Chỉ thị số 12/2007/CT-UBND ngày 18/05/2007 Tăng cường công tác quản lý môi trường đối với các dự án, cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ảnh hưởng đến môi trường trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- Số hiệu văn bản: 12/2007/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Bến Tre
- Ngày ban hành: 18-05-2007
- Ngày có hiệu lực: 28-05-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-10-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 5264 ngày (14 năm 5 tháng 4 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 25-10-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2007/CT-UBND | Bến Tre, ngày 18 tháng 5 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN; CƠ SỞ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ ẢNH HƯỞNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
Trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên toàn tỉnh Bến Tre có nhiều chuyển biến tích cực, được các cấp, các ngành và nhân dân quan tâm thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Một số dự án, cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có đánh giá tác động môi trường hoặc đăng ký cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện đầu tư xử lý chất thải hạn chế ô nhiễm môi trường và ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân được nâng lên đáng kể.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn nhiều dự án, cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đăng ký cam kết bảo vệ môi trường, chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Trong thời gian gần đây, một số dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm xen kẽ trong các khu dân cư đô thị, đặc biệt khu vực nội ô thị xã Bến Tre, chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường như: không đảm bảo về an toàn khoảng cách, không có diện tích đất để đầu tư hệ thống xử lý chất thải, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thải trực tiếp ra hệ thống cống thoát nước đô thị, sông, rạch hoặc bị tồn đọng trong các ao, hồ,... gây ô nhiễm môi trường.
Nhằm thực hiện tốt pháp luật bảo vệ môi trường, đầu tư sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã không cấp giấy xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới phát sinh nằm trong khu vực đông dân cư và nội ô thị xã, thị trấn bao gồm các ngành nghề như: sản xuất chỉ xơ dừa, gạch ngói, than thiêu kết, gia công cơ khí, cưa xẻ gỗ, cơ sở thu mua phế liệu, tái chế phế liệu, giết mổ, sấy nhãn, ép dầu dừa, sản xuất thạch dừa và một số ngành nghề khác có khối lượng lớn về nước thải, rác thải, khói, bụi, tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép mà không có khả năng xử lý.
2. Các ngành, các cấp có liên quan hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong khu vực đông dân cư và nội ô thị xã, thị trấn trong quá trình hoạt động ảnh hưởng đến môi trường, không có khả năng xử lý chất thải, di dời vào các khu, cụm công nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy hoạch để đảm bảo tính ổn định, lâu dài và phát triển bền vững.
3. Các cơ quan chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị khẩn trương quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở địa phương để di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực đông dân cư và nội ô thị xã, thị trấn vào các khu, cụm công nghiệp.
4. Đối với chủ các dự án, cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thực hiện tốt các nội dung sau:
a) Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật bảo vệ môi trường, được cấp thẩm quyền phê duyệt mới được hoạt động sản xuất, kinh doanh;
b) Thực hiện đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường; đầu tư hệ thống xử lý chất thải; thực hiện giám sát môi trường theo quy định; chịu sự kiểm tra, giám sát của ngành chức năng và bồi thường thiệt hại do các hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ra ô nhiễm môi trường;
c) Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, đặc biệt các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh có khả năng gây ô nhiễm môi trường phát tán ở diện rộng và có sử dung hoá chất, chất phóng xạ, chất dễ gây cháy, nổ.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công nghiệp, Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai Chỉ thị này đến các cấp, các ngành và trong nhân dân. Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các dự án, cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các cơ sở nằm trong khu vực đông dân cư và nội ô thị xã, thị trấn; xử lý nghiêm đối với các chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm theo dõi tình hình thực hiện chỉ thị và định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.
6. Báo Đồng Khởi, Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Chỉ thị này trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chỉ thị này có hiệu lực sau mười ngày kể từ ngày ký ban hành; bãi bỏ "Công văn số 2048/UBND-TNMT ngày 23 tháng 9 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải đảm bảo môi trường phát triển bền vững".
Trong quá trình thực hiện chỉ thị, nếu có khó khăn vướng mắc, yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |