cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 98/2007/QĐ-UBND ngày 30/08/2007 Quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 98/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Ngày ban hành: 30-08-2007
  • Ngày có hiệu lực: 14-09-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-02-2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 506 ngày (1 năm 4 tháng 21 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-02-2009
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-02-2009, Quyết định số 98/2007/QĐ-UBND ngày 30/08/2007 Quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 51/2009/QĐ-UBND ngày 22/01/2009 Ban hành Quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
******

Số: 98/2007/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 30 tháng 08 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIẾT MỔ, VẬN CHUYỂN, CHẾ BIẾN, BUÔN BÁN GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 26/7/2003;
Căn cứ Pháp lệnh thú y của Ủy ban thường vụ Quốc hội số ngày 29/4/2004;
Căn cứ Quyết định số 43/2006/QĐ-TTg  ngày 20/2/2006 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hành động Quốc gia đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07/9/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm; Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/5/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh thú y; Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội tại Tờ trình số 79/TTr-STM ngày 31 tháng 7 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các Quy định trước đây của Ủy ban nhân dân Thành phố trái với những Quy định tại Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc các Sở, Ngành: Thương mại, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông-Công chính, Công an Thành phố và các Sở, Ngành liên quan, Chủ tịch UBND các quận, huyện; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Thành ủy, TT HĐND TP (để b/cáo);
- Đ/c Chủ tịch UBND TP HN (để b/cáo);
- Các đ/c PCT UBND TP HN;
- Như Điều 3 (để t/hiện);
- V2, CNq, THKT;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phí Thái Bình

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIẾT MỔ, VẬN CHUYỂN, CHẾ BIẾN, BUÔN BÁN GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 98/2007/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2007 của UBND Thành phố Hà Nội)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

Mọi tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm đều phải chấp hành nghiêm chỉnh Quy định này và chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát hoặc xử lý nếu có vi phạm trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nguyên tắc chung

1. Có đăng ký kinh doanh, giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.

2. Địa điểm kinh doanh phải đúng quy định theo tiêu chuẩn của Quy chế này và có Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của Sở Y tế theo quy định tại Nghị định 163/2004/NĐ-CP ngày 07/9/2004 của Chính phủ.

3. Phương tiện vận chuyển chuyên dụng phải đúng quy định của Thành phố.

4. Người trực tiếp tham gia hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm phải có đủ sức khỏe, không mắc bệnh truyền nhiễm; phải có giấy chứng nhận về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.

5. Tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và các quy định về an ninh, trật tự an toàn xã hội, quản lý đô thị.

Chương 2:

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm

Giết mổ gia súc, gia cầm chỉ được hoạt động khi có đủ các điều kiện sau:

1. Cơ sở giết mổ được xây dựng theo quy hoạch của UBND thành phố, cách xa khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, nơi nhiễm độc, nhiễm bẩn; có tường bao quanh, cao tối thiểu 2m.

2. Mặt bằng cơ sở giết mổ có diện tích phù hợp với quy mô công nghiệp và đảm bảo phân chia thành các khu riêng biệt, bao gồm:

a. Khu nhốt gia súc, gia cầm sống.

b. Khu nhốt và xử lý gia súc, gia cầm ốm, bệnh, không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y.

c. Khu giết mổ gia súc, gia cầm.

d. Khu bảo quản sản phẩm sau khi giết mổ.

đ. Nhà điều hành và kho tàng.

Quy trình giết mổ phải được tuân thủ theo quy trình công nghệ do nhà cung cấp thiết bị quy định.

3. Có nơi vệ sinh, tắm rửa và thay quần áo cho người giết mổ.

4. Đủ nước sạch, ánh sáng phục vụ giết mổ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được tổ chức kiểm tra thú y.

5. Nền nhà được làm bằng vật liệu phù hợp không thấm đọng nước và dễ làm vệ sinh. Hệ thống thoát nước thải phải kín, không ứ đọng; có hố ga, bể chứa nước thải và hệ thống xử lý chất thải theo quy định của cơ quan thú y.

6. Đăng ký nội dung hoạt động với cơ quan thú y theo quy định.

7. Gia súc, gia cầm khi đưa vào giết mổ phải khỏe mạnh, có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hợp lệ.

Điều 4. Hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm

1. Gia súc, gia cầm vận chuyển từ các tỉnh về Hà Nội, từ Hà Nội đi các tỉnh phải có giấy chứng nhận kiểm dịch do Chi cục thú y địa phương nơi cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm đăng ký cấp; gia súc, gia cầm chỉ được vận chuyển đến cơ sở giết mổ được phép thành lập của UBND thành phố, trên cơ sở hợp đồng kinh tế giữa cơ sở giết mổ với doanh nghiệp, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm.

2. Cấm vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm từ các vùng có dịch bệnh vào những vùng không có dịch. Cấm vận chuyển gia súc, gia cầm vào khu vực nội thành, nội thị.

3. Sản phẩm gia súc, gia cầm phải có giấy chứng nhận kiểm dịch và có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem kiểm tra vệ sinh thú y. Sản phẩm gia súc, gia cầm khi vận chuyển phải được để trong các loại bao bì kín đáo đảm bảo không độc hại, không ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm.

4. Phương tiện vận chuyển phải là phương tiện chuyên dụng theo tiêu chuẩn, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, tiêu độc, khử trùng, được cơ quan thú y cấp Giấy chứng nhận vệ sinh thú y. Cấm vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên xe máy, xích lô, xe đạp hoặc các phương tiện thô sơ khác.

Điều 5. Hoạt động chế biến, buôn bán các sản phẩm gia súc, gia cầm

1. Các sản phẩm gia súc, gia cầm bán ra trên thị trường phải được lấy từ các cơ sở giết mổ có đủ điều kiện theo Điều 3 của Quy định này và được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cho phép, được cơ quan thú y kiểm tra đóng dấu kiểm soát giết mổ. Cấm bán các sản phẩm gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, nhiễm bệnh, ôi thiu, có độc tố, có ký sinh trùng hoặc vi sinh vật gây bệnh cho người.

2. Các cơ sở chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm phải sử dụng thiết bị, dụng cụ, đồ chứa đựng, bao gói đảm bảo không gây ô nhiễm thực phẩm, sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn theo quy định của các cơ quan có thẩm quyền chứng nhận; sử dụng chất tẩy rửa, diệt khuẩn, tiêu độc đảm bảo an toàn sức khỏe con người và không gây ô nhiễm môi trường; sử dụng nguyên liệu đảm bảo chất lượng trong khi chế biến.

3. Cấm sử dụng các hóa chất, phụ gia không nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế để bảo quản, chế biến các sản phẩm gia súc, gia cầm.

4. Các cửa hàng, quầy hàng bán sản phẩm gia súc, gia cầm được bố trí khu vực riêng bán thực phẩm tươi sống tại các chợ, siêu thị, cửa hàng trên đường phố hoặc tầng 1 các khu chung cư cao tầng; cấm buôn bán sản phẩm gia súc gia cầm trên vỉa hè, lòng đường, ngõ xóm và các khu vực công cộng.

5. Cửa hàng bán sản phẩm gia súc, gia cầm phải có diện tích tối thiểu 6m2, có hệ thống cấp nước sạch và thoát nước thải kín. Mặt bàn, phản bán hàng bọc bằng inox lát gạch men hoặc gỗ cứng, nhẵn, cao so với nền nhà tối thiểu 0,8m. Các dụng cụ bán hàng (dao thớt…) sạch sẽ, có cân được kiểm định chuẩn, có tủ bảo ôn để đựng hàng. Quầy hàng bán thịt, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm tại chợ có thể có diện tích nhỏ hơn nhưng không được dưới 3m2/quầy.

6. Hàng hóa khi giao cho khách phải đựng trong bao bì kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện nghiêm túc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

7. Các cơ sở chế biến, cửa hàng, quầy hàng đều phải treo biển hiệu, có hình thức và nội dung theo quy định.

8. Người trực tiếp bán hàng hoặc chế biến trong khi làm việc phải sử dụng trang phục theo quy định.

Điều 6. Tiến trình thực hiện quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm

Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở Thương mại lập kế hoạch quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm để các lò giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố đảm bảo các điều kiện nêu tại điều 3 trên đây và lộ trình chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm thủ công, chuyển các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công sang giết mổ gia súc, gia cầm theo dây chuyền công nghiệp, báo cáo UBND Thành phố phê duyệt trong năm 2008.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của các Sở, Ban Ngành

1. Sở Thương mại:

a. Chịu trách nhiệm chủ trì triển khai thực hiện Quyết định này, tổng hợp tình hình kết quả thực hiện định kỳ hàng tháng, quý báo cáo UBND Thành phố.

b. Nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp trong công tác quản lý các hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến và buôn bán gia súc, gia cầm.

c. Tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

d. Hướng dẫn chi tiết các điều kiện của các cửa hàng, quầy hàng buôn bán; các tiêu chuẩn tổ chức khu vực bán hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, trên các tuyến phố.

2. Sở Y tế:

a. Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, Quận, Huyện tổ chức thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu giết mổ, vận chuyển, chế biến và buôn bán gia súc, gia cầm.

b. Chỉ đạo các cơ sở y tế Thành phố, Quận, Huyện và các Trung tâm Y tế dự phòng tổ chức khám sức khỏe định kỳ và các lớp tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho các đối tượng trực tiếp giết mổ, chế biến, kinh doanh gia súc, gia cầm.

c. Tổ chức kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở giết mổ, chế biến, buôn bán gia súc gia cầm đủ điều kiện.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a. Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra xử lý các vi phạm về vệ sinh thú y; bố trí đủ cán bộ làm việc tại các cơ sở giết mổ, chế biến, buôn bán gia súc gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm, các chốt kiểm dịch động vật.

b. Hướng dẫn chi tiết điều kiện hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

c. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh lân cận kiểm soát chặt chẽ quá trình lưu thông, vận chuyển gia súc, gia cầm giữa các địa phương.

4. Sở Giao thông Công chính:

a. Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công an Thành phố và các ngành liên quan nghiên cứu thiết kế các loại xe chuyên dùng chở gia súc, gia cầm trình UBND Thành phố ký ban hành và hướng dẫn thực hiện.

b. Phối hợp với Công an Thành phố kiểm tra các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm.

5. Công an Thành phố:

a. Chủ trì phối hợp các kiểm tra các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm trong việc chấp hành Luật giao thông đường bộ, Quyết định số 240/2005/QĐ-UB ngày 30/12/2005 của UBND Thành phố và Quyết định này.

b. Phối hợp với các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thương mại kiểm tra việc chấp hành các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y; kiểm soát giết mổ, vận chuyển, chế biến và buôn bán gia súc, gia cầm.

6. Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, UBND các quận, huyện kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thực hiện các quy định bảo vệ môi trường theo phân cấp của Luật bảo vệ môi trường.

7. Sở Văn hóa Thông tin chủ trì phối hợp với các cơ quan tuyên truyền đài báo Trung ương, Hà Nội kịp thời phát hiện, thường xuyên đưa tin biểu dương các Sở, Ngành, Quận, Huyện, Phường, Xã thực hiện tốt Quyết định này, đồng thời phê phán các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm hoặc có vi phạm trong công tác quản lý, kinh doanh các hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến và buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố.

Điều 8. Trách nhiệm của UBND các Quận, Huyện

1. Chịu trách nhiệm toàn diện về thực hiện các quy định quản lý các hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm trên địa bàn quản lý.

2. Tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở giết mổ, người chế biến, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm phải đăng ký kinh doanh, kinh doanh đúng nội dung đăng ký và chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước và Thành phố về công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ, chế biến, vận chuyển và buôn bán gia súc, gia cầm.

3. Chỉ đạo, tổ chức, hoặc hướng dẫn thực hiện xây dựng mới, cải tạo các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo quy hoạch và phân cấp của Ủy ban nhân dân Thành phố. Sắp xếp, chấn chỉnh lại các khu vực buôn bán thực phẩm tươi sống tại các chợ, trên đường phố và trong khu chung cư. Kiểm tra và phối hợp kiểm tra với các ngành liên quan của Thành phố, xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền. Thường xuyên chỉ đạo Ủy ban nhân dân các Phường, Xã, Thị trấn về trách nhiệm quản lý trên địa bàn. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân Thành phố.

Điều 9. Hình thức, mức độ xử lý vi phạm

1. Các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế không tự giác chấp hành Quy định này, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật, các hình thức cụ thể sau:

a. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

b. Đình chỉ các hoạt động về giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm.

c. Phạt tiền, tịch thu tiêu hủy tang vật, tịch thu phương tiện.

2. Thẩm quyền xử lý vi phạm:

a. Chi cục quản lý thị trường xử phạt theo Nghị định 175/2004/NĐ-CP ngày 10/10/2004 của Chính phủ về “Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại”.

b. Thanh tra Y tế xử phạt theo Nghị định 45/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 của Chính phủ về “Xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh an toàn thực phẩm”.

c. Thanh tra Thú y xử phạt theo Nghị định 129/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y”.

d. Các ngành Công an, Giao thông Công chính căn cứ chức năng nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Điều 10. Khen thưởng, kỷ luật

Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Quy định này được xem xét khen thưởng theo quy định. Cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ nếu để xảy ra sai phạm, tùy theo mức độ sai phạm sẽ bị xử lý theo pháp lệnh công chức.

Điều 11. Sửa đổi, bổ sung quy định

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Sở Thương mại có trách nhiệm thống nhất với các Sở, Ngành liên quan, UBND Quận, Huyện những nội dung cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phí Thái Bình