cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 16/2007/CT-UBND ngày 27/03/2007 Về cấm thả nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Lăng Cô do Tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 16/2007/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Ngày ban hành: 27-03-2007
  • Ngày có hiệu lực: 06-04-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-03-2018
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4001 ngày (10 năm 11 tháng 21 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 20-03-2018
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 20-03-2018, Chỉ thị số 16/2007/CT-UBND ngày 27/03/2007 Về cấm thả nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Lăng Cô do Tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định 17/2018/QĐ-UBND về bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

 ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2007/CT-UBND

Huế, ngày 27 tháng 3 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CẤM THẢ NUÔI TÔM CHÂN TRẮNG TRÊN VÙNG ĐẦM PHÁ TAM GIANG - CẦU HAI, LĂNG CÔ.

Tôm chân trắng (Litopenaes vannamei hoặc Penaes vannamei), bắt đầu được nuôi thử nghiệm tại Thừa Thiên Huế từ năm 2003, trên vùng cát ven biển huyện Phong Điền, huyện Phú Vang; thời gian qua cũng đã có một số hộ thả nuôi tôm chân trắng trong vùng nuôi tôm sú thuộc đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô. Qua quá trình thử nghiệm và thực tế cho thấy tôm phát triển tốt cho năng suất cao, giá thành thấp. Tuy nhiên, tôm chân trắng có những yếu điểm cơ bản như thường mắc các bệnh của tôm sú, nguy cơ tiềm ẩn hội chứng Taura gây nên dịch bệnh rất lớn và có thể nhiễm bệnh sang các đối tượng tôm khác, làm thiệt hại nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản và môi trường tự nhiên.

Thực hiện Chỉ thị số 01/2004/CT-BTS ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc tăng cường quản lý tôm chân trắng ở Việt Nam, Quyết định số 176/QĐ-BTS ngày 01 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành một số qui định tạm thời đối với tôm chân trắng; qui định vùng được nuôi tôm chân trắng.

Để ngăn chặn tình trạng bùng phát nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá, đảm bảo phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, tránh nguy cơ xảy ra hội chứng Taura, tác động tiêu cực đến nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài cho vùng đầm phá, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Nghiêm cấm tất cả các tổ chức, cá nhân tiến hành mọi hoạt động sản xuất, vận chuyển, dịch vụ từ bên ngoài vào để thuần dưỡng và thả nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô, gồm tất cả các ao cao triều, trung triều, hạ triều dưới mọi hình thức.

2. Giám đốc Sở Thủy sản có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các công việc sau:

a) Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh phối hợp với Báo Thừa Thiên-huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Trung tâm truyền hình Trung ương đóng trên địa bàn và các đơn vị liên quan:

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Chỉ thị này đến các tổ chức, các hộ nuôi tôm ở các xã trên đầm phá;

Tăng cường kiểm tra kiểm soát các vùng nuôi, các hộ nuôi trên địa bàn vùng đầm phá để kịp thời ngăn chặn những trường hợp vi phạm;

b) Trung tâm Khuyến ngư tỉnh, Trung tâm Giống thủy sản nước lợ phối hợp với các đơn vị các tổ chức liên quan và Ủy ban nhân dân các xã vùng đầm phá:

Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và giám sát việc chấp hành Chỉ thị này trong các đơn vị, các tổ chức, các hội nghề nghiệp, người nuôi thuộc vùng đầm phá. Hướng dẫn, phổ biến các qui định vùng được nuôi, vùng cấm nuôi tôm chân trắng đến hộ nuôi tôm; huy động lực lượng khuyến ngư viên kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ giống tôm chân trắng, phát hiện các trường hợp vi phạm để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

c) Thanh tra Thủy sản tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương các xã có nuôi tôm: tổ chức thanh tra, kiểm tra các vùng nuôi, tiến hành xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nội dung Chỉ thị này.

3. Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền chỉ đạo các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các xã thuộc địa bàn quản lý có nuôi tôm trên vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Lăng Cô, các xã ven biển có nuôi tôm chân trắng:

a) Phối hợp với các tổ chức, các cơ quan liên quan, các đoàn thể để tổ chức tuyên truyền, quán triệt và vận động người dân chấp hành nghiêm Chỉ thị này;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã tổ chức kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và trực tiếp xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc phối hợp với cơ quan chức năng xử lý đối với các trường hợp vi phạm trên địa bàn xã quản lý;

c) Địa phương nào để người dân tiếp tục thả nuôi tôm chân trắng trên các ao hồ thuộc vùng cấm nuôi tại địa phương đó thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện.

4. Xử lý vi phạm: Các tổ chức, các cá nhân có hành vi thả nuôi tôm chân trắng vi phạm Chỉ thị này thì bị xử lý vi phạm hành chính theo qui định tại Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2005 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

5. Chỉ thị này được phổ biến đến tận các tổ chức, cá nhân có liên quan và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

6. Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện có vùng đầm phá, Giám đốc Sở Thủy sản và các ban, ngành liên quan, khẩn trương nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị, địa phương có khó khăn vướng mắc cần phản ảnh kịp thời về Sở Thủy sản để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

7. Giao Sở Thủy sản theo dõi, tổng hợp và báo cáo hàng tháng cho Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện