Quyết định số 03/2008/QĐ-UBND ngày 14/01/2008 Ban hành Quy định về dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh Kon Tum do Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 03/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Kon Tum
- Ngày ban hành: 14-01-2008
- Ngày có hiệu lực: 24-01-2008
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 29-07-2010
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-09-2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1701 ngày (4 năm 8 tháng 1 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 20-09-2012
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2008/QĐ-UBND | Kon Tum, ngày 14 tháng 01 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ DẠY THÊM HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31 tháng 01 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Quy định về dạy thêm học thêm;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum (Tờ trình số 02/SGD&ĐT-TTr ngày 03/01/2008),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh Kon Tum".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày đăng Công báo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Điều 3. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ DẠY THÊM HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03 /2008/QĐ-UBND, ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Dạy thêm học thêm được đề cập trong Quy định này là hoạt động dạy học ngoài giờ học thuộc kế hoạch giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, với nội dung dạy học trong phạm vi chương trình giáo dục phổ thông. Văn bản này quy định về dạy thêm học thêm trong nhà trường và dạy thêm học thêm ngoài nhà trường; trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
2. Văn bản này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Nguyên tắc thực hiện dạy thêm học thêm
1. Nội dung và phương pháp dạy thêm học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách cho học sinh; phải phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông và đặc điểm tâm sinh lý của người học; không gây tình trạng học quá nhiều và vượt quá sức tiếp thu của người học.
2. Hoạt động dạy thêm có thu tiền chỉ được thực hiện sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền (được quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Quy định này) cấp giấy phép.
3. Tiêu chuẩn người dạy:
- Nếu là giáo viên đương nhiệm: Khi mở lớp dạy thêm, giáo viên phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo; được nhà trường xếp loại chuyên môn từ khá trở lên; không trong thời gian bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/ 3/2005 của Chính phủ về xử lý cán bộ, công chức.
- Nếu là giáo viên không đương nhiệm: Khi mở lớp dạy thêm, giáo viên phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo; không bị kỷ luật buộc thôi việc; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc mất quyền công dân.
- Giáo viên bị các chứng bệnh truyền nhiễm không được mở lớp dạy thêm.
4. Phải có đủ cơ sở vật chất và lớp học đảm bảo yêu cầu tại Quy định về vệ sinh trường học ban hành kèm theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
5. Không được ép buộc học sinh học thêm để thu tiền dưới mọi hình thức.
Điều 3. Các trường hợp không thực hiện dạy thêm học thêm
1. Đối với các trường dạy học 2 buổi/ngày, nhà trường và giáo viên không được tổ chức dạy thêm cho học sinh; việc ôn thi tốt nghiệp, ôn thi chuyển cấp, phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi chỉ bố trí trong các buổi học tại trường.
2. Không dạy thêm cho học sinh tiểu học, trừ các trường hợp sau: nhận quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình (không tổ chức dạy thêm các môn học); phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao; luyện tập kỹ năng đọc, viết cho học sinh khi đã được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép.
3. Các cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học không được tổ chức dạy thêm theo chương trình giáo dục phổ thông cho người học không phải là học sinh, học viên của cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học đó.
Chương II
DẠY THÊM HỌC THÊM TRONG NHÀ TRƯỜNG VÀ DẠY THÊM HỌC THÊM NGOÀI NHÀ TRƯỜNG
Điều 4. Dạy thêm học thêm trong nhà trường
1. Dạy thêm học thêm trong nhà trường là dạy thêm học thêm do nhà trường phổ thông, cơ sở giáo dục khác dạy theo chương trình giáo dục phổ thông thực hiện.
2. Dạy thêm học thêm trong nhà trường bao gồm: Phụ đạo học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng học sinh giỏi; dạy thêm cho những học sinh có nguyện vọng củng cố, bổ sung kiến thức đã học; ôn thi tuyển sinh trung học phổ thông cho học sinh lớp 9; ôn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp cho học sinh lớp 12.
Điều 5. Dạy thêm học thêm ngoài nhà trường
1. Dạy thêm học thêm ngoài nhà trường là dạy thêm học thêm do các tổ chức khác, ngoài các tổ chức nói tại Khoản 1, Điều 4 của Quy định này, hoặc cá nhân thực hiện.
2. Dạy thêm học thêm ngoài nhà trường gồm: Bồi dưỡng kiến thức, ôn luyện thi.
Chương III
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN DẠY THÊM HỌC THÊM
Điều 6. Trách nhiệm của UBND huyện, thị xã (gọi chung là cấp huyện)
1. Uỷ ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý đối với hoạt động dạy thêm trên địa bàn huyện theo quy định tại Quyết định số 03/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 31/01/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành quy định về dạy thêm học thêm và theo Quy định này.
2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý, kiểm tra hoạt động dạy thêm học thêm trên địa bàn huyện; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý sai phạm; định kỳ tổng kết hằng năm và báo cáo tình hình dạy thêm học thêm cho Uỷ ban nhân dân tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo.
Điều 7. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo
1. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý hoạt động dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh. Cấp giấy phép dạy thêm đối với các tổ chức, cá nhân tham gia dạy các lớp cấp Trung học phổ thông.
2. Thực hiện quy định về dạy thêm học thêm; chủ trì phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân tham gia dạy thêm các lớp cấp Trung học phổ thông nhằm đảm bảo hiệu lực của quy định về dạy thêm học thêm; phát hiện những biểu hiện tiêu cực, phòng ngừa và xử lý vi phạm hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
3. Thông báo công khai nơi tiếp dân tại cơ quan và điện thoại dùng cho việc tiếp nhận ý kiến phản ánh về dạy thêm học thêm để quản lý. Định kỳ tổng kết hằng năm và báo cáo tình hình dạy thêm học thêm cho Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 8. Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã
1. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn huyện. Cấp giấp phép dạy thêm đối với tổ chức, cá nhân tham gia dạy các lớp bậc Tiểu học và Trung học cơ sở.
2. Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện quy định về dạy thêm học thêm; chủ trì phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân tham gia dạy thêm các lớp bậc Tiểu học và Trung học cơ sở nhằm đảm bảo hiệu lực của quy định về dạy thêm học thêm; phát hiện những biểu hiện tiêu cực, phòng ngừa và xử lý vi phạm hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
3. Thông báo công khai nơi tiếp dân tại cơ quan và điện thoại dùng cho việc tiếp nhận ý kiến phản ánh về dạy thêm học thêm để quản lý. Định kỳ tổng kết hằng năm và báo cáo tình hình dạy thêm học thêm cho Uỷ ban nhân dân cùng cấp và Sở Giáo dục và Đào tạo.
Điều 9. Trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường và người đứng đầu các cơ sở giáo dục khác (gọi chung là nhà trường)
1. Hiệu trưởng và người đứng đầu các cơ sở giáo dục khác tổ chức quản lý dạy thêm học thêm trong nhà trường, bảo đảm quyền lợi của người học, kiểm tra dạy thêm học thêm ngoài nhà trường của giáo viên, cán bộ, nhân viên do đơn vị mình quản lý.
2. Thông báo công khai tại cơ sở nhà trường và điện thoại dùng cho việc tiếp nhận ý kiến phản ánh về dạy thêm học thêm của để quản lý. Định kỳ tổng kết hằng năm và báo cáo tình hình dạy thêm học thêm cho Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Phòng Giáo dục và Đào tạo theo phân cấp tại Điều 7 và Điều 8 của Quy định này.
Điều 10. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm học thêm ngoài nhà trường
1. Thực hiện quy định tại văn bản này và các quy định khác về hoạt động giáo dục. Trước khi tiến hành dạy thêm phải báo cáo đầy đủ hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép dạy thêm như quy định tại Điều 13 của Quy định này.
2. Quản lý người học và tôn trọng quyền lợi của người học. Nếu chấm dứt dạy thêm, phải báo cáo cơ quan cấp giấy phép và công khai cho người học biết trước ít nhất 30 ngày tính đến ngày chấm dứt dạy thêm, phải hoàn trả các khoản tiền đã thu của người học tương ứng với phần dạy thêm không thực hiện.
3. Đối với giáo viên đương nhiệm, thực hiện đúng tiến độ quy định của phân phối chương trình, không được cắt xén chương trình, nội dung dạy học giờ chính khoá đã được quy định để dành cho việc dạy thêm học thêm.
Điều 11. Tổ chức thực hiện dạy thêm học thêm
1.Tổ chức dạy thêm học thêm trong nhà trường.
1.1. Học sinh có nguyện vọng học thêm phải làm đơn xin học kèm theo ý kiến của phụ huynh (đối với học sinh tiểu học, phụ huynh làm đơn); nhà trường có đủ điều kiện theo Quy định này thì hiệu trưởng lập hồ sơ nộp cho cơ quan có thẩm quyền đề nghị cấp giấy phép mở lớp dạy thêm.
1.2. Số học sinh của mỗi nhóm (lớp) học thêm không quá tổng số học sinh trên một lớp theo quy định của Điều lệ trường học hiện hành.
1.3 Thời gian dạy thêm trong tuần:
- Đối với Tiểu học (theo qui định tại khoản 2, Điều 3 của Quy định này): Không quá 02 buổi/tuần, mỗi buổi không quá 03 tiết.
- Đối với Trung học cơ sở: Không quá 03 buổi/tuần.
- Đối với Trung học phổ thông: Không quá 04 buổi/tuần.
1.4. Thời gian dạy thêm trong ngày:
- Buổi sáng: từ 7h00 - 11h00; Buổi chiều: từ 13h00 - 17h00; Buổi tối: từ 18h00 - 20h30 (đối với học sinh Tiểu học, không tổ chức dạy thêm vào buổi tối).
- Mỗi giáo viên dạy thêm không quá ba ca trong một ngày, mỗi ca chỉ dạy một nhóm (lớp).
2. Tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường:
2.1. Học sinh có nguyện vọng học thêm phải làm đơn xin học kèm theo ý kiến của phụ huynh và nộp cho giáo viên mình muốn học (đối với học sinh tiểu học, phụ huynh làm đơn); nếu có đủ các điều kiện theo Quy định này thì giáo viên lập hồ sơ mở lớp dạy thêm; hiệu trưởng phê duyệt hồ sơ và nộp cho cơ quan có thẩm quyền đề nghị cấp giấy phép dạy thêm.
- Đối với giáo viên không đương nhiệm, nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép dạy thêm trực tiếp cho cơ quan quản lý giáo dục được phân cấp tại Điều 7 và Điều 8 của Quy định này.
- Tại địa điểm tổ chức dạy thêm, giáo viên và học sinh có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh, an ninh trật tự, an toàn giao thông; không để xe lấn chiếm lòng lề đường, gây ách tắc giao thông.
- Người dạy phải chịu trách nhiệm quản lý toàn diện học sinh trong thời gian dạy.
2.2. Đối với cá nhân dạy thêm:
- Đối với Tiểu học (theo qui định tại khoản 2, Điều 3 của Quy định này): Số học sinh của mỗi nhóm (lớp) không quá 20 học sinh.
- Đối với Trung học cơ sở và Trung học phổ thông: Số học sinh của mỗi nhóm (lớp) học thêm không quá 30 học sinh.
- Đối với các trung tâm luyện thi tư nhân: Số học sinh của mỗi nhóm (lớp) học thêm không quá tổng số học sinh trên một lớp theo quy định của Điều lệ trường học hiện hành.
2.3. Thời gian dạy thêm trong tuần: Thực hiện như điểm 1.3, Khoản 1, Điều 11 của Quy định này.
2.4. Thời gian dạy thêm trong ngày: Thực hiện như điểm 1.4, Khoản 1, Điều 11 của Quy định này.
Điều 12. Mức thu và quản lý, sử dụng tiền dạy thêm
1. Đối với dạy thêm có thu tiền trong nhà trường:
1.1. Mức thu:
Chỉ thu học phí học thêm khi đạt được sự thoả thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh về mức thu. Đồng thời không được thu vượt quá khung quy định sau đây:
- Đối với học sinh Tiểu học (theo qui định tại khoản 2, Điều 3 của Quy định này): Không quá 40.000 đồng/tháng (tương ứng 06 tiết/tuần).
- Đối với học sinh Trung học cơ sở: Không quá 50.000 đồng/tháng/môn (tương ứng 05 tiết/tuần);
- Đối với học sinh Trung học phổ thông: Không quá 60.000 đồng/tháng/môn (tương ứng 06 tiết/tuần).
1.2. Mức chi:
- 75% chi cho giáo viên trực tiếp giảng dạy.
- 25% chi cho quản lý và quỹ phát triển nhà trường (trong đó 2% chi cho công tác quản lý, thanh kiểm tra của Sở hoặc Phòng Giáo dục theo phân cấp tại Điều 7 và Điều 8 của Quy định; 23% chi cho quỹ phát triển nhà trường bao gồm các mục: Mua sắm đồ dùng và tài liệu giảng dạy; tiền điện nước; chi phí tu bổ hao mòn tài sản, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy thêm học thêm,... và công tác kiểm tra quản lý của nhà trường).
2. Đối với dạy thêm ngoài nhà trường:
2.1. Mức thu:
Chỉ thu học phí học thêm khi đạt được sự thoả thuận giữa người dạy và cha mẹ học sinh về mức thu. Đồng thời không được thu vượt quá khung quy định sau đây:
- Đối với học sinh Tiểu học (theo qui định tại khoản 2, Điều 3 của Quy định này): Không quá 60.000 đồng/tháng (tương ứng 06 tiết/tuần).
- Đối với học sinh Trung học cơ sở: Không quá 70.000 đồng/tháng/môn (tương ứng 05 tiết/tuần);
- Đối với học sinh Trung học phổ thông: Không quá 80.000 đồng/tháng/môn (tương ứng 06 tiết/tuần).
2.2. Mức chi:
- 90% tiền học phí, giáo viên dạy thêm được hưởng trực tiếp;
- 10% tiền học phí, giáo viên nộp về trường để chi cho công tác quản lý dạy thêm học thêm (trong đó 2% chi cho công tác quản lý, thanh kiểm tra của Sở hoặc Phòng Giáo dục theo phân cấp tại Điều 7 và Điều 8 của Quy định; 8% chi cho công tác quản lý, kiểm tra, mua sắm sổ sách thống kê, theo dõi hoạt động dạy thêm...của nhà trường).
3. Mức thu tiền cấp giấy phép dạy thêm:
Phòng Giáo dục và Đào tạo được thu 100.000 đồng cho mỗi giấy phép dạy thêm; Sở Giáo dục và Đào tạo được thu 200.000đồng cho mỗi giấy phép dạy thêm (trong đó 75% tiền thu lệ phí cấp phép nộp ngân sách và 25% được để lại đơn vị cấp phép theo Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐND ngày 27/3/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh và ban hành mới các loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh).
4. Trong quá trình thực hiện, mức thu học phí sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự thay đổi về mức lương cơ bản của giáo viên và thực tế giá cả sinh hoạt.
Điều 13. Thủ tục và thời hạn cấp giấy phép dạy thêm, những trường hợp được miễn cấp giấy phép dạy thêm
1. Thủ tục xin cấp giấy phép tổ chức dạy thêm có thu tiền trong nhà trường:
- Hiệu trưởng lập hồ sơ gửi cấp có thẩm quyền đề nghị cấp giấy phép tổ chức dạy thêm học thêm trong nhà trường.
- Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép gồm:
+ Tờ trình đề nghị cấp phép dạy thêm của hiệu trưởng (theo mẫu thống nhất do Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành).
+ Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm và danh sách giáo viên dạy thêm.
+ Số lượng học sinh, số lớp, số học sinh/lớp và mức thu học phí.
2. Thủ tục cấp giấy phép tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường:
- Tổ chức hoặc cá nhân thực hiện dạy thêm ngoài nhà trường phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép dạy thêm học thêm và chỉ được hoạt động khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép dạy thêm.
- Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép gồm:
+ Đơn đề nghị cấp giấy phép dạy thêm ngoài nhà trường (theo mẫu thống nhất do Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành).
+ Danh sách trích ngang của giáo viên và tình hình cơ sở vật chất nơi dạy.
+ Giấy chứng nhận sức khoẻ của giáo viên.
+ Bảng phôtô có công chứng văn bằng tốt nghiệp Đại học, sau Đại học ứng với bộ môn của cấp học đăng ký dạy thêm.
+ Kế hoạch dạy thêm: Nội dung, chương trình, thời gian dạy, số buổi dạy và địa điểm từng nhóm (lớp).
+ Số lượng học sinh, số nhóm (lớp), số học sinh/nhóm (lớp) và mức thu học phí.
3. Thời hạn cấp giấy phép dạy thêm:
- Nhà trường nhận hồ sơ của giáo viên đề nghị cấp giấy phép dạy thêm của đơn vị mình; Hiệu trưởng kiểm tra, phê duyệt các điều kiện mở lớp dạy thêm. Sau đó tổng hợp danh sách, đề nghị cấp có thẩm quyền cấp giấy phép. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện mở lớp dạy thêm thì không đề nghị cấp có thẩm quyền cấp giấy phép và nhà trường phải trả lời cụ thể cho giáo viên đó.
- Thời hạn cấp giấy phép của cơ quan quản lý được phân cấp tại Điều 7 và Điều 8 của Quy định này là không quá 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Mẫu giấy phép dạy thêm do Sở Giáo dục và Đào tạo thống nhất phát hành.
4. Những trường hợp được miễn cấp giấy phép dạy thêm:
- Tổ chức, cá nhân thực hiện việc dạy học không thuộc kế hoạch giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, với nội dung dạy học ngoài phạm vi chương trình giáo dục phổ thông.
- Giáo viên không đương nhiệm thuộc diện đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức theo Quyết định của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
5. Giấy pháp dạy thêm có giá trị sử dụng không quá 24 tháng (kể từ ngày cấp).
Điều 14. Nhiệm vụ và quyền hạn của người học
1. Nhiệm vụ của người học:
- Thực hiện nhiệm vụ học tập theo kế hoạch của nhà trường và cơ sở mở lớp.
- Kính trọng nhà giáo, tuân thủ các quy định về pháp luật của Nhà nước.
- Bảo vệ tài sản của Nhà trường và cơ sở mở lớp, giữ gìn an ninh trật tự địa phương và an toàn giao thông nơi học.
2. Quyền hạn của người học:
- Được Nhà trường và cơ sở mở lớp tôn trọng và đối xử bình đẳng, được cung cấp đầy đủ kiến thức, thông tin về học tập của mình.
- Được sử dụng trang thiết bị, phương tiện phục vụ học tập của Nhà trường và cơ sở mở lớp.
- Thông qua người đại diện hợp pháp của mình kiến nghị với Nhà trường, cơ sở mở lớp những điều kiện Nhà trường, cơ sở mở lớp đó chưa đáp ứng theo những Quy định này. Ngoài ra có thể kiến nghị với cơ quan quản lý trực tiếp Nhà trường, cơ sở mở lớp (Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo) những vi phạm của Nhà trường, cơ sở giáo dục và cá nhân trong việc tổ chức dạy thêm học thêm.
Chương IV
THANH TRA, KIỂM TRA, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 15. Thanh tra, kiểm tra
Hoạt động dạy thêm học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền các cấp.
Điều 16. Khen thưởng
Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy định về dạy thêm học thêm và được các cấp quản lý giáo dục đánh giá có nhiều đóng góp nâng cao chất lượng giáo dục thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm học thêm, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
2. Những trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm học thêm đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra nhắc nhở nhưng tái phạm lần hai hoặc vi phạm nghiêm trọng lần đầu đối với một trong các nội dung của Điều 2, Điều 3, Điều 4 Điều 5, Điều 11 và Điều 12 của Quy định này thì bị đình chỉ và thu hồi có thời hạn đến 12 tháng hoặc thu hồi vĩnh viễn giấy phép dạy thêm. Thẩm quyền thu hồi giấy phép dạy thêm thuộc cơ quan quản lý giáo dục được phân cấp tại Điều 7 và 8 của Quy định này.
3. Cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về dạy thêm học thêm thì xử lý kỷ luật theo Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ công chức.
4. Cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm quy định về dạy thêm học thêm, có hành vi lừa đảo hoặc tổ chức dạy thêm học thêm trái quy định dẫn đến vi phạm các qui định về trật tự an toàn xã hội thì phải được xử lý thích đáng, áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định của pháp luật.