cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 62/2007/QĐ-UBND ngày 21/12/2007 Về Quy định thu lệ phí đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 62/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Ngày ban hành: 21-12-2007
  • Ngày có hiệu lực: 31-12-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 23-08-2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2062 ngày (5 năm 7 tháng 27 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 23-08-2013
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 23-08-2013, Quyết định số 62/2007/QĐ-UBND ngày 21/12/2007 Về Quy định thu lệ phí đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 24/2013/QĐ-UBND ngày 13/08/2013 Quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm tỉnh Đồng Tháp”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 62/2007/QĐ-UBND

Thành phố Cao Lãnh, ngày 21 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH THU LỆ PHÍ ĐĂNG KÝ VÀ PHÍ CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh về phí và lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí;
Căn cứ Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2002 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí;
Căn cứ Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2002 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 03/2007/TTLT/BTC-BTP ngày 10 tháng 01 năm 2007 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm;
Căn cứ Nghị quyết số 93/2007/NQ-HĐNDKVII ngày 13 tháng 12 năm 2007 của Hội đồng nhân dân Tỉnh Khóa VII, Kỳ họp thứ 9 về việc thông qua khung mức thu, chế độ thu nộp đối với lệ phí đăng ký và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm; bãi bỏ một số phí, lệ phí, Quỹ xây dựng trường học; miễn thu một số nội dung Lệ phí hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân và Lệ phí địa chính trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thu lệ phí đăng ký và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Sở Tài chính có trách nhiệm triển khai và theo dõi việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Ngọc Hân

 

QUY ĐỊNH

VỀ THU LỆ PHÍ ĐĂNG KÝ VÀ PHÍ CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 62/2007/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng.

a) Tổ chức, cá nhân yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng cho thuê tài chính và các giao dịch, tài sản khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đăng ký giao dịch bảo đảm) tại các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm như: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với những nơi không thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Uỷ ban nhân dân cấp xã trong trường hợp được ủy quyền thực hiện.

b) Tổ chức, cá nhân có yêu cầu và được cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm là đối tượng nộp phí cung cấp thông tin theo quy định.

Điều 2. Đối tượng miễn.

a) Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa phương và sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối.

b) Yêu cầu sửa chữa sai sót trong giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng cho thuê tài chính do lỗi của Đăng ký viên.

c) Yêu cầu xóa đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng cho thuê tài chính.

Chương II

MỨC THU, QUẢN LÝ VÀ CHỨNG TỪ THU PHÍ

Điều 3. Mức thu.

a) Mức thu lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm áp dụng tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm được quy định như sau (mỗi hồ sơ yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm được tính là một trường hợp đăng ký):

TT

CÁC TRƯỜNG HỢP NỘP LỆ PHÍ

MỨC THU

(đồng/trường hợp)

1

Đăng ký giao dịch bảo đảm.

60.000

2

Đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm.

50.000

3

Đăng ký gia hạn giao dịch bảo đảm.

40.000

4

Đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng ký.

40.000

5

Yêu cầu sửa chữa sai sót trong đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm.

10.000

b) Mức thu phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm áp dụng tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, cụ thể:

TT

CÁC TRƯỜNG HỢP NỘP PHÍ

MỨC THU

(đồng/trường hợp)

1

Cung cấp thông tin cơ bản (Danh mục giao dịch bảo đảm, tài sản cho thuê tài chính; sao đơn yêu cầu đăng ký)

10.000

2

Cung cấp thông tin chi tiết (văn bản tổng hợp thông tin về các giao dịch bảo đảm)

30.000

Điều 4. Chứng từ thu phí, lệ phí.

Đơn vị thu phí, lệ phí phải sử dụng biên lai thu phí, lệ phí do cơ quan thuế in ấn, cấp phát và thực hiện các quy định về quản lý sử dụng biên lai theo Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định của Pháp luật về phí và lệ phí.

Khi thu phí, lệ phí phải cấp biên lai thu phí, lệ phí cho đối tượng nộp phí, lệ phí. Nghiêm cấm việc thu phí, lệ phí không sử dụng biên lai hoặc biên lai không đúng quy định.

Điều 5. Quản lý và sử dụng tiền phí, lệ phí.

1. Việc quản lý và sử dụng tiền phí, lệ phí thu được thực hiện theo quy định tại Điều 11, 12, 13 và 17 Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành pháp lệnh phí, lệ phí; khoản 5, Điều 1 Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP; Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí; Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Đơn vị tổ chức thu phải mở tài khoản “tạm giữ tiền phí, lệ phí” tại Kho bạc Nhà nước nơi cơ quan thu đóng trụ sở để theo dõi, quản lý tiền phí, lệ phí thu được. Định kỳ hàng tuần phải gửi số tiền phí, lệ phí đã thu được vào tài khoản “tạm giữ tiền phí, lệ phí” và phải tổ chức hạch toán riêng khoản thu này theo chế độ kế toán hiện hành của Nhà nước .

2. Lệ phí đăng ký và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm là khoản thu thuộc Ngân sách nhà nước, số tiền thu được trích như sau: 50% trên tổng số tiền thu phí, lệ phí cho đơn vị tổ chức thu phí, lệ phí; phần 50% còn lại nộp Ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành.

Điều 6. Chế độ tài chính kế toán.

1. Đơn vị tổ chức thu phí, lệ phí phải mở sổ sách, chứng từ kế toán theo dõi số thu, nộp và sử dụng tiền phí, lệ phí thu được theo đúng chế độ kế toán, thống kê theo quy định của Nhà nước.

2. Hàng năm, đơn vị tổ chức thu phí, lệ phí phải lập dự toán thu chi gửi cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan tài chính, cơ quan thuế cùng cấp (đối với tổ chức thu là Uỷ ban nhân dân các cấp phải gửi cơ quan tài chính, cơ quan thuế cấp trên), Kho bạc nhà nước nơi tổ chức thu theo quy định.

3. Định kỳ phải báo cáo quyết toán việc thu, nộp, sử dụng số tiền phí, lệ phí thu được theo quy định của Nhà nước đối với từng loại phí; trường hợp thu các lọai phí, lệ phí khác nhau phải theo dõi hạch toán và quyết toán riêng đối với từng lọai phí, lệ phí.

4. Đối với tiền phí, lệ phí để lại cho đơn vị tổ chức thu, sau khi quyết toán đúng chế độ, tiền phí, lệ phí chưa sử dụng hết trong năm được phép chuyển sang năm sau để sử dụng tiếp theo chế độ qui định.

5. Thực hiện chế độ công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện công khai mức thu phí, lệ phí tại nơi thu.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện thu phí, lệ phí theo quy định.

Điều 8. Cơ quan Thuế địa phương nơi đơn vị thu đóng trụ sở có trách nhiệm cấp biên lai thu phí, lệ phí cho đơn vị thu; kiểm tra đôn đốc các đơn vị thu phí, lệ phí thực hiện chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng biên lai thu tiền phí, lệ phí theo đúng chế độ quy định.

Điều 9. Tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý, thu, nộp, sử dụng tiền phí, lệ phí sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Sở Tài chính có trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc thu phí, lệ phí đúng quy định. Định kỳ 6 tháng, năm tổng hợp báo cáo tình hình việc thực hiện thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí trên địa bàn Tỉnh; theo dõi mức thu phí, lệ phí, tỷ lệ nộp Ngân sách, đồng thời tổng hợp các kiến nghị, đề xuất trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương./.