cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 14/2007/CT-UBND ngày 04/06/2007 Về tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

  • Số hiệu văn bản: 14/2007/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Ngày ban hành: 04-06-2007
  • Ngày có hiệu lực: 14-06-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-06-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5101 ngày (13 năm 11 tháng 26 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-06-2021
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-06-2021, Chỉ thị số 14/2007/CT-UBND ngày 04/06/2007 Về tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 17/05/2021 Bãi bỏ Chỉ thị 14/2007/CT-UBND do tỉnh Quảng Ngãi ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2007/CT-UBND

Quảng Ngãi, ngày 04 tháng 6 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA TÀI LIỆU LƯU TRỮ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Trong những năm qua, công tác lưu trữ trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành chú trọng thực hiện nên đã đạt những kết quả đáng khích lệ, tổ chức lưu trữ từng bước được củng cố, tài liệu lưu trữ một phần được chỉnh lý, bảo quản an toàn và phục vụ khai thác, sử dụng đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, công tác lưu trữ của tỉnh hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước và nhu cầu khai thác, sử dụng của xã hội. Một số Sở, Ban, Ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố chấp hành các quy định về lập hồ sơ, giao nộp hồ sơ, chỉnh lý tài liệu lưu trữ, bảo quản tài liệu lưu trữ chưa nghiêm nên giá trị của tài liệu lưu trữ chưa được phát huy đầy đủ để phục vụ có hiệu quả hoạt động thực tiễn và nghiên cứu lịch sử. Nguyên nhân là do một số Sở, Ban ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng của công tác lưu trữ và giá trị của tài liệu lưu trữ nên chưa quan tâm, đầu tư thỏa đáng về nhân lực, thời gian và kinh phí cho công tác này.

Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05/2007/CT-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, các văn bản pháp luật về lưu trữ, sớm khắc phục hạn chế nêu trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Các Sở, Ban, Ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm:

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lưu trữ; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lưu trữ nhằm hoàn thiện công tác lưu trữ đúng quy định. Củng cố tổ chức lưu trữ, bố trí đủ biên chế làm lưu trữ theo đúng tiêu chuẩn nghiệp vụ; bảo đảm kinh phí cho hoạt động lưu trữ;

b) Bố trí đủ kho tàng; các xã, phường, thị trấn phải bố trí diện tích thỏa đáng trong trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân; và các trang thiết bị cần thiết để tập trung bảo quản an toàn hồ sơ, tài liệu lưu trữ có giá trị của cơ quan, địa phương mình. Đồng thời, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố phải lập kế hoạch xây dựng kho lưu trữ chuyên dụng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ;

c) Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo thống kê định kỳ về văn thư, lưu trữ; chế độ lập hồ sơ, nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ hiện hành và lưu trữ lịch sử; chỉnh lý tài liệu lưu trữ còn tồn đọng trong kho lưu trữ, lập cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, tra tìm.

2. Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm:

a) Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện hệ thống các văn bản quản lý, chỉ đạo công tác lưu trữ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lưu trữ; kiểm tra, hướng dẫn công tác lưu trữ tại các đối tượng quản lý. Dự toán kinh phí hàng năm cho hoạt động lưu trữ của tỉnh.

b) Xây dựng kế hoạch đến năm 2010 trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt:

- Kế hoạch giải quyết tài liệu lưu trữ tồn đọng của tỉnh;

- Kế hoạch thu thập tài liệu các cơ quan, đơn vị là nguồn nộp lưu đã đến hạn nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ và bổ sung đủ trang thiết bị đúng tiêu chuẩn để thu thập, bảo quản an toàn tài liệu lưu trữ của tỉnh.

c) Hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Lập dự án xây dựng kho lưu trữ chuyên dụng;

- Xây dựng kế hoạch đến năm 2010 giải quyết tài liệu lưu trữ tồn đọng và thu thập tài liệu lưu trữ của các cơ quan, đơn vị thuộc nguồn nộp lưu.

d) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các Sở, Ban, Ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố lập dự toán kinh phí hàng năm theo Luật Ngân sách nhà nước bảo đảm điều kiện cho các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các quy định về công tác lưu trữ.

3. Giám đốc các Sở, Ban ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị và hàng năm tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện; đề xuất Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo và khen thưởng kịp thời các Sở, Ban ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có thành tích xuất sắc.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, Ban ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Huế