Quyết định số 2843/2007/QĐ-UBND ngày 19/12/2007 Về việc huy động, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng, an ninh do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 2843/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Ngày ban hành: 19-12-2007
- Ngày có hiệu lực: 01-01-2008
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2192 ngày (6 năm 0 tháng 2 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-01-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2843/2007/QĐ-UBND | Huế, ngày 19 tháng 12 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG, AN NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002 QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Pháp lệnh Dân quân tự vệ số 19/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 4 năm 2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định số 184/2004/NĐ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ qui định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh dân quân tự vệ;
Căn cứ Nghị quyết số 8e/2007/NQ-HĐND ngày 15 tháng 8 năm 2007 của Hội đồng Nhân dân tỉnh khoá V, kỳ họp thứ 8 về huy động, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng, an ninh;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế về huy động, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng, an ninh” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 và thay thế Quyết định số 1624/QĐ-UB ngày 20 tháng 8 năm 1998 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh về việc ban hành quy chế thành lập, sử dụng Quỹ quốc phòng an ninh.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành; Thủ trưởng các cơ quan đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
VỀ HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG AN NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2843 /2007/QĐ-UBND ngày 19 tháng 12năm 2007 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh )
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích, yêu cầu của việc xây dựng Quỹ quốc phòng, an ninh
Quỹ quốc phòng an ninh là nguồn thu từ nhân dân, cơ quan, tổ chức đóng góp nhằm bổ sung kinh phí cho hoạt động sự nghiệp đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương; phù hợp với Pháp lệnh dân quân tự vệ ngày 29 tháng 4 năm 2004; Nghị định số 184/2004/NĐ-CP ngày 2 tháng 11 năm 2004 của Chính Phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh dân quân tự vệ.
Quỹ quốc phòng, an ninh (sau đây gọi tắt là Quỹ QPAN) vừa mang tính nghĩa vụ của công dân trong độ tuổi lao động, đồng thời mang tính vận động, tự nguyện đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Điều 2. Việc huy động, quản lý và sử dụng Quỹ QPAN được thực hiện theo chế độ tài chính hiện hành.
Chương 2:
ĐỐI TƯỢNG VÀ MỨC ĐÓNG GÓP QUỸ QUỐC PHÒNG AN NINH
Điều 3.Đối tượng đóng góp
1. Đối tượng có nghĩa vụ đóng góp:
a) Công dân trong độ tuổi từ đủ 18 đến 60 tuổi đối với nam và từ đủ 18 đến 55 tuổi đối với nữ có hộ khẩu thường trú thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế;
b) Công dân trong độ tuổi từ đủ 18 đến 60 tuổi đối với nam và từ đủ 18 đến 55 tuổi đối với nữ có thời gian tạm trú trên địa bàn từ 6 tháng trở lên;.
2. Đối tượng vận động đóng góp:
a) Các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn;
b) Các đối tượng khác tự nguyện đóng góp.
Điều 4. Đối tượng được miễn, hoãn nghĩa vụ đóng góp
1. Đối tượng được miễn nghĩa vụ đóng góp:
a) Quân nhân, công an Nhân dân và công nhân viên đang phục vụ trong quân đội và công an viên không hưởng lương (chỉ hưởng sinh hoạt phí);
b) Thương binh, bệnh binh được xếp hạng;
c) Bố, mẹ, vợ hoặc chồng của liệt sĩ;
d) Người tàn tật, người bị nhiễm chất độc da cam, người bị mất sức lao động;
đ) Sinh viên học sinh đang học tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, Trung học phổ thông.
2. Đối tượng tạm hoãn nghĩa vụ đóng góp:
a) Trung đội trưởng, A trưởng, Phó công an, Phó ban chỉ huỷ Xã đội (hoặc Phó chỉ huy trưởng quân sự) xã, phường, thị trấn; Thôn đội trưởng, Trưởng ban bảo vệ dân phố;
b) Người ốm đang điều trị, điều dưỡng tại bệnh viện có thời gian từ 30 ngày trở lên;
c) Người đang trực tiếp phục vụ thương, bệnh binh nặng; người bị tai nạn trong thời gian điều trị;
d) Quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ chưa đủ 2 năm tính từ ngày có quyết định xuất ngũ;
đ) Những công dân có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt hoặc được xác nhận thuộc hộ nghèo, đói;
e) Những người được điều đi làm nhiệm vụ quốc phòng trong thời gian 10 ngày trở lên trong 1 năm.
Điều 5. Mức nghĩa vụ đóng góp Quỹ quốc phòng an ninh
1. Mức nghĩa vụ đóng góp:
a) Công dân đang thường trú hoặc tạm trú trên 6 tháng ở các xã, phường, thuộc thành phố Huế và các thị trấn thuộc các huyện: 10.000 đồng/người/năm.
b) Công dân đang thường trú hoặc tạm trú trên 6 tháng thuộc khu vực là miền núi và vùng đầm phá có thu nhập thấp: 5.000 đồng/người/năm.
Giao cho Uỷ ban Nhân dân huyện căn cứ mức sống thực tế của Nhân dân tại các xã miền núi và vùng đầm phá để quy định khu vực dân cư có thu nhập thấp.
c) Công dân đang thường trú hoặc tạm trú trên 6 tháng thuộc khu vực các xã vùng đồng bằng còn lại: 8.000 đồng/người/năm.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, tuỳ tình hình thực tế về biến động giá cả và mức thu nhập của dân cư, cần thiết phải điều chỉnh mức thu; giao Giám đốc Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Giám đốc Công an tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện, thành phố Huế (gọi tắt là Uỷ ban Nhân dân huyện) báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh điều chỉnh tăng mức nghĩa vụ đóng góp tối đa không quá 20% mức quy định nêu trên và báo cáo Hội đồng Nhân dân tỉnh tại phiên họp gần nhất.
Chương 3:
THU NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG, AN NINH
Điều 6. Vận động đóng góp Quỹ quốc phòng, an ninh:
Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Uỷ ban Nhân dân xã) có trách nhiệm căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn để tổ chức huy động đóng góp Quỹ QPAN theo quy định.
Điều 7. Tổ chức thu, quản lý, sử dụng Quỹ quốc phòng, an ninh:
1. Uỷ ban Nhân dân các xã là cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức thu Quỹ quốc phòng an ninh trên địa bàn.
a) Các cá nhân đóng góp Quỹ quốc phòng an ninh tại địa bàn nơi có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú.
b) Các đối tượng thuộc diện vận động đóng góp (như các tổ chức, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cá thể...) đóng góp Quỹ quốc phòng an ninh tại địa bàn nơi có văn phòng, trụ sở hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký.
2. Toàn bộ số tiền thu Quỹ quốc phòng an ninh được để lại 100% cho Uỷ ban Nhân dân xã quản lý và sử dụng.
3. Quỹ quốc phòng an ninh được sử dụng để bổ sung kinh phí cho việc thực hiện các công tác có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh trên địa bàn thuộc chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban Nhân dân xã theo quy định của pháp luật; chi phí cho việc tổ chức thu, quản lý và sử dụng Quỹ.
4. Uỷ ban Nhân dân xã trình Hội đồng Nhân dân xã quyết định tỉ lệ nhiệm vụ chi cho quốc phòng, an ninh; chi khen thưởng theo quy định và chi phí cho việc quản lý Quỹ QPAN (mua biên lai, sổ sách, phụ cấp cho cán bộ đi thu), phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương và báo cáo dự tóan thu chi của Quỹ QPAN hàng năm. Riêng chi phí cho viêc quản lý Quỹ QPAN không được vượt quá 15 % mức thu của Quỹ QPAN.
Chương 4:
KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Khen thưởng và xử lý vi phạm:
1. Các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong việc xây dựng, quản lý và đóng góp Quỹ QPAN được khen thưởng theo chế độ khen thưởng hiện hành của nhà nước;
2. Các cá nhân thuộc diện nghĩa vụ đóng góp không nghiêm túc thực hiện đóng góp Quỹ thì áp dụng các biện pháp thích hợp để xử lý :
a) Cá nhân thuộc diện nghĩa vụ đóng góp là cán bộ, công chức, viên chức thì Uỷ ban Nhân dân xã có thông báo đến cơ quan nơi cán bộ, công chức đó sinh họat, công tác để phối hợp nhắc nhở, kiểm điểm trách nhiệm theo qui định.
b) Cá nhân thuộc diện nghĩa vụ đóng góp là quần chúng Nhân dân thì thông qua các buổi họp tổ dân phố, họp thôn để có hình thức vận động, thuyết phục nhằm đảm bảo thu nộp kịp thời.
3. Các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng Quỹ quốc phòng an ninh mà có hành vi vi phạm thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ xử lý hành chính hoặc theo quy định của pháp luật;
4. Uỷ ban Nhân dân huyện kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã trong trường hợp hai năm liền không hoàn thành kế hoạch thu Quỹ Quốc phòng an ninh .
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện, thành phố Huế chỉ đạo Uỷ ban Nhân dân các xã triển khai thực hiện theo Quy chế này;
2. Sở Tài chính phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh hướng dẫn chi tiết việc huy động, quản lý, sử dụng Quỹ quốc phòng an ninh theo quy định tại Quy chế này.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Tài chính, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh xem xét, xử lý.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |