cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 1691/QĐ-TCHQ ngày 24/09/2007 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Quy định sử dụng trang phục hải quan (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 1691/QĐ-TCHQ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Ngày ban hành: 24-09-2007
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Ngày hết hiệu lực: 00/00/0000
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Văn bản này đã hết hiệu lực.

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1691/QĐ-TCHQ

Hà Nội, ngày 24 tháng 09 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH SỬ DỤNG TRANG PHỤC HẢI QUAN

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Luật Hải quan ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan ngày 14/6/2005;

Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26/02/1998; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 28/4/2000 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29/4/2003;

Căn cứ Nghị định 96/2002/NĐ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan;

Căn cứ Nghị định số 10/2005/NĐ-CP ngày 31/01/2005 của Chính phủ quy định về Cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, hải quan hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, trang phục, giấy chứng minh hải quan;

Căn cứ Thông tư số 41/2005/TT-BTC ngày 26/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số Điều của Nghị định số 10/2005/NĐ-CP ngày 31/01/2005 của Chính phủ quy định về Cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, hải quan hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, trang phục, giấy chứng minh hải quan;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định sử dụng trang phục Hải quan đối với cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong ngành Hải quan (dưới đây gọi chung là công chức Hải quan) và trang phục đối với lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2008. Các văn bản trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng Tổng cục, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài chính;
+ Thứ trưởng Trương Chí Trung: để b/c;
+ Văn phòng, Vụ TCCB, Thanh tra;
- Lãnh đạo TCHQ;
- Lưu: VT, TCCB (5b).

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Lê Mạnh Hùng

 

QUY ĐỊNH

SỬ DỤNG TRANG PHỤC HẢI QUAN
(Kèm theo Quyết định số 1691/QĐ-TCHQ ngày 24/9/2007)

Sử dụng trang phục Hải quan của cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong ngành Hải quan (dưới đây gọi chung là công chức Hải quan) thể hiện tính văn minh, lịch sự và thống nhất trong toàn lực lượng, góp phần xây dựng Hải quan Việt Nam ngày càng chính quy và từng bước hiện đại. Tổng cục Hải quan ban hành Quy định sử dụng trang phục Hải quan Việt Nam đối với công chức hải quan và trang phục đối với lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP như sau:

MỤC I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Trang phục Hải quan Việt Nam:

1. Trang phục Hải quan Việt Nam theo Quy định của Chính phủ (dưới đây gọi là trang phục Hải quan) bao gồm: Áo, quần (lễ phục, xuân - hè, thu - đông), mũ kêpi (lễ phục, xuân - hè, thu - đông), mũ mềm, mũ bông, caravat, giầy, áo mưa, trang phục chống rét và các trang phục niên hạn khác (thắt lưng, găng tay, quần áo bảo hộ lao động).

Trên trang phục Hải quan chỉ được mang, đeo: Hải quan hiệu gắn trên mũ; phù hiệu Hải quan (cành tùng) gắn trên ve cổ áo; cấp hiệu Hải quan (cầu vai) mang trên vai áo theo quy định về cấp hiệu đối với từng chức danh lãnh đạo, từng ngạch công chức Hải quan và đeo thẻ công chức trên ngực trái.

2. Công chức Hải quan làm việc tại công sở và thi hành công vụ ngoài công sở đều phải mang, mặc trang phục Hải quan theo đúng quy định và đeo thẻ công chức Hải quan.

Riêng đối với một số trường hợp sau đây khi thi hành công vụ ngoài công sở được mặc thường phục:

- Lực lượng kiểm soát chống buôn lậu, lực lượng kiểm soát phòng, chống ma túy theo yêu cầu phải giữ bí mật;

- Công chức Hải quan thuộc Cơ quan Tổng cục khi đi giao dịch, làm việc với các cơ quan, tổ chức ngoài ngành Hải quan; khi đi công tác, làm việc với các Cục Hải quan địa phương;

- Công chức Hải quan thuộc Cục Hải quan địa phương khi đi giao dịch, làm việc với các cơ quan, tổ chức ngoài ngành; khi về làm việc tại Tổng cục Hải quan;

- Công chức Hải quan tham dự các lớp học, tập huấn, khóa đào tạo do ngoài ngành tổ chức hoặc trong ngành Hải quan tổ chức (nếu không có yêu cầu phải mang, mặc trang phục Hải quan).

3. Công chức Hải quan là nữ mang thai từ tháng thứ 3 trở đi được mặc thường phục.

4. Công chức Hải quan khi tham dự các cuộc họp, hội nghị của ngành thì đều phải mang, mặc trang phục Hải quan hoặc lễ phục Hải quan (khi có yêu cầu) theo đúng quy định.

MỤC II. SỬ DỤNG TRANG PHỤC HẢI QUAN

Điều 2. Sử dụng trang phục xuân-hè, thu-đông:

1. Mũ kê pi:

- Mũ có gắn Hải quan hiệu. Khi đội mũ, Hải quan hiệu hướng ra phía trước, mũ đội phải ngay ngắn và gài quai sát cằm. Chỉ đội mũ khi thi hành công vụ ngoài công sở hoặc đi trên đường có mang, mặc trang phục Hải quan (trừ trường hợp phải đội mũ bảo hiểm).

- Khi vào phòng làm việc thì không đội mũ, mũ được để trên giá hoặc treo trên tường - nơi trang trọng theo quy định thống nhất của đơn vị. Nếu để trên giá thì Hải quan hiệu hướng ra ngoài, nếu treo trên tường thì Hải quan hiệu hướng xuống dưới.

- Khi hội họp, nếu có bàn làm việc thì để mũ lệch bên trái chỗ ngồi của mình, Hải quan hiệu hướng ra phía trước.

2. Áo, quần:

- Khi mặc phải được làm phẳng, sạch sẽ, gọn gàng ngay ngắn, phải gài đủ khuy, cúc áo, không để đồ vật làm căng phồng túi quần, túi áo.

- Áo mặc trong trang phục thu - đông (dùng cho cả lễ phục) là áo sơ mi màu trắng, dài tay, cổ đứng và phải thắt caravat Hải quan.

3. Giầy:

- Khi mặc trang phục Hải quan phải đi giầy da màu đen, thấp cổ (dùng cho cả lễ phục), có dây buộc chắc chắn, gọn gàng, không để tất chân chùm lên cổ giầy. Không dùng giầy khác kiểu, khác mầu quy định của Hải quan.

- Khi cần thiết phải đi dép có quai sau hoặc đi ủng ở nơi có bùn nước, dầu mỡ, lạnh giá… do lãnh đạo cấp phòng, Chi cục và tương đương trở lên quyết định. Riêng lực lượng Kiểm soát chống buôn lậu được sử dụng giầy đặc chủng riêng trong khi thi hành công vụ.

4. Một số trang phục khác do Tổng cục hoặc đơn vị may, mua, cấp phát:

4.1. Mũ mềm: kiểu mũ mềm của bộ đội Hải quân, có gắn Hải quan hiệu. Khi đội mũ, Hải quan hiệu hướng ra phía trước, mũ đội phải ngay ngắn. Chỉ đội mũ khi thi hành công vụ ngoài công sở - nơi điều kiện chật hẹp không đội mũ kêpi được.

4.2. Trang phục chống rét, gồm mũ bông, áo bông, áo len, găng tay len giành cho công chức thường xuyên làm việc tại cửa khẩu biên giới, hải đảo, kiểm soát chống buôn lậu trên biển nơi chịu ảnh hưởng của thời tiết giá lạnh. Khi sử dụng phải thống nhất, đồng bộ theo quy định của đơn vị, trong đó:

- Mũ bông: kiểu mũ bông của bộ đội biên phòng, khi đội phải gắn Hải quan hiệu, nếu bỏ tai mũ xuống hoặc vén tai mũ lên phải cài khuy hoặc buộc dây gọn gàng.

- Áo bông: Khi mặc có yêu cầu phải đeo phù hiệu, cấp hiệu Hải quan thì đeo phù hiệu, cấp hiệu theo đúng quy định.

- Áo len dài tay: được mặc trong áo thu - đông.

4.3. Ủng: khi đi ủng thay cho giầy thì ống quần phải cho gọn gàng trong ủng.

4.4. Quần, áo, mũ bảo hộ lao động giành cho công chức khi vận hành, sửa chữa tàu thuyền thì không phải đeo phù hiệu, cấp hiệu Hải quan.

4.5. Áo blue trắng giành cho công chức sử dụng khi làm việc trong phòng thí nghiệm tại các Trung tâm phân tích, phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

5. Khi mang, mặc trang phục Hải quan, không được đeo kính đen.

Điều 3. Sử dụng lễ phục Hải quan:

1. Lễ phục Hải quan mùa hè được sử dụng trong mùa xuân - hè; lễ phục Hải quan mùa đông được sử dụng trong mùa thu - đông.

2. Mang, mặc lễ phục Hải quan phải đồng bộ gồm: áo, quần, mũ kê pi, phù hiệu, cấp hiệu, caravat, giầy, găng tay trắng (khi cần), thắt lưng theo đúng quy định lễ phục Hải quan.

3. Lễ phục Hải quan được sử dụng khi tham dự các buổi lễ mít tinh trọng thể, các ngày lễ lớn của đất nước, các buổi đón tiếp khách là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các cuộc mít tinh, hội họp trọng thể của ngành Hải quan, của đơn vị và các cuộc hội đàm, đón tiếp khách nước ngoài (khi có yêu cầu). Trên lễ phục Hải quan được đeo Huân chương, Huy chương, Kỷ niệm chương, Huy hiệu… (nếu có) do Nhà nước Việt Nam và nước ngoài tặng thưởng.

Điều 4. Thời gian sử dụng trang phục Hải quan:

1. Trang phục xuân - hè: sử dụng từ ngày 16/4 đến ngày 15/10 hàng năm; Trang phục thu - đông: sử dụng từ ngày 16/10 của năm trước đến ngày 15/4 của năm sau.

Căn cứ vào thời tiết thực tế (nóng, lạnh) tại từng địa phương, đơn vị thống nhất thời gian sử dụng trang phục xuân - hè, thu - đông có thể sớm hơn hoặc muộn hơn quy định trên.

2. Trang phục thu - đông chủ yếu áp dụng thường xuyên về mùa thu và mùa đông đối với các đơn vị ở các tỉnh, thành phố phía bắc và một số địa phương có khí hậu giá lạnh. Các đơn vị khác, nơi không có khí hậu giá lạnh nhưng có nhu cầu sử dụng trang phục thu - đông phải lập kế hoạch cụ thể, được lãnh đạo Tổng cục phê duyệt mới được tổ chức may mặc và sử dụng với số lượng phù hợp.

Điều 5. Quản lý trang phục Hải quan

1. Công chức Hải quan khi được cấp trang phục Hải quan phải có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn cẩn thận và khi sử dụng phải đúng mục đích, đúng quy định. Nghiêm cấm công chức hải quan cho, mượn, đổi, bán trang phục Hải quan đối với người ngoài ngành Hải quan.

2. Khi công chức Hải quan chuyển ngành, thôi việc hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc thì Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm thu hồi lại Hải quan hiệu, phù hiệu, cấp hiệu Hải quan.

3. Công chức Hải quan khi nghỉ hưu, được mang về gia đình một bộ Hải quan hiệu, phù hiệu, cấp hiệu để làm kỷ niệm và để sử dụng khi được Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Tổng cục Hải quan mời dự các ngày lễ trang trọng có quy định mang mặc trang phục Hải quan.

4. Đối với lãnh đạo Tổng cục, khi chuyển công tác sang ngành khác, được giữ lại bộ lễ phục Hải quan (xuân hè, thu đông) và Hải quan hiệu, phù hiệu, cấp hiệu để sử dụng khi được ngành Hải quan mời tham dự các ngày lễ trang trọng có quy định mang mặc trang phục Hải quan.

Điều 6. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Việc chấp hành tốt Quy định mang mặc trang phục Hải quan sẽ là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua xếp loại hàng tháng và bình xét, đánh giá thi đua, phân loại cuối năm đối với tập thể và cá nhân cán bộ, công chức Hải quan.

2. Cá nhân cán bộ công chức vi phạm Quy định mang mặc trang phục Hải quan chưa đến mức phải xử lý kỷ luật thì khi đánh giá phân loại hàng tháng, thực hiện như sau:

Trong tháng không mang, mặc trang phục Hải quan theo quy định không quá 2 lần thì nhắc nhở, phê bình; lần thứ ba: xếp loại B; lần thứ tư: xếp loại C; lần thứ năm: xếp loại D;

3. Công chức Hải quan vi phạm Quy định mang mặc trang phục Hải quan trên năm lần trong tháng sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc kéo dài thời hạn nâng bậc lương (vì tái phạm nhiều lần, không chấp hành nghiêm túc quy định của Tổng cục).

MỤC III. SỬ DỤNG TRANG PHỤC ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG HỢP ĐỒNG THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 68/2000/NĐ-CP

Điều 7. Trang phục lao động hợp đồng

1. Người làm việc trong ngành Hải quan theo chế độ lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP như: Bảo vệ, lái xe, phục vụ, tin học, kỹ thuật trên tàu kiểm soát chống buôn lậu, huấn luyện viên chó nghiệp vụ… (gọi chung là lao động hợp đồng) được cấp áo, quần đồng phục: xuân - hè, thu - đông, lễ phục.

2. Kiểu dáng, màu sắc trang phục đối với người lao động hợp đồng theo quy định của ngành Hải quan. Riêng lực lượng Bảo vệ thì trang phục gồm: quần áo (xuân - hè, thu - đông, lễ phục), mũ kêpi, giầy, sao hiệu bảo vệ, cấp hiệu bảo vệ, phù hiệu bảo vệ theo quy định tại Thông tư số 10/2002/TT-BCA(11) ngày 26/8/2002 của Bộ Công an, nhưng màu sắc như màu sắc trang phục công chức Hải quan.

3. Trang phục lao động hợp đồng do Tổng cục Hải quan hoặc đơn vị sử dụng lao động hợp đồng may đo, cấp phát cho người lao động.

Điều 8. Sử dụng trang phục lao động hợp đồng

1. Người lao động hợp đồng trong ngành Hải quan làm việc trong công sở đều phải mang, mặc trang phục lao động hợp đồng theo quy định của ngành Hải quan.

2. Người lao động hợp đồng, khi được cấp trang phục phải có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn cẩn thận và khi sử dụng phải đúng mục đích, đúng quy định. Nghiêm cấm việc cho, mượn, đổi, bán trang phục đối với người ngoài ngành Hải quan (nhất là đối với lực lượng Bảo vệ).

3. Đối với lực lượng Bảo vệ khi thôi việc, chuyển ra khỏi ngành Hải quan hoặc bị kỷ luật sa thải thì Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm thu hồi sao hiệu, cấp hiệu, phù hiệu của nhân viên bảo vệ đó.

MỤC IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của các đơn vị

1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm phổ biến, quán triệt đến công chức, người lao động hợp đồng trong đơn vị mình và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy định trên.

2. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, trên cơ sở tiêu chuẩn trang phục Hải quan, trang phục lao động hợp đồng chịu trách nhiệm lập kế hoạch hàng năm trình Lãnh đạo Tổng cục duyệt để đảm bảo mua sắm, cấp phát các loại trang phục cho toàn ngành Hải quan như: vải may trang phục, cờ truyền thống, cờ hiệu của Hải quan, biểu tượng Hải quan, Hải quan hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, mũ kêpi, mũ mềm, mũ bông, áo mưa, thắt lưng, caravat, giầy và các trang phục niên hạn khác; hướng dẫn cho các đơn vị trong Ngành tổ chức may trang phục theo đúng mẫu và thanh quyết toán đầy đủ, kịp thời theo quy định.

3. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị dự toán ngân sách cấp 3 thuộc Cơ quan Tổng cục chịu trách nhiệm tổ chức may đo, quản lý, cấp phát trang phục Hải quan, trang phục lao động hợp đồng thuộc đơn vị mình theo đúng mẫu quy định.

4. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì cùng các đơn vị chức năng giúp lãnh đạo Tổng cục kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong Ngành thực hiện Quy định này; kịp thời phát hiện và đề xuất lãnh đạo Tổng cục xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân thực hiện không đúng quy định và xem xét thi đua, khen thưởng các đơn vị, cá nhân chấp hành tốt Quy định này./.