Chỉ thị số 17/2007/CT-UBND ngày 20/07/2007 Tăng cường công tác quản lý tần số và máy phát vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh An Giang (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 17/2007/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
- Ngày ban hành: 20-07-2007
- Ngày có hiệu lực: 30-07-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-04-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2451 ngày (6 năm 8 tháng 21 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-04-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2007/CT-UBND | Long Xuyên, ngày 20 tháng 7 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TẦN SỐ VÀ MÁY PHÁT VÔ TUYẾN ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
Phổ tần số vô tuyến điện là tài nguyên quý hiếm của quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 336/2005/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia, nhằm phát triển mạng thông tin vô tuyến điện theo hướng hiện đại, đồng bộ và ổn định lâu dài, phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế, đáp ứng các nhu cầu về thông tin phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh, góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Việc quản lý tần số và máy phát vô tuyến điện là nhiệm vụ quan trọng.
Trong những năm qua, mạng lưới thông tin vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh với nhiều chủng loại và thiết bị khá đa dạng, đáp ứng các nhu cầu về thông tin phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng và an ninh. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh việc mua bán và sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện chưa được quản lý chặt chẽ. Công tác tuyên truyền các quy định của Nhà nước về tần số vô tuyến điện đến với mọi tầng lớp nhân dân chưa kịp thời và sâu rộng, vẫn còn tình trạng sử dụng điện thoại không dây, máy vô tuyến điện không đúng với băng tần cho phép và các yêu cầu kỹ thuật liên quan. Đặc biệt tại các vùng biên giới việc sử dụng máy phát không có giấy phép hoặc không đúng quy định trong giấy phép diễn ra khá phổ biến. Thực trạng này dẫn đến hiện tượng xuyên âm, can nhiễu có hại cho các mạng thông tin chuyên dùng, làm giảm chất lượng và độ tin cậy dịch vụ, gây thiệt hại về kinh tế làm ảnh hưởng đến an toàn thông tin.
Nhằm chấn chỉnh và khắc phục tình trạng nêu trên. Đồng thời thực hiện Quyết định số 336/2005/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia. Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:
1. Sở Bưu chính, Viễn thông:
a) Chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan, địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, các doanh nghiệp viễn thông và các tổ chức kinh tế, xã hội những quy định về quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện theo Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông; Nghị định số 24/2004/NĐ-CP ngày 14/01/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về tần số vô tuyến điện và các quy định liên quan khác.
b) Hướng dẫn thủ tục và là đầu mối tiếp nhận và trả kết quả đăng ký cấp phép sử dụng tần số, máy phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh (thoả thuận với Trung tâm kiểm soát tần số Khu vực IV).
c) Chủ trì phối hợp với Công an Tỉnh, Trung tâm kiểm soát tần số Khu vực IV và các đơn vị có liên quan kiểm tra, nhắc nhở các cá nhân, tổ chức sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện thực hiện đúng pháp luật về tần số vô tuyến điện; xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện.
d) Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra nhắc nhở và xử lý nghiêm các vi phạm trong việc lưu thông các thiết bị viễn thông không hợp pháp, đặc biệt là điện thoại không dây (loại kéo dài thuê bao) không thuộc danh mục thiết bị đã được chứng nhận hợp chuẩn của Bộ Bưu chính, Viễn thông và có tần số nằm ngoài băng tần quy định.
2. Sở Thương mại, Công an Tỉnh phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý các vi phạm trong việc lưu thông các thiết bị viễn thông trên địa bàn tỉnh.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (đặc biệt các địa phương vùng biên giới) có trách nhiệm chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường công tác giám sát, phát hiện vi phạm trong việc sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện, chú trọng các máy điện thoại không dây (loại kéo dài thuê bao) tại địa phương mình quản lý, thông báo về Sở Bưu chính, Viễn thông để có kế hoạch phối hợp kiểm tra, xử lý kịp thời.
4. Các doanh nghiệp viễn thông, tổ chức, cá nhân có sử dụng máy phát và tần số vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh phải đăng ký sử dụng, nộp lệ phí, quản lý sử dụng và gia hạn giấy phép theo đúng quy định của pháp luật.
a) Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh phải tăng cường công tác kiểm tra, không cho kết nối vào mạng của doanh nghiệp mình các thiết bị điện thoại không dây (loại kéo dài thuê bao) khi chưa đảm bảo các điều kiện theo Nghị định 24/2004/NĐ-CP ngày 14/01/2004 của Chính phủ.
b) Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân nhập lậu, cất giữ, kinh doanh và sử dụng các thiết bị điện thoại không dây (loại kéo dài thuê bao) không thuộc danh mục thiết bị đã được chứng nhận hợp chuẩn của Bộ Bưu chính, Viễn thông và có tần số nằm ngoài băng tần quy định; chỉ được phép sử dụng thiết bị điện thoại không dây đã được cấp phép ở các băng tần quy định là : (43-44)MHz; (46-50)MHz; (72-73,5)MHz; (261,5-262,5)MHz; (263,5-264,5)MHz; (387,5-388,5)MHz; (389,5-390,5)MHz.
Yêu cầu các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh để giải quyết./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |