Chỉ thị số 26/2007/CT-UBND ngày 30/05/2007 Về tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tái phát trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 26/2007/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
- Ngày ban hành: 30-05-2007
- Ngày có hiệu lực: 09-06-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-01-2015
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2790 ngày (7 năm 7 tháng 25 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 28-01-2015
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/2007/CT-UBND | Vĩnh Yên, ngày 30 tháng 05 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM TÁI PHÁT.
Hiện nay, dịch cúm gia cầm đã tái phát ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước và đang diễn biến rất phức tạp, có nguy cơ lây lan ra diện rộng. Trên địa bàn tỉnh, nguy cơ tái bùng phát dịch là rất cao và nếu để xảy ra thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 645/TTg-NN ngày 24/5/2007 về việc chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm; Chỉ thị số 1403/CT-BNN-TY ngày 24/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đẩy mạnh công tác phòng bệnh cúm gia cầm tái phát. Để phát huy kết quả phòng, chống dịch đã đạt được, chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người. Các cấp, ngành và các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế đưa tin kịp thời, chính xác về tình hình, nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống để mọi người dân biết, chủ động, tích cực tham gia phòng, chống dịch, bảo vệ sức khoẻ bản thân, cộng đồng và đảm bảo an toàn cho phát triển sản xuất.
2. Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành trong tỉnh phải tập trung huy động lực lượng, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm tái phát, cụ thể sau:
- Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện tiêm phòng bổ sung vac xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm mới phát sinh, chưa được tiêm phòng trong đợt 1/2007, đặc biệt đối với đàn thủy cầm (vịt, ngan, ngỗng) phải tiêm đạt 100%.
- Tổ chức chiến dịch vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại và môi trường chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh theo kế hoạch của Ban chỉ đạo tỉnh và hướng dẫn hộ chăn nuôi an toàn sinh học.
- Tổ chức việc giám sát dịch bệnh tới tận hộ, cơ sở chăn nuôi gia cầm. Mỗi thôn, xóm phải thông báo địa chỉ của những người có trách nhiệm để tiếp nhận thông tin của nhân dân về dịch bệnh. Ban chỉ đạo các cấp tổ chức bộ phận thường trực để cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp đã thực hiện trên địa bàn; kịp thời xử lý các tình huống xảy ra và tổng hợp báo cáo UBND các cấp theo quy định.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm. Cấm vận chuyển, giết mổ, mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch thú y. Chỉ đạo kiểm tra, giám sát các cơ sở ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm theo Quyết định số 17/2007/QĐ-BNN ngày 27/2/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm.
3. Các sở, ngành: Công an, Thương mại, Giao thông vận tải phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trực tiếp là cơ quan Thú y) để quản lý và ngăn chặn vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. Kiên quyết xử lý, tiêu hủy gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, gia cầm ốm chết và xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh động vật.
4. Các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh thường xuyên tổ chức đi kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại các huyện, thị, thành phố theo chức năng nhiệm vụ.
5. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút của tỉnh chỉ đạo Sở Y tế kiểm tra và rà soát các cơ sở y tế, trang thiết bị, thuốc men phục vụ công tác phòng, chống dịch; đồng thời chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, nếu phát hiện trường hợp nghi nhiễm bệnh cúm A (H5N1) ở người phải tổ chức cách ly và áp dụng ngay các biện pháp phòng, chống kịp thời theo quy định.
6. Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, chỉ đạo Chi cục Thú y lập dự toán kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tái phát trình UBND tỉnh quyết định. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh quyết toán kinh phí phòng, chống dịch theo quy định, không để thất thoát lãng phí.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm chính và chỉ đạo các phòng, ban liên quan, xã, phường, thị trấn tăng cường giám sát dịch bệnh; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.
Nếu để dịch xảy ra trên địa bàn mà không phát hiện kịp thời và áp dụng các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch để dịch lây lan ra diện rộng thì người đứng đầu chính quyền cơ sở và nhân viên thú y cơ sở đó phải chịu trách nhiệm.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh để tổ chức chỉ đạo, tuyên truyền vận động hội viên, đoàn viên và mọi người dân tích cực tham gia và thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người.
Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các cấp trong tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố; xã, phường, thị trấn; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thực hiện chỉ thị này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |