cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 2653/2007/QĐ-UBND ngày 14/09/2007 Về phân cấp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 2653/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Hà Giang
  • Ngày ban hành: 14-09-2007
  • Ngày có hiệu lực: 24-09-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-01-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2685 ngày (7 năm 4 tháng 10 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 30-01-2015
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 30-01-2015, Quyết định số 2653/2007/QĐ-UBND ngày 14/09/2007 Về phân cấp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 218/QĐ-UBND ngày 30/01/2015 Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong năm 2014”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 2653/2007/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 14 tháng 09 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÂN CẤP THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI, TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định số: 34/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Căn cứ Thông tư liên tịch số 83/2003/TTLT-BTC-BTNMT ngày 27 tháng 8 năm 2003 giữa Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phân cấp, quản lý và thanh quyết toán kinh phí đo đạc bản đồ và quản lý đất đai;
Căn cứ Thông tư liên tịch số: 114/2006/TTLT-BTC-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2006 giữa Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quản lý sự nghiệp môi trường;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phân cấp thực hiện một số nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý đất đai:

1. Đối với UBND các huyện, thị xã:

Thực hiện các bước tư vấn địa điểm đối với việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép khai thác khoáng sản, cấp phép khai thác nước, sử dụng nước mặt, xả nước vào nguồn nước:

1.1. Tư vấn địa điểm thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, các dự án sử dụng đất. Trừ một số trường hợp sau:

Tư vấn địa điểm sử dụng đất thực hiện dự án an ninh, quốc phòng; xây dựng thủy điện; khai thác khoáng sản (không phải là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) công trình theo tuyến qua 2 huyện trở lên, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dự án sử dụng đất trên 30 ha và những trường hợp đặc biệt khác khi có yêu cầu của UBND tỉnh.

1.2. Tư vấn địa điểm cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, điểm mỏ. Trừ một số trường hợp sau:

Khoáng sản không phải là vật liệu xây dựng thông thường; điểm mỏ vào đất an ninh, quốc phòng, di tích văn hóa lịch sử; điểm mỏ có diện tích trên 10 ha; điểm mỏ liên quan đến vùng cấm, vùng tạm cấm.

1.3. Tư vấn địa điểm cấp phép khai thác nước, sử dụng nước mặt, xả nước thải vào nguồn. Trừ một số trường hợp sau:

Nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và nước thải thuộc khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế; nguồn nước liên quan đến các huyện, chuyển nguồn nước sang lưu vực khác.

1.4. Thực hiện các trình tự, thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện cho hộ gia đình, cá nhân.

1.5. Đăng ký sử dụng đất và điều chỉnh biến động về sử dụng đất theo quy định của pháp luật khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân.

1.6. Lưu trữ và quản lý toàn bộ hồ sơ địa chính đối với tất cả các thửa đất thuộc phạm vi địa giới hành chính cấp huyện theo trích sao hồ sơ địa chính gốc đã chỉnh lý do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh gửi tới; hướng dẫn kiểm tra việc lưu trữ, quản lý và chỉnh lý toàn bộ bản sao hồ sơ địa chính của UBND xã, phường, thị trấn.

1.7. Lưu trữ, quản lý bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ khác hình thành trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính quy định tại điểm 1.5 khoản 1 Điều này.

1.8. Thực hiện trích đo địa chính thửa đất; thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp huyện và cấp xã.

1.9. Cung cấp bản đồ địa chính, trích lục bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính, các thông tin khác về đất đai phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của cộng đồng.

1.10. Phối hợp với các ngành cấp tỉnh thực hiện việc đánh giá phân hạng đất; lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

1.11. Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất định kỳ, kế hoạch điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất đai hàng năm của địa phương.

1.12. Tập huấn chuyên môn cho cán bộ Tài nguyên và Môi trường cấp xã.

2. Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường:

2.1. Thực hiện các trình tự, thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài.

Đăng ký biến động sử dụng đất và điều chỉnh biến động về sử dụng đất theo quy định của pháp luật khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

2.2. Thực hiện việc ủy quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại điều 56 của Nghị định số: 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai.

2.3. Lập và quản lý toàn bộ hồ sơ địa chính gốc đối với tất cả các thửa đất thuộc phạm vi địa giới hành chính cấp tỉnh; cấp bản sao hồ sơ địa chính từ hồ sơ địa chính gốc cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện và UBND xã, phường, thị trấn.

2.4. Chỉnh lý hồ sơ địa chính khi có biến động về sử dụng đất theo thông báo của Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện; chuyển trích sao hồ sơ địa chính gốc đã chỉnh lý cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện và UBND xã, phường, thị trấn để chỉnh lý bản sao hồ sơ địa chính.

2.5. Quản lý bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ khác hình thành trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính quy định tại điểm 2.1 khoản 2 điều này.

2.6. Thực hiện việc thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp tỉnh.

2.7. Xây dựng, quản lý và phát triển hệ thống thông tin đất đai; cung cấp bản đồ địa chính, trích lục bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính, các thông tin khác về đất đai phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của cộng đồng.

2.8. Xây dựng và đo vẽ lưới địa chính cấp I và cấp II.

2.9. Đo vẽ chi tiết, thành lập bản đồ địa chính sau khi có bản đồ địa chính cơ sở tỷ lệ 1/10.000 do Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp.

2.10. Đo vẽ bản đồ địa chính các khu vực không có bản đồ địa chính cơ sở có tọa độ tỷ lệ lớn 1/200, 1/500.

2.11. Thành lập và in bản đồ hành chính cấp huyện, cấp xã.

2.12. Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất định kỳ và điều chỉnh quy hoạch kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

2.13. Xây dựng bộ đơn giá sản phẩm đo đạc bản đồ và bộ đơn giá lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh.

2.14. Tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ tài nguyên và môi trường cấp huyện.

3. Kinh phí đảm bảo đối với lĩnh vực đất đai được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 83/2003/TTLT-BTC-BTNMT ngày 27 tháng 8 năm 2003 giữa Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phân cấp, quản lý và thanh quyết toán kinh phí đo đạc bản đồ và quản lý đất đai.

Điều 2. Phân cấp thực hiện một số nhiệm vụ trong lĩnh vực môi trường.

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a. Thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản, khảo sát, báo cáo, cảnh báo, lập dự án, đề án về môi trường:

- Thực hiện hoạt động của hệ thống quan trắc và phân tích môi trường; xây dựng và thực hiện các chương trình quan trắc môi trường tại địa phương.

- Điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường, đánh giá tác động môi trường tổng hợp, dự báo diễn biến môi trường.

- Xây dựng và thẩm định dự án, đề án về môi trường.

b. Xây dựng và duy trì hoạt động của hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường của tỉnh, hệ thống thông tin cảnh báo môi trường cộng đồng.

c. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về môi trường.

d. Hoạt động của Ban Chỉ đạo, Ban điều hành, Văn phòng thường trực về bảo vệ môi trường cấp Tỉnh; vốn đối ứng các dự án hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường (nếu có).

đ. Thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

2. UBND các huyện, thị xã:

a. Hỗ trợ hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý giảm thiểu ô nhiễm, tái chế, chôn lấp chất thải thông thường, vận hành hoạt động các bãi chôn lấp chất thải.

b. Điều tra thống kê, đánh giá chất thải, tình hình ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường.

c. Hoạt động tham gia phân tích các yếu tố về môi trường phục vụ việc đánh giá tác động môi trường.

d. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường.

đ. Thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường.

e. Hoạt động của Ban Chỉ đạo, Ban điều hành, Văn phòng thường trực về bảo vệ môi trường cấp huyện.

3. Đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan:

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp để tổ chức thực hiện tốt trong lĩnh vực môi trường.

4. Kinh phí đảm bảo đối với lĩnh vực Môi trường được thực hiện theo Thông tư liên tịch số: 114/2006/TTLT-BTC-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2006 giữa Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quản lý sự nghiệp môi trường.

Điều 3. Thực hiện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về: thẩm quyền; thủ tục; thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số: 1919/QĐ-UBND ngày 16/7/2007 của UBND tỉnh Hà Giang.

Điều 5. Chánh văn phòng UBND Tỉnh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thủ trưởng các cơ quan có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- TTr Tỉnh ủy;
- Đoàn ĐBQH khóa XII;
- TTr HĐND tỉnh;
- TTr UBND tỉnh;
- Như điều 5;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể;
- Công báo tỉnh;
- LĐ VP UBND tỉnh;
- Lưu VT, CV NCTH.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Trường Tô