Quyết định số 33/2007/QĐ-UBND ngày 09/10/2007 Ban hành Quy định về hạn mức đất, chế độ quản lý nghĩa trang, nghĩa địa và việc xây dựng phần mộ, tượng đài, bia tưởng niệm trong nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 33/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
- Ngày ban hành: 09-10-2007
- Ngày có hiệu lực: 19-10-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 11-09-2010
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1058 ngày (2 năm 10 tháng 28 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 11-09-2010
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/2007/QĐ-UBND | Tuyên Quang, ngày 09 tháng 10 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HẠN MỨC ĐẤT, CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ NGHĨA TRANG, NGHĨA ĐỊA VÀ VIỆC XÂY DỰNG PHẦN MỘ, TƯỢNG ĐÀI, BIA TƯỞNG NIỆM TRONG NGHĨA TRANG, NGHĨA ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;
Căn cứ Quyết định số 682/BXD-CSXD ngày 14 tháng 12 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam;
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ tại Thông báo số 263-TB/TU ngày 30 tháng 5 năm 2007;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 104/TTr-TNMT ngày 11 tháng 5 năm 2007 về việc ban hành Quy định về hạn mức đất, chế độ quản lý nghĩa trang, nghĩa địa và việc xây dựng phần mộ, tượng đài, bia tưởng niệm trong nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; văn bản số 610/TNMT-TNĐ ngày 10 tháng 8 năm 2007 về việc báo cáo lấy ý kiến tham gia của nhân dân về dự thảo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về hạn mức đất, chế độ quản lý nghĩa trang, nghĩa địa và việc xây dựng phần mộ, tượng đài, bia tưởng niệm trong nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Các quy định trước đây của Ủy ban nhân dân tỉnh trái với Quy định này đều hết hiệu lực thi hành.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
HẠN MỨC ĐẤT, CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ NGHĨA TRANG, NGHĨA ĐỊA VÀ VIỆC XÂY DỰNG PHẦN MỘ, TƯỢNG ĐÀI, BIA TƯỞNG NIỆM TRONG NGHĨA TRANG, NGHĨA ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2007/QĐ-UBND ngày 09/10/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Quy định này quy định hạn mức đất, chế độ quản lý nghĩa trang, nghĩa địa và việc xây dựng phần mộ, tượng đài, bia tưởng niệm tại các nghĩa trang, nghĩa địa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất để chôn cất, xây dựng phần mộ cho người đã chết; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được phép xây dựng tượng đài, bia tưởng niệm tại các nghĩa trang, nghĩa địa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch.
2. Tổ chức có chức năng quản lý các nghĩa trang, nghĩa địa; các đơn vị lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết các nghĩa trang, nghĩa địa.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Phần mộ là nơi mai táng thi hài, hài cốt của một người đã chết.
2. Mai táng là thực hiện việc lưu giữ thi hài hoặc hài cốt của một người sau khi chết ở một địa điểm dưới mặt đất.
3. Hung táng là thực hiện việc lưu giữ thi hài của một người sau khi chết ở một địa điểm dưới mặt đất trong một khoảng thời gian nhất định.
4. An táng là hình thức mai táng thi hài của một người vĩnh viễn trong đất (mai táng một lần).
5. Cát táng hoặc cải táng là hình thức thực hiện mai táng xương cốt của người đã chết từ mộ hung táng sang địa điểm mới.
Chương II
HẠN MỨC ĐẤT PHẦN MỘ, TƯỢNG ĐÀI, BIA TƯỞNG NIỆM TRONG NGHĨA TRANG, NGHĨA ĐỊA
Điều 4. Hạn mức đất phần mộ
1. Đất của một phần mộ bao gồm đất để xây dựng mộ và diện tích làm lối đi xung quanh mộ để thuận tiện cho việc thăm viếng, phù hợp với quy hoạch xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Hạn mức đất phần mộ được quy định như sau:
a) Đối với một phần mộ hung táng, hạn mức đất không quá 6 (sáu) m2;
b) Đối với một phần mộ an táng, hạn mức đất không quá 8 (tám) m2;
c) Đối với một phần mộ cát táng hoặc cải táng, hạn mức đất không quá 3 (ba) m2;
Điều 5. Hạn mức đất xây dựng tượng đài, bia tưởng niệm
1. Tượng đài, bia tưởng niệm là nơi tưởng niệm, thăm viếng chung cho tất cả các phần mộ trong nghĩa trang, nghĩa địa. Một nghĩa trang, nghĩa địa chỉ được xây dựng một tượng đài hoặc bia tưởng niệm.
2. Hạn mức đất xây dựng tượng đài, bia tưởng niệm được quy định như sau:
a) Đối với nghĩa trang, nghĩa địa sử dụng chung cho một thôn (bản) hoặc liên thôn (bản) do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý (nghĩa trang, nghĩa địa cấp xã) hạn mức đất không quá 50 (năm mươi) m2/tượng đài, bia tưởng niệm.
b) Đối với nghĩa trang, nghĩa địa sử dụng chung cho nhiều xã hoặc do Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã quản lý (nghĩa trang, nghĩa địa cấp huyện) hạn mức đất không quá 100 (một trăm) m2/tượng đài, bia tượng niệm.
c) Đối với nghĩa trang liệt sỹ tập trung cho toàn tỉnh do Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý (nghĩa trang cấp tỉnh), diện tích đất xây dựng tượng đài hoặc bia tưởng niệm thực hiện theo quy hoạch được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Chương III
CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ NGHĨA TRANG, NGHĨA ĐỊA VÀ VIỆC XÂY DỰNG PHẦN MỘ, TƯỢNG ĐÀI, BIA TƯỞNG NIỆM TRONG NGHĨA TRANG, NGHĨA ĐỊA
Điều 6. Thẩm quyền lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết nghĩa trang, nghĩa địa
1. Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi không thuộc khu vực quy hoạch phát triển đô thị có trách nhiệm lập quy hoạch chi tiết nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn; trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện, thị xã có trách nhiệm lập quy hoạch chi tiết nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn thị trấn và xã thuộc khu vực quy hoạch phát triển đô thị hoặc nghĩa trang, nghĩa địa sử dụng chung cho nhiều xã; trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Điều 7. Nguyên tắc lập quy hoạch nghĩa trang, nghĩa địa
1. Việc bố trí khu đất để xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa phải thực hiện đồng thời với việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
2. Đất để xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa phải tập trung, xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh, môi trường, thuận lợi cho việc chôn cất thăm viếng.
3. Hạn chế sử dụng đất sản xuất để xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa.
4. Nghĩa trang, nghĩa địa phải quy hoạch đường đi, cây xanh, phân khu cụ thể: Nơi tưởng niệm chung, nơi hung táng, nơi cát táng hoặc cải táng. Nghĩa trang, nghĩa địa cấp huyện trở lên phải có nhà quản trang và có rào ngăn để bảo vệ.
5. Nghĩa trang liệt sỹ, tượng đài, bia tưởng niệm phải có thiết kế chi tiết, vị trí xây dựng đặt ở nơi trang trọng, tôn nghiêm.
Điều 8. Quản lý việc xây dựng trong nghĩa trang, nghĩa địa
1. Đối với nghĩa trang, nghĩa địa cấp huyện trở lên, Uỷ ban nhân dân cùng cấp thành lập Ban Quản trang để quản lý xây dựng trong nghĩa trang, nghĩa địa. Kinh phí hoạt động của Ban Quản trang do Ban Quản trang tự cân đối thu, chi trên cơ sở quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức việc quản lý nghĩa trang, nghĩa địa cấp xã; khuyến khích các tổ chức, đoàn thể, hộ gia đình, cá nhân tham gia việc quản lý nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn.
3. Việc xây dựng phần mộ, tượng đài, bia tưởng niệm trong nghĩa trang, nghĩa địa phải theo đúng hạn mức đất và quy hoạch chi tiết nghĩa trang, nghĩa địa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
4. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện văn minh trong an táng, cải táng theo quy định của Nhà nước.
Điều 9. Trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc thực hiện mai táng
1. Nghiêm cấm các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân lập nghĩa trang, nghĩa địa riêng và mai táng không theo quy hoạch đối với những nơi đã có quy hoạch xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Mọi người dân và cộng đồng dân cư có trách nhiệm thực hiện mai táng hợp vệ sinh, xoá bỏ hủ tục mai táng gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân di chuyển phần mộ đã chôn cất vào trong nghĩa trang, nghĩa địa theo quy hoạch được duyệt.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn căn cứ quy hoạch sử dụng đất chi tiết của địa phương, triển khai lập quy hoạch chi tiết nghĩa trang, nghĩa địa trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt và tổ chức thực hiện đúng Quy định này.
Điều 11. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Xây dựng, Thủ trưởng các ban, ngành của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc thực hiện Quy định này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết, các cơ quan đơn vị liên quan kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.