Quyết định số 50/2007/QĐ-UBND ngày 14/11/2007 Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang, tỉnh Quảng Nam (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 50/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Ngày ban hành: 14-11-2007
- Ngày có hiệu lực: 24-11-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-09-2013
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2137 ngày (5 năm 10 tháng 12 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 30-09-2013
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 50/2007/QĐ-UBND | Tam Kỳ, ngày 14 tháng 11 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA KHU KINH TẾ CỬA KHẨU NAM GIANG, TỈNH QUẢNG NAM
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 211/2006/QĐ-TTg ngày 14/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang, tỉnh Quảng Nam;
Căn cứ Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg ngày 19/04/2001 và Quyết định số 273/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg ngày 19/01/2001 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với Khu Kinh tế cửa khẩu biên giới;
Căn cứ Quyết định số 81/2005/QĐ-UBND ngày 02/12/2005 của UBND tỉnh Quảng Nam v/v ban hành Quy định về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, tiền lương, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và cán bộ quản lý công ty Nhà nước thuộc UBND tỉnh Quảng Nam;
Theo đề nghị của Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang, tỉnh Quảng Nam tại Tờ trình số 38/TT-KKTCK ngày 20 tháng 8 năm 2007 và của Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Tổ chức và hoạt động của Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang căn cứ quyết định thi hành./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA KHU KINH TẾ CỬA KHẨU NAM GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 50 /2007/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2007 của UBND tỉnh Quảng Nam)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế này quy định về hoạt động, một số chính sách và tổ chức quản lý nhà nước đối với Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
Điều 2. Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang là khu vực có ranh giới địa lý xác định gồm 2 xã Chà Vàl và La Dêê thuộc huyện Nam Giang, có diện tích tự nhiên 31.060 ha, trong đó có 15.360 ha thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh được quản lý theo quy định của pháp luật về khu bảo tồn thiên nhiên.
Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang có 3 tiểu khu chức năng được quy định tại Quyết định số 3809/QĐ-UB ngày 03/9/2004 của UBND tỉnh Quảng Nam về phê duyệt đề án thành lập Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
Điều 3. Mục tiêu phát triển chủ yếu của Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang
1. Xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, trở thành vùng động lực lan tỏa đến khu vực miền núi khác phía Tây của tỉnh; một trung tâm liên kết hành lang kinh tế Đông Tây, liên kết giữa những Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam với vùng kinh tế Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Campuchia.
2. Vận dụng tối đa các chính sách ưu đãi, phát huy lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, nhân lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo ra động lực mới chuyển đổi cơ cấu kinh tế của huyện Nam Giang, của tỉnh Quảng Nam trong thời kỳ mới, tạo ra chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng, trở thành trung tâm giao dịch thương mại, phát triển sản xuất công nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái.
3. Phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông thôn, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường xã hội, môi trường tự nhiên, bảo đảm hệ sinh thái tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, nhất là Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, tạo được nhiều công ăn việc làm, nâng cao dân trí, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
4. Là nơi tổ chức thực hiện thể chế, cơ chế chính sách đổi mới, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
5. Mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa với khu vực Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Campuchia. Tạo điều kiện bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; nâng cao tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt - Lào và nhân dân hai tỉnh Quảng Nam - Sê Kông.
Điều 4. Trên cơ sở pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam khuyến khích và bảo hộ cho các tổ chức và cá nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư kinh doanh tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang trong các lĩnh vực: xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, vận chuyển hàng hóa quá cảnh, kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế, hội chợ, triển lãm, cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm; kinh doanh thương mại; đóng gói, gia công, tái chế, lắp ráp, sản xuất hàng xuất khẩu; các chi nhánh và văn phòng đại diện các công ty trong và ngoài nước, chợ cửa khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và các dịch vụ có liên quan như vận chuyển hàng hoá, bảo quản kho hàng, du lịch, khách sạn, nhà hàng, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Điều 5. Các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được thành lập hoạt động tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang hoặc có hoạt động kinh doanh tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang chịu sự điều chỉnh và hưởng các ưu đãi tại Quy chế này, các quy định tại Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg ngày 19/04/2001 và Quyết định số 273/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg ngày 19/01/2001 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với Khu Kinh tế cửa khẩu biên giới, Thông tư số 78/2006/TT-BTC ngày 24/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính áp dụng tại các Khu Kinh tế cửa khẩu biên giới do UBND cấp tỉnh quản lý, các quy định khác của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Điều 6. Ngoài những quyền được hưởng theo quy định của pháp luật và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các doanh nghiệp hoạt động trong Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang còn hưởng các chính sách ưu đãi khác khi được Chính phủ cho phép.
Điều 7. Nghĩa vụ của cá nhân và tổ chức hoạt động tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang
- Tuân thủ pháp luật Việt Nam và các quy định tại Quy chế này.
- Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Tuân thủ các quy định về an ninh, trật tự khu vực biên giới; bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường và các quy định của Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, hàng năm theo quy định của pháp luật.
- Các cá nhân, tổ chức, hoạt động trong Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang còn được hưởng các quyền lợi và có nghĩa vụ được quy định tại Điều 110, 111 của Luật Đất đai 2003.
Điều 8. Nguồn vốn phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang
1. Nguồn vốn Ngân sách nhà nước gồm:
- Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng chủ yếu trong Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang, kể cả công trình ngoài Khu Kinh tế cửa khẩu nhưng phục vụ trực tiếp cho Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
- Vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước.
- Vốn được tạo bởi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đấu thầu các dự án có sử dụng đất.
- Vốn đầu tư từ Ngân sách tỉnh để phát triển kết cấu hạ tầng và hoạt động của
Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
2. Các nguồn vốn khác
- Vốn từ việc thu hút đầu tư theo các hình thức BOT, BT, BTO và các hình thức khác phù hợp với quy định hiện hành.
- Vốn của các doanh nghiệp và dân cư trong nước.
- Vốn của các tổ chức tín dụng.
- Vốn của các tổ chức và cá nhân nước ngoài.
Chương II
HOẠT ĐỘNG CỦA KHU KINH TẾ CỬA KHẨU NAM GIANG
Điều 9. Xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú và đi lại
1. Xuất cảnh, nhập cảnh
1.1. Công dân nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào (sau đây gọi tắt là công dân Lào) cư trú tại tỉnh Sê kông được vào hoặc ra Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang bằng chứng minh thư biên giới hoặc giấy thông hành biên giới do cơ quan có thẩm quyền của Lào cấp.
1.2. Công dân Lào mang hộ chiếu phổ thông khi nhập cảnh vào Việt Nam thì được miễn thị thực.
1.3. Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế Việt Nam được đón khách du lịch mang quốc tịch Lào vào Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu thì được miễn thị thực.
1.4. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các thành viên trong gia đình họ vào tìm hiểu thị trường, làm việc, đầu tư, kinh doanh tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang thì được cấp thị thực xuất cảnh, nhập cảnh có giá trị nhiều lần.
1.5. Công dân Việt Nam được tự do ra hoặc vào Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
2. Cư trú, tạm trú
2.1. Công dân Lào nhập cảnh vào Việt Nam theo mục 1.1; 1.2; 1.3 Điều này thì được phép tạm trú không quá 30 ngày, nếu nhập cảnh bằng hộ chiếu có nhu cầu tạm trú trên 30 ngày thì có thể được gia hạn theo quy định.
2.2. Công dân nước thứ 3 nhập cảnh vào Việt Nam quy định tại mục 1.4 Điều này nếu vào đầu tư và kinh doanh lâu dài thì sẽ được xét cấp thẻ tạm trú có thời hạn không quá 3 năm.
3. Quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang
3.1. Người, phương tiện, hàng hoá xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Nam Giang phải có đủ thủ tục theo quy định hiện hành. Người Việt Nam, người nước ngoài cư trú, tạm trú trong Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang thực hiện theo pháp luật Việt Nam và phải đăng ký với cơ quan chức năng.
3.2. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh thực hiện việc quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, lưu trú, tạm trú tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
Điều 10. Hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hoá
1. Hoạt động đầu tư, sản xuất của Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang
Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có dự án đầu tư sản xuất, đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng, đầu tư du lịch vào Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang được giao đất, thuê đất và được hưởng tối đa các chính sách đối với miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
2. Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ - du lịch, xuất nhập khẩu
Khuyến khích mọi thành phần kinh tế là tổ chức hoặc cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ bao gồm hoạt động xuất nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, kinh doanh chợ, du lịch, ngân hàng... tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, du lịch mà pháp luật Việt Nam không cấm, và được hưởng chính sách quy định tại Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Nghị định số 02/2002/NĐ-CP ngày 03/01/2002 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 của Chính phủ, những cam kết mà Việt Nam đã ký kết với Lào.
3. Tất cả các dự án đầu tư, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang được hưởng các ưu đãi tối đa áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Luật đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng và các ưu đãi khác theo Điều ước quốc tế, các Hiệp định thương mại đa phương mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Điều 11. Hoạt động tài chính, tín dụng của Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang
1. Hoạt động tài chính
- Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang là đơn vị dự toán cấp I, kinh phí hoạt động do ngân sách tỉnh đảm bảo. Mọi khoản thu theo quy định do Ban Quản lý thực hiện đều phải nộp vào ngân sách nhà nước.
- Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang được thu các loại phí, lệ phí tương ứng với nhiệm vụ được các cơ quan quản lý nhà nước uỷ quyền theo quy định hiện hành. Khi được uỷ quyền nhiệm vụ thu, Ban Quản lý có trách nhiệm thông báo và đăng ký với cơ quan thuế nơi đặt trụ sở Ban Quản lý để làm thủ tục về việc nộp số phí, lệ phí thu được do thực hiện nhiệm vụ uỷ quyền.
- Ban Quản lý được huy động vốn từ quỹ đất theo quy định của pháp luật về đất đai để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội phục vụ chung cho Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
2. Hoạt động tín dụng tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang
- Các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh với nước ngoài, ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động theo Luật liên quan hiện hành; các Tổ chức tín dụng được mở Chi nhánh trong Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang để thực hiện các chức năng tín dụng bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ đối với các hoạt động kinh tế trong Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang theo quy định hiện hành.
- Việc mua bán, thanh toán, chuyển nhượng và các quan hệ giao dịch khác giữa các tổ chức kinh tế, cá nhân trong Khu Bảo thuế Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang với nhau được thực hiện bằng đồng tiền tự do chuyển đổi thông qua tài khoản tại ngân hàng.
Điều 12. Hoạt động phát triển sản xuất của nhân dân tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang
Khuyến khích, hướng dẫn, tạo việc làm, ổn định nơi ở, phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chương III
HOẠT ĐỘNG CỦA KHU BẢO THUẾ TRONG KHU KINH TẾ CỬA KHẨU NAM GIANG
Điều 13. Khu Bảo thuế trong Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang là khu vực được xác định trong quy hoạch Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang, do Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam quyết định thành lập. Hoạt động của Khu Bảo thuế trong Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang được quy định tại Quy chế Khu Bảo thuế tại Khu Kinh tế cửa khẩu kèm theo Quyết định số 446/2003/QĐ-BTM ngày 17/4/2003 của Bộ trưởng Bộ Thương mại.
Điều 14. Khu Bảo thuế trong Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang được hưởng các chính sách và hoạt động được quy định tại Quyết định 273/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 78/2006/TT-BTC ngày 24/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính áp dụng tại các Khu Kinh tế cửa khẩu biên giới do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
Chương IV
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC KHU KINH TẾ CỬA KHẨU NAM GIANG
Điều 15. Tổ chức Ban quản lý của Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang
1. Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang do Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam thành lập và chịu sự quản lý của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
2. Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện xây dựng và phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang theo quy hoạch, kế hoạch, tiến độ đã được các cơ quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và theo Quy chế này, nhằm thực hiện việc quản lý nhà nước tập trung, thống nhất các hoạt động trên mọi lĩnh vực đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
3. Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang có tư cách pháp nhân, có con dấu, có trụ sở làm việc tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang và Văn phòng đại diện ngoài Khu Kinh tế cửa khẩu, có biên chế, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp và là đầu mối kế hoạch, dự toán cấp I được cân đối vốn xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Điều 16. Tổ chức bộ máy Ban Quản lý của Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang
1. Lãnh đạo Ban
Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang có Trưởng ban và các Phó Trưởng ban.
- Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ.
- Các Phó Trưởng ban do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang và Giám đốc Sở Nội vụ.
- Các thành viên phối hợp: Là Ủy viên Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang, gồm đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành và địa phương liên quan nhằm phối hợp quản lý nhà nước theo ngành và giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang do đơn vị mình quản lý.
2. Bộ máy giúp việc của Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang gồm: Văn phòng, Thanh tra, các phòng chuyên môn, Văn phòng đại diện, các đơn vị sự nghiệp, Ban Quản lý Khu Bảo thuế (riêng các Phòng chuyên môn; các đơn vị sự nghiệp, Ban Quản lý Khu Bảo thuế khi thành lập phải xây dựng Đề án theo quy định trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định). Trụ sở chính Ban Quản lý đóng tại trung tâm Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang và Văn phòng đại diện đặt ngoài Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
3. Doanh nghiệp Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang trực thuộc Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang, thực hiện kinh doanh tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang như đầu tư kinh doanh hạ tầng, kinh doanh chợ, cấp nước, xuất nhập khẩu và các hoạt động thương mại - dịch vụ khác.
4. Biên chế Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Quy chế này, Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh quyết định giao chỉ tiêu biên chế và lao động.
5. Các sở, ban, ngành, UBND huyện Nam Giang trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình ủy quyền, hướng dẫn để Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang thực hiện cơ chế quản lý nhà nước một cửa, một cửa liên thông có hiệu quả.
6. Cán bộ, công chức, viên chức Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang (trực tiếp làm việc tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang) được hưởng hệ số phụ cấp khu vực; phụ cấp đặc biệt theo quy định hiện hành.
Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn của BQL Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang
1. Nhiệm vụ
1.1. Lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội Khu kinh tế cửa khẩu; lập quy hoạch, kế hoạch chi tiết sử dụng đất và tổ chức triển khai thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
1.2. Xây dựng kế hoạch năm năm, hằng năm, lập danh mục và xây dựng dự án phát triển hạ tầng Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng và thực hiện chương trình cải cách hành chính.
1.3. Trực tiếp quản lý các nguồn đầu tư, làm chủ đầu tư và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng Khu Kinh tế cửa khẩu bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
1.4. Chủ trì, phối hợp với các ngành xây dựng Quy chế phối hợp quản lý nhà nước, phối hợp quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang
1.5. Tổ chức, triển khai, giới thiệu, đàm phán xúc tiến hoạt động đầu tư, thương mại, dịch vụ du lịch trong và ngoài nước vào Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
1.6. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh thực hiện tốt các dự án liên quan đến an ninh quốc phòng.
1.7. Tổ chức, quản lý bộ máy, biên chế, tài chính, tài sản và đào tạo cán bộ công chức viên chức. Thực hiện phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, vi phạm trong các lĩnh vực hoạt động tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
1.8. Thực hiện kế hoạch hợp tác hỗ trợ phát triển giữa tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Kông, đảm bảo các hoạt động của Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang phù hợp với các Hiệp định, thỏa thuận được ký kết giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, giữa Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và chính quyền tỉnh Sê Kông.
1.9. Định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và các ngành liên quan về tình hình phát triển, triển khai quy hoạch, kế hoạch, tiến độ thực hiện các dự án phát triển hạ tầng và thực hiện các chính sách tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
1.10. Phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện Nam Giang, các xã Chà Vàl và La Dêê thuộc huyện Nam Giang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện giúp đỡ, hướng dẫn nhân dân phát triển sản xuất nhằm nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số.
1.11. Thực hiện những nhiệm vụ khác do Uỷ ban nhân dân tỉnh giao.
2. Quyền hạn
2.1. Là đầu mối giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hình thành và phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
2.2. Phối hợp với Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Uỷ ban nhân dân huyện Nam Giang và các ngành chức năng quản lý, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Kiến nghị các cấp chính quyền và các ngành xử lý các hành vi vi phạm Quy chế quản lý rừng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
2.3. Quyết định mức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, mức miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo từng dự án nhằm khuyến khích thu hút đầu tư trên cơ sở giá đất do Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định đối với trường hợp giao lại đất, cho thuê đất mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.
2.4. Cấp và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy phép đầu tư, Giấy phép lập văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân và doanh nghiệp nước ngoài, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Chứng chỉ xuất xứ hàng hóa và các chứng chỉ khác theo ủy quyền của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của tỉnh tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
2.5. Nhận đất, mặt nước một lần theo quy hoạch chi tiết sử dụng đất đã được phê duyệt, thực hiện thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng để giao lại đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành, UBND huyện Nam Giang, UBND xã Chà Vàl và UBND xã La Dêê
1. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành
Thực hiện quản lý nhà nước theo ngành đối với Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang, cử người hoặc bộ phận trực tiếp quản lý để thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền của mình, nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
2. Trách nhiệm của UBND huyện Nam Giang
2.1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo lãnh thổ đối với Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang được quy định tại Quy chế này.
2.2. Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tái định cư và các chính sách xã hội, giải quyết việc làm để đảm bảo đời sống của nhân dân và điều kiện sinh hoạt, làm việc của người lao động trong Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
2.3. Phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang và các ngành chức năng thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, làm tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi trái phép khác trên địa bàn huyện liên quan đến hoạt động của Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
3. Trách nhiệm của UBND xã Chà Vàl và UBND xã La Dêê
Phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang vận động nhân dân trong xã thực hiện việc giải toả đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn xã.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Những quy định khác liên quan đến hoạt động tại Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang không quy định trong Quy chế này được thực hiện tại các điều khoản tương ứng của Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, các văn bản pháp luật khác, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành./.