Quyết định số 35/2007/QĐ-UBND ngày 28/08/2007 Ban hành Quy chế phân công trách nhiệm và phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 35/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Tiền Giang
- Ngày ban hành: 28-08-2007
- Ngày có hiệu lực: 07-09-2007
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 05-11-2010
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1155 ngày (3 năm 2 tháng 0 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 05-11-2010
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 35/2007/QĐ-UBND | Mỹ Tho, ngày 28 tháng 8 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa ngày 24/12/1999;
Căn cứ Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ngày 21/10/2004 của Chính phủ Quy định quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy chế phân công trách nhiệm và phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2009/1998/QĐ.UB ngày 30/7/1998 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc ban hành Quy chế phân công trách nhiệm và phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY CHẾ
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 35/2007/QĐ-UBND ngày 28 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế này quy định trách nhiệm và phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành (gọi tắt là các Sở chuyên ngành) trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) đối với hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Ngoài việc thực hiện Quy chế này, các Sở chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện còn phải thực hiện các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan (như: Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Dược…).
Điều 2. Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối, phối hợp với các Sở chuyên ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh đúng theo quy định của pháp luật.
Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh thuộc Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan trực tiếp giúp Sở Khoa học và Công nghệ trong công tác tham mưu, quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Nội dung thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các Sở chuyên ngành, như sau:
1. Tổ chức tuyên truyền, tổ chức thực hiện trong nội bộ ngành các quy định của pháp luật về quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành; đề xuất và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quy chuẩn kỹ thuật địa phương, các văn bản hướng dẫn đối với công tác quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đồng thời, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm khắc phục những quy định bất cập, gây cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Riêng công tác tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật chung về quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở chuyên ngành thực hiện.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện, kế hoạch công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dành kinh phí thích hợp để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, mua sắm các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
3. Hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức (các hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp…), cơ sở sản xuất xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tiếp nhận, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy trên các lĩnh vực sản phẩm, hàng hóa được phân công.
4. Chủ trì và phối hợp chặt chẽ với các Sở chuyên ngành có liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa (từ khâu chuẩn bị sản xuất đến tạo ra sản phẩm và lưu thông trên thị trường).
5. Tổ chức tiếp nhận và giải quyết hoặc chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm để giải quyết các khiếu nại, tố cáo và các kiến nghị về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
6. Xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với hoạt động sản xuất hàng hóa kém chất lượng, hàng giả hoặc kiến nghị với các cơ quan pháp luật xử lý những vụ việc có dấu hiệu phạm tội.
Điều 4. Đối với các sản phẩm, hàng hóa đặc thù theo Điều 5 của Quy chế này, Giám đốc các Sở chuyên ngành chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về những việc sau đây:
1. Tổ chức thực hiện hoặc tham gia phối hợp với các cơ quan có liên quan để thực hiện công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh đúng theo pháp luật; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng ngày càng cao nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.
2. Không ngừng nâng cao năng lực quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh, từ quy hoạch định hướng phát triển sản xuất đến sản xuất ra sản phẩm và tiêu thụ trên thị trường.
Chương II
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
Điều 5. Phân công trách nhiệm các Sở chuyên ngành thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với các sản phẩm, hàng hóa đặc thù, như sau:
1. Sở Y tế: các loại nguyên liệu làm thuốc và các loại thuốc phòng và chữa bệnh cho người, các loại vắc xin, sinh phẩm y tế; các loại vật tư vệ sinh, trang thiết bị y tế; xà phòng, hóa chất gia dụng, phấn rôm, thuốc đánh răng, mỹ phẩm; vệ sinh an toàn thực phẩm, nước ăn uống, nước sinh hoạt.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: giống cây trồng, giống vật nuôi, các chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt và chăn nuôi; thuốc thú y, vật tư nông nghiệp, lâm nghiệp và diêm nghiệp; chất bảo quản nông sản, lâm sản và công trình thủy lợi.
3. Sở Thủy sản: thủy sản, thực phẩm thủy sản xuất khẩu; giống thủy sản, thức ăn nuôi trồng thủy sản, thuốc thú y thủy sản, các loại vật tư, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản; ngư lưới, dụng cụ đánh bắt thủy sản; các thiết bị đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn trong ngành thủy sản.
4. Sở Giao thông Vận tải: phương tiện giao thông cơ giới và các thiết bị liên quan đến an toàn cho người và phương tiện giao thông vận tải (đường bộ, đường thủy, đường sắt); phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng; container, nồi hơi, bình chịu áp lực và các phương tiện, thiết bị chuyên dùng khác sử dụng trong giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng hải; các công trình hạ tầng giao thông.
5. Sở Xây dựng: công trình xây dựng, vật liệu xây dựng.
6. Sở Công nghiệp: hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp; máy, trang thiết bị kỹ thuật dùng cho công nghiệp và tiêu dùng; các phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng sử dụng trong thăm dò, khai thác mỏ và luyện kim; các thiết bị sản xuất hóa chất, vật liệu nổ; các thiết bị sản xuất trong công nghiệp chế biến thực phẩm.
7. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, an toàn đối với công trình vui chơi công cộng.
8. Sở Bưu chính, Viễn thông: sản phẩm bưu chính, viễn thông; sản phẩm công nghệ thông tin.
9. Sở Văn hóa - Thông tin: sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật, thông tin báo chí.
10. Sở Tài nguyên và Môi trường: các sản phẩm về đo đạc bản đồ và địa chất khóang sản, các sản phẩm điều tra cơ bản và dự báo về tài nguyên môi trường; các thành phần môi trường như đất, nước, không khí.
11. Sở Thương mại - Du lịch: dịch vụ thương mại, thương mại điện tử.
12. Sở Giáo dục - Đào tạo: sách giáo khoa, sách nghiên cứu, sách khoa học kỹ thuật; đồ dùng dạy học và thiết bị kỹ thuật dùng trong nhà trường.
13. Sở Tài chính: các sản phẩm liên quan đến dự trữ quốc gia, kinh doanh xổ số, hoạt động chứng khoán, dịch vụ bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế, thẩm định giá, hải quan.
14. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Tiền Giang: tiền tệ, hoạt động ngân hàng, các thiết bị chuyên dùng cho ngân hàng.
15. Sở Thể dục Thể thao: công trình thể thao, trang thiết bị luyện tập, thi đấu của các cơ sở thể dục thể thao và của các môn thể thao.
16. Sở Khoa học và Công nghệ: thiết bị an toàn bức xạ hạt nhân; các nguồn phóng xạ; phương tiện, dụng cụ đo lường và các sản phẩm, hàng hóa khác (trừ các sản phẩm, hàng hóa đã nêu tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15 của Điều 5 Quy chế này và các sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia).
Đối với các Sở chuyên ngành đã có các Thông tư liên bộ hướng dẫn hoặc Quyết định hướng dẫn của Bộ, ngành chủ quản thì thực hiện theo các văn bản hướng dẫn đã ban hành. Trong trường hợp có sự chưa phù hợp về lĩnh vực được phân công quản lý giữa các Sở chuyên ngành theo Quy chế này thì Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cho phù hợp.
Điều 6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, như sau:
1. Tổ chức thực hiện và tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; thúc đẩy sản xuất phát triển, mở rộng giao lưu hàng hóa theo quy định của pháp luật, phục vụ tốt yêu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.
2. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện phối hợp với các Sở chuyên ngành thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong việc chấp hành pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời những hoạt động sản xuất hàng kém phẩm chất hoặc hàng gian, hàng giả đúng theo quy định pháp luật.
3. Chỉ đạo xử lý các vụ việc vi phạm về sản xuất sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, hàng giả trên địa bàn, giải quyết kịp thời các khiếu nại tố cáo của công dân về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo thẩm quyền, đúng theo quy định pháp luật.
4. Tham gia ý kiến với các Sở chuyên ngành có liên quan, với Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật có liên quan đến công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; báo cáo hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tại địa phương theo yêu cầu của các Sở chuyên ngành.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Giao thủ trưởng các Sở chuyên ngành:
1. Tổ chức triển khai, phân công cụ thể các đơn vị trực thuộc thực hiện Quy chế này; tăng cường tiềm lực về con người, cơ sở vật chất… để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý.
2. Xây dựng kế hoạch phối hợp công tác cụ thể với các ngành, địa phương có liên quan. Trong đó, cần quy định phương thức, biện pháp, tổ chức quản lý, tổ chức thực hiện, công việc thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa… có hiệu quả, tránh chồng chéo, gây phiền hà cho các doanh nghiệp, các tổ chức.
3. Hàng năm, chậm nhất vào ngày 30/8, các Sở chuyên ngành xây dựng kế hoạch hoạt động về công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành, bao gồm: công tác quản lý chất lượng, thông tin tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, thanh tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa… cho năm sau, gửi về đầu mối cơ quan Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
4. Định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và cuối năm tổng hợp, báo cáo tình hình công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi được phân công, gửi Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định.
Điều 8. Giao Sở Khoa học và Công nghệ:
1. Hướng dẫn các Sở chuyên ngành, cơ quan chuyên môn cấp huyện trong việc tổ chức thực hiện Quy chế này và theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện.
2. Hướng dẫn các Sở chuyên ngành củng cố hệ thống phòng thử nghiệm hiện có. Đồng thời tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch, tổ chức xây dựng hệ thống phòng thử nghiệm được công nhận và các đơn vị sự nghiệp kỹ thuật, các cơ quan chức năng khác… để hỗ trợ có hiệu quả công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; phối hợp cùng các ngành chức năng của tỉnh có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại địa phương.
3. Hàng năm, vào cuối quý III tổng hợp các kế hoạch hoạt động về công tác quản lý chất lượng của các Sở chuyên ngành, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và gửi về Bộ Khoa học và Công nghệ.
4. Tổng hợp tình hình công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong tỉnh theo định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ. Đồng thời, thông báo cho các Sở chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện được biết để phối hợp thực hiện.
5. Tổng hợp các kiến nghị của các Sở chuyên ngành, của Ủy ban nhân dân cấp huyện, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị với Trung ương các vấn đề có liên quan đến công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh những biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
6. Chủ trì, phối hợp với các Sở chuyên ngành, các cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh và Quy chế này, đề ra phương hướng hoạt động trong thời gian tới; đồng thời, biểu dương khen thưởng kịp thời các đơn vị, các cá nhân điển hình, có thành tích trong công tác quản lý, thực hiện tốt chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Điều 9. Ủy ban nhân dân cấp huyện:
- Triển khai, thực hiện Quy chế này trên địa bàn phụ trách;
- Phối hợp với các Sở chuyên ngành trong công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
- Phân công các cơ quan chuyên môn cấp huyện giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn.
Điều 10. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề có liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa thực hiện theo quy định tại Nghị định số 61/1998/NĐ-CP ngày 15/8/1998 của Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp; Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ban hành ngày 21/10/2004 của Chính phủ quy định quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 126/2005/NĐ-CP ngày 10/10/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hóa, Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa; Quyết định số 26/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2006 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường trong nước và xuất khẩu, nhập khẩu và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan./.