cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 23/2007/CT-UBND ngày 25/06/2007 Về việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tôm sú trên địa bàn tỉnh Tiền Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 23/2007/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Ngày ban hành: 25-06-2007
  • Ngày có hiệu lực: 05-07-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 24-07-2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 750 ngày (2 năm 20 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 24-07-2009
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 24-07-2009, Chỉ thị số 23/2007/CT-UBND ngày 25/06/2007 Về việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tôm sú trên địa bàn tỉnh Tiền Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 2597/QĐ-UBND ngày 24/07/2009 Công bố danh mục văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành đến nay hết hiệu lực thi hành”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 23/2007/CT-UBND

Mỹ Tho, ngày 25 tháng 06 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA DỊCH BỆNH TÔM SÚ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

Qua 03 năm triển khai thực hiện các Chỉ thị 19/2004/CT-UBND Chỉ thị 13/2005/CT-UBND và Chỉ thị 21/2006/CT-UBND về việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tôm sú trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người nuôi thủy sản. Tuy nhiên, trong thời gian qua dịch bệnh tôm sú trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra, gây thiệt hại cho người nuôi.

Nhằm hạn chế việc phát sinh và lây lan dịch bệnh tôm sú trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, từng bước hạn chế rủi ro cho người nuôi tôm sú, góp phần thành công cho các vụ nuôi những năm tiếp theo, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh thủy sản tỉnh:

Căn cứ dự báo thời tiết, chất lượng con giống, tình hình bệnh tôm sú nuôi ở các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh thủy sản tỉnh có trách nhiệm thông báo kịp thời lịch ngắt vụ, thời điểm thả tôm giống thích hợp hàng năm cho các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nuôi, buôn bán, vận chuyển tôm sú. Việc thông báo phải thực hiện bằng văn bản và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

2. Trong thời gian có thông báo của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh thủy sản tỉnh về ngưng thả nuôi để phòng ngừa dịch bệnh thủy sản, các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến nuôi, buôn bán, vận chuyển tôm sú phải thực hiện một số nội dung sau:

- Ngưng toàn bộ hoạt động vận chuyển tôm sú giống từ bên ngoài vào để thuần dưỡng, khảo nghiệm và thả nuôi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang dưới mọi hình thức.

- Không được bán tôm sú giống cho các hộ thả nuôi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Khi xuất tôm sú giống ra ngoài tỉnh phải báo cho Chi cục Quản lý Nguồn lợi, Chất lượng và Thú y thủy sản để kiểm tra, kiểm dịch. Hoạt động sản xuất giống tôm sú phải thực hiện ghi chép sổ sách và chấp hành sự giám sát của các cơ quan chức năng trong thời gian ngưng thả nuôi để phòng ngừa dịch bệnh thủy sản.

- Đối với các hộ nuôi ven sông: Bình Đông, Bình Xuân, Tân Trung thuộc huyện Gò Công Đông; các xã Bình Phú, Thành Công thuộc huyện Gò Công Tây sẽ được xem xét cho phép thả nuôi trước, khi đã có điều kiện thuận lợi.

- Đối với xã Phú Tân, thuộc huyện Gò Công Đông, các hộ nuôi tôm sú quảng canh nếu có nhu cầu thả giống trong thời gian ngừng thả nuôi theo thông báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản tỉnh, phải đăng ký với Ủy ban nhân dân xã Phú Tân để lập danh sách, báo cáo với Chi cục Quản lý Nguồn lợi, Chất lượng và Thú y thủy sản để được hướng dẫn việc kiểm dịch và giám sát hoạt động nuôi tôm, có biện pháp xử lý kịp thời khi có dấu hiệu phát sinh dịch bệnh.

- Tổ chức, cá nhân vi phạm thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh trên tôm sú, các tổ chức, cá nhân thả nuôi tôm còn phải chịu sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng quản lý về thủy sản.

3. Sở Thủy sản:

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý Nguồn lợi, Chất lượng và Thú y thủy sản phối hợp với Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức tuyên truyền rộng rãi nội dung Chỉ thị này.

- Chỉ đạo Trung tâm Khuyến ngư, Trung tâm Giống thủy sản, Ban Quản lý và Khai thác các Dự án Nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền phổ biến và giám sát việc chấp hành Chỉ thị này trong nội bộ đơn vị, các tổ chức, hội nghề nghiệp, người nuôi trong vùng dự án.

- Chỉ đạo Thanh tra Sở Thủy sản xây dựng kế hoạch phối hợp với Công an, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường và chính quyền địa phương tiến hành thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nội dung Chỉ thị này.

4. Ủy ban nhân dân các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã thuộc địa bàn quản lý phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức tuyên truyền, quán triệt và vận động nhân dân chấp hành nghiêm Chỉ thị này.

Giao trách nhiệm cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã có hộ nuôi tôm sú tổ chức kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị và trực tiếp xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc phối hợp cơ quan chức năng xử lý đối với các trường hợp vi phạm trên địa bàn xã quản lý.

5. Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng, Sở Thương mại và Du lịch có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các địa phương, Thanh tra Thủy sản tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản:

a) Đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển tôm sú giống từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh Tiền Giang và các cơ sở sản xuất kinh doanh tôm sú giống trong tỉnh vận chuyển tôm sú giống từ các trại sản xuất trong tỉnh đến đầm nuôi vi phạm quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

b) Đối với tổ chức, cá nhân thả nuôi, ngoài hình thức xử phạt theo quy định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản còn phải chịu sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, đồng thời phải có biện pháp khắc phục hậu quả khi xảy ra dịch bệnh.

6. Giao Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh thủy sản tổ chức triển khai, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị và định kỳ báo cáo kết quả báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công phối hợp tổ chức thực hiện và thường xuyên báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời theo dõi, chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ; 
- Website Chính phủ;
- Bộ Thủy sản; 
- Bộ Tư pháp;
- TTTU, TT.HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh; 
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Chi cục Quản lý thị trường;
- Chi cục Quản lý NL, CL và TY thủy sản;
- UBND các huyện, thành, thị xã;
- Công báo tỉnh;
- LĐVP (Thủy);
- Lưu VT, PCNN (Nhã).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phòng