm đất đai, chậm sử dụng đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích vẫn xẩy ra một số nơi; công tác thu hồi đất GPMB thực hiện các dự án đầu tư chậm trễ, gặp nhiều vướng mắc, trở ngại; giải quyết khiếu kiện về đất đai còn để kéo dài; tình trạng gây ô nhiễm môi trường, không thực hiện đầy đủ các cam kết bảo vệ môi trường ở một số cơ sở sản xuất chưa được xử lý triệt để; nạn khai thác trái phép khoáng sản, cát sạn lòng sông, chặt phá rừng bừa bãi, săn bắt động vật quý hiếm, sử dụng chất nổ để đánh bắt hải sản... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.
Để khắc phục những tồn tại trên, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, UBND các huyện, thành phố phải thực hiện tốt những nội dung sau:
1. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường trong cán bộ, nhân dân; từng bước thực hiện xã hội hoá về công tác bảo vệ môi trường.
2. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát việc thi hành pháp luật tài nguyên và môi trường để chủ động ngăn ngừa những sai phạm; coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Duy trì thường xuyên các hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm.
3. Hàng năm, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, lực lượng thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành phải chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo theo đúng thẩm quyền.
UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm xây dựng kế hoạch định kỳ tự kiểm tra, thanh tra cấp dưới trong việc chấp hành pháp luật trên lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước; xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu kiện, tranh chấp đất đai.
Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời qua thanh tra, kiểm tra kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, nhất là đối với những cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định, tham nhũng về đất đai, gây thiệt hại về tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, ô nhiễm môi trường.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh, Thanh tra các huyện, thành phố, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố tập trung củng cố, tăng cường lực lượng thanh tra; chủ động tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo thẩm quyền; khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy; hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, làm phát sinh các điểm nóng về tranh chấp đất đai, khiếu kiện tập thể, phức tạp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại của công dân, hạn chế tối đa đơn khiếu nại vượt cấp lên Trung ương, gây mất lòng tin của nhân dân.
Thường xuyên chú trọng và quan tâm thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về tài nguyên và môi trường của nhân dân theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường hàng năm chủ trì tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề về các vấn đề trọng điểm trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đi vào nề nếp và ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường trong thời kỳ mới. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn cán bộ địa chính cấp huyện, xã để nâng cao trình độ quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường, nghiệp vụ đo đạc, thẩm định giá đất, bảo vệ môi trường...
6. Thanh tra tỉnh tăng cường thanh, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị thuộc phạm vi quản lý trong việc thực hiện công tác tự thanh kiểm tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo về lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo thẩm quyền.
7. Đề nghị Uỷ ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc. Sở Tài nguyên và môi trường tổng hợp tình hình, định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân tỉnh./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |