Quyết định số 104/2007/QĐ-UBND ngày 25/09/2007 Về quy chế phối hợp quản lý hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố Hà Nội trong công tác quản lý Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thương mại và thương mại đặc thù do UBND thành phố Hà Nội ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 104/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hà Nội
- Ngày ban hành: 25-09-2007
- Ngày có hiệu lực: 10-10-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 29-05-2011
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1327 ngày (3 năm 7 tháng 22 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 29-05-2011
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 104/2007/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 25 tháng 09 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VĂN PHỎNG ĐẠI DIỆN, CHI NHÁNH CỦA THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI VÀ THƯƠNG MẠI ĐẶC THÙ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Thươngmại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 72/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam;
Căn cứ Thông tư số 11/2006/TT-BTM ngày 28/9/2006 của Bộ Thương mại hướng dẫn thực hiện Nghị định 72/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 1193/QĐ-UB ngày 30/3/2007 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc ủy quyền cho Sở Thương mại quản lý hoạt động của các Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thương mại đặc thù;
Xét đề nghị của Sở Thương mại Hà Nội tại Tờ trình số 82/STM- VPĐD ngày 7/8/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố Hà Nội trong công tác quản lý văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thương mại và thương mại đặc thù.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế các nội dung liên quan đến Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài (không bao gồm doanh nghiệp du lịch nước ngoài) trong Quyết định số 127/2001/QĐ-UB ngày 14/12/2001 của UBND Thành phố về việc ban hành Quy chế quản lý Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài và Doanh nghiệp Du lịch Nước ngoài tại Hà Nội.
Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Thương mại, Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan và các Văn phòng đại diện, Chi nhánh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN, CHI NHÁNH CỦA THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI VÀ THƯƠNG MẠI ĐẶC THÙ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 104/2007/QĐ-UBND ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội)
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh
1. Quy chế này quy định những nguyên tắc, trách nhiệm, quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước của Thành phố Hà Nội (dưới đây gọi tắt là các cơ quan) trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thương mại và thương mại đặc thù (sau đây gọi tắt là Văn phòng đại diện, Chi nhánh).
2. Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thương mại là các Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài được cấp phép theo qui định tại Nghị định 72/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006 của Chính phủ.
3. Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thương mại đặc thù là các Văn phòng đại diện, Chi nhánh, Văn phòng dự án của thương nhân nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, văn phòng dự án, nhà thầu nước ngoài, tổ chức thông tấn báo chí hoặc các lĩnh vực khác theo qui định của pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Điều 2. Nguyên tắc quản lý
1. Theo chức năng quản lý Nhà nước được pháp luật quy định và sự phân cấp Ủy ban nhân dân Thành phố, các cơ quan quản lý Nhà nước của Thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác quản lý Văn phòng đại diện, Chi nhánh trong phạm vi Ngành mình phụ trách. Nghiêm cấm mọi thái độ cửa quyền, quan liêu, vô trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu yêu cầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh phải thực hiện những điều pháp luật không quy định.
2. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý Văn phòng đại diện, Chi nhánh theo chức năng nhiệm vụ từng ngành, các cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm chủ động phối hợp hoạt động với các cơ quan, đơn vị hữu quan để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo điều hành giữa các cơ quan quản lý của Thành phố. Việc phối hợp được tiến hành trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan quản lý Nhà nước và yêu cầu công việc quản lý Văn phòng đại diện. Chi nhánh theo từng thời điểm và lĩnh vực cụ thể.
3. Việc thanh tra, kiểm tra định kỳ do các cơ quan tiến hành theo thẩm quyền và lĩnh vực phụ trách phải thực hiện đúng quy định của pháp luật và phải thông báo với Sở Thương mại về chương trình kế hoạch thanh tra, kiểm tra ngay từ đầu năm để tránh thanh tra, kiểm tra chồng chéo. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất. Kết quả thanh tra, kiểm tra được báo cáo về Ủy ban nhân dân Thành phố thông qua Sở Thương mại. Trường hợp vụ việc xử lý (nếu có) vượt thẩm quyền thì phải phối hợp với Sở Thương mại kiến nghị về biện pháp xử lý và trình Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định.
4. Nghiêm cấm việc cán bộ, công chức, nhân viên các cơ quan kiểm tra hoặc tổ chức kiểm tra Văn phòng đại diện. Chi nhánh mà không có quyết định hoặc không theo kế hoạch đã được duyệt của Thủ trưởng cơ quan.
Điều 3. Cơ quan chủ trì phối hợp quản lý hoạt động của các Văn phòng đại diện, Chi nhánh
Sở Thương mại có trách nhiệm chủ trì phối hợp quản lý hoạt động của các Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài nêu tại Điều 1 Hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Chương 2
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN TRONG VIỆC QUẢN LÝ VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN, CHI NHÁNH THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI
Điều 4. Trách nhiệm của Sở Thương mại
1. Là cơ quan cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài trên địa bàn Hà Nội theo quy định của Luật Thương mại, Nghị định số 72/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam và Thông tư 11/2006/TT-BTM ngày 28/9/2006 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 72/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006.
2. Xin ý kiến các Bộ, Ngành và các cơ quan có liên quan trong quá trình thụ lý hồ sơ cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện (nếu cần).
3. Thực hiện quản lý hành chính Nhà nước đối với các Văn phòng đại diện, Chi nhánh nêu tại Điều 3; hướng dẫn, đôn đốc các văn phòng đại diện, chi nhánh tuân thủ các quy định của pháp luật.
4. Thanh tra, kiểm tra hoạt động của các Văn phòng đại diện, Chi nhánh theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Nghị định 72/2006/NĐ-CP ; phối hợp với các cơ quan Trung ương và cơ quan thuộc Thành phố có liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh theo quy định.
Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra kèm theo kiến nghị các biện pháp xử lý vi phạm (nếu có) trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê chuẩn và quyết định biện pháp xử lý nếu vượt thẩm quyền.
5. Hàng quý báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố về tình hình cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện và tình hình hoạt động củ văn phòng đại diện , Chi nhánh trên địa bàn Hà Nội.
6. Thu và sử dụng lệ phí cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Trách nhiệm của Công an Thành phố
1. Phối hợp với Sở Thương mại trong công tác cấp phép thành lập Văn phòng đại diện. Nhận một bản sao photocopy hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài để theo dõi và quản lý.
2. Làm thủ tục khắc,đăng ký hoặc thu hồi con dấu của các Văn phòng đại diện. Chi nhánh theo thẩm quyền và các quy định có liên quan trên cơ sở giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh hoặc giấy phép sửa đổi, bổ sung, quyết định thu hồi giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của Sở Thương mại, Bộ Công Thương hoặc theo đề nghị của Văn phòng đại diện, Chi nhánh.
3. Thực hiện quản lý xuất nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài làm việc tại các Văn phòng đại diện, Chi nhánh theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
4. Phối hợp với các cơ quan quản lý, hướng dẫn, đôn đốc các Văn phòng đại diện, Chi nhánh tuân thủ các quy định của pháp luật về an ninh trật tự và an toàn xã hội; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm trong hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Điều 6. Trách nhiệm của Sở Lao động Thương binh và Xã hội
1. Thực hiện quản lý Nhà nước về lao động đối với các văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài; hướng dẫn, đôn đốc Văn phòng đại diện, Chi nhánh thực hiện các quy định của pháp luật về lao động.
2. Tiếp nhận, thụ lý hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài vào làm việc trong các Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài; xem xét việc cấp lại, gia hạn và thu hồi giấy phép lao động của người nước ngoài theo quy định của pháp luật.
3. Chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động trong các Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài; phối hợp với các cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Trách nhiệm của Cục Thuế
1. Hướng dẫn, tổ chức thu thuế và kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ nộp các loại thuế do pháp luật quy định đối với văn phòng đại diện, chi nhánh và các nhân viên Việt
2. Thực hiện kiểm tra quyết toán thuế ngay khi có thông báo dự kiến đóng cửa, đảm bảo thu đủ thuế và kịp thời hạn cho việc giải thể, đóng cửa Văn phòng đại diện, Chi nhánh.
3. Phối hợp với Sở Thương mại, Công an Thành phố về thủ tục cấp, kiểm tra Giấy xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho người nước ngoài tại cửa khẩu xuất cảnh khi kết thúc nhiệm kỳ công tác, kinh doanh ở Việt Nam.
4. Hướng dẫn, kiểm tra Sở Thương mại trong việc thu và sử dụng lệ phí cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép thành lập văn phòng đại diện theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Tài chính
1. Bố trí kinh phí hoạt động quản lý và phối hợp quản lý các Văn phòng đại diện, chi nhánh trong dự toán hàng năm của Sở Thương mại Hà Nội.
2. Hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan trong việc thu và sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính đối với các Văn phòng đại diện, Chi nhánh và nhân viên của Văn phòng đại diện, chi nhánh theo quy định của Nhà nước.
Điều 9. Trách nhiệm của các cơ quan khác
Ngoài các đơn vị đã được phân công trách nhiệm cụ thể tại các Điều 4,5,6.7,8 nêu trên, các cơ quan khác có trách nhiệm giải quyết các vấn đề về lãnh sự, dân sự, xuất nhập khẩu đối với Văn phòng đại diện, Chi nhánh và nhân viên của văn phòng đại diện, chi nhánh theo thẩm quyền, nhiệm vụ của mình và theo các quy định của pháp luật. Trong quá trình giải quyết các vấn đề này phải đảm bảo sự phối hợp theo quy định của Quy chế này.
Chương 3
QUAN HỆ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN TRONG VIỆC QUẢN LÝ VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN, CHI NHÁNH THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI
Điều 10. Đầu mối phối hợp
Sở thương mại có trách nhiệm:
1. Chủ trì tổ chức việc phối hợp hoạt động giữa các cơ quan theo trách nhiệm đã được phân công quy định tại Quy chế này.
2. Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất, kiến nghị với Ủy ban nhân dân Thành phố xử lý các vụ, việc do các cơ quan này phát hiện và báo cáo theo quy định tại khoản 3 Điều 2, khoản 1 Điều 11 của Quy chế này.
3. Yêu cầu các cơ quan cung cấp thông tin, báo cáo kịp thời về tình hình của Văn phòng đại diện, Chi nhánh, việc xử lý các vụ việc thuộc thẩm quyền của ngành chuyên môn theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Quy chế này, tổng hợp tình hình báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.
4. Chủ động thảo luận, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, kiến nghị với Ủy ban nhân dân Thành phố và các Bộ, Ngành, Trung ương để bổ sung, điều chỉnh những điểm không phù hợp với tình hình thực tế, tạo sự thống nhất, đồng bộ, kịp thời trong việc chỉ đạo cấp phép và quản lý Văn phòng đại diện, Chi nhánh.
5. Định kỳ sáu tháng một lần, Sở Thương mại tổ chức họp giao ban giữa các cơ quan để kiểm điểm tình hình cấp phép, quản lý Văn phòng đại diện, Chi nhánh.
Điều 11. Trách nhiệm của các Sở, Ban, Ngành của Thành phố
1. Giải quyết những vấn đề có liên quan đến các Văn phòng đại diện, Chi nhánh theo thẩm quyền và đồng thời gửi báo cáo cho Sở Thương mại để tổng hợp chung. Phối hợp với Sở Thương mại đề xuất biện pháp xử lý đối với những trường hợp vượt thẩm quyền để trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.
2. Cử cán bộ, chuyên viên tham gia phối hợp công tác theo đề nghị của Sở Thương mại.
3. Thực hiện chế độ thông tin thường xuyên hoặc đột xuất về tình hình có liên quan đến công tác quản lý Văn phòng đại diện, Chi nhánh thuộc lĩnh vực ngành mình phụ trách với Sở Thương mại để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.
Điều 12. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Cán bộ, công chức có thành tích trong công tác quản lý Văn phòng đại diện,chi nhánh được khen thưởng theo qui định của pháp luật.
2. Cán bộ, công chức khi thi hành công vụ nếu vi phạm các quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Điều khoản sửa đổi, bổ sung
Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có vướng mắc, Sở Thương mại có trách nhiệm tập hợp, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố để sửa đổi bổ sung cho phù hợp.