cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 93/2007/QĐ-UBND ngày 23/08/2007 Về việc tập trung nuôi dưỡng người lang thang xin ăn, người tâm thần lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 93/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Ngày ban hành: 23-08-2007
  • Ngày có hiệu lực: 02-09-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 26-07-2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 693 ngày (1 năm 10 tháng 28 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 26-07-2009
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 26-07-2009, Quyết định số 93/2007/QĐ-UBND ngày 23/08/2007 Về việc tập trung nuôi dưỡng người lang thang xin ăn, người tâm thần lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 90/2009/QĐ-UBND ngày 16/07/2009 Về tập trung nuôi dưỡng người lang thang xin ăn, người tâm thần lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 93/2007/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 23 tháng 08 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC TẬP TRUNG NUÔI DƯỠNG NGƯỜI LANG THANG XIN ĂN, NGƯỜI TÂM THẦN LANG THANG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 25/2001/NĐ-CP ngày 31/5/2001 của Chính phủ ban hành Quy chế thành lập và hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội;
Căn cứ Thông tư số 10/2002/TT-LĐTBXH ngày 12/6/2002 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế thành lập và hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 25/2001/NĐ-CP ngày 31/5/2001 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội;
Căn cứ Thông tư số 09/2007/TT-BLĐTBXH ngày 13/7/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội;
Xét đề nghị của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 347/TTr-LĐTBXH ngày 11/4/2007 và Công văn số 702/LĐTBXH-BTXH ngày 04/7/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Tập trung các đối tượng là người lang thang xin ăn và người tâm thần lang thang trên địa bàn Thành phố đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc bệnh viện tâm thần để nuôi dưỡng, khám điều trị và chuyển trả về gia đình, địa phương.

Điều 2. Quy trình tập trung chuyển giao đối tượng

1. UBND xã, phường, thị trấn tổ chức tập trung các đối tượng quy định tại Điều 1, lập biên bản, chuyển giao cho Trung tâm Bảo trợ xã hội I (thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội) hoặc Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 (thuộc Sở Y tế) để nuôi dưỡng, điều trị, xác định địa chỉ cư trú.

2. Đối với người xin ăn (kể cả người đi kèm): Trung tâm Bảo trợ xã hội I có trách nhiệm tiếp nhận, nuôi dưỡng trong thời hạn không quá 30 ngày và giải quyết như sau:

a. Trường hợp xác định được địa chỉ cư trú: Mời gia đình đến cam kết, tiếp nhận; thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của đối tượng để phối hợp quản lý, giáo dục, tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho đối tượng.

b. Trường hợp lặp lại từ lần thứ hai trở lên hoặc không xác định được địa chỉ cư trú: Chuyển lên Trung tâm Bảo trợ xã hội IV thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội nuôi dưỡng, quản lý trong thời gian tối đa là 03 tháng, tiếp tục xác định địa chỉ, quê quán để chuyển trả về gia đình, địa phương.

3. Đối với người tâm thần lang thang: Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 có trách nhiệm tiếp nhận, đưa đối tượng vào Bệnh viện để khám, điều trị và giải quyết như sau:

a. Đối tượng đang cư trú tại Hà Nội: chuyển Bệnh viện Tâm thần Hà Nội để khám, điều trị và thông báo cho gia đình phối hợp chăm sóc, quản lý.

b. Đối tượng không xác định được địa chỉ cư trú (có kết luận bằng văn bản của bệnh viện tâm thần) và đối tượng đã được tập trung từ lần thứ hai trở lên (có xác nhận của Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115): chuyển đến cơ sở điều dưỡng người tâm thần thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội để nuôi dưỡng.

4. Đối với người lang thang ốm yếu, suy kiệt, UBND xã, phường, thị trấn thông báo kịp thời cho Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 để chuyển bệnh viện khám, điều trị, sau khi ổn định sức khỏe giải quyết như sau:

a. Nếu xác định được địa chỉ cư trú, bệnh viện mời gia đình đến cam kết, tiếp nhận.

b. Nếu không xác định được địa chỉ cư trú, bệnh viện có công văn gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội để ra quyết định tiếp nhận nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội IV.

Điều 3. Trách nhiệm thực hiện

1. UBND xã, phường, thị trấn:

a. Tổ chức tập trung người lang thang xin ăn, người tâm thần lang thang trên địa bàn và thông báo kịp thời cho Trung tâm Bảo trợ xã hội I hoặc Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 đến tiếp nhận.

b. Tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân phát hiện, thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn tập trung kịp thời người lang thang xin ăn, người tâm thần lang thang trên địa bàn.

2. UBND quận huyện: Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện quyết định; phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động, quản lý, giáo dục đối tượng của địa phương và có kế hoạch hỗ trợ để họ ổn định cuộc sống.

3. Sở Lao động Thương binh và Xã hội:

a. Chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội I tiếp nhận người lang thang xin ăn được các xã, phường, thị trấn tập trung để lập hồ sơ, nuôi dưỡng, quản lý và chuyển trả về gia đình, địa phương theo quy định.

b. Ra quyết định tiếp nhận đối tượng tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều 2 để nuôi dưỡng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội của Thành phố.

c. Phối hợp với các sở liên quan hướng dẫn cụ thể quy trình tập trung, tiếp nhận nuôi dưỡng người lang thang xin ăn, người tâm thần lang thang; đôn đốc, kiểm tra các đơn vị liên quan thực hiện theo đúng quy định; hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo UBND Thành phố.

d. Dự trù kinh phí thực hiện hằng năm trình UBND Thành phố quyết định.

4. Sở Y tế:

a. Chỉ đạo Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 tiếp nhận người tâm thần lang thang và người lang thang ốm yếu, suy kiệt chuyển đến Bệnh viện khám, điều trị.

b. Chỉ đạo các bệnh viện của Thành phố tiếp nhận, khám điều trị, phân loại giải quyết các đối tượng tại khoản 3, khoản 4 Điều 2.

5. Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính: phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan bố trí kinh phí thực hiện quyết định, hướng dẫn quản lý, chi và thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ các quy định trước đây của UBND Thành phố trái với Quyết định này.

Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Lao động Thương binh và Xã hội, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Du lịch, Văn hóa Thông tin, Công an Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ LĐTB&XH;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL) (để b/c);
- TT Thành ủy, TT HĐND TP (để b/c);
- Đ/c Chủ tịch UBND TP (để b/c);
- Các đ/c PCT UBND TP;
- UB MTTQ TP;
- Ban Tuyên giáo TU, Ban VX HĐND TP;
- UB DSGĐ&TE TP;
- LĐLĐ, các Hội LHPN, CCB, ND,
Cựu TNXP, Đoàn TNCS HCM TP;
- Công báo Hà Nội;
- CPVP, VX, KT, NC, TH, PC;
- Lưu VT

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Thị Thanh Hằng